(Baothanhhoa.vn) - Để đáp ứng nhu cầu về thực phẩm an toàn của người tiêu dùng, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch (TPS). Kinh doanh TPS đang trở thành mảnh đất màu mỡ được nhiều người khai thác, phát triển. Tuy nhiên, trước “ma trận” về số lượng cửa hàng và các mặt hàng TPS, quyền và lợi ích của người tiêu dùng có thực sự được bảo đảm?!

Nở rộ cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn

Để đáp ứng nhu cầu về thực phẩm an toàn của người tiêu dùng, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch (TPS). Kinh doanh TPS đang trở thành mảnh đất màu mỡ được nhiều người khai thác, phát triển. Tuy nhiên, trước “ma trận” về số lượng cửa hàng và các mặt hàng TPS, quyền và lợi ích của người tiêu dùng có thực sự được bảo đảm?!

Nở rộ cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toànCửa hàng HC Farrm, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) đa dạng nguồn thực phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Đã thành lập được hơn 4 năm, cửa hàng HC Farm tại đường Hạc Thành, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) chuyên kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên và đặc sản vùng miền đã trở thành địa chỉ mua sắm tin cậy cho người nội trợ. Tất cả thực phẩm tại cửa hàng đều có tem truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm nhập khẩu có đầy đủ giấy tờ theo quy định. Chị Đỗ Thị Nam Phương, đại diện cửa hàng, chia sẻ: “Sau nhiều năm tìm hiểu về nông sản, TPS, chúng tôi đã liên kết được với các đơn vị chuyên cung cấp sản phẩm sạch có uy tín trong và ngoài tỉnh. Hiện nay cửa hàng có khoảng 100 mã hàng. Trong đó, chủ yếu là các loại nông sản được sản xuất tại các HTX, vùng rau an toàn trong tỉnh, như: HTX rau an toàn Hoằng Hợp (Hoằng Hóa), vùng rau an toàn thị trấn Thiệu Hóa... Việc kết nối tiêu thụ vừa tạo được nguồn cung thực phẩm ổn định cho hoạt động kinh doanh của cửa hàng, vừa hỗ trợ người dân, các hộ sản xuất về khâu tiêu thụ sản phẩm. Trung bình cửa hàng tiêu thụ khoảng 20 - 30 kg rau, quả và 15 - 20 kg thịt, cá/ngày, doanh thu khoảng 2 - 2,5 triệu đồng/ngày.

Thói quen “đi chợ” tại các cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn đã trở nên gần gũi với một bộ phận lớn người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là tại TP Thanh Hóa. Cùng với nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn “tự phát” cũng mọc lên khá nhiều, gây mất niềm tin của người tiêu dùng. Bà Cầm Thị Ly, phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa, cho biết: “3 năm trở lại đây, gia đình tôi cũng chuyển thói quen sinh hoạt sang sử dụng thực phẩm an toàn tại Co.opFood Tecco Tower tầng 1, tòa A chung cư Tecco Tower, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) để bảo đảm sức khỏe. Tại cửa hàng, 100% các thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng bảo đảm, riêng các mặt hàng tươi sống được bảo quản trong tủ bảo ôn. Hơn nữa, cửa hàng được cơ quan chuyên môn của tỉnh cấp giấy chứng nhận kinh doanh thực phẩm an toàn nên tôi yên tâm, vừa giúp tiết kiệm thời gian so với việc ra các chợ truyền thống, lại hạn chế được nguy cơ lây lan dịch COVID-19 khi không phải đến chỗ đông người. Tuy nhiên, gần đây có khá nhiều cửa hàng, tài khoản trên mạng xã hội cũng đăng biển kinh doanh TPS. Qua vài lần sử dụng phần mềm kiểm tra, tôi nhận thấy nguồn gốc sản phẩm không rõ ràng, sản phẩm không tươi ngon như quảng cáo... Do đó, người tiêu dùng chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý những cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn không bảo đảm theo quy định để tránh trường hợp “vàng thau lẫn lộn” gây hoang mang, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng”.

Theo thống kê của Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 2-2022, phòng đã phối hợp, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh xây dựng, hoàn thành 33 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, nâng tổng số cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh lên 537 cửa hàng, góp phần đa dạng nguồn cung cấp TPS cho người tiêu dùng. Hầu hết các cửa hàng kinh doanh hoa quả, thực phẩm, nông sản sạch, an toàn đều phát triển đơn lẻ hoặc theo chuỗi; khi được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc được đánh giá đáp ứng các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm và hoạt động ổn định, trở thành địa chỉ tin cậy cho người nội trợ.

Thực tế các cơ quan chuyên môn của tỉnh chưa có khảo sát chính thức về những vụ việc phát sinh và xử lý đối với các điểm bán hàng “tự phong”, “tự gắn mác” cửa hàng kinh doanh TPS để trà trộn, tiêu thụ những sản phẩm kém chất lượng, gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng. Song thời gian qua, Sở Công Thương đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm đối với thói quen sử dụng thực phẩm an toàn, thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đồng thời, thành lập đoàn công tác thường xuyên kiểm tra, theo dõi, bám sát công tác chỉ đạo, xây dựng các cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn mẫu tại các huyện, thị xã, thành phố; phối hợp công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm chặt chẽ, hiệu quả hơn để loại bỏ những trường hợp cửa hàng tự phong, tự phát gây nhũng nhiễu thị trường, tạo sự tin tưởng bền vững cho người dân.

Các cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn đã mang lại “lợi ích kép” cho cả khách hàng và người sản xuất khi đóng vai trò “cầu nối” đưa nông sản, TPS ở trong và ngoài tỉnh đến tay người tiêu dùng. Mặt khác, kênh phân phối này cũng góp phần hình thành tư duy sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng trong Nhân dân và thúc đẩy người sản xuất (trực tiếp là các hộ nông dân) đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh và bắt kịp xu hướng tiêu dùng hiện đại, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]