(Baothanhhoa.vn) - Xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” đã và đang được các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai hiệu quả, góp phần tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong các tầng lớp Nhân dân để thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Lan tỏa những mô hình “Dân vận khéo”

Xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” đã và đang được các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai hiệu quả, góp phần tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong các tầng lớp Nhân dân để thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Lan tỏa những mô hình “Dân vận khéo”Đoàn thanh niên xã Thanh Lâm (Như Xuân) hỗ trợ Nhân dân làm đường giao thông nông thôn.

Trước kia, thôn Tân Lập, xã Tân Bình (Như Xuân) rất khó khăn do điều kiện cơ sở hạ tầng như đường giao thông, hệ thống điện lưới, trường học... còn thiếu và yếu. Tuy nhiên, nhiều năm nay trở lại đây, Tân Lập đang là điểm sáng trong XDNTM.

Để Nhân dân đồng thuận, chung tay XDNTM, Ban cán sự và các đoàn thể thôn Tân Lập đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Cán bộ, đảng viên trong chi bộ đầu tàu, gương mẫu làm trước để Nhân dân học tập, làm theo. Với cách làm này, nhiều phong trào đã được triển khai một cách thuận lợi. Cụ thể như, phong trào hiến đất làm đường giao thông; chỉnh trang nhà cửa theo hướng xanh, sạch, đẹp; cải tạo vườn tạp; các mô hình bảo vệ môi trường; xây dựng hệ thống điện, đường chiếu sáng... Sau gần 4 năm triển khai XDNTM, thôn Tân Lập đã vận động Nhân dân đóng góp làm 2,4km đường giao thông nông thôn; 3km đường điện chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời; trồng 300 cây hoa phong linh dọc các tuyến đường thôn; xây dựng hơn 90 hố rác hữu cơ sinh học...

Thực tiễn cũng cho thấy, từ công tác dân vận, trên địa bàn huyện Như Xuân cũng đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình thực hiện các phong trào thi đua của địa phương. Điển hình như bà Nguyễn Thị Đức, thôn Đồng Xuân, xã Hóa Quỳ đã vận động Nhân dân trong thôn xây dựng khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn; ông Nguyễn Xuân Quý, làng Gió, xã Bình Lương là nông dân tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; ông Đỗ Trọng Học, thôn Vân Hòa, xã Cát Vân với mô hình xây dựng thương hiệu mắc ca OCOP 3 sao...

Đồng chí Lê Đình Chương, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Như Xuân cho biết: Trong những năm qua, huyện Như Xuân đã triển khai nhiều giải pháp để xây dựng các mô hình “Dân vận khéo”. Trong đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU, ngày 27/6/2013 về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác dân vận chính quyền xã, thị trấn giai đoạn 2013-2020”; đồng thời triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong thời kỳ mới”; Quyết định số 464-QĐ/TU, ngày 6/1/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa”... Có thể thấy, từ công tác dân vận đã khơi dậy và phát huy được vai trò chủ thể của người dân, tập hợp được sức mạnh đại đoàn kết của các tầng lớp Nhân dân trong huyện, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Năm 2022, xã Thăng Thọ và thị trấn Nông Cống được Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Nông Cống lựa chọn xây dựng mô hình điểm “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ”. Bắt tay vào thực hiện mô hình, thị trấn Nông Cống đã xây dựng kế hoạch, chuẩn bị chi tiết các nội dung để phù hợp với thực tiễn của địa phương mình. Trong đó, nội dung trọng tâm được gắn với nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thực hiện tốt các quy chế, quy định về văn hóa công sở; đổi mới tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức; có thái độ tôn trọng, gần gũi, lịch sự, lắng nghe, chia sẻ các kiến nghị, đề xuất chính đáng của Nhân dân; đồng thời hướng dẫn, giải thích đầy đủ, tận tình những vướng mắc của người dân theo thẩm quyền. Thị trấn cũng bố trí, phân công những cán bộ, công chức vững về chuyên môn, nghiệp vụ, có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm để tiếp dân, giải quyết công việc cho người dân...

Cùng với những giải pháp trên, thị trấn Nông Cống cũng triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 01/CT-UBND, ngày 1/1/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”. Nhờ vậy, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức của thị trấn có sự chuyển biến theo hướng “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”...

Sau hơn 1 năm thực hiện mô hình, đến nay thị trấn Nông Cống đã tiếp nhận gần 26.000 hồ sơ hành chính của các tổ chức và cá nhân, với tỷ lệ giải quyết đạt 100%; người đứng đầu chính quyền thị trấn luôn duy trì việc tiếp công dân định kỳ 4 lần/tháng và tổ chức một số cuộc đối thoại trực tiếp với MTTQ, các tổ chức đoàn thể và Nhân dân. Ngoài ra, thị trấn phối hợp với Ủy ban MTTQ và các đoàn thể địa phương thực hiện tốt công tác dân vận, khơi dậy sức dân để đầu tư các công trình dân sinh. Từ công tác dân vận, thị trấn đã vận động Nhân dân đóng góp hơn 5,6 tỷ đồng cùng với các nguồn vốn hỗ trợ khác để làm 16km đường giao thông, với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng. Không những thế, Nhân dân ở một số tiểu khu còn tự nguyện đóng góp kinh phí lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, như các tiểu khu Nam Tiến, Thái Hòa, Đông Hòa...

Theo số liệu báo cáo, sau 3 năm (2021-2023) thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đến nay, tỉnh ta đã triển khai xây dựng và nhân rộng được gần 8.500 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hệ thống dân vận các cấp đã chủ động nắm chắc tình hình Nhân dân, từ đó tham mưu, phối hợp với các cấp, ngành, địa phương giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh từ cơ sở, góp phần giữ ổn định tình hình Nhân dân.

Đối với mô hình “Chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ”, mặc dù triển khai từ năm 2021, nhưng đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 416 mô hình cấp xã, 1 mô hình cấp huyện. Mô hình được đánh giá tạo nên sự thay đổi rõ nét trong tư duy, nhận thức và cách giải quyết công việc hành chính của chính quyền các cấp, hướng đến một nền hành chính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, tất cả vì Nhân dân phục vụ. Nội dung của mô hình được gắn với công tác dân vận bằng những hành động cụ thể, thiết thực của đội ngũ cán bộ, công chức ở cấp chính quyền cơ sở, qua đó xây dựng, củng cố mối gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền với Nhân dân.

Bài và ảnh: Xuân Minh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]