(Baothanhhoa.vn) - Cán bộ, công chức (CBCC) cấp xã là người trực tiếp tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Ðảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân. Xác định được vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ này, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã.

Nâng cao chất lượng nguồn cán bộ, công chức cấp xã

Cán bộ, công chức (CBCC) cấp xã là người trực tiếp tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Ðảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân. Xác định được vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ này, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã.

Nâng cao chất lượng nguồn cán bộ, công chức cấp xãGiờ học của học viên lớp trung cấp lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh.

Ngày 27-5-2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII ban hành Quyết định số 291-QĐ/TU về chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là chương trình). Trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC, viên chức được quan tâm, chú trọng; đặc biệt là nguồn CBCC cấp xã. Từ đó, từng bước hình thành đội ngũ CBCC, viên chức chuẩn hóa về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị và trình độ quản lý Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của địa phương và đơn vị. Giai đoạn 2016-2020, đã có trên 2,1 nghìn CBCC cấp xã được đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp (vượt mục tiêu chương trình đề ra), nâng tổng số CBCC cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên đạt 100% (đạt mục tiêu chương trình); đặc biệt, hiện nay đội ngũ CBCC có trình độ chuyên môn trên đại học tăng từ 73 người năm 2015 lên trên 150 người.

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 559 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 496 xã, 34 phường, 29 thị trấn. Số lượng CBCC cấp xã có 13.054 người; trong đó: cán bộ 6.330 người, công chức 6.724 người; CBCC nữ 4.015 người; CBCC là người dân tộc thiểu 2.964 người. Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn CBCC cấp xã, hằng năm, Sở Nội vụ hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố rà soát thực trạng đội ngũ CBCC cấp xã và lập danh sách những trường hợp chưa đạt chuẩn theo quy định của Trung ương và của tỉnh để xây dựng kế hoạch cử tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng do tỉnh, huyện tổ chức đảm bảo tiêu chuẩn chức danh theo quy định. Đối với những trường hợp không thể tiếp tục đào tạo, các địa phương phải báo cáo phương án sắp xếp, thay thế cho phù hợp. Việc cử CBCC đi đào tạo, bồi dưỡng luôn được thực hiện đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, sắp xếp hài hòa giữa đào tạo, bồi dưỡng và giải quyết công việc tại địa phương, trong đó ưu tiên đào tạo CBCC ở các xã đăng ký về đích nông thôn mới trong năm và các xã có tỷ lệ cán bộ, công chức đạt chuẩn còn thấp.

Tại Trường Chính trị tỉnh, trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát nhu cầu bồi dưỡng, nhà trường đã phân công đội ngũ giảng viên xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu bồi dưỡng phù hợp với đối tượng. Các chương trình bồi dưỡng được nhà trường thiết kế với 2 nhóm kiến thức: Nhóm kiến thức cập nhật mới và nhóm kiến thức về kỹ năng gắn với các chức danh công chức. Chương trình được đổi mới theo hướng làm sáng rõ hơn những vấn đề lý luận về những quan điểm mới của Đảng và những vấn đề đặt ra trong thực tiễn; bồi dưỡng kỹ năng cụ thể phù hợp với từng chức danh. Từ năm 2016 đến nay, Trường Chính trị tỉnh đã tổ chức biên soạn 9 chương trình bồi dưỡng. Các chương trình đem lại hiệu quả cao trong bồi dưỡng góp phần nâng cao kiến thức, phát triển kỹ năng lãnh đạo quản lý.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã còn có những khó khăn, hạn chế. Thực tế cho thấy, chất lượng đội ngũ CBCC không đều và thường xuyên thay đổi sau mỗi kỳ đại hội, bầu cử đại biểu HĐND hoặc củng cố nhân sự cơ sở. Các chức danh đặc thù như chủ tịch hội cựu chiến binh, chủ tịch hội nông dân... khó được chuẩn hóa theo quy định. Hình thức nội dung chương trình bồi dưỡng cho đội ngũ CBCC cấp xã tuy có đổi mới, nhưng nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra. Cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng còn khó khăn. Đội ngũ CBCC, viên chức vừa tham gia học tập, vừa phải hoàn thành công tác chuyên môn, do đó sự chuyên tâm dành cho việc đào tạo, bồi dưỡng chưa cao. Nguồn kinh phí bố trí cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng còn hạn chế, mới chỉ phần nào đáp ứng việc tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, chưa tập trung cho bồi dưỡng chuyên sâu, dài hạn và công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ theo nhu cầu thực tế.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã, thiết nghĩ, các ban, ngành liên quan cần đôn đốc các địa phương chủ động rà soát, đánh giá đội ngũ CBCC cấp xã, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để đạt trình độ chuẩn theo quy định; tham mưu cho UBND tỉnh quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng CBCC; đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy sát với yêu cầu công việc, vị trí việc làm của công chức cấp xã. Đối với ngân sách phục vụ công tác đào tạo, cần phải cân đối hài hòa các nguồn kinh phí của Trung ương và của tỉnh để đáp ứng nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã. Đồng thời, các địa phương cũng cần phải quan tâm đến công tác quy hoạch, tạo nguồn cơ sở; gắn công tác quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng và phân công, bổ nhiệm.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]