(Baothanhhoa.vn) - Từ tháng 1 đến tháng 3 là thời gian người chăn nuôi tập trung tái đàn, đây cũng là thời điểm giao mùa, độ ẩm cao, thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan. Vì vậy, người chăn nuôi nên chủ động, tích cực thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

Tập trung phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm

Từ tháng 1 đến tháng 3 là thời gian người chăn nuôi tập trung tái đàn, đây cũng là thời điểm giao mùa, độ ẩm cao, thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan. Vì vậy, người chăn nuôi nên chủ động, tích cực thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

Tập trung phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầmTrang trại chăn nuôi gia cầm của ông Nguyễn Chí Cường, xã Đông Phú (Đông Sơn).

Qua nhiều năm phát triển trang trại chăn nuôi gia cầm, ông Nguyễn Chí Cường, xã Đông Phú (Đông Sơn) luôn chú trọng thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường. Ý thức được các loại dịch bệnh nguy hiểm có thể tái phát, gây hại cho vật nuôi bất cứ lúc nào, bên cạnh thực hiện nhiều biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, như: Thường xuyên thực hiện vệ sinh chuồng trại, lựa chọn con giống có nguồn gốc, được kiểm định chất lượng và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin, thực hiện nuôi cách ly theo thời gian quy định trước khi đưa vào nuôi trong đàn,... ông Cường còn ứng dụng công nghệ đệm lót lên men để hạn chế ô nhiễm môi trường. Theo ông Cường, nguyên liệu làm đệm lót chủ yếu là trấu và mùn cưa, sử dụng men vi sinh Balasa N01 phối trộn cùng cám gạo và bột bắp. Từ đó, sẽ tạo ra vi sinh vật có ích cấu tạo thành sợi men giúp phân hủy chất thải trong chăn nuôi. Sử dụng đệm lót men sinh học này trong khoảng thời gian 6 tháng tiến hành thay thế bề mặt trên và rải lớp lót mới, chi phí làm đệm lót có giá thành thấp và dễ dàng tìm mua trên thị trường... Chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học giúp đàn gia cầm của gia đình ông khỏe mạnh. Hiệu quả của phương pháp này là việc phân giải chất thải làm cho mùi hôi, khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi, từ đó, hạn chế tác động gây bệnh ở đàn gia cầm.

Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch bệnh được các cấp, các ngành và người dân trong tỉnh quan tâm thực hiện nên đã ngăn chặn, khống chế có hiệu quả các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm. Tuy vậy, thời gian tới, vẫn có nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập, lây lan và bùng phát do các nguyên nhân, như: Tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh ta rất lớn, khoảng 23 triệu con và chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ (chiếm 87%); bệnh cúm gia cầm có nhiều chủng gây bệnh trên gia cầm, có thể lây sang người như A/H5N1, A/H5N6, A/H7N9, A/H5N8... và lây lan qua nhiều con đường như vận chuyển gia cầm, di cư của chim hoang dã, đặc biệt là một số chủng lưu hành trên đàn thủy cầm với tỷ lệ rất cao khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ bùng phát. Bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có thuốc điều trị và vắc-xin phòng bệnh; nhất là hiện nay, một số loại dịch bệnh nguy hiểm ở động vật vẫn đang diễn biến rất phức tạp, xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước và có chiều hướng lây lan sang các địa phương khác gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi.

Vì vậy, để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe con người, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, trọng tâm là công tác giám sát dịch bệnh, quản lý chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc, khử trùng, công tác tái đàn, các biện pháp xử lý các ổ dịch... Bên cạnh đó, để chủ động tạo miễn dịch, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh phát sinh, lây lan, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo, tổ chức tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2022 theo đúng kế hoạch của UBND tỉnh và các hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hoàn thành công tác tiêm phòng đợt 1 năm 2022 trước ngày 30-4-2022. Theo đó, từ năm 2022, thực hiện tiêm phòng bắt buộc 3 loại vắc-xin cho đàn trâu, bò (vắc-xin viêm da nổi cục, vắc-xin tụ huyết trùng và vắc-xin lở mồm, long móng), nhưng do đặc tính của vắc-xin viêm da nổi cục phải tiêm trước 7 ngày hoặc sau 7 ngày tiêm các loại vắc-xin khác nên đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế tổ chức tiêm phòng tại địa phương cho phù hợp; đối với tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm, do tình hình dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N8 đã diễn biến phức tạp có nguy cơ xâm nhập, bùng phát, gây thiệt hại lớn cho đàn gia cầm của tỉnh nên cần tập trung nguồn lực, tổ chức triển khai tiêm phòng sớm, triệt để, bảo đảm đạt tỷ lệ 100% gia cầm thuộc diện tiêm phòng theo đúng kế hoạch. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Bài và ảnh: Lê Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]