(Baothanhhoa.vn) - Tăng tính tương tác, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đa dạng hóa hoạt động tham quan... là những nỗ lực của nhiều di tích, bảo tàng trên địa bàn tỉnh nhằm đổi mới hoạt động, tăng sức hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách, công chúng.

Sức sống mới từ các di tích, bảo tàng trên địa bàn tỉnh

Tăng tính tương tác, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đa dạng hóa hoạt động tham quan... là những nỗ lực của nhiều di tích, bảo tàng trên địa bàn tỉnh nhằm đổi mới hoạt động, tăng sức hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách, công chúng.

Sức sống mới từ các di tích, bảo tàng trên địa bàn tỉnhDu khách trải nghiệm công nghệ tương tác thực tế ảo tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.

Theo thống kê của Bảo tàng tỉnh, năm 2022 bảo tàng đã đón và phục vụ gần 28 nghìn lượt khách, đạt 103,5% kế hoạch năm; số ngày mở cửa 350 ngày. Trong đó, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện, hoàn thành xây dựng nội dung 3 chương trình giáo dục: “Bác Hồ với Thanh Hóa - Thanh Hóa làm theo lời Bác”, “Tri ân các Anh hùng liệt sĩ” và “Theo dấu chân người tiền sử”. Đồng thời phối hợp tổ chức trưng bày “Truyền thống lịch sử văn hóa Thanh Hóa, thành phố Thanh Hóa, thành phố Hội An” nhân “Tuần Văn hóa thành phố Thanh Hóa - thành phố Hội An”; Tổ chức trưng bày lưu động “Truyền thống lịch sử, văn hóa Thanh Hóa” tại huyện Như Xuân...

Để đạt được kết quả đó, trong thời gian qua Bảo tàng tỉnh đã có nhiều cố gắng, đổi mới các hoạt động nhằm thích ứng với sự chuyển biến của xã hội và nhu cầu hưởng thụ văn hóa cộng đồng. Đến với Bảo tàng tỉnh hôm nay, du khách sẽ dễ dàng nhận thấy mọi không gian trưng bày đều lấy sự phong phú của sưu tập hiện vật làm ngôn ngữ biểu đạt chính, kết hợp giữa trưng bày phản ánh giai đoạn, sự kiện lịch sử với trưng bày sưu tập theo hướng mở. Qua đó, tạo điều kiện để du khách, công chúng có thể cập nhật những tư liệu, hiện vật mới làm cho “diện mạo” trưng bày luôn mới mẻ, hấp dẫn người xem. Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh còn thường xuyên tổ chức các trưng bày chuyên đề, cùng với hệ thống trang thiết bị hiện đại như bảng truy vấn điện tử tra cứu thông tin tài liệu hiện vật trưng bày, video, máy chiếu... giúp khách tham quan không chỉ thỏa mãn nhu cầu học tập, nghiên cứu mà còn có thể chủ động trong quá trình tham quan bảo tàng. Gần đây nhất (tháng 12-2022), Bảo tàng tỉnh đã chính thức đưa công nghệ tương tác thực tế ảo vào phục vụ khách tham quan, tìm hiểu 3 bảo vật quốc gia gồm: kiếm ngắn núi Nưa, vạc đồng Cẩm Thủy và trống đồng Cẩm Giang. Với công nghệ này, du khách có thể tương tác với hiện vật, tham quan không gian 3 chiều và mỗi một hiện vật đều được xây dựng điểm nhấn mang đến cho du khách những trải nghiệm siêu thực.

Đặc biệt, không gian các phòng trưng bày được cải tạo, nâng cấp một cách sáng tạo, phù hợp với nội dung, chủ đề trưng bày. Từng bước thay đổi phương pháp trưng bày hiện vật theo kiểu liệt kê đơn lẻ bằng cách xây dựng các sưu tập hiện vật theo loại hình, chất liệu, chủ đề. Dùng các giải pháp tôn các hiện vật quý hiếm, độc đáo, sử dụng hiện vật gốc, hiện vật thể khối tạo sức hút của phòng trưng bày, hướng sự chú ý của người xem vào hiện vật, nhóm hiện vật... trọng tâm. Mặt khác, trong các không gian của Bảo tàng tỉnh có sự kết hợp hài hòa giữa hệ thống chiếu sáng, màu mảng, họa tiết trang trí phù hợp với nội dung trưng bày. Ngoài ra, những tài liệu khoa học phụ trợ được thể hiện bằng các vật liệu, kỹ thuật công nghệ mới; hệ thống tủ, khung ảnh được thay mới, đảm bảo tính thống nhất, ngay ngắn trong trưng bày. Sử dụng các bục, kệ, giá đỡ, tủ kính, chụp kính... phù hợp để tôn được hiện vật trưng bày một cách trang trọng.

Giám đốc Bảo tàng tỉnh Trịnh Đình Dương cho biết: Để thu hút khách đến với bảo tàng, trước hết cần đem đến cho du khách, công chúng những góc nhìn mới từ các hoạt động tham quan, chú trọng đổi mới hoạt động trưng bày gắn với trải nghiệm thực tế. Theo đó, các hoạt động tham quan, ngoại khóa được Bảo tàng tỉnh tổ chức theo cách tiếp cận mới, đa dạng các hoạt động trải nghiệm, mang đến những buổi tham quan thú vị, ý nghĩa và bổ ích.

Cũng theo ông Trịnh Đình Dương, cùng với đối tượng là học sinh, sinh viên, kể từ khi du lịch mở cửa trở lại đến nay, Bảo tàng tỉnh còn thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân và du khách đến tham quan. Thậm chí có thời điểm quá tải, phải có sự điều tiết thời gian, lịch trình tham quan giữa các đoàn để đảm bảo công tác đón tiếp một cách tốt nhất. Cùng với việc phối hợp xây dựng các chủ đề ngoại khóa với các đơn vị trường học, đổi mới hình thức tham quan, Bảo tàng tỉnh cũng đặc biệt chú trọng đến cảnh quan, đảm bảo không gian xanh - sạch - đẹp, thu hút du khách check-in, góp phần quan trọng trong việc quảng bá điểm đến trên các trang mạng xã hội.

Cùng với Bảo tàng tỉnh, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân) là một trong những điểm đến hấp dẫn trong hành trình “Về miền di sản xứ Thanh” của du khách trong và ngoài tỉnh. Năm 2022 tổng số khách du lịch đến khu di tích tăng mạnh, đạt gần 400.000 lượt, trong đó có gần 2.000 khách quốc tế.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh đã triển khai lắp đặt, hoàn thiện hệ thống biển chỉ dẫn và đưa vào vận hành phần mềm thuyết minh tự động thông qua quét mã QR; phát triển thêm hệ thống xe điện; bồi dưỡng đội ngũ thuyết minh viên; đưa vào hoạt động phòng trưng bày bổ sung các di vật, hiện vật liên quan đến thời Lê sơ, giới thiệu gần 300 hiện vật gốc, được phát hiện trong 7 đợt khai quật khảo cổ học tại di tích (từ năm 1996-2004)... Đặc biệt, việc chính thức mở cửa đón khách tham quan khu chính điện Lam Kinh - một công trình có giá trị to lớn về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật bằng gỗ độc nhất vô nhị của xứ Thanh đã tạo nên điểm nhấn thu hút khách du lịch đến tham quan khu di tích trong thời gian gần đây.

Kể từ khi du lịch mở cửa trở lại đến nay, du lịch văn hóa đã và đang dần khẳng định là một trong những sản phẩm du lịch thế mạnh của Thanh Hóa. Một số điểm đến như: Khu Di tích lịch sử quốc gia Am Tiên (Triệu Sơn); Khu Di tích lịch sử và thắng cảnh Phủ Na (Như Thanh); Khu Di tích lịch sử văn hóa Cửa Đạt (Thường Xuân)... bước đầu thu hút đông đảo khách đoàn đi theo tour nội tỉnh, nội địa trong năm 2022. Đặc biệt, sự gắn kết giữa các di tích, bảo tàng với du lịch còn góp phần quan trọng trong việc gìn giữ, đưa các giá trị văn hóa, lịch sử xứ Thanh đến gần hơn với người dân và du khách.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]