(Baothanhhoa.vn) - Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Báo Thanh Hóa ra số đầu (20-3-1962 – 20-3-2022), Báo Thanh Hóa vinh dự được đón nhận những trang viết thấm đẫm ân tình, những góp ý tâm huyết của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, các ngành, các cấp, cộng tác viên và độc giả gần xa. Xin được trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Gửi gắm niềm tin yêu

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Báo Thanh Hóa ra số đầu (20-3-1962 – 20-3-2022), Báo Thanh Hóa vinh dự được đón nhận những trang viết thấm đẫm ân tình, những góp ý tâm huyết của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, các ngành, các cấp, cộng tác viên và độc giả gần xa. Xin được trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

TTND, TS, BS Trịnh Hữu Hùng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa: Báo Thanh Hóa đóng vai trò tích cực trong công tác phòng, chống dịch

 Gửi gắm niềm tin yêu

ước ta là một nước nhiệt đới, điều kiện thời tiết nóng, ẩm, mưa nhiều, thay đổi theo chu kỳ hàng năm, là điều kiện thuận lợi cho nhiều bệnh truyền nhiễm phát sinh, phát triển và gây dịch. Ở tỉnh ta, ngoài việc phải thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng, chống, đáp ứng với các dịch bệnh lưu hành như sốt xuất huyết dengue, cúm, sởi, rubella, viêm não Nhật Bản, tiêu chảy..., các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới xuất hiện như tả, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, dịch viêm đường hô hấp cấp tính do MERS-CoV và gần đây là đại dịch COVID-19 cũng đã xâm nhập và lây lan trên địa bàn tỉnh.

Vai trò, trách nhiệm của Báo Thanh Hóa đã được thể hiện rõ nét, sâu sắc trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19 suốt hơn 2 năm qua. Là lực lượng xung kích trên mặt trận thông tin chống dịch COVID-19, với việc phát huy sức mạnh đa loại hình, đa phương tiện trong tuyên truyền phòng, chống dịch; Báo Thanh Hóa đã truyền tải kịp thời, thường xuyên những thông tin chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, những tấm gương người tốt, việc tốt, những hy sinh vất vả của các lực lượng tuyến đầu... Những thông tin tích cực, hành động tử tế, những câu chuyện đẹp trong thời điểm cả nước chung tay phòng, chống dịch đã được thông tin kịp thời, góp phần mang đến sự lạc quan, tinh thần đoàn kết, sẻ chia hướng đến mục tiêu chiến thắng đại dịch, qua đó góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Trong quá trình phòng, chống dịch, các phóng viên Báo Thanh Hóa đã có mặt ngay từ những ngày đầu, là lực lượng lăn xả, thường trực nơi tuyến đầu, dấn thân, bám sát cơ sở, đồng hành cùng ngành y tế và các lực lượng phòng, chống dịch; kịp thời đưa các hình ảnh, tin tức sống động, truyền tải những biện pháp phòng, chống dịch và tinh thần đoàn kết cùng vượt khó của cả hệ thống chính trị kiên cường chống dịch để công tác chống dịch có kết quả. Sự đồng hành của Báo Thanh Hóa đã kịp thời ghi lại những hình ảnh về sự hy sinh vất vả của lực lượng tuyến đầu chống dịch, qua đó đã mang đến nguồn động viên, cổ vũ lớn lao và thắt chặt tình đoàn kết để toàn dân tham gia phòng, chống dịch. Đồng thời, cũng kịp thời, có hiệu quả đưa ra các luận cứ phản biện các thông tin không chính xác, sai sự thật khiến người dân hoang mang, lo lắng, góp phần quan trọng trong định hướng dư luận xã hội, mang đến thông tin chính thống để người dân bình tĩnh, không hoang mang nhưng cũng không chủ quan trước dịch bệnh.

Đặc biệt, trong chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19, Báo Thanh Hóa và các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đã thông tin, tuyên truyền sâu, rộng, bằng nhiều hình thức, đa dạng về nội dung, sát với thực tế tới người dân về công tác tiêm vắc-xin phòng COVID-19 làm thay đổi cơ bản nhận thức và hành vi của người dân, từ tâm lý e ngại tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đến tích cực tham gia hưởng ứng việc tiêm chủng. Trong một thời gian ngắn, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện thần tốc công tác tiêm chủng, là một trong 5 tỉnh có tốc độ, khối lượng tiêm chủng cao nhất cả nước, đạt tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao; góp phần quan trọng cho thành công của chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Chúng ta tin tưởng rằng, với vị trí, vai trò, trách nhiệm quan trọng của mình trong công tác phòng, chống dịch, Báo Thanh Hóa sẽ tiếp tục đồng hành với ngành y tế và các ngành, các cấp tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch; đẩy lui, khống chế, kiểm soát có hiệu quả các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh nói chung, và đặc biệt là tổ chức thực hiện tốt các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội, đời sống, sinh hoạt của Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Thị Tấn: Những kỷ niệm khó quên với Báo Thanh Hóa

 Gửi gắm niềm tin yêu

ôi đến với Báo Thanh Hóa từ năm 1967 nhân hội nghị điển hình tiên tiến toàn tỉnh. Ở hội nghị ấy, tôi vinh dự được đại diện cho lực lượng thanh niên xung phong lên báo cáo điển hình. Sau hội nghị, các bác trong ban lãnh đạo báo mời tôi về tòa soạn báo cáo cho toàn thể cơ quan được nghe. Bác Nguyễn Văn Trợ có nói với tôi: “Đồng chí Lê Hữu Khải, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nói: “Nghe báo cáo thấy có khả năng viết báo được”. Tôi nói: “Cháu cũng vừa học xong lớp đào tạo những người viết báo trẻ ở Trung ương về”. Bác Trợ lại bảo: “Thế thì đồng chí về tòa soạn làm báo với chúng tôi”. Không chần chừ, tôi đã đồng ý.

Chia tay anh em tòa soạn, tôi trở về Đội thanh niên xung phong 696 tiếp tục công tác đảm bảo giao thông trên tuyến đường 151. Ba tháng sau, xe của báo đưa quyết định của Tỉnh ủy đón tôi về. Từ tháng 12-1967, tôi bắt đầu tham gia viết báo.

Nhớ lại những ngày đầu sống ở cơ quan báo với bao gian khổ nhưng tình người thì vô cùng ấm áp. Đây là thời kỳ mà cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đang ở giai đoạn cam go ác liệt nhất. Cơ quan báo phải chuyển địa điểm từ thôn Đoàn Kết, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn lên xóm 4, xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn. Xa hơn với thị xã Thanh Hóa - nơi mà máy bay Mỹ ngày đêm bắn phá vô cùng ác liệt. Xóm 4 dành một mảnh vườn để tòa soạn làm văn phòng. Tiếng là Văn phòng cơ quan báo Đảng nhưng cũng chỉ có năm gian nhà tranh đơn sơ, lụp xụp và một khu bếp đủ cho bộ phận hành chính, tòa soạn làm việc, anh em đi về có chỗ ngồi ăn cơm. Nói là ăn cơm nhưng thực ra chỉ có hai viên mì bột luộc với “bát canh toàn quốc, nước mắm đại dương”. Ngày lễ, ngày tết được ăn sợi mì ghế cơm. Chỉ thế thôi nhưng chúng tôi ai ăn cũng thấy ngon miệng. Tất cả lãnh đạo, phóng viên đều ở tản mát trong dân. Xã Dân Lý chủ yếu là nhà tranh chật hẹp, bàn ghế không có nên anh em thường nằm phủ phục trên giường để viết. Khổ nhưng trong chúng tôi không ai thấy khổ vì tất cả chỉ mong đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Đặc biệt ở thời điểm đó, tờ báo chỉ ra mỗi tuần 2 kỳ nên thời sự không thể cập nhật hàng ngày như bây giờ. Còn phóng viên chỉ có hơn chục người nhưng máy bay đánh phá ở đâu, chúng tôi phải ngay lập tức có mặt, dù là nửa đêm, đầu sáng, buổi trưa hay buổi chiều để kịp thời đưa tin tố cáo tội ác của giặc Mỹ, biểu dương lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ. Nhiều hôm báo đã đưa vào in nhưng để cập nhật thời sự mới nhất phải bóc hết trang một, trang bốn, đôi khi đến cả trang hai. Cứ thế chúng tôi lao vào công việc say sưa, nhiệt tình quên ăn, quên ngủ. Phương tiện đi lại lúc đó chỉ là chiếc xe đạp cọc cạch. Có những chuyến công tác, xe thủng xăm giữa đường. Trời mưa lầy lội chẳng biết vá sửa ở đâu đành dắt lội bộ, người mệt phờ phạc, mồ hôi nhễ nhại vẫn cứ đi - viết để hoàn thành nhiệm vụ.

Ở thời điểm này, báo có cách làm hay là hễ trong tỉnh có nhân tố điển hình, kể cả cá nhân, tập thể là cơ quan đều mời đến kể chuyện để toàn thể cơ quan cùng nghe. Từ việc làm đó anh em am hiểu phong trào trong tỉnh, thông tin để khai thác. Đặc biệt là được truyền thêm ngọn lửa cách mạng trong lòng mọi người. Càng làm cho anh em thêm nhiệt huyết công tác, càng thấy ấm áp tình người, tình đồng chí. Sau đó trong cơ quan tuy được phân công mỗi người phụ trách một số việc nhưng khi có việc đột xuất vẫn sẵn sàng giúp nhau không sợ hy sinh, gian khổ hay toan tính, tị nạnh.

Năm 1969, cơ quan nhận thêm 5 thanh niên vừa được học Trường Sư phạm 10+2 về làm phóng viên, nhưng cuối năm thì cử đi đào tạo đại học báo chí. Phóng viên nữ chỉ có tôi và đồng chí Vũ Thị Ngọc Tuấn. Nhưng đồng chí Tuấn lại được cử đi học nên còn lại mình tôi. Lúc này cơ quan lại một lần nữa chuyển địa điểm về xã Thiệu Lý cho gần với Tỉnh ủy, thuận tiện hơn (Tỉnh ủy ở xã Thiệu Vân, gần khu tòa soạn báo). Về đây đất đai rộng rãi, gần sông nông giang nên thuận lợi cho việc tắm giặt, sinh hoạt, cơ quan làm lán ở tập trung. Đồng chí Lê Tân, Tổng Biên tập ở hai gian phòng phía đầu đường đi tới. Tiếp đến là khu lán dài, đủ chỗ cho ba tổ phóng viên ở. Các đồng chí Phó Tổng Biên tập phụ trách tổ nào ở theo tổ đó. Đầu tiên là tổ tin nông nghiệp, đến các ngành nghề công nghiệp, rồi đến tổ văn xã, thời sự chính trị. Tôi ở tổ nông nghiệp nhưng lại được giao viết tin thời sự theo chủ đề của tờ báo nên số nào cũng phải có tin, bài. Nhưng khi chủ đề tờ báo thay đổi, bài viết trước bóc ra lại phải chạy lấy tài liệu viết bài bổ sung. Việc làm báo với nam giới đã khó, với phụ nữ càng khó khăn hơn. Địa bàn tỉnh rộng, huyện nào, xã nào tiêu biểu hoặc có tiêu cực phóng viên đều phải tiếp cận để viết bài hoặc cung cấp tình hình cho đồng chí phụ trách nắm bắt.

Cứ thế guồng máy trong cơ quan chạy đều. Cán bộ, phóng viên, nhân viên trong tòa soạn ai cũng có những kỷ niệm sâu đậm với nhiều lần chết hụt do trên đường đi công tác gặp máy bay ném bom. Tôi cũng trong số đó. Trong đó lần đến viết về truyền thống làng Nam Ngạn gặp máy bay ném bom, mảnh bom làm lún một đoạn khung xe đạp. Lần lên xã Quý Lộc, mới đến Yên Trường, khi mới đến đoạn bờ đê nơi có cầu phao đi Vĩnh Lộc, bị máy bay Mỹ dội bom dữ dội, tôi chỉ kịp xuống xe ngồi im tại chỗ. Mảnh đạn cứ vèo vèo bay ngang qua người, khói bom mịt mù tưởng chết nhưng rồi vẫn thoát được. Cứ thế, chúng tôi vượt qua, tiếp tục chuyến đi công tác.

Sau năm 1972, tức là sau chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, giặc Mỹ ngừng ném bom ở miền Bắc. Cơ quan trở về thị xã. Báo đón 6 đồng chí đi học về, đồng thời nhận thêm một số đồng chí như Trần Đàm, Lê Văn Tập. Đội ngũ người làm báo ở Báo Thanh Hóa thời kỳ này tăng cả về số lượng, chất lượng. Báo tăng thêm kỳ phát hành và mỗi ngày thêm vững mạnh. Chia tay báo từ năm 2001, nhưng mỗi khi ngồi nhớ lại một thời cầm bút trong tôi vẫn bồi hồi xúc động, tự hào vì được là người làm báo Thanh Hóa từ những ngày đầu tiên.

Trước sự phát triển nhanh và vững mạnh của tờ báo cùng với đội ngũ cán bộ, phóng viên trẻ đầy năng động và nhiệt huyết hiện nay, tôi càng thêm tin tưởng Báo Thanh Hóa sẽ còn vươn xa, không chỉ xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Tỉnh ủy và là diễn đàn của Nhân dân tỉnh Thanh Hóa mà còn tạo được dấu ấn với bạn đọc cả nước.

Nhà thơ Huy Trụ: Gắn bó mật thiết, buồn vui với tờ báo Đảng

 Gửi gắm niềm tin yêu

ần 10 năm tham gia bộ đội đánh Mỹ, sau 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, năm 1979 tôi xuất ngũ chuyển về ngành văn hóa Thanh Hóa công tác.

Vốn đam mê với nghề viết lách, ngoài công việc chuyên môn được giao, tôi tích cực làm cộng tác viên cho nhiều tờ báo, tạp chí ở Trung ương và địa phương. Báo Trung ương như Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Văn nghệ, Người Hà Nội và Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Báo địa phương ngày ấy tôi nhớ duy nhất chỉ có tờ báo Thanh Hóa và tờ tạp chí của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa tháng ra 1 kỳ.

Báo Thanh Hóa đổi mới ra số đầu tiên vào ngày 20-3-1962 vậy là 20-3-2022 này tờ báo vừa tròn 60 tuổi. Ngẫm lại báo Thanh Hóa - tờ báo của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa trải qua chặng đường 60 năm thành lập và lớn mạnh như ngày hôm nay thì tôi cũng đã hơn 40 năm làm cộng tác viên gắn bó mật thiết, buồn vui với tờ báo Đảng qua các thời kỳ.

Hơn 40 năm, dòng kỷ niệm như những thước phim quay chậm hiển hiện lên từng khuôn mặt. Đó là Tổng Biên tập đầu tiên tôi được gặp là ông Nguyễn Văn Giá, ông Trần Đàm thư ký tòa soạn, nhà văn Trần Hiệp một thời là cây bút chủ lực của Báo Thanh Hóa, nhà báo ảnh Trần Chương... Đặc biệt, tôi có nhiều duyên nợ nhất thời kỳ đầu tiên làm cộng tác viên trang thơ của báo Thanh Hóa đổi mới lúc bấy giờ là nhà báo Đỗ Minh Dương.

Vốn cùng lứa, cùng đam mê thơ phú, phải nói những năm tháng ấy trang thơ của báo Thanh Hóa đổi mới so với chất lượng thơ mặt bằng cả nước khá chất. Thanh Hóa là một tỉnh đất rộng, người đông, nhiều phong trào dẫn đầu cả nước, tạo nên nhiều cây viết khá cả văn, thơ như: nhà văn Từ Nguyên Tĩnh, nhà văn Nguyễn Văn Đệ, nhà văn Đào Hữu Phương, nhà thơ Đỗ Xuân Thanh, nhà thơ Lê Hoan, nhà thơ Mạnh Lê... Chính đội ngũ văn nghệ sĩ này là những cộng tác viên tích cực làm cho trang văn nghệ của tờ báo Đảng thêm phong phú, sinh động, bớt khô cứng.

Phải nói nhà thơ Đỗ Minh Dương một thời biên tập thơ cho Báo Thanh Hóa đã tập hợp được các cây viết, tạo cho trang văn nghệ của tờ báo Thanh Hóa có chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc. Tôi còn nhớ bài thơ đầu tiên của tôi in ở báo Thanh Hóa đổi mới là bài “Cây sáo trúc”. Khi nhận được bản thảo viết tay của tôi gửi đến tòa soạn, Đỗ Minh Dương nhắn tin cho tôi yêu cầu chỉnh sửa một vài từ trong bài thơ để in vào số báo kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2-9.

Hai anh em ngồi với nhau ở căn nhà tập thể của Báo Thanh Hóa với vài củ lạc rang, cốc rượu trắng, tranh luận sôi nổi từng câu thơ, để đi đến thống nhất chốt lại bài thơ để đưa lên Tổng Biên tập duyệt in.

Mặc dù câu chuyện bài thơ đã mấy chục năm, nhưng đến bây giờ mỗi lần anh em gặp nhau, hay trao đổi qua điện thoại, Đỗ Minh Dương cũng đều chốt lại câu thơ trong bài thơ “Cây sáo trúc” với giọng đọc ngân nga:

Cây sáo là một phần cây trúc

Một gang trúc... để một đời nhớ nhau...

Tháng 8-2006, báo Thanh Hóa xuất bản thêm ấn phẩm Thanh Hóa hằng tháng. Bài thơ đầu tiên, tôi in trên ấn phẩm Thanh Hóa hằng tháng cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Đó là bài “Cây rau ấy”:

Thân mềm, lá mỏng như không

Cây rau ấy mọc lẫn cùng cỏ hoang

Nào ai chăm chút sớm hôm

Tự mình sống, tự mình bươn giữa đồi

Cả khi nát dưới chân người

Mấy cây vẫn chẳng mọc gai bao giờ

Sức bền từ gốc sâu xa

Lại nuôi mầm biếc, kết mùa dọc ngang

Khi thất bát, lúc nhỡ nhàng

Người bới đất, ngỡ tìm vàng trong cây

Ơi cây - rau má, đất này

Nói điều chi với tháng ngày, mà xanh...

Bài thơ này sau khi báo Thanh Hóa hằng tháng in lại được nhà lý luận phê bình Trọng Miễn viết bài phê bình giới thiệu in gần nửa trang cũng trên Báo Thanh Hóa hằng tháng năm 2006.

Để nâng cao chất lượng bài viết, nhất là trên trang văn hóa, văn nghệ của Báo Thanh Hóa, các đời tổng biên tập luôn trăn trở tìm tòi, tìm hướng đi mới. Đặc biệt là thời anh Phạm Minh Thiệu gánh vác trách nhiệm Tổng Biên tập dễ đến hơn 2 nhiệm kỳ.

Chặng đường này phải nói báo Thanh Hóa được nâng tầm cả chất và lượng. Đến năm 2017, Báo Thanh Hóa xuất bản thêm số chủ nhật nữa thế là đã thành nhật báo và sau còn nâng số trang từ 4 lên 8.

Tôi và nhà văn Kiều Vượng được mời chính thức tham gia biên tập. Anh Kiều Vượng biên tập văn xuôi, còn tôi biên tập trang thơ.

Vì thế có dễ cũng phải trên dưới chục năm trang văn học, nghệ thuật của Báo Thanh Hóa có dấu ấn của chúng tôi đóng góp với tờ báo Đảng bộ tỉnh. Nhà báo Thùy Dương, nhà báo Viên Lan Anh và sau này là nhà báo Bùi Hương Thảo là những cộng sự liên lạc với nhau thường xuyên, có những cuộc tranh luận, đàm đạo mục tiêu để cải thiện món ăn tinh thần cho độc giả ngày một gắn bó với tờ báo của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa.

Nhà thơ Lâm Bằng, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên BCH, Trưởng ban thơ, Hội VHNT Thanh Hóa: Đề cập đến văn hóa, văn học, nghệ thuật chính là khẳng định những giá trị tinh thần, tôn vinh cái đẹp

 Gửi gắm niềm tin yêu

ăn hóa, văn nghệ là “món ăn” độc đáo góp phần làm tăng tính đa dạng, hấp dẫn cho báo chí. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Báo Thanh Hóa luôn dành sự quan tâm, cơ cấu “đất diễn” hợp lý cho lĩnh vực này. Giờ đây, bên cạnh ấn phẩm Thanh Hóa thường kỳ với định kỳ 2 trang văn hóa – văn nghệ/tháng, ấn phẩm Thanh Hóa hằng tháng luôn có chuyên mục thơ, truyện ngắn thì độc giả có thêm nhiều trải nghiệm thú vị với ấn phẩm Thanh Hóa cuối tuần, chuyên trang điện tử Văn hóa & Đời sống. Do đó, “mảnh đất” dành cho văn hóa, văn nghệ lại được tăng lên rất nhiều. Đó là điều đáng mừng, nhất là cho những người làm văn hóa, văn nghệ, những người sáng tác, nghiên cứu văn hóa, văn học, nghệ thuật.

Thời gian qua, thông qua trang văn hóa, văn nghệ, báo đã góp phần phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa, văn học, nghệ thuật; giới thiệu đến bạn đọc nhiều tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật có giá trị, mang sắc thái xứ Thanh. Từ đó, văn học, nghệ thuật góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của bạn đọc, đấu tranh phòng chống sự xâm nhập và tác hại của các sản phẩm văn hóa độc hại, định hướng dư luận xã hội trước những vấn đề văn hóa, văn học, nghệ thuật... Những hoạt động ấy đáp ứng yêu cầu xây dựng con người và phát triển văn hóa theo tinh thần “xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Thanh Hóa là tỉnh đất rộng, người đông, có bề dày lịch sử, có trầm tích và nội lượng văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, mang đậm sắc thái xứ Thanh. Tỉnh Thanh Hóa lại có đội ngũ những người nghiên cứu, sưu tầm, phổ biến văn hóa, sáng tác văn học, nghệ thuật rất đông đảo. Đây chính là nguồn lực dồi dào để khơi dậy, phổ biến, phát huy trầm tích và tiềm lực văn hóa đó. Hay nói cách khác, đây chính là đội ngũ cộng tác viên đầy tin cậy của báo trong lĩnh vực này.

Để tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh, trong thời gian tới, Báo Thanh Hóa cần tập trung, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, lan tỏa chất văn chương, văn hóa sâu đậm, hình ảnh đẹp của đất và người xứ Thanh. Các bài viết được đăng tải vừa đảm bảo thông tin vừa đáp ứng yêu cầu nghiên cứu chuyên sâu về một vùng đất, vùng văn hóa, lịch sử.

Cùng với đó, các bài viết cần đảm bảo hài hòa yếu tố tuyên truyền, chính trị và yếu tố nghệ thuật nhằm đem lại mỹ cảm cho độc giả.

Mở rộng đội ngũ cộng tác viên, không chỉ bó hẹp trong phạm vi của tỉnh mà quy tụ nhiều cây viết tiêu biểu của cả nước để vừa cho thấy “sức hấp dẫn” các ấn phẩm của Báo Thanh Hóa vừa phản ánh đúng diện mạo một vùng văn học, vùng thi ca xứ Thanh.

TS


TS

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]