(Baothanhhoa.vn) - Để triển khai tích tụ, tập trung đất đai (TTTTĐĐ) theo tinh thần Nghị quyết 13-NQ/TU, ngày 11-1-2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, huyện Nga Sơn đã xây dựng Kế hoạch thực hiện TTTTĐĐ để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao giai đoạn 2021-2025 và giao chỉ tiêu cho từng xã, thị trấn thực hiện.

Nga Sơn tích tụ đất sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại

Để triển khai tích tụ, tập trung đất đai (TTTTĐĐ) theo tinh thần Nghị quyết 13-NQ/TU, ngày 11-1-2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, huyện Nga Sơn đã xây dựng Kế hoạch thực hiện TTTTĐĐ để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao giai đoạn 2021-2025 và giao chỉ tiêu cho từng xã, thị trấn thực hiện.

Nga Sơn tích tụ đất sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đạiDiện tích tích tụ, tập trung đất để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của hộ gia đình ông Hoàng Anh Tuấn ở thôn Đông Thái, xã Nga Bạch.

Cùng với những chính sách khuyến khích của tỉnh, huyện cũng xây dựng cơ chế thưởng cho những mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, như: Hỗ trợ 20 triệu đồng cho 1.000m2 nhà màng; 23 triệu đồng cho 1 hộ có diện tích từ 1.000m2 trở lên sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; chính sách đầu tư nâng cấp đường giao thông nội đồng, kênh mương cho các vùng sản xuất... Nhờ đó, phong trào TTTTĐĐ để sản xuất nông nghiệp trong Nhân dân được triển khai mạnh mẽ dưới 3 hình thức tích tụ, gồm: thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhận thầu khoán.

Là một trong những hộ dân tích cực hưởng ứng phong trào, gia đình ông Hoàng Anh Tuấn ở thôn Đông Thái, xã Nga Bạch đã đầu tư xây dựng trên 4.600m2 nhà màng trồng dưa kim hoàng hậu và một số loại rau trái vụ, mang lại doanh thu đạt hàng tỷ đồng/năm. Ông Tuấn cho biết: "Đầu năm 2020 gia đình tôi nhận khoán diện tích đất sản xuất nông nghiệp của một số hộ dân lân cận để mở rộng vùng sản xuất. Cùng với đó, được hỗ trợ từ tỉnh, huyện, gia đình đã đầu tư xây dựng hơn 4.600m2 nhà màng để sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Với nhiều ưu điểm như quản lý cây trồng tốt hơn, giảm chi phí do ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm sạch, đầu ra ổn định... Hiện tại gia đình trồng 4 vụ/năm, doanh thu khoảng 2,2 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 450 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều lần so với sản xuất truyền thống.

Được biết, chính từ sự ưu việt của việc TTTTĐĐ để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trên địa bàn huyện đã có 6 doanh nghiệp và khoảng 250 hộ gia đình cùng tham gia, góp phần hình thành những vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, với tổng diện tích khoảng 550 ha. Tiêu biểu như mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã Nga Yên, Nga Thành, Nga Thạch cho doanh thu bình quân từ 250 - 300 triệu đồng/ha/năm; mô hình TTTTĐĐ để sản xuất trong nuôi trồng thủy sản áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ cao vào sản xuất trong nhà kính, nhà lưới để nuôi tôm cho doanh thu từ 3 - 3,5 tỷ đồng/ha/năm...

Được xem là một trong những vùng sản xuất được các doanh nghiệp, hộ dân TTTTĐĐ để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại xã Nga Tân trở thành vùng trọng điểm phát triển nông nghiệp của huyện. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, trên địa bàn xã Nga Tân có 3 doanh nghiệp tham gia tích tụ đất để nuôi trồng thủy sản là Công ty CP Dịch vụ nuôi trồng thủy sản Tân Sơn, diện tích đất tích tụ 10,1 ha, Công ty TNHH San Anh, tích tụ 27,5 ha tại khu nuôi tôm công nghiệp xã Nga Tân và Công ty CP Xuất khẩu Thủy sản Thanh Hóa tích tụ hơn 20 ha tại xã Nga Tân và Nga Thủy. Ngoài ra trong vùng còn có hàng trăm hộ gia đình thực hiện tích tụ, tập trung với diện tích từ 1 ha trở lên để nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp. Giá trị kinh tế từ nuôi trồng thủy sản của vùng đạt hơn 1 tỷ đồng/ha/năm.

Tuy đạt được những kết quả bước đầu, song quá trình TTTTĐĐ để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Nga Sơn cũng bộc lộ một số hạn chế, như: Trong sản xuất nông nghiệp chủ yếu áp dụng hình thức sản xuất truyền thống, diện tích sản xuất theo hướng công nghệ cao rất ít, chủ yếu mới chỉ áp dụng trong nuôi tôm, các trang trại công nghiệp chăn nuôi gia công lợn, gà và trên 10 ha sản xuất rau củ quả trong nhà lưới; sản xuất chưa gắn với liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, hình thức tích tụ đất đai còn đơn điệu, chủ yếu tập trung vào hình thức thầu khoán đất công ích của UBND xã và nhận chuyển nhượng của các hộ dân không có nhu cầu sản xuất. Nhiều diện tích tích tụ nhưng không nằm trong quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất nên khó khăn trong việc chuyển đổi đất.

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nga Sơn Phạm Văn Sinh cho biết: Hiện nay, diện tích tích tụ trong Nhân dân đã vượt so với mục tiêu là đến hết năm 2025 toàn huyện tích tụ, tập trung được 510 ha đất sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, huyện vẫn sát sao thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng sản xuất trên các vùng đã tích tụ được, như khuyến khích liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh đó, các xã, thị trấn cũng đẩy mạnh tuyên truyền, động viên Nhân dân tiếp tục tích tụ, chuyển nhượng, thuê, cho thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất sản xuất vào doanh nghiệp, HTX để phát triển, tạo ra vùng sản xuất lớn. Đồng thời, tập trung đào tạo nghề, nâng cao trình độ sản xuất của người dân để bắt kịp với xu hướng phát triển của nông nghiệp hiện đại.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]