(Baothanhhoa.vn) - Nằm giữa núi rừng xứ Thanh, Di tích Lò cao kháng chiến Hải Vân (Lò cao NX3) với những tháng ngày đỏ lửa đã góp phần viết nên bản hùng ca chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của dân tộc Việt Nam.

Lò cao kháng chiến Hải Vân: Một thời đỏ lửa giữa rừng xanh

Nằm giữa núi rừng xứ Thanh, Di tích Lò cao kháng chiến Hải Vân (Lò cao NX3) với những tháng ngày đỏ lửa đã góp phần viết nên bản hùng ca chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của dân tộc Việt Nam.

Lò cao kháng chiến Hải Vân: Một thời đỏ lửa giữa rừng xanhLò cao kháng chiến Hải Vân từng một thời đỏ lửa nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất vũ khí phục vụ chiến trường.

Từ TP Thanh Hóa đi khoảng 40km về phía Tây Nam qua Nông Cống đến thị trấn Bến Sung (Như Thanh), du khách sẽ “bắt gặp” núi Đồng Mười - ngọn núi thuộc sơn hệ “chạy” từ Sầm Nưa (Lào) về Thanh Hóa. Nằm gần hồ Sông Mực, núi Đồng Mười thấp, như một thung lũng kín đáo mà hiểm trở, bao bọc bởi núi non trùng điệp. Có lẽ bởi vậy mà Đồng Mười được lựa chọn để trở thành “địa điểm” lịch sử xây dựng Lò cao kháng chiến Hải Vân hơn 70 năm về trước.

Ngược dòng lịch sử, năm 1945 Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tuy nhiên, thực dân Pháp lúc bấy giờ không từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta. Vì thế, đêm ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Lời Người hiệu triệu sức mạnh toàn dân cùng nhau chung sức, đồng lòng đánh giặc để bảo vệ thành quả cách mạng, gìn giữ non sông gấm vóc của tiên tổ. Xác định kháng chiến nhất định thắng lợi nhưng sẽ trường kỳ, gian khổ nên phải tự chủ, tự lực cánh sinh.

Để trường kỳ kháng chiến thì việc tự chủ sản xuất vũ khí, đạn dược cung cấp cho bộ đội, dân quân du kích là không thể thiếu. Và để có thể sản xuất vũ khí, ngành quân giới đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Bấy giờ, Cục Quân giới; Sở Khoáng chất kỹ nghệ Trung Bộ đã quyết định chọn Cầu Đất - Sông Con (thuộc huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) làm nơi đặt lò sản xuất gang. Sau đó, lò sản xuất gang lại được dời về Cát Văn (cũng thuộc Nghệ An). Tuy nhiên, lò cao ở Cát Văn đang trong quá trình hoàn tất xây dựng để đi vào hoạt động thì bị kẻ địch phát hiện, chúng cho máy bay ném bom phá hủy.

Theo các tài liệu, lúc này người đứng đầu Sở Khoáng chất kỹ nghệ Trung Bộ Võ Quý Huân phải lên Việt Bắc để xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương cho việc chọn địa điểm xây dựng lò cao. Có hai địa điểm được lựa chọn là Thái Nguyên hoặc Thanh Hóa. Tuy nhiên, theo ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì không thể chọn Thái Nguyên vì thực dân Pháp sẽ đánh lên đây. Vì thế, vùng đất xứ Thanh được chọn làm nơi xây dựng lò cao. Qua khảo sát, khu vực đồi núi huyện Như Xuân (khi đó huyện Như Thanh chưa tách ra từ huyện Như Xuân) với lợi thế đồi núi bao quanh, di chuyển đường thủy, bộ thuận tiện, gần nguồn quặng, lại sẵn nguồn than đốt gỗ lim phục vụ cho việc đốt lò là điều kiện lý tưởng để xây dựng lò cao.

Cuối năm 1949, lò cao từ Cát Văn (Nghệ An) được chính thức chuyển ra khu vực rừng núi Đồng Mười huyện Như Xuân, Thanh Hóa (Đồng Mười trước đây thuộc xã Hải Vân, nên còn có tên là Lò cao kháng chiến Hải Vân). Năm 1950, việc xây dựng Lò cao NX1 và NX2 trên địa bàn huyện Như Xuân được tiến hành trong khu vực rừng lim thuộc núi rừng Đồng Mười. Hơn một năm sau đó, mẻ gang đầu tiên đã được ra lò dưới tán rừng Đồng Mười - đánh dấu bước ngoặt của ngành công nghiệp luyện kim. Trong hai năm 1952 - 1953 đã có gần 200 tấn gang ra lò tại Đồng Mười để sản xuất vũ khí phục vụ chiến trường khói lửa.

Tuy nhiên, dù cẩn thận song hoạt động của Lò cao NX1 và NX2 dưới rừng lim cũng không thể qua mắt được thực dân Pháp, chúng cho máy bay đêm ngày bắn phá ác liệt. Việc chuyển địa điểm một lần nữa được đặt ra. Sau khi quan sát kỹ và thăm dò, đồng chí Trần Đại Nghĩa, Cục trưởng Cục Quân giới đã quyết định chuyển toàn bộ máy móc sản xuất vào trong hang Đồng Mười (cách khu vực cũ khoảng 1km) - Lò cao NX3 ra đời từ đó. Việc đưa lò cao vào trong hang sản xuất sẽ tránh bị địch phát hiện và ngay cả khi không may bị phát hiện thì với một cơ sở sản xuất trong hang rất khó bị đánh phá.

Lò cao kháng chiến Hải Vân: Một thời đỏ lửa giữa rừng xanhNhà bia giới thiệu Di tích Lò cao kháng chiến Hải Vân.

Dẫu vậy, ngoài lợi thế kín đáo thì đưa một lò cao với những máy móc, thiết bị cồng kềnh vào trong hang núi là điều không dễ dàng. Đã có khoảng 400 phát mìn được nổ để cửa hang mở rộng. Cùng với đó, máy móc khi đưa vào hang phải cải tiến thế nào cho phù hợp với cấu tạo hang; hệ thống xả hơi nước, hơi độc và khói phải xả ra bên ngoài nhưng làm thế nào để có thể ngụy trang không bị kẻ địch phát hiện; rồi cả những vấn đề không lường trước như hiện tượng tiếng ồn dữ dội do máy móc, quạt reo va đập vào vách hang khiến công nhân chỉ có thể ra hiệu chứ không thể nghe; hiện tượng thải khí độc nguy hiểm có thể ảnh hưởng tới tính mạng do quá trình phản ứng hóa học... hàng loạt vấn đề xảy ra khiến các kỹ sư, công nhân phải căng đầu tính toán, tìm cách khắc phục.

Giữa muôn vàn khó khăn của điều kiện sản xuất thực tế và sự cấp bách của chiến trường, những kỹ sư, công nhân làm việc tại đây với ý chí sắt đá và sự thông minh, trí tuệ cuối cùng đã hoàn thành việc lắp đặt Lò cao NX3 trong hang Đồng Mười vào cuối năm 1953. Từ đây, trong hang núi Đồng Mười giữa núi rừng xanh tươi liên tiếp những tháng ngày đỏ lửa, sục sôi khí thế sản xuất. Đã có những vần thơ ngợi ca đầy tự hào: “Đồng Mười giữa chốn rừng xanh/ Những ngày kháng chiến ân tình biết bao/ Hang này ôm bóng Lò cao/ Mở mang sử thép, tự hào công nhân”.

Từ lò cao NX3 trong hang núi Đồng Mười xứ Thanh đã có hàng trăm tấn gang ra lò được đưa đi phục vụ đúc lựu đạn, súng cối, chảo, nồi quân dụng... Đặc biệt, trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ, để tiền tuyến vững tin đánh trận thì có một phần không nhỏ đóng góp từ “hậu phương” lò cao Đồng Mười.

Và trong những tháng ngày đỏ lửa với sứ mệnh lịch sử của Lò cao kháng chiến Hải Vân, nơi đây đã in dấu ấn tài trí, công sức của những thế hệ đã sẵn sàng cống hiến để làm nên lịch sử như: Giáo sư Trần Đại Nghĩa; kỹ sư Võ Quý Huân...

70 năm đã trôi qua, những tháng ngày đỏ lửa giữa rừng xanh Đồng Mười của Lò cao kháng chiến Hải Vân cũng đã lùi vào quá khứ - “sống” cùng những tháng năm hào hùng của lịch sử dân tộc. Dẫu vậy, Lò cao kháng chiến Hải Vân còn đó, những dấu tích của “lò sấy”; “lò ủ gang”; “lò gió nóng”... còn đó; cùng những khẩu hiệu “Đào sâu nhớ kỹ, kiểm điểm thành tích viết tự thuật đầy đủ... cụ thể”; hay “Đề cao tương trợ, đẩy mạnh sản xuất, giúp nhau kiểm điểm lấy thành tích, viết tự thuật tốt”... không chỉ là sự khẳng định cho tinh thần sống, chiến đấu, lao động miệt mài cũa những cán bộ, kỹ sư, công nhân làm việc tại lò cao kháng chiến năm xưa. Dấu tích ấy, vẫn đang âm thầm “kể chuyện” đến thế hệ kế tiếp, về một thời đỏ lửa rực rỡ cùng dân tộc.

Dẫn chúng tôi tham quan di tích cấp quốc gia Lò cao kháng chiến Hải Vân (Lò cao NX3), ông Nguyễn Danh Tuyên, 75 tuổi người dân khu phố Đồi Dẻ, trông coi di tích suốt 30 năm qua, chia sẻ: “Năm 1962, lần đầu tiên tôi được bố dẫn vào lò cao, lúc đó dù người đã rời đi nhưng máy móc còn ở lại, cảm xúc khi ấy thực sự rất choáng ngợp vì tận mắt nhìn thấy những máy móc, thiết bị được lắp đặt bên trong, cứ nghĩ mãi sao người ta có thể đưa từng ấy máy móc vào trong hang, rồi vận hành một lò cao với quy mô lớn như vậy suốt một thời gian... Sự choáng ngợp và khâm phục chắc chắn không chỉ với riêng tôi, mà với bất cứ ai từng ghé thăm Lò cao kháng chiến Hải Vân trong những năm tháng ấy. Giống như một nhà khoa học người nước ngoài khi ghé thăm nơi đây đã phải thốt lên “Thật vĩ đại ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi”. Là một người lính trải qua chiến trận, tôi tin rằng chính những sự “vĩ đại” tưởng như không thể ấy đã tạo nên sức mạnh để cả dân tộc ta đi đến ngày thắng lợi cuối cùng”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]