(Baothanhhoa.vn) - Huyện Hoằng Hóa hiện có 7 xã khó khăn vùng bãi ngang ven biển, bao gồm Hoằng Yến, Hoằng Tiến, Hoằng Hải, Hoằng Trường, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ, Hoằng Châu, với hàng chục nghìn người dân sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản...

Nhiều giải pháp hỗ trợ các xã vùng bãi ngang ven biển thoát khỏi tình trạng khó khăn

Huyện Hoằng Hóa hiện có 7 xã khó khăn vùng bãi ngang ven biển, bao gồm Hoằng Yến, Hoằng Tiến, Hoằng Hải, Hoằng Trường, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ, Hoằng Châu, với hàng chục nghìn người dân sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản...

Nhiều giải pháp hỗ trợ các xã vùng bãi ngang ven biển thoát khỏi tình trạng khó khănMô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Hoằng Châu.

Xác định phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân trong vùng bãi ngang ven biển là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, trên địa bàn đã có nhiều chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ được triển khai thực hiện như: Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, XDNTM, Chương trình 30a... Nhờ đó, các hình thức sản xuất nông nghiệp lạc hậu trước đây dần được thay thế bằng sản xuất tập trung, trang trại, gia trại. Toàn huyện đã có 221 trang trại, nhiều trang trại mở rộng quy mô và nâng cao giá trị sản xuất. Trong đó, 7 xã bãi ngang ven biển có 119 trang trại (114 trang trại thủy sản và 5 trang trại chăn nuôi). Bên cạnh đó, tại các xã bãi ngang đã có trên 15 công trình được đầu tư xây dựng với số tiền gần 17 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương 9,5 tỷ đồng; ngân sách huyện, xã hơn 4,5 tỷ đồng, số còn lại huy động từ Nhân dân và các nguồn vốn khác) để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu, như: đường giao thông nông thôn, đường ra bến cá, khu nuôi trồng thủy sản, kênh mương tưới tiêu, trạm y tế... Các công trình này giúp các xã bãi ngang từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện để các xã nâng cao năng lực sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, cải thiện đời sống Nhân dân. Sau gần 10 năm XDNTM, đến năm 2019, 7/7 xã vùng bãi ngang ven biển huyện Hoằng Hóa đã đạt chuẩn NTM.

Đạt được kết quả trên, những năm qua các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế, chính sách của Nhà nước; lựa chọn các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện, lợi thế của từng địa phương để khai thác được tiềm năng và lao động của địa phương. Đồng thời, chú trọng đầu tư mô hình sản xuất hàng hóa gắn với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền và có biện pháp hữu hiệu để mỗi hộ nghèo thấy được trách nhiệm trong việc giảm nghèo; tránh tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước và xã hội...

Từ thực tế, đã xuất hiện một số mô hình dự án hiệu quả, tích cực có thể nhân rộng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững, như: mô hình sản xuất khoai tây Marabel tại các xã Hoằng Phụ, Hoằng Hải, Hoằng Thanh, Hoằng Yến đạt năng suất từ 10 - 22 tấn/ha, thu nhập 109 triệu đồng/ha/vụ; dự án đưa các giống lúa lai mới (27P31, Thái Xuyên 111) năng suất, chất lượng cao đạt 65 - 69 tạ/ha tại các xã Hoằng Châu, Hoằng Tiến; dự án trồng lạc thương phẩm tại xã Hoằng Trường; dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (chăn nuôi bò sinh sản cho các xã bãi ngang ven biển được thực hiện tại các xã Hoằng Yến, Hoằng Hải, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ, Hoằng Trường mỗi dự án 300 triệu đồng/1 xã)... Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện từ 5,56% (2021) giảm xuống còn 3,26% (năm 2022), dự kiến tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 giảm còn 1,67%. Trong đó tỷ lệ hộ nghèo của 7 xã bãi ngang ven biển năm 2021 là 6,15% và dự kiến cuối năm 2023 giảm còn 2,23%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện một số chính sách an sinh xã hội tại các xã bãi ngang ven biển còn chậm; thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững hiệu quả chưa cao, một số ít hộ nghèo, hộ cận nghèo còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và sự giúp đỡ của cộng đồng. Chưa kết hợp giữa đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho lao động sau khi học nghề, công tác phối hợp tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách có lúc thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

Để góp phần nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho người dân vùng bãi ngang ven biển, thời gian tới, huyện Hoằng Hóa tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia thực hiện chính sách giảm nghèo của địa phương; tập trung khắc phục khó khăn, huy động mọi tiềm năng để giữ ổn định và từng bước đẩy mạnh tăng trưởng, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, đẩy mạnh nghiên cứu, đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện giảm nghèo về hoạch định chính sách và chỉ đạo thực hiện; huy động và sử dụng các nguồn lực đặc biệt là nguồn tài chính; xây dựng, đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo. Ngoài ra, thường xuyên nghiên cứu, trao đổi với các địa phương khác trong khu vực và các tỉnh để học tập những kinh nghiệm, cách làm sáng tạo, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]