(Baothanhhoa.vn) - Giữa trưa nắng bỏng rát của ngày hè, dọc triền đê 2 huyện Nga Sơn và Hậu Lộc khi thủy triều rút cạn, vài ba tốp phụ nữ và trẻ con cặm cụi dùng mũi dao, kéo để ghè hà bám chặt vào các mảng đá gần bờ...; đàn ông, thanh niên thì tìm đến các dải đá vôi nằm rải rác dưới lòng biển lặn xuống cạy từng tảng hàu  mang về. Công việc tưởng chừng tạm bợ ấy lại là “cần câu cơm” của người dân nghèo ven biển.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghề săn “thần dược” cho đàn ông

Giữa trưa nắng bỏng rát của ngày hè, dọc triền đê 2 huyện Nga Sơn và Hậu Lộc khi thủy triều rút cạn, vài ba tốp phụ nữ và trẻ con cặm cụi dùng mũi dao, kéo để ghè hà bám chặt vào các mảng đá gần bờ...; đàn ông, thanh niên thì tìm đến các dải đá vôi nằm rải rác dưới lòng biển lặn xuống cạy từng tảng hàu mang về. Công việc tưởng chừng tạm bợ ấy lại là “cần câu cơm” của người dân nghèo ven biển.

Nghề săn “thần dược” cho đàn ông

Ghè hà ở các rặng đá ven biển và cọc chống nuôi ngao.

Theo người dân địa phương, mùa tìm nhặt hàu, hà biển thường bắt đầu từ tháng 3 dương lịch và kéo dài đến hết tháng 7. Đây là thời gian hàu, hà sinh trưởng nhiều và mẩy nhất trong năm nên người dân tranh thủ lúc nông nhàn để kiếm thêm thu nhập. “Nghề này không phải đầu tư gì cả, cứ khi triều cường xuống là chúng tôi đi. Hàu, hà đặc biệt được ưa chuộng vào các ngày nắng nóng. Chỉ với dăm, ba chục ngàn đồng là có mẻ hàu, hà về nấu canh, nấu cháo ăn rất mát và khỏe” - anh Trần Văn Đại, xóm 2, xã Nga Thanh - một “thợ mò” hàu, bộc bạch.

Hàu là loài động vật nhuyễn thể thuộc nhóm thân mềm hai mảnh vỏ trong họ hàng nghêu, sò nhỏ sống bám vào một giá thể, như: Đá thành tảng, các rạn đá, móng cầu hay nằm dưới lớp cát biển, ăn sinh vật phù du và các sinh vật trong bùn, cát, nước biển... để sống. Loại nằm dưới cát, chỉ những người đàn ông khỏe mạnh bơi ra nơi có mực nước sâu khoảng 1 - 1,5 m lặn, ngụp, mò ở dưới biển thì mới lấy được, khi về lể ra (bóc/tách vỏ hàu để lấy ruột - PV) ruột khá to.

Anh Đại hồ hởi khoe: “Công việc nhặt hàu đem lại thu nhập cho người dân! Hôm nào gặp may, đi khoảng 5, 6 tiếng nhặt được 50-60kg hàu, sau khi gỡ ruột ra bán cho thu nhập cả triệu đồng, còn ngày bình thường thì khoảng 400 – 500 nghìn đồng. Vất vả của nghề này là phải ngâm mình suốt ngày dưới lòng biển. Vì vậy không ai muốn theo nghề này, nhưng vì mưu sinh mà đành chấp nhận đánh cược với tính mạng. Anh Đại bộc bạch thêm: “Trước kia, nhà anh rất nghèo, quanh năm vợ chồng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời cũng không đủ ăn. Nghe lời khuyên của người trong làng, anh ra biển “săn” hàu. Được cái, hàu lúc nào cũng có giá, chỉ cần lên đến bờ là đã có người đến tận nơi mua, tiền trao tận tay, bởi thế anh ham lắm. Những ngày đầu chưa quen, anh chỉ mò được rất ít và bao giờ cũng lên chậm hơn những người khác. Lặn sâu dưới đáy biển có khi cả mét, mắt anh cứ nhắm tịt lại rồi hai tay mò mẫm tìm hàu. Chuyện giẫm phải hàu, mò phải gai góc, mảnh chai, mảnh sành, đứt tay, đứt chân là chuyện thường xuyên”.

“Ngâm lâu thì nhiều tiền, lên bờ sớm thì ít tiền. Nhưng nói chung sức có hạn, không ai ngâm lâu hơn được đâu. Anh Đại xòe đôi bàn tay bệch bạc, chi chít những vết cứa nham nhở do đụng phải hàu, từng đầu ngón tay như nhúm táo tầu ngâm muối lâu ngày, nói. Âu nó cũng là cái nghiệp!. Nghề nào cũng có nỗi vất vả riêng.

Còn con hà hình dáng gần giống như con trai, nhưng vỏ sần sùi, sắc nhọn, chỉ sống ở nước mặn, nhất là các ghềnh đá ven biển. Loại này không phải mò lặn gì, nhưng cần phải cẩn thận ghè thì mới được. Muốn lấy được con hà, người ta phải dùng búa mỏ nhọn, dao mũi nhọn... cậy chúng ra từ các tảng đá, gọi là “ghè”, “nạy”, “lể” hà. Trong lúc ghè để lấy phần ruột của hà, tránh vỏ hà chết xỉa vào tay và tránh dập con hà còn tươi, người ghè phải thật cẩn thận và khéo léo trong từng mũi dao. Nói chung là công đoạn khá vất vả, đòi hỏi sự kiên nhẫn, chịu khó của người thợ mới mong kiếm được nhiều ruột hà. Nhưng bù lại, con hà ăn rất ngon, vị ngọt, mềm, béo, ngậy. Tuy nhiên hàu, hà khi chưa lể ra rất bén, nếu không may bị vỏ hàu, hà cắt vào tay hoặc chân thì rất nguy hiểm, vết thương sâu, đau đớn và rất khó chịu. Có nhiều người phải chịu tật vì bị hàu, hà cắt.

Chị Nguyễn Thị Hiên, thôn Y Vích, xã Hải Lộc (Hậu Lộc) chia sẻ: “Nhiều năm nay, hàu, hà được người dân ưa chuộng bởi thịt có nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt hàu, hà sống tự nhiên ở biển càng ngon và bổ dưỡng hơn rất nhiều so với hàu ở các sông, lạch; do đó, hàu và hà biển được thu mua với giá cao. Sau khi chúng tôi tìm nhặt hàu, hà về, gỡ thịt ra và bán tại chợ với giá từ 80 - 100 nghìn đồng/kg; vào các ngày lễ, giá được đẩy lên cao 120 - 150 nghìn đồng/kg”.

Trong số những người hành nghề ghè hà, hàu ở huyện Hậu Lộc, có mẹ con chị Nguyễn Thị Cung, xã Minh Lộc. Ở cái tuổi ngoài 30 nhưng lo toan đè nặng đã giành đi của chị hơn một nửa xuân thì. Cầm bát ruột hà vừa nạy, chị Cung tâm sự mà nước mắt cứ lăn dài: “Hôm nay, chị phải về sớm bán bát hàu này mua thuốc cho đứa con nhỏ đang bệnh. Chồng chị làm nghề đi bạn (đi biển – PV). Nhưng biển đã giành lấy anh mấy năm rồi, giờ một mình chị phải vất vả mưu sinh nuôi hai con nhỏ”.

Cùng chung hoàn cảnh với chị Cung, anh Trần Văn Hiệu, xã Nga Thanh lại mang một phận đời và hoàn cảnh trái ngược. Anh Hiệu chia sẻ: “Vợ mất cách đây 3 năm, một mình tôi nuôi 3 con, đứa út trí tuệ phát triển không bình thường nên đến giờ bé đã 7 tuổi vẫn chưa được đi học. Hàng ngày, một mình tôi đi ra gần đảo Nẹ để lặn, bắt hàu. Mỗi con nước, tôi kiếm được khoảng 400-500 nghìn đồng, cũng đủ nuôi con”. Nhờ những ngày mưu sinh gian nan dưới đáy biển mà hai đứa con đầu của anh Hiệu lớn lên khỏe mạnh và được ăn học tử tế.

Ngoài những cuộc đời, những phận người éo le như chị Cung, anh Hiệu ở dải biển này còn có rất nhiều hoàn cảnh éo le khác, khó khăn hơn. Những người làm chung nghề này ở xã Hải Lộc, ai cũng biết hoàn cảnh đáng thương của em Phạm Văn Vương. Mới 11 tuổi, học lớp 5, nhưng do sớm phải bươn chải mưu sinh nên trông Vương có vẻ già dặn, cứng cáp hơn so với các bạn cùng trang lứa. Khi Vương chưa chào đời, bố em đã bỏ mẹ để đi theo người khác. Năm em lên 5 tuổi, mẹ đi thêm bước nữa. Từ đó, Vương phải sống nương nhờ vào ông bà ngoại đã ngoài 60 tuổi. Ngày ngày, khi thủy triều chưa lên, đôi chân nhỏ bé của Vương đã dò dẫm kiếm sống trên triền đê. Thương em tay yếu, không ghè được nhiều nên mỗi khi rời đi, các cô, các chị vẫn thường “dúi thêm” vào bát của em ít nhiều con hàu, con hà. Khi chúng tôi hỏi thăm, Vương cho biết: “Em đi ghè hà đem bán lấy tiền đỡ đần ông bà ngoại và “bỏ lợn” để mua quần áo, sách vở...”. Dù nhọc nhằn mưu sinh, nhưng nhìn gương mặt em sạm đen vì nắng gió cũng ánh lên chút niềm vui nho nhỏ. Có lẽ với em, được chia sẻ gánh nặng cơm áo, gạo tiền hằng ngày cùng ông bà già yếu là niềm hạnh phúc không gì đong đếm được.

Chúng tôi trở về nhà khi bóng tối đã lấp dần phía ngọn sóng, một vài khoảng trống nhấp nhô do người cạy hàu để lại nhìn rất chênh vênh. Trên bờ đê, một tốp phụ nữ, tay xách giỏ, chân bước vội về nhà; phía đối diện, một tốp khác đầu đội đèn pin, lưng đeo gùi, tay dụng cụ lao động vội vàng ra biển. Những lời chào hỏi nhau bỗng chốc hòa vào tiếng sóng vỗ, nghe nhàn nhạt bên tai, tan loãng trong bóng tối đổ dần nơi cửa biển nghèo khó.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]