(Baothanhhoa.vn) - Sau mỗi phiên chợ, rác, nước thải các loại được thải ra môi trường với khối lượng lớn. Tuy nhiên, việc thu gom, xử lý chưa triệt để khiến môi trường phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân xung quanh khu vực chợ.

Nỗi lo vệ sinh môi trường tại nhiều chợ dân sinh

Sau mỗi phiên chợ, rác, nước thải các loại được thải ra môi trường với khối lượng lớn. Tuy nhiên, việc thu gom, xử lý chưa triệt để khiến môi trường phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân xung quanh khu vực chợ.

Nỗi lo vệ sinh môi trường tại nhiều chợ dân sinhTúi nilon, rác thải vứt ngổn ngang gây ô nhiễm môi trường tại chợ thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn).

Chợ Cống Trúc (Quảng Xương) nằm ven Quốc lộ 1A, giao thông thuận tiện nên mỗi phiên chợ ngoài những hộ kinh doanh trong và xung quanh khu vực chợ còn có rất đông bà con nhiều nơi đổ về đây trao đổi hàng hóa. Chợ càng nhộn nhịp, đông đúc bao nhiêu thì lượng rác thải ra càng nhiều bấy nhiêu. Các chất thải từ hoạt động giết mổ gia cầm, các loại rau xanh, hoa quả bị dập nát, hư hỏng, các loại bao bì, gói hàng, túi nilon được tập kết chung một điểm nhiều ngày mới được thu gom. Những ngày nắng nóng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc quanh khu vực hàng cá. Còn những ngày mưa thì cả chợ phải chịu chung cảnh mất vệ sinh từ mùi nước thải. Một tiểu thương tại chợ Cống Trúc cho biết: Chợ họp tất cả các ngày trong tuần nên lượng rác thải ra nhiều nhưng phải vài ngày mới có người đến thu gom, trong những ngày mùa này thì cả tuần mới có người đến quét nên rác ứ đọng, gây ô nhiễm môi trường.

Tại chợ thị trấn Rừng Thông với diện tích hơn 6.000m2, hơn 200 hộ kinh doanh, buôn bán các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau, củ quả, hàng khô, quần áo các loại. Sau mỗi buổi họp, chợ thường tồn lượng lớn rác thải, ảnh hưởng không nhỏ đến vệ sinh môi trường trong chợ và các khu vực xung quanh. Có mặt tại chợ vào khoảng 4 giờ chiều, chúng tôi nhận thấy mặc dù chợ được xây dựng kiên cố, đã có người thu gom rác thải, song rác, túi nilon vẫn vứt bỏ ngổn ngang. Rác thải được thu gom, tập kết đúng nơi quy định song việc để chất thải, đồ hư hỏng trong ngày là khoảng thời gian dài khiến chúng bị phân hủy, bốc mùi khó chịu.

Chị Ngô Thị Hồng - người đi chợ cho biết: “Hằng ngày tôi đi chợ, thấy rác thải không được xử lý, khi thu gom khá nhiều, từ phế phẩm thực phẩm, nông sản đến các vật cứng (gỗ, củi, thủy tinh, nilon...) được tập kết chung một chỗ. Rác thải tuy được dồn vào khu tập kết rác của chợ nhưng điểm tập kết này ngay gần với khu buôn bán thực phẩm tươi sống nên bốc mùi rất khó chịu”.

Ở những khu bán thực phẩm tươi sống, hoạt động giết mổ cá, vịt, gà tại chỗ và chỉ dội rửa sơ sài nên nền chợ luôn ẩm ướt, tanh nồng. Ngoài ra, nước thải từ hoạt động kinh doanh được xả trực tiếp xuống hệ thống cống thoát nước chung, bốc mùi tanh hôi, gây ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng Ban Quản lý chợ thị trấn Rừng Thông cho biết: “Mỗi ngày có khoảng gần 1 tấn rác thải phát sinh tại chợ. Ban quản lý chợ thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh, buôn bán trong chợ thực hiện tốt việc gìn giữ môi trường, phân loại rác thải tại nguồn, tạo thuận tiện cho việc thu gom, xử lý. Tuy vậy vẫn còn một số hộ kinh doanh chưa thật sự có ý thức trong việc bảo vệ môi trường”.

Hiện nay, toàn tỉnh có 265 chợ, trong đó có 134 chợ kiên cố, 93 chợ bán kiên cố, 38 chợ tạm và nhiều điểm bán hàng tự phát, hằng ngày khối lượng rác thải tại đây là rất lớn. Tại các chợ, các khu quầy hàng, ki-ốt được bố trí riêng biệt nhằm đảm bảo về mật độ kinh doanh, tuy nhiên tại các điểm, khu dành cho các mặt hàng tươi sống là nơi dễ phát sinh dịch bệnh cao, chất thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nhất.

Qua khảo sát thực tế tại nhiều chợ, hệ thống xử lý rác, nước thải, thùng đựng rác công cộng, cống thoát nước và xử lý nước thải nhìn chung đều thiếu, biển báo tuyên truyền vệ sinh môi trường không được quan tâm đầu tư. Nhiều công trình hạ tầng ở các chợ đã xuống cấp, đường vào chợ nước đọng bẩn sau các trận mưa, hoặc do người dân sử dụng hằng ngày. Tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường phổ biến tại các chợ; đặc biệt nhiều người dân, các hộ kinh doanh rất thiếu ý thức, vứt rác bừa bãi, đổ rác xuống cống rãnh thoát nước làm tắc, gây ngập tràn ứ đọng, mất vệ sinh môi trường toàn khu vực, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng dân cư. Điều đáng lo ngại nhất hiện nay ở các chợ nông thôn là vấn đề vệ sinh thực phẩm. Các loại đồ ăn được bày bán không che đậy; mùa mưa đến, bên cạnh những vũng nước, rác bẩn, người ta vẫn bày bán bánh, bún, thịt, và đồ ăn chín một cách tự nhiên.

Bài và ảnh: Minh Khanh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]