(Baothanhhoa.vn) - Trước sự tàn bạo của tập đoàn Pôn Pốt-Iêng Xary đối với Nhân dân Campuchia và Việt Nam, ngay sau khi nhận được lời kêu gọi giúp đỡ của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam đã lên đường sang giúp Nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, hồi sinh và tái thiết đất nước. Những ngày tháng đồng cam cộng khổ trên đất bạn và những ký ức về tinh thần đoàn kết chiến đấu của quân dân Việt Nam - Campuchia vẫn luôn in đậm trong tâm trí của những người lính quân tình nguyện Việt Nam.

Những người lính tình nguyện trên đất Campuchia

Trước sự tàn bạo của tập đoàn Pôn Pốt-Iêng Xary đối với Nhân dân Campuchia và Việt Nam, ngay sau khi nhận được lời kêu gọi giúp đỡ của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam đã lên đường sang giúp Nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, hồi sinh và tái thiết đất nước. Những ngày tháng đồng cam cộng khổ trên đất bạn và những ký ức về tinh thần đoàn kết chiến đấu của quân dân Việt Nam - Campuchia vẫn luôn in đậm trong tâm trí của những người lính quân tình nguyện Việt Nam.

Những người lính tình nguyện trên đất CampuchiaCựu chiến binh Hà Văn Thiên và cựu chiến binh Thiều Ngọc Vy, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) ôn lại kỷ niệm khi tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên đất Campuchia.

Những ngày gian khổ trên đất bạn Campuchia của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam thật khó nói hết bằng lời. Và, điều đọng lại trong họ cho đến hôm nay ngoài sự hy sinh, mất mát lớn lao còn có cả niềm tự hào sâu sắc vì đã hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả giúp đất nước bạn. Cựu chiến binh Hà Văn Thiên, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) - người gắn bó với chiến trường Campuchia hơn 10 năm nhớ lại: “Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, đơn vị tôi đang tập trung vào làm kinh tế, ổn định đời sống và xây dựng củng cố hệ thống chính trị thì chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Tháng 12-1978, đơn vị tôi là Trung đoàn 10 - Trung đoàn đặc công miền Tây Nam bộ nhận được lệnh chốt giữ và bảo vệ khu vực biên giới các tỉnh An Giang – Kiên Giang. Sau khi Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, thực hiện chủ trương giúp đỡ nước bạn đánh đuổi quân Pôn Pốt-Iêng Xary, tôi cùng đơn vị tiếp tục hành quân sang làm nhiệm vụ quốc tế trên đất nước Campuchia. Ròng rã hơn 10 năm sống và chiến đấu trên đất nước Campuchia, tôi đã tham gia rất nhiều trận đánh lớn nhỏ khác nhau nhưng nhớ nhất vẫn là chiến dịch mùa khô năm 1984-1985. Trong trận đánh lớn này, nhiệm vụ của Trung đoàn 10 là đánh vào căn cứ Các-đa-mon, ở huyện Phnum Kravanh, tỉnh Pursat. Năm đó, tôi là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 10, để thực hiện chiến dịch, lúc đầu Tiểu đoàn 9 của tôi là lực lượng dự bị, nhưng do 2 tiểu đoàn đi trước gặp khó khăn và không thực hiện được ý đồ tác chiến nên tiểu đoàn của tôi được lệnh đánh thẳng vào căn cứ cuối cùng là Các-đa-mon. Tiểu đoàn 9 do tôi chỉ huy vừa đánh địch vừa hành quân để bịt cửa khẩu, ngăn chặn bọn Pôn Pốt tháo chạy về hướng Thái Lan. Ở chiến dịch này, dù gặp nhiều khó khăn do đây là một căn cứ lớn, có địa hình hiểm trở nhưng Tiểu đoàn 9 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và tôi được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Sau thất bại mùa khô 1984-1985, quân địch củng cố lực lượng, cố lập lại căn cứ dọc biên giới Campuchia - Thái Lan, chuyển hướng hoạt động sâu vào nội địa, mở các tuyến hành lang để đưa người, vũ khí, lương thực âm mưu xây dựng các căn cứ lõm, tiến hành hoạt động phá hoại từ bên trong. Năm 1988, khi tôi đang là Trung đoàn phó Trung đoàn 10 thì nhận được lệnh hành quân lên khu vực giáp tỉnh Battambang tham gia trận đánh chặn đường tiếp tế của địch vào nội địa, sau đó tiếp tục hành quân cấp tốc đến Tà Sanh, Tức Sóc, khu vực giáp với Thái Lan để hỗ trợ Sư đoàn 330 chặn địch đánh từ Thái Lan sang. Sau trận đánh này, chúng tôi thu gần 4.000 khẩu súng của bọn Pôn Pốt – Iêng Xary. Sau 1988, tôi cùng đơn vị tiếp tục ở lại làm nhiệm vụ truy quét tàn quân Pôn Pốt và giúp nước bạn xây dựng lực lượng ngày càng lớn mạnh. Hoàn thành nhiệm vụ trên đất bạn Campuchia, tháng 9-1989, thực hiện mệnh lệnh của cấp trên, tôi cùng đồng đội rút quân về nước trong sự lưu luyến của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Campuchia”.

Không trực tiếp cầm súng chiến đấu như cựu chiến binh Hà Văn Thiên, cựu chiến binh Thiều Ngọc Vy, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) đảm nhận vai trò vô cùng quan trọng khác là bảo đảm công tác hậu cần cho các chiến dịch diễn ra trên đất nước Campuchia. Chia sẻ với chúng tôi, cựu chiến binh Thiều Ngọc Vy kể: “Đơn vị tôi thuộc tiểu đoàn vận tải, phòng hậu cần, Sư đoàn 339, mặt trận 979, Quân khu 9. Nhiệm vụ của chúng tôi vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm... từ tổng kho Long Bình của Việt Nam sang Campuchia để phục vụ chiến đấu, đồng thời vận chuyển thương binh về tuyến sau điều trị và thu các chiến lợi phẩm của quân địch. Quá trình vận chuyển vô cùng khó khăn và nguy hiểm bởi bọn Pôn Pốt ẩn trú trong rừng rất nhiều, chúng còn gài mìn khắp các tuyến đường và thường xuyên phục kích gây nhiều thương vong cho bộ đội. Ngày ấy, mỗi tốp chúng tôi có 5 - 7 ô tô xe vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, có chiến dịch cần tới 15 xe. Vì chở nhiều vũ khí dễ nổ nên để bảo đảm an toàn, ngoài phối hợp chặt chẽ với các đơn vị rà phá bom mìn, chúng tôi phải ngụy trang 1 chiếc xe đi đầu dẫn đường để nếu gặp mìn hoặc bị phục kích thì sẽ hạn chế thương vong và giảm thiệt hại cho các xe phía sau. Chiếc xe đi đầu có vai trò vô cùng quan trọng và người lái xe rất dễ hy sinh nên phải lấy tinh thần xung phong của anh em trong đơn vị”. Sau 6 năm làm nhiệm vụ trên đất bạn Campuchia, năm 1989 Chính trị viên Thiều Ngọc Vy cùng đơn vị của mình thực hiện nhiệm vụ vận chuyển quân tình nguyện Việt Nam cùng nhiều vũ khí, trang thiết bị về nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào thành công chung của mặt trận 979 trên đất bạn Campuchia.

Dù thời gian tham gia giúp nước bạn Campuchia không dài nhưng với ông Dương Văn Ái, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) thì đó mãi là những tháng ngày không thể nào quên. Theo dòng hồi tưởng, ông Ái nhớ lại: “Sau khi tốt nghiệp Trường sĩ quan chính trị quân sự tại Bắc Ninh, năm 1988 tôi được điều động vào Quân khu 7. Sau đó, Quân khu 7 điều động tôi sang tham gia mặt trận 479 ở Campuchia. Ngày ấy, tôi là Đại đội phó chính trị Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 4, Sư đoàn 5. Sau khi chế độ Pôn Pốt bị lật đổ, chúng bỏ chạy sang biên giới Thái Lan, số còn lại lẩn trốn khắp nơi và chủ yếu ở trong rừng. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng tôi là phải truy quét sạch bọn tàn quân Pôn Pốt còn lẩn trốn. Dẫu không còn tiếng súng đạn khốc liệt như những năm trước đó nhưng nhiệm vụ của chúng tôi cũng vô cùng gian khổ và nguy hiểm. Mỗi khi cấp trên có lệnh, cả đơn vị lập tức hành quân đến địa điểm đã được ấn định để truy quét, tiêu diệt quân địch. Để giữ bí mật, chúng tôi phải hành quân vào ban đêm, vượt qua sông suối, rừng rậm, đường mòn. Khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi là không thông thạo địa hình, thời tiết vào mùa khô thì nắng nóng gay gắt, thiếu nước uống, phải thường xuyên hành quân trong rừng, cây le cao hơn người nên phải rẽ lối tạo đường đi... Vào mùa mưa, muỗi trong rừng dày đặc khiến nhiều người bị sốt rét rừng. Mỗi chuyến đi, chúng tôi mang theo lương thực cho 7 ngày ăn, chủ yếu là gạo sấy và mắm ruốc. Hơn 1 năm làm nhiệm vụ truy quét tàn quân Pôn Pốt, Nhân dân Campuchia cũng giúp đỡ chúng tôi rất nhiều, khi hành quân đến địa điểm nào, chúng tôi cũng được Nhân dân Campuchia giúp đỡ gạo và thực phẩm. Ngược lại, bộ đội Việt Nam cũng giúp Nhân dân Campuchia sản xuất, thu hoạch mùa màng... Tôi đặc biệt ấn tượng ngày quân tình nguyện Việt Nam lên đường về nước, hàng ngàn, hàng vạn bà con và các chiến sĩ Campuchia đã đứng 2 bên đường, tay cầm lá cờ Việt Nam - Campuchia vẫy chào chúng tôi, nhiều người rưng rưng nước mắt vì lưu luyến những người con Việt Nam vừa hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang”.

Chặng đường 10 năm trực tiếp tham gia chiến đấu, xây dựng đất nước Campuchia từ đống tro tàn của thảm họa diệt chủng đến tiến lên ổn định và phát triển đã làm tỏa sáng thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” với tinh thần quốc tế cao cả, vô tư, trong sáng. Qua đó, thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa hai nước Việt Nam - Campuchia trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển hôm nay.

Bài và ảnh: Tố Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]