(Baothanhhoa.vn) - Huyện Quan Hóa hiện có 22 cơ sở chế biến lâm sản, trong đó có 11 doanh nghiệp (DN), 6 HTX và 5 cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình. Các cơ sở này tập trung chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm từ tre luồng, với các sản phẩm vàng mã, thanh ván gỗ sàn, gỗ xoan... Để bảo đảm sản xuất bền vững, cùng với công tác phát triển vùng nguyên liệu, huyện Quan Hóa đã và đang tăng cường hướng dẫn các DN, HTX đáp ứng, tuân thủ các quy chuẩn về môi trường để sản xuất, kinh doanh ổn định.

Sản xuất gắn với bảo đảm môi trường trong chế biến lâm sản ở Quan Hóa

Huyện Quan Hóa hiện có 22 cơ sở chế biến lâm sản, trong đó có 11 doanh nghiệp (DN), 6 HTX và 5 cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình. Các cơ sở này tập trung chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm từ tre luồng, với các sản phẩm vàng mã, thanh ván gỗ sàn, gỗ xoan... Để bảo đảm sản xuất bền vững, cùng với công tác phát triển vùng nguyên liệu, huyện Quan Hóa đã và đang tăng cường hướng dẫn các DN, HTX đáp ứng, tuân thủ các quy chuẩn về môi trường để sản xuất, kinh doanh ổn định.

Sản xuất gắn với bảo đảm môi trường trong chế biến lâm sản ở Quan HóaCông trình xử lý nước thải tuần toàn 100% tại HTX chế biến lâm sản Hợp Phát, xã Phú Nghiêm.

Sản xuất, chế biến sản phẩm tre luồng phát thải khá nhiều chất thải, nước thải, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Trước đó vào tháng 4/2021, do không bảo đảm tốt về công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong quá trình hoạt động ngâm ủ bột giấy, vàng mã, 8 cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn huyện Quan Hóa đã bị buộc phải dừng hoạt động. Thời gian qua, cùng với hướng dẫn của ngành chuyên môn, các cơ quan chức năng của huyện Quan Hóa đã tăng cường kiểm tra giám sát, hỗ trợ các cơ sở sản xuất tập trung xây dựng các công trình xử lý nước thải ra môi trường đúng quy chuẩn và hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục theo quy định của pháp luật; đồng thời, chủ động phối hợp với các ngành chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức, trách nhiệm của cán bộ, Nhân dân đối với công tác BVMT trong chế biến lâm sản.

Tại HTX chế biến lâm sản Hợp Phát, xã Phú Nghiêm, đơn vị đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo chu trình tuần hoàn 100% với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng. Công nghệ xử lý này chỉ sử dụng một số hóa chất đặc trưng như phèn, VAC nhưng có thể tái sử dụng nước thải hoàn toàn mà không thải ra môi trường. Ông Nguyễn Duy Chính, Giám đốc HTX cho biết: “Tuy công suất đầu tư ban đầu lớn, nhưng công nghệ xử lý này tối ưu hóa từ hóa chất sử dụng tới nguồn lao động; đồng thời còn thu hồi khoảng 10% nguyên liệu mịn sau quá trình lắng lọc đưa vào tái sản xuất, làm bột tinh làm đẹp sản phẩm đầu ra là vàng mã cho nhà máy. Việc đưa vào vận hành công trình ổn định và thành công giúp nhà máy yên tâm về vấn đề môi trường và tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tìm kiếm thị trường đầu ra”.

Công ty TNHH Thương mại vận tải Hoàng Vân (thị trấn Hồi Xuân) cũng là 1 trong những đơn vị bị đình chỉ hoạt động vào tháng 4/2021. Trong 1 năm ngừng hoạt động để khắc phục, DN đã đầu tư các hạng mục như máy ép bùn, sân phơi, hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn khép kín; hệ thống bể lắng lọc trước khi đưa vào xử lý... với tổng chi phí hơn 3 tỷ đồng. Theo đại diện DN, mặc dù việc đầu tư các hạng mục xử lý môi trường rất tốn kém nhưng đơn vị xác định đây là việc đầu tư lâu dài nhằm bảo đảm các quy định của pháp luật cũng như giúp DN yên tâm sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động và ổn định việc làm cho người lao động.

Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Quan Hóa, xác định để có thể hoạt động trở lại, một số DN, cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, phá hủy toàn bộ hệ thống xử lý nước thải cũ, lạc hậu nằm cạnh bờ sông Mã. Đến nay, đã có 9 cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng mã có công trình xử lý nước thải bảo đảm quy định và đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại.

Được biết, để chủ động phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm trên lĩnh vực môi trường tại các cơ sở chế biến lâm sản, trong năm 2023, UBND huyện Quan Hóa cũng đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch chấn chỉnh. Cụ thể như, Kế hoạch số 13/KH-UBND, ngày 31/1/2023 kiểm tra, xử lý việc chấp hành các quy định pháp luật về BVMT của các tổ chức, cá nhân, trên địa bàn huyện. Ngày 10/3/2023 UBND huyện Quan Hóa tiếp tục ban hành Quyết định số 282/QĐ-UBND về việc thành lập tổ kiểm tra, xử lý việc chấp hành công tác BVMT và xây dựng công trình đối với các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn huyện năm 2023.

Theo đó, các đoàn đã kiểm tra việc thực hiện các quy định về BVMT như: giấy phép môi trường; cam kết BVMT; đề án BVMT; kế hoạch BVMT; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, báo cáo giám sát môi trường định kỳ... của các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện. Thông qua các cuộc làm việc, đơn vị cũng nắm bắt những kiến nghị về các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đồng thời tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT đến các tổ chức, cá nhân để thực hiện tốt công tác BVMT, giảm thiểu những tác động gây ô nhiễm môi trường.

Ông Trương Công Tuấn, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quan Hóa, cho biết: “Cùng với các cuộc kiểm tra của phòng, ban, đơn vị chuyên môn cấp huyện, trong năm 2023 cũng đã có các cuộc kiểm tra liên ngành do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì. Qua các đợt kiểm tra này cho thấy các cơ sở chế biến lâm sản chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về BVMT. Các cơ sở còn khó khăn kinh phí, chưa đầu tư hệ thống xử lý môi trường theo quy chuẩn tạm thời chưa hoạt động trở lại. Hiện nay, hệ thống xử lý nước thải của các cơ sở sản xuất đều có lắp đặt camera để chuyển đường truyền bằng hình ảnh về cho Phòng Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị có liên quan quan sát, xử lý nếu có vi phạm”.

Bài và ảnh: Tùng Lâm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]