(Baothanhhoa.vn) - Căn cứ vào Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành công thương đến năm 2030, Sở Công Thương Thanh Hóa ban hành “Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công thương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030” nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh.

Tái cơ cấu ngành công thương để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế

Căn cứ vào Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành công thương đến năm 2030, Sở Công Thương Thanh Hóa ban hành “Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công thương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030” nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh.

Tái cơ cấu ngành công thương để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tếLĩnh vực thương mại dịch vụ là một trong những mục tiêu trọng tâm của kế hoạch tái cơ cấu ngành công thương. Trong ảnh: Sản phẩm nhập khẩu cao cấp được bày bán tại cửa hàng Luxury Foods, phường Đông Hương (TP Thanh Hóa).

Kế hoạch đã chỉ ra mục tiêu là phát triển ngành công nghiệp theo hướng kết hợp hài hòa cả bề rộng và chiều sâu, đặc biệt chú trọng phát triển theo chiều sâu. Trong đó có cơ chế, chính sách đột phá để thu hút và mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh, đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp nặng, trọng tâm là phát triển công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo. Phát triển hợp lý các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động để giải quyết việc làm, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế; ưu tiên thu hút một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao để tạo ra các động lực tăng trưởng mới. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, từng bước hình thành và phát triển một số cụm liên kết các ngành công nghiệp chủ lực.

Kế hoạch nêu rõ tầm quan trọng của lĩnh vực thương mại dịch vụ, trong đó mục tiêu phát triển nhanh và đa dạng các loại hình dịch vụ, sản phẩm dịch vụ chất lượng cao với giá trị gia tăng lớn. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại, khuyến khích mở rộng thêm các hệ thống siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi... Hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối, thực hiện chuyển dịch hệ thống phân phối truyền thống sang các loại hình phân phối hiện đại.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 16,4%/năm, ngành dịch vụ tăng 8,9% năm; giai đoạn 2026-2030 công nghiệp tăng khoảng 12,1% năm, ngành dịch vụ tăng 8,5% năm. Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2030 đạt 15 tỷ USD. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân từ 14,6%/năm. Tỷ trọng doanh số thương mại điện tử B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 10% vào năm 2025 và đạt 13% vào năm 2030.

Kế hoạch cũng nêu cụ thể, tập trung phát triển hoàn chỉnh hệ thống sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh thông qua việc nâng cấp và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp. Chú trọng nội địa hóa chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và tăng cường tính tự chủ, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Thanh Hóa trong chuỗi giá trị. Đặc biệt, xanh hóa các ngành công nghiệp, đảm bảo sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên và năng lượng trong các ngành công nghiệp. Đáng chú ý, việc phát triển sản phẩm cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất, vật liệu và công nghiệp phục vụ phát triển ngành cơ khí tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã giúp ngành công nghiệp hình thành và phát huy hiệu quả; tạo động lực tăng trưởng và thúc đẩy các ngành công nghiệp khác.

Tái cơ cấu ngành công thương để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tếCông nhân lao động tại nhà xưởng của Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu thực phẩm Sao Mai (TP Thanh Hóa).

Theo Sở Công Thương, giai đoạn tiếp theo ngành công nghiệp tiếp tục phát triển và nâng cấp lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu nhằm nâng cao sức cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như dệt may, hóa chất, hóa dược, chế biến nông, lâm, thủy sản... gắn với tăng cường cải tiến quy trình và công nghệ sản xuất thông minh, tự động hóa. Tăng cường ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ với các doanh nghiệp tiên tiến trong và ngoài nước nhằm nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh. Thu hút đầu tư dự án công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, giày da có công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường để cung cấp nguyên liệu tại chỗ cho ngành may mặc, giày da của tỉnh.

Bên cạnh đó, tăng cường đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để không phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ các cuộc xung đột thương mại. Chú trọng phát triển xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới, hệ thống phân phối nước ngoài. Tranh thủ tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) thế hệ mới và hoạt động đối ngoại của tỉnh để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, khai thác tối đa các nguồn hàng trong và ngoài tỉnh để gia tăng giá trị xuất khẩu; tăng cường hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đáp ứng tiêu chuẩn, quy định của thị trường xuất khẩu và các quy tắc nguồn gốc xuất xứ để tận dụng có hiệu quả các FTAs đã ký kết. Hỗ trợ doanh nghiệp chủ động ứng phó và xử lý có hiệu quả các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu.

Ngoài ra, còn tập trung hỗ trợ, hình thành và phát triển các doanh nghiệp thương mại lớn có khả năng dẫn dắt thị trường, làm chủ hệ thống kho hàng, trung tâm logistics và nguồn cung ứng hàng hóa nhằm ổn định cung cầu thị trường. Hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp, HTX thương mại, hộ kinh doanh thực hiện chuyển dịch hệ thống phân phối sang các loại hình phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi. Hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa tiêu dùng trong nước, ưu tiên phát triển các chuỗi cung ứng hàng nông sản thực phẩm thiết yếu, nhằm giảm sự cồng kềnh, giảm các khâu, đoạn trong hệ thống phân phối, nâng cao hiệu quả cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Bài và ảnh: Chi Phạm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]