(Baothanhhoa.vn) - Từ đam mê, tâm huyết với văn hóa truyền thống và mong muốn phát huy những nét đẹp bản sắc văn hóa của dân tộc, nhiều nghệ nhân, người cao tuổi vẫn ngày đêm hăng say luyện tập, miệt mài truyền dạy lại cho con cháu, thực sự là “kho tư liệu sống”, cầu nối cho thế hệ trẻ với văn hóa truyền thống.

Những người tích cực lưu giữ và truyền dạy văn hóa truyền thống

Từ đam mê, tâm huyết với văn hóa truyền thống và mong muốn phát huy những nét đẹp bản sắc văn hóa của dân tộc, nhiều nghệ nhân, người cao tuổi vẫn ngày đêm hăng say luyện tập, miệt mài truyền dạy lại cho con cháu, thực sự là “kho tư liệu sống”, cầu nối cho thế hệ trẻ với văn hóa truyền thống.

Những người tích cực lưu giữ và truyền dạy văn hóa truyền thống

Ông Lê Văn Cứu (dân tộc Thổ, huyện Như Xuân) say mê nghiên cứu, lưu giữ và truyền dạy văn hóa truyền thống.

Sinh thời Bác Hồ kính yêu luôn coi trọng văn hóa. Người cho rằng, văn hóa là tinh hoa của dân tộc, văn hóa phải góp phần khẳng định vị thế của dân tộc và soi đường cho quốc dân đi. Đảng và Nhà nước không thể tách rời việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với việc phát triển kinh tế - xã hội của nước nhà. Người nhấn mạnh: “Mỗi dân tộc phải chăm lo đặc tính của mình trong nghệ thuật” phải “chú ý phát huy cốt cách dân tộc” và “phải có chính sách rõ ràng, phương châm đúng đắn, kế hoạch đầy đủ”. Từ đó, để mọi tầng lớp Nhân dân giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Trải qua chặng đường dài phát triển, đến nay những quan điểm về văn hóa của Bác, đặc biệt là việc coi trọng, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc vẫn luôn được mọi tầng lớp Nhân dân học theo.

Thấm nhuần tư tưởng của Bác về gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống, cùng với đam mê, tâm huyết với văn hóa truyền thống, nhiều nghệ nhân vẫn miệt mài luyện tập, nghiên cứu, sưu tầm những giá trị văn hóa truyền thống và truyền dạy cho con cháu. Nhờ đó, mà kho tàng văn hóa xứ Thanh vẫn giữ được sự đa dạng, đặc sắc dù trải qua nhiều thăng trầm.

Về với vùng đất Ngọc Lặc, nhắc đến văn hóa cồng, chiêng chúng tôi được giới thiệu đến gặp nghệ nhân Phạm Vũ Vượng (xã Quang Trung). Đã gần 80 tuổi song ông Vượng vẫn luôn rực cháy trong mình ngọn lửa đam mê văn hóa cồng, chiêng. Ông Vượng chia sẻ: “Từ khi lên 8 tuổi tôi đã được bố truyền dạy đánh cồng, chiêng. Đến năm 15 tuổi tôi đã đánh thành thạo. Cồng, chiêng là một đặc trưng văn hóa của người Mường, gắn liền với cuộc đời mỗi người và báo hiệu chuyện vui, buồn trong bản, làng. Người Mường tin rằng không có âm thanh nào vang xa bằng tiếng cồng, chiêng và lúc sống cũng như lúc mất, tiếng cồng, chiêng luôn trong tâm thức của họ”.

Chuyên chở những giá trị văn hóa tinh thần thiêng liêng ấy, song có thời gian cồng, chiêng cũng như một số sinh hoạt văn hóa Mường khác đứng trước nguy cơ mai một. Đau đáu trước nguy cơ văn hóa truyền thống dần mai một, ông Vượng đã miệt mài thực hành và “truyền lửa” cho các thế hệ con cháu. Để bản thân hiểu rõ, thấm đượm văn hóa cồng chiêng, ông Vượng đã đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người để tìm hiểu, chắt lọc những nét tinh hoa nhất về văn hóa cồng, chiêng của người Mường. Đặc biệt, để lưu giữ được văn hóa cồng, chiêng cho dân tộc, ông Vượng đã lưu giữ các ghi chép về cồng, chiêng và sưu tầm cồng, chiêng. Đến nay, ông đã sưu tập được 18 bộ cồng chiêng. Đồng thời, ông vận động tất cả người dân Mường gìn giữ và tham gia đánh cồng, chiêng. Ai có đam mê và nhu cầu học cồng, chiêng đều được ông Vượng truyền dạy. Bên cạnh đó, ông đã đưa cồng, chiêng vào các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, những lễ hội của địa phương; mạnh dạn đề nghị với chính quyền địa phương thành lập câu lạc bộ cồng, chiêng. Sau hơn 13 năm hoạt động, câu lạc bộ cồng, chiêng xã Quang Trung vẫn được duy trì và thu hút đông đảo người dân tham gia. Đây không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa - văn nghệ mà còn là nơi tập luyện, truyền dạy các bài cồng, chiêng cho lớp trẻ. Ông Vượng chia sẻ: Tham gia đánh cồng, chiêng là cách để truyền lại cho thế hệ trẻ niềm say mê với văn hóa dân tộc, để mọi người cùng chung tay gìn giữ, phát huy nét văn hóa truyền thống dân tộc mình trong cuộc sống hôm nay. Với tâm huyết và sự nỗ lực gìn giữ văn hóa truyền thống của ông Vượng mà đến nay cồng, chiêng đã trở thành một phần không thể thiếu của người Mường. Đặc biệt, nhiều cháu nhỏ 5, 6 tuổi đã thể hiện đam mê với văn hóa truyền thống, đánh thành thạo cồng, chiêng. Những đóng góp của nghệ nhân Phạm Vũ Vượng đã để thanh âm của cồng, chiêng mãi ngân vang trên khắp bản Mường.

Cũng với mong muốn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ông Lê Văn Cứu, 82 tuổi ở thị trấn Yên Cát (Như Xuân) đã cẩn thận lưu giữ và truyền lại cho thế hệ trẻ các phong tục, tập quán, trang phục, tiếng nói của dân tộc. Ông Cứu cho biết: Mỗi dân tộc đều có đặc trưng riêng được thể hiện qua phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, tiếng nói. Nếu một trong những yếu tố ấy mai một hoặc mất đi thì bản sắc dân tộc ấy không còn. Với quan điểm đó, ông Cứu luôn trăn trở làm thế nào để thế hệ trẻ biết, cảm và yêu văn hóa truyền thống. Từ nỗi niềm đó, ông Cứu đã quyết tâm truyền dạy cho con cháu trong chính gia đình mình. Mưa dầm thấm sâu, những giá trị văn hóa của người Thổ đã ăn sâu bám rễ vào thói quen, phong tục tập quán cũng như tâm thức con cháu trong gia đình ông. Từ đó, các thành viên trong gia đình ông cùng nhau lưu giữ tiếng nói của người dân tộc Thổ; ghi chép lại những tài liệu liên quan đến văn hóa Thổ; sưu tầm những vật dụng truyền thống, trang phục của người Thổ. Hiện nay, gia đình ông lưu giữ nhiều tài liệu quý về văn hóa Thổ và các hiện vật thể hiện đặc trưng cho văn hóa của dân tộc Thổ như: trang phục, kèn môi, trống, chiêng, công cụ lao động của người Thổ...

Với những tri thức dân gian quý báu, ông Cứu đã trở thành một “kho tư liệu sống” của người dân tộc Thổ. Mỗi dịp lễ tết, cưới hỏi người dân địa phương lại tìm đến ông để hỏi về những phong tục truyền thống. Thậm chí, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và yêu thích văn hóa cũng đã tìm đến ông để tìm hiểu về văn hóa Thổ. Với uy tín của mình, ông Cứu không chỉ chia sẻ với bà con những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc; tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, ông còn động viên, khuyến khích mọi người giữ gìn trang phục truyền thống, nói tiếng Thổ, tập đánh trống, chiêng, thổi kèn môi... Nhờ đó, đến nay những bản sắc đặc trưng của dân tộc Thổ vẫn được lưu giữ.

Có thể nói, những nghệ nhân học Bác, tiếp thu và phát huy tư tưởng của Bác trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là những tấm gương sáng cần được lan tỏa sâu rộng. Từ đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Bài và ảnh: Thùy Linh


Bài và ảnh: Thùy Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]