(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, hoạt động phân loại rác tại nguồn (PLRTN) được nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh quan tâm thực hiện thông qua những cách làm linh hoạt, sáng tạo như, phân chia riêng biệt rác vô cơ, hữu cơ, rác tái chế, thực hiện các mô hình, dự án xử lý rác hiệu quả... Từ đó, vừa góp phần vào công tác bảo vệ môi trường, vừa biến rác thành nguồn tài nguyên quý giá.

Hiệu quả từ phân loại rác thải tại nguồn

Thời gian qua, hoạt động phân loại rác tại nguồn (PLRTN) được nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh quan tâm thực hiện thông qua những cách làm linh hoạt, sáng tạo như, phân chia riêng biệt rác vô cơ, hữu cơ, rác tái chế, thực hiện các mô hình, dự án xử lý rác hiệu quả... Từ đó, vừa góp phần vào công tác bảo vệ môi trường, vừa biến rác thành nguồn tài nguyên quý giá.

Hiệu quả từ phân loại rác thải tại nguồnCác hộ gia đình tại xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa) bố trí thùng rác để phân loại rác thải tại nguồn.

Tại xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa), theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND xã: Sau khi sáp nhập 2 xã Hoằng Xuân và Hoằng Khánh dân số tăng lên đồng nghĩa lượng rác thải phát sinh trên địa bàn cũng khá lớn. Theo khảo sát sơ bộ, lượng rác thải ở khu dân cư phát sinh khoảng 51,4 tấn/tháng; từ chợ và các tổ chức khác khoảng 1,5 tấn/tháng. Khi lượng rác phát sinh lớn và chưa được phân loại sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường. Do đó, để công tác xử lý rác thải của xã đi vào ổn định, cảnh quan môi trường được đảm bảo và để biến rác thành tài nguyên có thể sử dụng được, xã xác định là phải đẩy mạnh công tác PLRTN.

Trên cơ sở đó, xã đã ban hành Đề án “Quản lý, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt xã Hoằng Xuân (giai đoạn 2022-2025)”. Đề án được triển khai thực hiện theo mô hình: Đối với rác hữu cơ, quy định các hộ gia đình tự xử lý tại nhà; với rác vô cơ và rác có thể tái chế, các hộ gia đình gom lại đóng bao và để đúng nơi quy định. Theo định kỳ, tổ thu gom sẽ vận chuyển đến nơi tập kết; UBND xã cũng khuyến khích các hộ phân loại rác tái chế để tái sử dụng hoặc bán cho các cơ sở tái chế để tăng thu nhập và giảm lượng rác thải đưa đi xử lý.

Để việc thực hiện đề án mang lại hiệu quả cao, xã huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể như hội phụ nữ, hội nông dân... hướng dẫn người dân cách thức phân loại, đổ rác thải và giao rác thải cho đơn vị thu gom đúng quy định. Đồng thời, cũng quy định rõ mỗi cá nhân, cán bộ các ngành, đoàn thể địa phương đều có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc PLRTN. Ngoài ra, phối hợp với các trường đại học trong tỉnh để mở các lớp tập huấn về phân loại, xử lý rác thải tại nguồn cho bà con. Nhờ đó, đến nay người dân đã từng bước nâng cao nhận thức và bước đầu thay đổi hành động trong giữ gìn vệ sinh môi trường. Mỗi hộ đã tự nguyện mua sắm ít nhất 2 thùng đựng rác để tự phân loại rác tại nhà. Từ những việc làm đó đã góp phần tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, thúc đẩy quá trình XDNTM kiểu mẫu trên địa bàn xã.

Cùng với xã Hoằng Xuân, hiện nay, nhiều địa phương tại huyện Hoằng Hóa như Hoằng Đồng, Hoằng Thái... đã thực hiện mô hình PLRTN. Theo thống kê từ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoằng Hóa, lượng rác thải phát sinh trên địa bàn khoảng 101,18 tấn/ngày, đêm. Bởi vậy, để hạn chế áp lực cho các điểm xử lý rác thải sinh hoạt tập trung cũng như tận dụng những giá trị mà rác thải có tính chất hữu cơ mang lại, huyện đã triển khai xây dựng mô hình “Xử lý chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ làm phân bón vi sinh quy mô hộ gia đình”. Sau khi mô hình đi vào hoạt động, các cấp, ngành trong huyện đã hướng dẫn người dân mua, trang bị được 62.689 thùng đựng rác các loại. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền người dân thực hiện PLRTN, bỏ rác đúng giờ và đúng nơi quy định. Khuyến khích các địa phương bố trí đầu tư xây dựng các điểm tập kết, trạm trung chuyển phù hợp nhu cầu của người dân và thuận tiện cho xe lấy rác. Nhờ đó, nhận thức người dân được nâng cao, đã phân loại, tận dụng những rác thải có nhóm hữu cơ để làm thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ, lượng rác thải thu gom cũng giảm đi nhiều. Đến nay, toàn huyện đã có 26.993/62.427 hộ thực hiện phân loại rác (chiếm 43,24%); trung bình lượng rác được thu gom để đem đi xử lý tại các xã, thị trấn khoảng 99,2 tấn/ngày, đêm, trong đó, tỷ lệ chất thải sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ cao chiếm 40%; tỷ lệ chất thải sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp chiếm 60%.

Theo thống kê từ Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trong 6 tháng năm 2023 toàn tỉnh khoảng 460.586 tấn (tương đương 2.545 tấn/ngày). Nhằm giảm áp lực diện tích chôn lấp, tăng hiệu suất tái chế rác, giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, xây dựng lối sống xanh bền vững, thời gian qua, Chi cục Bảo vệ môi trường đã tích cực hướng dẫn các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện phân loại rác thải đồng bộ ở tất cả các khâu từ phân loại đến thu gom, xử lý. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, tạo thói quen PLRTN. Cùng với đó, là huy động sự vào cuộc tích cực, đồng bộ từ các cấp, ngành, đoàn thể như hội phụ nữ, hội nông dân các cấp phối hợp triển khai và duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của các dự án, mô hình PLRTN. Nhờ đó, đến nay, đã có nhiều mô hình PLRTN do các cấp, ngành thực hiện và triển khai mang lại hiệu quả cao, như: “Xử lý rác thải hữu cơ thành phân vi sinh tại hộ gia đình”, “Thu gom, xử lý rác thải nhựa ở Thanh Hóa”; các chương trình “Tích cực tổ chức thu gom phân loại rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn”, “Từ gom phế liệu đến triệu phần quà”... Nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là trong PLRTN cũng ngày càng được nâng lên. Các địa phương, đơn vị thu gom cũng giảm tải được áp lực chi phí trong thu gom, vận hành xử lý rác thải.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng, việc PLRTN trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thật sự đi vào chiều sâu, chưa thu hút được đông đảo người dân tham gia. Tại không ít địa phương người dân còn chưa thực sự nắm rõ yêu cầu, cách thức phân loại rác thải, trong khi việc mở các lớp tập huấn về PLRTN vẫn chưa được quan tâm thực hiện. Nhiều nơi công tác chỉ đạo, triển khai và hoạt động truyền thông về thực hiện PLRTN chưa thật hiệu quả...

Do đó, để việc PLRTN được lan tỏa sâu rộng trong xã hội, cần hơn nữa những giải pháp quyết liệt từ các cấp, ngành, địa phương trong việc tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường...

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]