(Baothanhhoa.vn) - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã chính thức có hiệu lực từ 1-1-2022. Đây là hiệp định được ký kết giữa 15 quốc gia, bao gồm 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác là Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc và Hàn Quốc. Không chỉ mở rộng quy mô thị trường, sự đa dạng về chủng loại hàng hóa, nới lỏng các quy tắc là cơ hội cho doanh nghiệp (DN) trong nước, trong tỉnh đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.

Mở rộng cơ hội xuất khẩu từ Hiệp định RCEP

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã chính thức có hiệu lực từ 1-1-2022. Đây là hiệp định được ký kết giữa 15 quốc gia, bao gồm 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác là Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc và Hàn Quốc. Không chỉ mở rộng quy mô thị trường, sự đa dạng về chủng loại hàng hóa, nới lỏng các quy tắc là cơ hội cho doanh nghiệp (DN) trong nước, trong tỉnh đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.

Mở rộng cơ hội xuất khẩu từ Hiệp định RCEPSản xuất dứa đóng hộp xuất khẩu tại Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành (Nông Cống). Ảnh: Tùng Lâm

Theo các chuyên gia kinh tế quốc tế của Trung tâm Tư vấn phát triển kinh tế thương mại Việt Nam, khi Hiệp định RCEP có hiệu lực sẽ tạo ra thị trường quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng (30% dân số thế giới), tương đương 26.200 tỷ USD (30% GDP toàn cầu) và trở thành một trong những thỏa thuận tự do thương mại có quy mô lớn nhất trên thế giới. Trong đó, RCEP là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, bổ sung phạm vi áp dụng của các hiệp định thương mại tự do ASEAN+ hiện hành. Ngoài các điều khoản cam kết về cắt giảm thuế quan, thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại, hiệp định này còn bao gồm các cam kết “phi truyền thống” (so với các FTA đã ký kết giữa ASEAN và 5 quốc gia đối tác), như sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, hỗ trợ DN nhỏ và vừa... được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.

Theo số liệu từ Sở Công Thương, trong tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 5,7 tỷ USD của năm 2021, thị trường một số nước đã tham gia Hiệp định RCEP cũng đang có đà tăng trưởng tốt và có nhiều dư địa phát triển, như: Nhật Bản đạt 565,4 triệu USD; Trung Quốc đạt 198,3 triệu USD; Hàn Quốc đạt 191,4 triệu USD.

Thanh Hóa hiện có khoảng 200 DN sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Với Hiệp định RCEP, khó khăn về quy tắc xuất xứ nguyên liệu sẽ được giải tỏa, khi hiệp định này cho phép thiết lập một quy tắc xuất xứ chung. Theo đó, nguyên liệu sản xuất khi được nhập khẩu từ các nước trong khối, khi xuất bán trở lại vào khối sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan. Hiện nay, 90% nguyên, phụ liệu của ngành may mặc vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, do đó, điều kiện hưởng ưu đãi thuế quan này sẽ là “cánh cửa” rộng mở cho xuất khẩu hàng hóa may mặc của các DN trong tỉnh.

Bên cạnh may mặc, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Thanh Hóa như nông, lâm, thủy sản cũng được đánh giá là có thể đáp ứng yêu cầu của hầu hết thành viên RCEP và có thể thâm nhập sâu vào thị trường các nước này một cách nhanh chóng. Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương cho biết: Trong thời gian qua, các DN trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực và triển khai nhiều giải pháp nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn về hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường khó tính, từ xuất xứ nguyên liệu đến tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm... Trong khi đó, những quy định về quy tắc xuất xứ trong RCEP được cho là lỏng hơn rất nhiều so với các hiệp định khác. Do đó, đây là cơ hội rất thuận lợi cho các DN cơ cấu lại thị trường và tham gia thêm các chuỗi cung ứng hàng hóa mới.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, ngoại trừ Nhật Bản, Australia và New Zealand, người tiêu dùng của khu vực RCEP không quá khó tính, trong khi nhu cầu của nhóm này đối với các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh lại tương đối cao, đặc biệt là nông sản nhiệt đới và thực phẩm chế biến. Do đó, lợi ích từ RCEP không phải chỉ là trực tiếp từ mở cửa thị trường mà cao hơn là thị trường ổn định, dễ dự báo hơn và DN có thể chuyển dần hướng từ xuất khẩu tiểu ngạch trước kia sang xuất khẩu chính ngạch.

Với những cơ hội cũng như thách thức mà RCEP mang lại, các DN trong tỉnh cần tiếp tục đầu tư công nghệ, kỹ năng quản trị... để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện khả năng cạnh tranh trên các thị trường. Cùng với đó là sự liên kết, hợp tác để đáp ứng về sản lượng hàng hóa trong thời gian tới.

Tùng Lâm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]