(Baothanhhoa.vn) - Xây dựng nhà văn hóa không chỉ giúp Nhân dân có nơi sinh hoạt cộng đồng mà còn góp phần hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, hiện nay một số thôn, bản ở các huyện miền núi đặc biệt khó khăn (Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân) chưa có nhà văn hóa.

Nhiều thôn, bản ở các huyện miền núi đặc biệt khó khăn “trắng” nhà văn hóa

Xây dựng nhà văn hóa không chỉ giúp Nhân dân có nơi sinh hoạt cộng đồng mà còn góp phần hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, hiện nay một số thôn, bản ở các huyện miền núi đặc biệt khó khăn (Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân) chưa có nhà văn hóa.

Nhiều thôn, bản ở các huyện miền núi đặc biệt khó khăn “trắng” nhà văn hóaNhà văn hóa bản Xim, xã Quang Chiểu (Mường Lát) diện tích nhỏ, không đủ chỗ ngồi và đang xuống cấp.

Cách trung tâm xã Quang Chiểu khoảng 8km, bản Hạm có 92 hộ, với 445 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Bao đời nay, người dân nơi đây không có nhà văn hóa. Mỗi khi bản có việc triển khai tới bà con, lại phải mượn nhà dân, hoặc họp tại nhà trưởng bản. Những dịp lễ, tết không có địa điểm để tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Bất cập là vậy, nhưng kế hoạch xây dựng nhà văn hóa bản đang gặp khó, bởi 91/92 hộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, rất khó huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng nhà văn hóa.

Ông Hà Văn Dầm, người dân bản Hạm chia sẻ: Dân bản rất mong Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng nhà văn hóa. Có nhà văn hóa bản, việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trở nên thuận lợi hơn; người dân có địa điểm sinh hoạt cộng đồng để tăng thêm tình đoàn kết, cùng giúp nhau phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững.

Theo chủ trương chung, việc đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn, bản chủ yếu theo hình thức xã hội hóa, Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Để đầu tư xây dựng nhà văn hóa đáp ứng các tiêu chí theo quy định, ngoài việc bảo đảm diện tích đất theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, còn cần nguồn kinh phí lớn để xây dựng, mua sắm trang thiết bị. Do đặc thù là xã vùng cao, đời sống kinh tế người dân Quang Chiểu bộn bề khó khăn, quỹ đất để xây dựng còn hạn chế, trong khi đó, tỷ lệ hộ nghèo cao, nên việc huy động nguồn lực đóng góp của Nhân dân để xây dựng nhà văn hóa gặp rất nhiều rào cản. Hiện nay, 4 bản của xã Quang Chiểu vẫn chưa có nhà văn hóa và còn một số bản có nhà văn hóa được xây dựng đã lâu đang xuống cấp, diện tích nhỏ hẹp, chưa có khu thể thao...

Ông Lò Văn Tuấn, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Mường Lát, cho biết: Xây dựng nhà văn hóa bản góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện các thiết chế văn hóa theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Trên thực tế, thiếu kinh phí đầu tư là nguyên nhân chính khiến việc xây dựng nhà văn hóa thôn, bản tại địa phương khó thực hiện. Vì để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất văn hóa theo đúng tiêu chí nông thôn mới cần nguồn kinh phí khá lớn, trong khi đó, điều kiện ngân sách và khả năng huy động sức dân có hạn. Hiện huyện Mường Lát có 18 bản chưa có nhà văn hóa và hầu hết các nhà văn hóa được xây dựng chưa có khu thể thao. Trong thời gian tới, huyện Mường Lát chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra, rà soát lại các nhà văn hóa, quy hoạch xây dựng nhà văn hóa. Đối với các quy hoạch xây dựng nhà văn hóa xa trung tâm, chỉ đạo các xã tiến hành quy hoạch lại để đảm bảo địa điểm sinh hoạt tập thể của mỗi bản phải thuộc khu trung tâm các bản, thuận tiện cho việc đi lại, sinh hoạt của người dân.

Tại huyện Bá Thước, nhiều thôn cũng chưa có nhà văn hóa khiến việc sinh hoạt cộng đồng của Nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê của Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bá Thước hiện nay, vẫn còn 30 thôn, bản chưa có nhà văn hóa. Các xã thiếu nhà văn hóa thôn nhiều nhất là xã Lũng Cao, Thiết Ống, Văn Nho, đặc biệt là xã Văn Nho có tới 7 thôn chưa có nhà văn hóa.

Ông Bùi Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Văn Nho cho biết: Thời gian qua, được sự quan tâm của Nhà nước, kết cấu hạ tầng của xã được đầu tư xây dựng khang trang. Tuy nhiên, hiện nay nhiều thôn chưa có nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng, khiến cấp ủy, chính quyền địa phương luôn trăn trở. Hiện xã Văn Nho có 7/11 thôn chưa có nhà văn hóa. Nguồn lực của địa phương để xây dựng nhà văn hóa cho các thôn còn hạn chế, việc xã hội hóa khó thực hiện bởi đời sống của Nhân dân còn nhiều khó khăn. Rất mong Nhà nước tiếp tục quan tâm, để Nhân dân của các thôn có nơi sinh hoạt văn hóa, thể dục - thể thao, góp phần nâng cao đời sống của bà con.

Tại các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân, có nhiều thôn, bản không có nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng, như: Huyện Quan Sơn có 13 bản, Thường Xuân 14 bản... Tìm hiểu thực tế tại các huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh được biết, không chỉ có tình trạng thiếu nhà văn hóa, mà còn có tình trạng nhiều nhà văn hóa thôn, bản xây dựng đã lâu diện tích hẹp, không đủ chỗ ngồi, không có khuôn viên sinh hoạt văn hóa, thể dục – thể thao và đang xuống cấp nghiêm trọng. Đây chính là rào cản và thách thức lớn với địa phương để thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.

Theo chủ trương chung, việc đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, khu dân cư chủ yếu theo hình thức xã hội hóa. Hiện tại đời sống Nhân dân ở một số thôn, bản thuộc các huyện miền núi Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nên việc huy động nguồn lực đóng góp xây dựng nhà văn hóa còn nhiều hạn chế. Việc lập quỹ đất cho các công trình nhà văn hóa, khu thể thao không dễ dàng, do quỹ đất bị hạn chế, địa hình bị chia cắt. Thực tiễn cho thấy, ở nơi nào có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, thì nhà văn hóa thôn, bản được đầu tư xây dựng khang trang. Vì vậy, để khắc phục tình trạng các thôn, bản không có nhà văn hóa, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, Nhân dân địa phương. Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh tiếp tục có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí để thực hiện việc tu sửa, nâng cấp, xây mới nhà văn hóa, đáp ứng được nhu cầu học tập, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa của các tầng lớp Nhân dân. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của các huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh từng bước phát triển.

Bài và ảnh: Xuân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]