(Baothanhhoa.vn) - Tháng bảy về, hàng triệu trái tim trên đất nước hình chữ S lại lặng mình tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho hòa bình, độc lập và tri ân cho những người trở về sau bom đạn, khói lửa của chiến tranh với một phần máu xương đã để lại nơi chiến trường để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc, cho Nhân dân.

Tháng bảy tri ân, tháng bảy nghĩa tình

Tháng bảy về, hàng triệu trái tim trên đất nước hình chữ S lại lặng mình tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho hòa bình, độc lập và tri ân cho những người trở về sau bom đạn, khói lửa của chiến tranh với một phần máu xương đã để lại nơi chiến trường để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc, cho Nhân dân.

Tháng bảy tri ân, tháng bảy nghĩa tình

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thăm, tặng quà vợ liệt sĩ Mai Thị Lục, thôn Long Tiến, xã Yên Trung (Yên Định).

Không nằm ngoài dòng chảy đó, cùng với Nhân dân cả nước, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang hướng về kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2022) với tình cảm tri ân sâu sắc, những hành động thiết thực nhằm chăm lo chu đáo cho những người không tiếc máu xương, đã hiến dâng đời mình cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Những ngày này, đi đến địa phương nào cũng bắt gặp những hoạt động, nghĩa cử cao đẹp, cử chỉ ấm áp, nghĩa tình hướng về tháng bảy tri ân, như: tu sửa, chỉnh trang, làm vệ sinh các bia, đài tưởng niệm, các công trình ghi công, phần mộ, đền thờ liệt sĩ... Đó là những màu áo xanh tình nguyện, áo blouse trắng thực hiện khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách, các thương, bệnh binh, người già neo đơn, người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Hay là những đoàn thăm hỏi, tặng quà và hỗ trợ cho người có công, gia đình chính sách, phụng dưỡng, chăm sóc Mẹ Việt Nam Anh hùng... Ngoài ra, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương, nhà hảo tâm trong tỉnh còn tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” với nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, đầy trách nhiệm và nghĩa tình. Để cuộc sống của các thương binh, bệnh bình, thân nhân liệt sĩ và những người có công với cách mạng ngày càng được đầy đủ, tốt đẹp hơn.

Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành hoạt động thường xuyên và sâu rộng trong mọi tầng lớp Nhân dân. Họ đã tự nguyện đóng góp, vận động, tổ chức nhiều hoạt động, như: tặng nhà tình nghĩa, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Tổ thương binh tình nghĩa”, “Đi tìm đồng đội”, "Xã, phường làm tốt công tác chăm sóc người có công, xây tặng và sửa chữa nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, tặng vườn cây tình nghĩa”, “Nhận phụng dưỡng suốt đời Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, chăm sóc thương binh, bệnh binh nặng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ và các phần mộ liệt sĩ... Ngoài ra, Đảng, Nhà nước ta còn có các chính sách ưu đãi về giáo dục và đào tạo, miễn giảm thuế, ưu tiên giao đất sản xuất, cải thiện nhà ở đất ở, chăm sóc sức khỏe, các chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình chính sách...; mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp để phục vụ thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công; đẩy mạnh công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng và tu bổ tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ; thông báo phần mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang và giúp đỡ gia đình người thân của liệt sĩ đến thăm viếng...

Trải qua các cuộc chiến tranh, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 350.045 người có công, trong đó có 4.630 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (96 mẹ còn sống); gần 500 cán bộ lão thành cách mạng; gần 900 cán bộ tiền khởi nghĩa; 56.000 liệt sĩ; 44.000 thương binh; hơn 15.000 bệnh binh; hơn 100 Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động và gần 20.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học... Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách thường xuyên, từ năm 2018 đến nay, ngành lao động - thương binh và xã hội đã tổ chức điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại nhà cho khoảng 28.000 người có công; cấp thẻ BHYT cho 100% người có công và thân nhân của họ; hoàn thiện hồ sơ, đề nghị Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý cho 94 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, xét duyệt và giải quyết chế độ, chính sách mới cho 919 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, thiết lập hồ sơ theo quy định và đề nghị công nhận 45 trường hợp là liệt sĩ, 373 trường hợp được xác nhận là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; xét duyệt và chi trả trợ cấp cho 4.713 người được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen trong kháng chiến; thực hiện chế độ tuất, mai táng phí, ưu đãi học sinh, sinh viên đối với 7.118 thân nhân người có công, tiếp nhận và di chuyển 1.237 hồ sơ người có công; trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp đổi Bằng Tổ quốc ghi công cho 3.481 liệt sĩ... Có thể khẳng định, các hoạt động tri ân hướng tới kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ đã thật sự trở thành một phong trào rộng khắp trong các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh với nhiều hình thức tổ chức, nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội.

Và, tháng bảy về như một dấu ấn đi vào lịch sử đất nước, nhắc nhở mọi người về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Và rồi tháng bảy sẽ qua đi, thế nhưng những nghĩa cử tri ân, nghĩa tình vẫn đang tiếp diễn theo dòng chảy thời gian, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đây cũng là dịp giáo dục ý thức trách nhiệm, lòng biết ơn đối với các Anh hùng liệt sĩ không tiếc xương máu vì sự tồn vong của Tổ quốc, của dân tộc.

Bài và ảnh: Xuân Minh


Bài và ảnh: Xuân Minh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]