(Baothanhhoa.vn) - Có lẽ, những ngày này, ngôi nhà của gia đình cố họa sĩ Phan Bảo trên phố Lê Hoàn (TP Thanh Hóa) đón nhiều khách xa gần nhất, nhiều hơn tất cả những ngày đã từng rộn ràng tụ họp trước đây. Họ đến để dâng nén nhang thơm thay lời tiễn biệt cuối cùng đến cố họa sĩ Phan Bảo, “nhà Thanh Hóa học” – người thân yêu, người thầy, người bạn, đồng nghiệp, đồng môn... mà họ xiết bao quý mến, trân trọng, tự hào.

Người đi... về phía chân trời

Có lẽ, những ngày này, ngôi nhà của gia đình cố họa sĩ Phan Bảo trên phố Lê Hoàn (TP Thanh Hóa) đón nhiều khách xa gần nhất, nhiều hơn tất cả những ngày đã từng rộn ràng tụ họp trước đây. Họ đến để dâng nén nhang thơm thay lời tiễn biệt cuối cùng đến cố họa sĩ Phan Bảo, “nhà Thanh Hóa học” – người thân yêu, người thầy, người bạn, đồng nghiệp, đồng môn... mà họ xiết bao quý mến, trân trọng, tự hào.

Người đi... về phía chân trờiCố họa sĩ Phan Bảo trong không gian làm việc tại tư gia. (ảnh nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Ngôn cung cấp).

Họa sĩ Phan Bảo đã rời xa “cõi tạm” nhưng những đóng góp của ông thì vẫn còn mãi đây, là minh chứng sinh động, thuyết phục cho tài năng, cốt cách người xứ Thanh. Họa sĩ Phan Bảo – “nhà Thanh Hóa học”, đó không đơn thuần là một danh phong!.

1. Nhạc sĩ Văn Hòe bùi ngùi, xúc động nhắc nhớ lại biết bao ân tình, kỷ niệm với “người bạn vong niên” – cố họa sĩ Phan Bảo. Gọi “người bạn vong niên”, bởi lẽ, nếu xét về tuổi đời thì nhạc sĩ Văn Hòe đáng tuổi cha, chú. Mà thực, nhạc sĩ Văn Hòe là bạn học của ông Phan Giản - bố của họa sĩ Phan Bảo từ thời trai tráng chớm độ đôi mươi trong trường đại học Trần Quốc Tuấn (Trường Sĩ quan Lục quân 1). Rồi như một cơ duyên, nhiều năm sau đó, trở về quê hương - về với mảnh đất xứ Thanh yêu mến, tự hào, nhạc sĩ Văn Hòe và họa sĩ Phan Bảo tiếp tục mối giao hảo ấy cho đến khi âm - dương cách biệt vời vợi như lúc này đây.

Nhạc sĩ Văn Hòe hồi tưởng lại: "Tôi gặp Phan Bảo khi làm Trưởng đoàn Ca múa Thanh Hóa. Bộn bề công việc, từ dựng bối cảnh sân khấu, thiết kế phục trang đều phải tìm đến Phan Bảo. Có thời điểm, chúng tôi làm việc với nhau đến quên ăn quên ngủ, gia đình Phan Bảo quá quen thuộc với sự hiện diện của tôi. Thân thiết cũng từ đó, tâm giao cũng từ đó". Ông Hòe chia sẻ thêm: “Lúc đầu qua lại, tôi đâu có biết Phan Bảo là con trai của bạn học mình. Sau một lần ghé thăm, tôi thấy ông Phan Giản ngồi trong nhà, khỏi phải nói là mấy người chúng tôi mừng vui, trân trọng đến thế nào. Từ đó, chúng tôi đã thân lại càng thêm thân, gắn bó”.

Phan Bảo sinh ra ở làng Phú Khê (tên nôm thường gọi là kẻ Đừng hay kẻ Đầng). Đó là ngôi làng lớn của đất Hoằng Hóa, vùng đất cổ có bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa xuyên suốt hàng nghìn năm. “Căn cước” đời người sao thiếu được bóng quê. Vì thế nên tính cách của Phan Bảo mang đậm dấu ấn người Phú Khê nói riêng, cá tính xứ Thanh nói chung. Nhạc sĩ Văn Hòe nhận xét: “Phan Bảo là người đặc biệt nghiêm túc, cẩn thận, thẳng thắn, cá tính, quyết liệt cả trong đời sống lẫn trong hoạt động chuyên môn. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất lắng đọng chiều sâu lịch sử - văn hóa, lại giỏi chữ Hán, ham đọc - ham học hỏi nên Phan Bảo có kiến thức văn rộng, sâu sắc”. Ít ai biết được rằng, Phan Bảo hiểu biết cặn kẽ về nguồn gốc, làn điệu, trang phục Tuồng cổ. Cũng chính Phan Bảo là người đã cùng “kề vai sát cánh” với nhạc sĩ Văn Hòe trên hành trình tìm về, phục dựng múa trò Xuân Phả - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Quãng độ năm 1970-1973, khi còn đảm nhận vị trí Trưởng đoàn Ca múa Thanh Hóa, với mong mỏi “đi tìm điệu múa quê hương để khơi nguồn cảm hứng, chất liệu dựng thành bài biểu diễn”, nhạc sĩ Văn Hòe đã có thời gian thâm nhập thực tế tại làng Xuân Phả (xã Xuân Trường, Thọ Xuân) để tìm hiểu, ghi nhận, khảo cứu các tư liệu về múa trò Xuân Phả. Cùng với đó, Phan Bảo có nhiều đóng góp trong việc phục chế lại trang phục biểu diễn theo nguyên gốc của trò Xuân Phả.

Nhạc sĩ Văn Hòe nói trong niềm rưng rưng, xúc động: "Có thể nói, Phan Bảo là một trong những người gần gũi, hiểu tôi nhất. Tôi tin, những tâm huyết, đóng góp của Phan Bảo sẽ mãi còn lại đây, trong đời sống lịch sử - văn hóa xứ mình và tiếp tục gợi mở ra nhiều điều cho các thế hệ sau tiếp tục trăn trở, tìm tòi. Phan Bảo là một trong những người đại diện cho tinh thần, cốt cách người xứ Thanh".

2. Nói về họa sĩ Phan Bảo, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Ngôn bày tỏ niềm yêu mến, trân trọng, cảm phục. Họa sĩ Phan Bảo là người có tài ở nhiều lĩnh vực. Hội họa, lịch sử, văn hóa..., ở bất kỳ lĩnh vực nào, ông cũng uyên bác, thâm sâu. Với lịch sử - văn hóa, ông dày công nghiên cứu, tìm tòi các sách đông - tây, kim - cổ để cốt sao hiểu cho cặn kẽ cội nguồn quê hương, xứ sở mình. Nghĩa là nó xuất phát từ nhu cầu tự thân, từ tình yêu lớn lao dành cho mảnh đất xứ Thanh “địa linh nhân kiệt”, “sân khấu của những bản anh hùng ca của đất An Nam”, “mảnh đất thiêng để duy trì những hoài bão của giống nòi" chứ không vì bất kỳ một sự hư vinh, phù phiếm nào cả. “Chúng tôi quý và trân trọng ông không chỉ ở tầm trí tuệ anh minh của ông, ở trí nhớ tuyệt vời ông có được mà hơn ai hết ông là người yêu quê Thanh, yêu xứ Thanh đến tột độ. Ông yêu và hiểu về quê Thanh như hiểu chính về mình, luôn trăn trở, suy nghĩ, mong muốn làm được thật nhiều việc hữu ích cho mảnh đất quê hương” - nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Ngôn bộc bạch.

Với hội họa, ông sống với tất cả đam mê. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Ngôn chia sẻ: "Phan Bảo đọc sách, viết chữ Hán và vẽ hằng ngày, không thiếu được. Trước đây, ông cũng vẽ tranh với chất liệu sơn dầu nhưng dần về sau, ông tập trung vẽ trên chất liệu giấy dó. Đề tài trong hội họa của Phan Bảo khá đa dạng nhưng nhiều hơn cả vẫn là những tranh vẽ khơi nguồn cảm hứng từ lịch sử, văn hóa. Tính đến nay, số lượng tranh vẽ của họa sĩ Phan Bảo đủ làm nên “gia tài” đáng ngưỡng mộ.

Là người hoạt động nhiều năm trong ngành xuất bản, từng đảm nhận vị trí Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Thanh Hóa, ông Nguyễn Hữu Ngôn nhận định: “Bên cạnh những tác phẩm hội họa, nếu muốn tiếp cận, mở rộng hiểu biết về Phan Bảo cùng những đóng góp của ông thì hãy lần tìm lại những bìa sách do ông thiết kế, trình bày. Ông là một trong những người tham gia thiết kế bìa sách trong những giai đoạn đầu của Nhà Xuất bản Thanh Hóa. Cũng chính họa sĩ Phan Bảo là tác giả của logo Nhà Xuất bản Thanh Hóa vẫn sử dụng cho đến ngày nay”.

Những câu chuyện của nhạc sĩ Văn Hòe, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Ngôn và nhiều văn nghệ sĩ khác về họa sĩ Phan Bảo đều bắt đầu từ những ấn tượng, cảm phục tài năng, kiến thức sâu rộng và trí nhớ tốt và sự thẳng thắn, quyết liệt đi đến tận cùng vấn đề. Trong đó, cả nhạc sĩ Văn Hòe, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Ngôn đều nhắc nhớ về Phan Bảo như là một trong những người đóng góp quan trọng, cùng với Nguyễn Diên Niên (khảo chứng), Lê Văn Uông (chú dịch) làm nên thành công của cuốn sách Lam Sơn thực lục - cuốn sách nguyên tác bằng chữ Hán được biên soạn theo lệnh của vua Lê Thái tổ kể lại quá trình khởi nghĩa đánh bại quân Minh của nghĩa quân Lam Sơn, “hòn ngọc” của sử liệu nước nhà. Nhiều người vẫn nhắc chuyện họa sĩ Phan Bảo thiết kế bìa mẫu cho tập san Thanh Hóa xưa và nay chuyên về nghiên cứu lịch sử - văn hóa xứ Thanh của Hội Khoa học Lịch sử tỉnh...

Còn rất nhiều câu chuyện, rất nhiều hồi ức, kỷ niệm đẹp về con người - sự nghiệp của họa sĩ Phan Bảo được nhắc tới trong những ngày này hay mãi về sau. Và trong những câu chuyện ấy, bao giờ cũng vương niềm nuối tiếc - tiếc vì chúng ta vẫn chưa hiểu hết, khai thác hết được “gia tài” lịch sử - văn hóa mà họa sĩ Phan Bảo có. Giờ người đi... về phía chân trời, biết tỏ tường cùng ai?.

Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]