(Baothanhhoa.vn) - Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất là một thảm họa thiên tai, thường xảy ra tại các huyện miền núi cao, gây thiệt hại nặng về người và tài sản. Theo khảo sát của chúng tôi, khu vực miền núi tỉnh ta vẫn còn nhiều khu dân cư (KDC) sinh sống ven sông, khe suối, triền đồi núi, tiềm ẩn nguy cơ lũ ống, lũ quyét, sạt lở đất có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Mong muốn được sinh sống ổn định trong mái nhà an toàn để phát triển sản xuất đã và đang là nguyện vọng của đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Nhìn lại công tác bố trí, sắp xếp dân cư vùng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi Thanh Hóa: Bài 1 - Thấp thỏm nỗi lo

Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất là một thảm họa thiên tai, thường xảy ra tại các huyện miền núi cao, gây thiệt hại nặng về người và tài sản. Theo khảo sát của chúng tôi, khu vực miền núi tỉnh ta vẫn còn nhiều khu dân cư (KDC) sinh sống ven sông, khe suối, triền đồi núi, tiềm ẩn nguy cơ lũ ống, lũ quyét, sạt lở đất có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Mong muốn được sinh sống ổn định trong mái nhà an toàn để phát triển sản xuất đã và đang là nguyện vọng của đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Nhìn lại công tác bố trí, sắp xếp dân cư vùng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi Thanh Hóa: Bài 1 - Thấp thỏm nỗi loNhiều hộ dân tại xã Trung Thượng (Quan Sơn) sống cheo leo bên sườn núi, mép các con sông, khe suối, thấp thỏm nỗi lo xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất khi mùa mưa bão đến. Ảnh: H.T

Từ những bài học đắt giá...

Trở lại huyện miền núi cao Quan Sơn, nơi tiếp giáp với biên giới Việt Nam - Lào, chúng tôi chứng kiến dấu vết cơn lũ tàn phá vẫn còn đọng lại bên những dòng sông, cánh đồng và con đường nơi đây. Chủ tịch UBND xã Na Mèo Lương Văn Huân và trưởng bản Sa Ná Ngân Văn Thêu nhớ lại: Sa Ná cách đây gần 2 năm trước hoang tàn, đổ nát, tang thương bởi cơn lũ kinh hoàng tàn quét qua bản như cơn ác mộng. Đó là đợt mưa, lũ hồi đầu tháng 8-2019, nước trên thượng nguồn kéo theo đất đá, cây rừng ào ào đổ về, nhấn chìm bản làng trong nước lũ. Suối Son chảy qua bản Sa Ná bao đời nay hiền hòa một dải, tưới mát cho ruộng đồng mà bỗng chốc trở nên hung dữ. Cùng với lũ, các tảng đá lớn từ trên cao lăn xuống “bao vây” các ngôi nhà khiến chúng tôi bị cô lập hoàn toàn trước khi được các lực lượng đến giúp. Hậu quả, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản và sản xuất của Nhân dân. Thiên tai đã làm 10 người chết và mất tích. Nhiều tuyến đường, công trình giao thông, thủy lợi,... trên địa bàn bị hư hỏng nghiêm trọng. Sự tổn thương ấy, trong lịch sử của đồng bào mình, người dân Sa Ná chưa bao giờ phải hứng chịu...

Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất thường xảy ra bất ngờ và gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT): Trong những năm qua, hàng chục trận lũ quét, sạt lở đất đã tàn phá nhiều huyện miền núi với quy mô và phạm vi ngày càng lớn, gây tổn thất nghiêm trọng về người và tài sản cũng như môi trường sinh thái. Điển hình như năm 2019, do ảnh hưởng của bão số 3 (từ 30–7 đến 4–8–2019), khu vực Thanh Hóa có mưa to đến rất to, gây thiệt hại về người và tài sản cho các địa phương. Đặc biệt tại các huyện Quan Sơn, Mường Lát đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng làm 16 người chết và mất tích; ước tính thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh khoảng 924 tỷ đồng. Đợt mưa lớn, từ ngày 28-8 đến 31–8-2018, gây lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng nhất trong hàng chục năm qua trên địa bàn nhiều huyện như: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Cẩm Thủy... làm 10 người chết, 2 người mất tích, 233 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 239 hộ có nhà phải di dời khẩn cấp... Ước giá trị thiệt hại khoảng 1.882 tỷ đồng.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Khương Anh Tấn và nhiều cán bộ, người dân khu vực miền núi nhận định: Có nhiều nguyên nhân gây ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Địa hình tại các huyện miền núi thường có độ dốc lớn, bề mặt địa hình chia cắt mạnh, tầng phủ mỏng, kết cấu bờ rời, rất dễ bị trượt lở khi có mưa lớn. Trong khi đó, khu vực này thường có lượng mưa phân bố không đều về thời gian và không gian, mưa tập trung trong thời gian ngắn với cường độ lớn, làm cho nước dâng lên đột ngột, tốc độ dòng chảy mạnh có sức tàn phá lớn gây lũ quét, lũ bùn đá, dòng lũ có năng lượng lớn sẽ cuốn trôi nhà cửa, công trình, gây xói mòn đất và vùi lấp ruộng nương.

Sở dĩ khi xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất hay gây thiệt hại về người và tài sản là do ở khắp các vùng núi cao, đồng bào thường sống tập trung thành làng, bản, với quy mô nhỏ từ vài hộ đến vài chục hộ ở các thung lũng ven sông suối, gần nguồn nước. Tại những vùng như vậy, khi có mưa lớn, lũ quét có thể xảy ra bất ngờ, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Ngoài ra, đời sống kinh tế có nhiều biến động, sản xuất lương thực, hàng hóa trên đất dốc gia tăng gắn liền với việc phát nương, đốt rẫy, tạo điều kiện tập trung nước nhanh hơn, gây xói mòn bề mặt, phá vỡ cân bằng sinh thái là nguyên nhân gây nên tình trạng sạt lở đất. Công trình giao thông được xây dựng ngày càng nhiều, gắn liền với bạt núi, băng ngầm, xây dựng cầu, cống làm hẹp đường thoát nước, cản trở dòng chảy...

Trong và sau mưa lũ, cùng với sự giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành Trung ương và tỉnh Thanh Hóa, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sự đùm bọc, yêu thương, trợ giúp lẫn nhau của cộng đồng làng, xã, cứu trợ kịp thời của cộng đồng xã hội góp phần khắc phục nhanh hậu quả thiên tai. Nhân dân vùng thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất đã bước đầu ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, nỗi đau của những gia đình mất người thân do thiên tai đã trở thành bài học xương máu, nhắc nhở mỗi người dân luôn chủ động đối phó với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

... đến những cuộc đời bấp bênh ven sông, cheo leo sườn núi

Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt và sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, đoàn thể, đơn vị liên quan và Nhân dân trong tỉnh, các chương trình, dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai đã được triển khai, nhân rộng, cơ bản đáp ứng mục tiêu đặt ra. Các hộ vùng ảnh hưởng thiên tai đã được thụ hưởng chính sách để ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển sản xuất tại nơi ở mới. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân đang dần được nâng lên, góp phần xây dựng nông thôn mới tại các địa phương vùng dự án.Theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT): Giai đoạn 2016–2020, trên địa bàn các huyện miền núi đã sắp xếp ổn định cho 2.928 hộ, trong đó có 617 hộ tái định cư (TĐC) tập trung, 648 hộ TĐC xen ghép và 1.663 hộ ổn định tại chỗ.

Nét nổi bật trong chương trình bố trí, sắp xếp dân cư là đã gắn việc di dân với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Điều chỉnh, kết cấu lại các điểm dân cư gắn với quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng và công trình phúc lợi cộng đồng, từ đó đảm bảo việc đầu tư cơ sở hạ tầng được thuận lợi và tiết kiệm, nhiều bản làng mới được hình thành, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi. Đặc biệt, việc lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng - an ninh tại các địa phương. Đời sống của các hộ dân dần được ổn định, yên tâm phát triển sản xuất, không còn tình trạng di cư tự do và chặt phá rừng, đốt nương làm rẫy, diện tích rừng được khôi phục và phát triển, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường sinh thái và phát huy được sức mạnh quốc phòng toàn dân trong việc bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, các hộ dân ảnh hưởng di dời đến các khu TĐC còn ít. Đến tháng 7-2021, có 9/11 huyện miền núi có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Trong đó, có 3 huyện thuộc vùng trọng điểm, nguy cơ rất cao, gồm: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa. Hiện nay, khu vực miền núi tỉnh ta vẫn còn 4.307 hộ ảnh hưởng, sống trong nỗi thấp thỏm lo âu khi có mưa lũ.

Mùa mưa bão cận kề, dòng sông Lò nước cuồn cuộn, xuất hiện nhiều điểm sạt lở nhưng nhiều hộ dân vẫn sinh sống ven sông. Ông Vi Văn Liên, sinh sống tại bản Bôn (Trung Thượng, Quan Sơn), phân trần: “Nhà tôi ở sát mép sông Lò, các đợt mưa lũ trước đây, nước sông dâng cao lắm, đất sạt cách nhà gần 3m. Biết là nguy hiểm, lo sợ nước lớn, cuốn theo nhà xuống sông nhưng đây là đất thổ cư, hiện tại chưa có nơi TĐC và tiền xây nhà nơi ở mới nên chúng tôi vẫn phải bám trụ nơi đây”.

Tiếp lời ông Liên, ông Ngân Văn Ngọc, trưởng bản Bôn cho biết: “Hiện tại, bản Bôn có 28/69 hộ dân đang sống sát mép sông Lò, có nguy cơ cao ảnh hưởng của thiên tai. Thực tế, trong mùa mưa bão năm 2007, nước sông Lò đã dâng cao, cuốn trôi nhà cửa, tài sản của 4 hộ dân, rất may là không thiệt hại về người...”.

Vừa hướng dẫn chúng tôi khảo sát thực tế trên địa bàn xã, ông Vi Văn Phúc, công chức địa chính xã Trung Thượng, thông tin thêm: Xã có 3/6 bản nằm dọc sông Lò, mưa lớn, lũ ống, lũ quét ở thượng nguồn đổ về bất kỳ lúc nào. Thực tế, trong mùa mưa lũ các năm qua, nước sông chảy siết, nước dâng lớn lắm, thường xảy ra vào ban đêm, cây cối trên thượng nguồn trôi về, sạt đất, đá sát nhà dân. Lúc đó, huyện, xã cử cán bộ trực tiếp đến từng nhà dân vận động đồng bào tạm thời chuyển đến các hộ khác trên địa bàn để tránh lũ. Mưa lũ đã làm sạt lở, cuốn trôi nhiều chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, cây cối, công trình phụ, làm nứt móng nhà... Về lâu dài, đồng bào sinh sống dọc sông Lò mong muốn các cấp, các ngành chức năng sớm xây dựng khu TĐC để bà con di dời đến nơi an toàn, ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.

Quan sát tại KDC Co Hương (bản Ngàm, xã Tam Thanh, Quan Sơn), chúng tôi chứng kiến 24 hộ dân đang sinh sống trong KDC với 122 nhân khẩu là người dân tộc Thái. Toàn bộ các hộ dân sinh sống cheo leo trên triền đồi dốc. Đỉnh đồi phía sau KDC đã xuất hiện vết nứt ngang rộng khoảng 1m, dài 200m, đã và đang gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của Nhân dân. Thực tế, khi có mưa lớn xảy ra trên địa bàn, người dân phải di dời đến các hộ khác trong xã để tạm tránh thiên tai. Lãnh đạo xã Tam Thanh và người dân KDC Co Hương rất mong muốn được các cấp, các ngành sớm xây dựng khu TĐC để đồng bào được di dời đến nơi an toàn.

Tại KDC Pom Ca Thảy (bản Xuân Sơn, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn) đã xuất hiện nhiều vết nứt dọc từ trên đồi xuống với chiều dài trung bình 300m, rộng 3 - 7cm, có nơi từ 10 - 15cm. Đồng thời, có nhiều vết sụt lún đất ngang, có vết sụt trên 3m, chiều dài vết sụt lún khoảng 200m. Hậu quả gây nghiêng, đổ, gãy các loại cây trồng của Nhân dân, bề mặt đất bị vỡ, nứt rất dễ sạt lở khi có mưa lớn kéo dài, nguy cơ gây sạt lở toàn bộ phần đồi đất phía trên, ảnh hưởng trực tiếp đến 17 hộ với 77 khẩu đang sinh sống phía dưới chân đồi cũng như toàn bộ nhà cửa, cây trồng, đất sản xuất, đường giao thông, kênh mương, đường điện, công trình nước sinh hoạt, nhà văn hóa,... của bản. Hiện tại đã sạt lở đất đến sát nhà văn hóa bản Xuân Sơn.

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Quan Sơn Nguyễn Văn Sinh, cho biết: Tính đến tháng 7-2021, huyện Quan Sơn có 823 hộ ảnh hưởng lũ ống, lũ quét, sạt lở núi. Trong khi ngoài bản Sa Ná đã được Trung ương hỗ trợ xây dựng khu TĐC tập trung, đến nay, huyện chưa có thêm khu TĐC tập trung để di dời Nhân dân đến nơi an toàn.

Không chỉ riêng Quan Sơn mà hầu hết các huyện ở khu vực thượng du tỉnh ta tình trạng người dân sinh sống bấp bênh ven các con sông, suối, cheo leo trên sườn núi vẫn còn nhiều. Được biết, huyện Quan Hóa có 1.220 hộ sinh sống ven khe suối, vùng trũng dọc sông Mã. Hiện nay, mới có 328 hộ được di dời đến khu TĐC tập trung và xen ghép. Vào mùa mưa bão, lũ từ thượng nguồn đổ về gây hậu quả sạt lở đất đá, cây cối, nhà cửa, ảnh hưởng đến sản xuất và tính mạng Nhân dân.

Trong những năm qua, huyện Mường Lát đã sắp xếp, bố trí ổn định nơi ở an toàn cho 591 hộ bị ảnh hưởng của thiên tai. Đến tháng 7-2021, huyện còn 698 hộ có nguy cơ thiệt hại do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Huyện đã quy hoạch các dự án di dời các hộ ảnh hưởng đến nơi an toàn trên địa bàn theo hình thức tập trung và xen ghép. Chủ tịch UBND huyện Mường Lát Nguyễn Văn Bình cho biết: “Mường Lát là huyện vùng cao với địa thế hiểm trở, vẫn còn nhiều hộ dân đang sinh sống tại các xã, thị trấn trên địa bàn ảnh hưởng thiên tai. Để đảm bảo an toàn về người và tài sản cho Nhân dân, thời gian qua UBND huyện Mường Lát đã rà soát, tổng hợp các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai, để bổ sung vào Đề án sắp xếp ổn định dân cư khu vực xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất giai đoạn 2021-2025 của tỉnh”.

Mùa mưa, bão đã đến, thực tế thiếu mặt bằng và khó khăn về vốn, các khu TĐC cho người dân vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất chưa được thực hiện. Bài toán đảm bảo an toàn cho người dân cần được các cấp chính quyền tính toán thật cụ thể, để xây dựng các phương án đối phó, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản của Nhân dân do thiên tai gây ra.

Thùy Dương và Hương Thảo

Bài 2: Tìm giải pháp căn cơ, hiệu quả bền vững.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]