(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐTBXH) triển khai đồng bộ, rộng khắp tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc, qua đó tạo sự chuyển biến tích cực về hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ, người lao động trong toàn ngành.

Ngành lao động - thương binh và xã hội với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐTBXH) triển khai đồng bộ, rộng khắp tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc, qua đó tạo sự chuyển biến tích cực về hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ, người lao động trong toàn ngành.

Ngành lao động - thương binh và xã hội với công tác phổ biến, giáo dục pháp luậtPhiên giao dịch việc làm lưu động tổ chức tại huyện Thọ Xuân năm 2022.

Bám sát các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên, hằng năm Sở LĐTBXH Thanh Hóa đã xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác PBGDPL thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật của Trung ương và của tỉnh về thực hiện công tác PBGDPL. Chỉ đạo, hướng dẫn các phòng nghiệp vụ, các đơn vị trực thuộc tuyên truyền, phổ biến kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành đến các tầng lớp Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật; phòng ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật. Tham mưu trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động; tháng hành động vì người cao tuổi; tháng hành động vì trẻ em; tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh...

Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Lê Đình Tùng cho biết: Cùng với tham mưu cho tỉnh, trong năm 2022 sở đã xây dựng và ban hành 9 kế hoạch triển khai thực hiện công tác PBGDPL thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; 26 văn bản hướng dẫn, đôn đốc; 13 kế hoạch và 8 quyết định để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Song song với ban hành các văn bản chỉ đạo, sở không ngừng củng cố, kiện toàn về tổ chức, đội ngũ làm công tác PBGDPL với đội ngũ báo cáo viên pháp luật. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, bảo đảm sự phối hợp, tham mưu triển khai thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL, sở cử cán bộ tham gia các hội nghị quán triệt, triển khai văn bản pháp luật mới theo kế hoạch PBGDPL của UBND và hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh. Phối hợp tổ chức 231 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ và kiến thức pháp luật thuộc các lĩnh vực lao động, việc làm, người có công, trợ giúp xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội...

Đặc biệt, đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng phóng sự về chủ đề, thông điệp của tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động và tháng hành động vì trẻ em năm 2022 phát sóng trên đài. Phối hợp với các cơ quan báo chí đưa hơn 250 tin, bài về phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em. Vận động 3 nhà mạng hỗ trợ gửi tin nhắn tới 3.003.940 thuê bao sử dụng điện thoại di động hưởng ứng tháng hành động vì trẻ em. Ngoài ra, còn tổ chức tuyên truyền, PBGDPL về phòng, chống tệ nạn xã hội bằng hình thức sân khấu hóa, như hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội tại 10 trường THPT và 2 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với sự tham gia của trên 15.000 học sinh, học viên và gần 1.000 cán bộ, giáo viên, giảng viên. Tổ chức lồng ghép tuyên truyền, PBGDPL về lao động và tư vấn việc làm, định hướng nghề nghiệp thông qua 55 phiên giao dịch việc làm, hội nghị tư vấn việc làm cho 21.496 lượt người lao động. Hoạt động của mô hình trung tâm dịch vụ một cửa OSSC hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới “Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa” cũng đã thực hiện công tác tư vấn, kết nối dịch vụ xã hội cho gần 2.000 lượt đối tượng yếu thế tại cộng đồng qua Tổng đài 18001744 và thực hiện tư vấn, hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em qua Tổng đài quốc gia 111; tư vấn cá nhân cho nhiều người là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng.

In ấn, cấp phát trên 100.000 tờ rơi, tài liệu về lĩnh vực trẻ em, bình đẳng giới, an toàn vệ sinh lao động, phòng chống tệ nạn xã hội, xuất khẩu lao động; treo trên 200 băng rôn, khẩu hiệu, 61 panô để tuyên truyền, hướng dẫn các nội dung thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; lắp 90 biển cảnh báo, biển cấm phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em... Bên cạnh đó, sở thường xuyên cập nhật, đăng tải các tin, bài có nội dung liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng còn hiệu lực thi hành về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, như Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Trẻ em, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Pháp lệnh Ưu đãi người có công... trên trang thông tin điện tử của sở và các đơn vị trực thuộc. Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc khai thác, sử dụng có hiệu quả tủ sách pháp luật, giúp công chức, viên chức, người lao động nghiên cứu, tìm hiểu và vận dụng các quy định của pháp luật vào thực tế một cách đầy đủ, có hệ thống, chính xác và thống nhất.

Từ những cách làm thiết thực, hiệu quả trên đã tạo sự chuyển biến tích cực về hiểu biết pháp luật cũng như ý thức chấp hành pháp luật nói chung và các quy định của Nhà nước về lĩnh vực lao động, việc làm, người có công và xã hội. Từ đó triển khai, thực hiện tốt hơn các chế độ, chính sách của ngành LĐTBXH.

Bài và ảnh: Mai Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]