(Baothanhhoa.vn) - Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960) là tác giả của tiểu thuyết "Sống mãi với thủ đô", kịch "Vũ Như Tô" và các truyện thiếu nhi đặc sắc như "Tìm mẹ", "Lá cờ thêu sáu chữ vàng"... Ông còn là người chuyên tâm viết nhật ký, trong cuộc đời khá ngắn ngủi của mình, ông đã có 30 năm viết nhật ký, suốt từ năm 18 tuổi cho đến khi qua đời.

Nguyễn Huy Tưởng và con đường đến với cách mạng

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960) là tác giả của tiểu thuyết “Sống mãi với thủ đô”, kịch “Vũ Như Tô” và các truyện thiếu nhi đặc sắc như “Tìm mẹ”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”... Ông còn là người chuyên tâm viết nhật ký, trong cuộc đời khá ngắn ngủi của mình, ông đã có 30 năm viết nhật ký, suốt từ năm 18 tuổi cho đến khi qua đời.

Nguyễn Huy Tưởng và con đường đến với cách mạng

Năm 1996, gia đình nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã cho công bố toàn bộ nhật ký của ông, in thành ba tập với hơn 1.700 trang. Đó là những trang nhật ký được ghi từ ngày 2-11-1930, thuở ông còn là cậu học trò trường Bonnal, Hải Phòng và kết thúc vào 21-6-1960, tất cả vừa tròn 40 quyển.

Trong đó, đáng chú ý nhất là những trang viết đầy tâm huyết của một người khát khao đóng góp với đất nước và cách mạng bằng ngòi bút của mình; là cuộc đời đầy riêng tư của một cá nhân nhưng qua đó cũng cho thấy phần nào bối cảnh đất nước và đời sống văn học trong suốt những năm từ 1930 đến 1960. Những trang nhật ký khép lại đã hơn 60 năm nhưng vẫn khiến độc giả “tò mò” tìm đọc.

Lý giải cho câu hỏi, tại sao ông viết nhật ký, chính bản thân Nguyễn Huy Tưởng đã viết: “Phàm kẻ học trò nên tập cách viết nhật ký. Nhật ký là cuốn sách chân thật hơn cả mọi các sách mà cũng rộng rãi tự nhiên hơn các sách khác”. Từ khi còn là học trò cho đến khi phải chấp nhận làm một chân thư ký nhà Đoan cho chính quyền bảo hộ hay khi đã là một cán bộ cách mạng có cương vị, Nguyễn Huy Tưởng luôn tâm niệm ý thức trau dồi nghề nghiệp. Một lý do có lẽ quan trọng không kém đó là Nguyễn Huy Tưởng viết để tự giãi bày. Bởi rất nhiều điều ông muốn viết mà không viết được, may sao nhật ký là nơi ông ký thác được những tâm sự của mình một cách thoải mái nhất, thành thực nhất, sòng phẳng nhất. Trong trang nhật ký viết vào tháng 3-1932, ông có ghi: “Tôi nhiều bạn, nhưng bạn yêu nhất của tôi tức là tôi vậy”. Có lẽ được tâm sự với “bạn yêu nhất” của mình nên ông không phải e ngại hay lo sợ.

Trong tập 1, Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng “Đến với văn chương và cách mạng” (từ 11-1930 đến 7-1945), người đọc cảm nhận được những sự thay đổi về tư tưởng của ông. Trong trang nhật ký đề ngày 1-5-1938, ông đã nhắc tới những gương oanh liệt của tổ tiên như Trưng Vương, Trần Hưng Đạo và nhiều người khác nữa là “một tiếng chuông dễ cảm và đánh thức đồng bào”. “Cái hiển hách của tổ tiên sẽ làm xấu hổ kẻ đương thời chỉ biết vùi thân trong vòng dật lạc... Vụt chốc, tôi thấy tâm tôi rung động, máu nóng một bầu, nhường muốn noi gương nghĩa sĩ mà xả thân cứu quốc”.

Nguyễn Huy Tưởng dành nhiều trang viết về cái tên Trần Hưng Đạo “thần thánh đã quyến rũ” ông. Chính nghĩa khí Trần Hưng Đạo và tinh thần sử thi Hy Lạp là hai yếu tố căn bản tạo nên tinh thần yêu nước trong con người và các sáng tác văn chương của ông. Chí khí ấy thể hiện trong suy nghĩ của một thanh niên 18 tuổi rằng: “Phận sự của một người tầm thường như tôi muốn tỏ lòng yêu nước thì chỉ có việc viết văn quốc ngữ thôi” (nhật ký ngày 19-12-1930). Tình yêu quốc ngữ, yêu nước cũng là lý do để từ tháng 6-1938 ông đã tham gia Hội truyền bá Quốc ngữ với mong muốn “thổi vào tinh thần ủy mỵ của dân chúng những tư tưởng về sức mạnh”. Hội truyền bá Quốc ngữ lúc ấy không khác gì một trường học văn hóa rộng lớn đồng thời cũng là trường học yêu nước, yêu dân.

Tinh thần yêu nước như dòng máu chảy qua các mao mạch thấm sâu vào ngõ ngách cơ thể. Ông xác định: "Tôi chán với cái thuyết thế giới đại đồng. Tôi không muốn trông xa, tôi không ước vọng gì cả: tất cả mục đích của tôi chỉ gồm trong hai chữ: quốc gia. Tôi chỉ biết có nước Việt Nam, có một góc đất ở hoàn cầu nó đau khổ và chỉ biết làm thế nào cho nó được giải phóng mà thôi” (Nhật ký ngày 20-6-1938); “Tôi nghĩ: Tại sao nghìn năm nội thuộc Tàu mà dân tộc ta không bị tiêu diệt? Vì chúng ta có một tinh thần sống rất mạnh. Tôi hình như trông thấy ngọn lửa sống của cha ông tôi, âm ỉ không bao giờ tắt” (Nhật ký ngày 10-11-1938); “Tôi thấy đau đớn, uất ức. Tôi mong mỏi một sự khôi phục quốc quyền. Tôi thẹn với cái đời phụ thuộc mãi này. Tôi muốn lá cờ Việt Nam phấp phới” (Nhật ký ngày 9-12-1938); “Sao tôi lại không yêu nước tôi, trong khi ông cha tôi đã khốn khổ mới gây dựng được nó? Lịch sử Việt Nam, tự trước và từ nay cũng vậy, là lịch sử đẹp đẽ của một sự phấn đấu vô cùng để sống”. Thậm chí, ông còn viết những dòng đầy cảm tính, trong một tinh thần hướng tới tương lai: “Đọc Truyện Kiều, tức là đọc một bản đàn mà nguồn hy vọng còn tràn lấn trong tâm hồn. Ta lấy Kiều là tiêu biểu cho non sông, mà nếu bói Kiều là hay, thì ta có thể tự nhủ rằng nước Việt ta không có cơ mất hẳn. Bĩ cực rồi thái lai”.

Đến năm 1945, những trang nhật ký của ông thể hiện rất rõ điệu buồn trong đời sống xã hội. “Phố xá Hà Nội hiện ra một quang cảnh rất tấp nập. Tấp nập vì có nhiều hành khất, rách rưới, gầy gò, hay phong phanh, hôi thối. Cửa hàng cơm chật ních những kẻ khó. Lam lũ, bủng beo, xanh xao. Hoặc rên trước cửa hàng, hoặc ngửa tay xin. Hoặc có cái xác trơ xương diễu trên xe tay qua các phố” (27-2-1945). Lúc này Nguyễn Huy Tưởng tập trung cho sự kiện Nhật đảo chính Pháp - Những ngày tiền khởi nghĩa. Đó là những ngày đầu tháng 3-1945, hoàn cảnh đất nước chìm trong tang thương, những “tiếng đạn sượt qua mái nhà”, những “sự kiểm soát gắt gao hơn”. Ngay cả với riêng Nguyễn Huy Tưởng, việc ghi chép nhật ký cũng có sự cẩn trọng, đề phòng hơn. Cũng từ đây các trang viết của ông đã sử dụng nhiều chữ viết tắt, như: K.N (khởi nghĩa); văn h. (văn hóa); V.M (Việt Minh); T.P (Tiền phong)... thậm chí đến cả những cái tên người bạn văn cũng không thể ghi rõ ràng được nữa.

“Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng” là những “tư liệu nguyên chất” (chữ dùng của Thụy Khuê) bởi ngoài giá trị văn học, còn có giá trị xã hội và nhân văn. Có thể, trong suốt cuộc đời của mình, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng chưa từng có ý định công bố nhật ký, nhưng cùng với thời gian, những trang viết riêng tư của ông đã trở thành tư liệu hết sức giá trị về nhiều mặt. Vì riêng tư mà người viết được và dám nói thẳng, nói thật, điều đó đã giúp bạn đọc ngày hôm nay không chỉ hiểu thêm hoàn cảnh đất nước một thời, mà còn biết thêm về không khí văn học nghệ thuật của một giai đoạn, những suy tư trăn trở của văn nghệ sĩ. “Qua nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, bạn đọc - nhất là giới trí thức và văn nghệ sĩ, tìm thấy trong đó bài học thật quý báu cho riêng mình. Những gì ông đã trăn trở và viết, đến nay vẫn đầy ắp tính thời sự!” (Cảnh Thụy).

Tập 1 dừng ở ngày 24-7-1945, những tập tiếp theo được Nguyễn Huy Tưởng viết về giai đoạn bỏ gia đình theo kháng chiến, giữ trọng trách trong cơ quan văn nghệ của Đảng từ tháng 5-1946 đến tháng 10-1953 và những ngày tiếp quản thủ đô, trở về Hà Nội, tiếp tục công việc trong ban lãnh đạo văn nghệ từ tháng 9-1954 đến tháng

6-1960.

Trong đường đời và đường văn, ông tôn trọng sự thành thực và sòng phẳng. Đó cũng chính là cách mà nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nhận được sự kính trọng và tin tưởng của bạn đọc.

Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]