(Baothanhhoa.vn) - Tết Nhâm Dần năm 2022, nhiều người con xa xứ không thể trở về quê hương để đón tết cùng gia đình. Thế nhưng, tết Việt - bản sắc văn hóa Việt vẫn mãi là dấu ấn văn hóa trường tồn trong tâm hồn mỗi người Việt. Dù có đi bốn phương trời, khắc sâu trong tâm trí những người Việt xa quê vẫn thấm đẫm “mùi vị”, không khí đón tết của quê nhà...

Tết của những người Việt xa xứ...

Tết Nhâm Dần năm 2022, nhiều người con xa xứ không thể trở về quê hương để đón tết cùng gia đình. Thế nhưng, tết Việt - bản sắc văn hóa Việt vẫn mãi là dấu ấn văn hóa trường tồn trong tâm hồn mỗi người Việt. Dù có đi bốn phương trời, khắc sâu trong tâm trí những người Việt xa quê vẫn thấm đẫm “mùi vị”, không khí đón tết của quê nhà...

Tết của những người Việt xa xứ...Các du học sinh Việt Nam tại Canada mua sắm thực phẩm chuẩn bị đón Tết Nhâm Dần 2022.

Đây là năm thứ 2 chị Trịnh Thị Chung (quê Thanh Hóa) đón tết tại nước Đức, nhưng trước đó chị Chung đã có 18 năm đón tết tại Cộng hòa Séc. Chia sẻ với chúng tôi, chị Trịnh Thị Chung bộc bạch: “Mới định cư ở Đức nên mình chưa liên lạc được với nhiều đồng hương ở đây, nên không khí đón tết năm nay với mình khá trầm lắng, nhưng không vì thế mà việc chuẩn bị để đón tết cổ truyền mất đi hương vị truyền thống của quê nhà. Tranh thủ sau giờ đi làm, mình đã mua sắm đầy đủ đồ ăn cho đến vật dụng trang trí, cố gắng làm sao để có một cái tết trọn vẹn, đủ đầy nhất!”. Nói đến đây, chị Chung lại bồi hồi nhớ đến tết xưa khi còn ở Việt Nam. Chị kể: “Khi còn ở Việt Nam, mình thích nhất không khí nhộn nhịp chuẩn bị mua sắm trước tết. Những ngày cuối năm, ngày nào mình cũng dậy rất sớm để đi mua bánh, kẹo, hoa, quả. Chợ sáng 30 thật tấp nập nhưng dường như ai cũng vui cười và nhẹ nhàng với nhau. Có lẽ ngày 30 là ngày mình bận rộn nấu nướng nhất trong năm nhưng bù lại đến chiều tối, cả nhà ngồi quây quần bên nhau với bữa cơm tất niên thật ấm cúng”. Chị Chung cũng cho biết: “Ở nơi xứ người, dù không có bàn thờ, bát hương thờ cúng tổ tiên, nhưng ngày 30 tết mình thường làm mâm cơm tưởng nhớ ông, bà tổ tiên ở Việt Nam. Mâm cơm có một số món truyền thống như nem rán, giò, canh măng - mọc, xôi và bánh chưng. Sang năm mới, mình vẫn duy trì truyền thống khi ở Việt Nam, cùng các con đi lễ chùa đầu năm, vẫn nấu món ăn truyền thống để gia đình quây quần bên mâm cơm ngày tết. Mình mong rằng ở nơi quê nhà, người dân Việt Nam cũng được đón tết sum vầy, đầm ấm”.

Anh Lưu Hoàng Việt Anh (TP Thanh Hóa), một du học sinh đã ở Canada được 4 năm, chia sẻ: “Những năm trước, mình cùng nhiều bạn trẻ và các gia đình người Việt ở Canada vẫn tổ chức đón tết cùng nhau vô cùng đầm ấm, vui vẻ nhưng 2 năm nay dịch bệnh COVID-19 đã “cướp đi” của mọi người nhiều thứ quá, bao gồm cả cái tết cổ truyền quây quần, ấm áp cùng nhau ở nơi xứ người”. Anh Lưu Hoàng Việt Anh cho biết: “Khi dịch bệnh COVID-19 chưa xuất hiện, vào những ngày tết cổ truyền của Việt Nam, tại nước Canada, mình và bạn ở chung nhà sẽ dọn dẹp nhà cửa, mua sắm trái cây, nước ngọt và chuẩn bị đồ ăn để hân hoan đón mọi người đến chơi tết. Tuy có lệch nhau về múi giờ nhưng đó không phải là rào cản lớn để những người Việt xa quê như chúng mình có thêm cơ hội xích lại gần nhau hơn”.

Để nỗi nhớ quê nhà được nguôi ngoai và cũng để gia đình được đón tết ở xứ lạ được trọn vẹn, cộng đồng người Việt ở Cộng hòa Séc luôn cố gắng tìm cách để tổ chức được một cái tết sum vầy, gần gũi nhất với tết cổ truyền Việt Nam. Anh Đoàn Văn Sơn (đang sống tại Praha) cho biết: “Để có được một cái tết thực sự có ý nghĩa và gần gũi, mình cũng như nhiều người Việt đã tìm mọi cách khắc phục khó khăn. Ở bên này, tuy có siêu thị của người Việt, một số cửa hàng bán hàng Việt hay hàng hóa châu Á nhưng cũng không được phong phú, đa dạng, giá cả cũng không phải rẻ, thậm chí nhiều mặt hàng còn khá đắt đỏ. Dù sao thì cái tết xa xứ cũng có chút buồn, vì không khí xung quanh vẫn như mọi ngày. Cùng với đó, do lệch múi giờ nên mình cũng như một số người Việt vẫn phải làm việc trong thời khắc giao thừa. Để “đón tết”, sau giờ làm việc, về đến nhà mình thường dành thời gian xem không khí tết trong nước, nói chuyện với người thân, bạn bè qua các phương tiện liên lạc hiện đại. Qua đó, cũng giúp mình được cảm nhận mùa xuân, không khí rộn ràng, tươi vui của tết cổ truyền ở quê nhà”.

Nơi quê nhà những ngày cuối năm, khắp nơi trên dải đất hình chữ S của đất nước đang vang lên những giai điệu rộn vang, hạnh phúc để đón chào một mùa xuân mới, đón chào một năm mới với thật nhiều niềm vui, tiếng cười và xua tan những khó khăn của một năm cũ với nhiều thiên tai, dịch bệnh... Đây cũng là mong ước chung của những người Việt xa xứ không thể trở về quê hương đón tết sum vầy cùng gia đình nhưng lòng luôn hướng về quê nhà với tình yêu, nỗi nhớ cùng những lời cầu chúc bình an, hạnh phúc, vạn sự như ý...

Bài và ảnh: Lê Phượng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]