(Baothanhhoa.vn) - Đến tháng 5-2023, huyện Bá Thước có 54.781,16 ha rừng, trong đó có 11.097 ha rừng luồng. Ngoài gỗ, cây thế mạnh của địa phương là luồng. Bá Thước là 1 trong 7 huyện nằm trong quy hoạch vùng luồng thâm canh của tỉnh theo Quyết định 502/QĐ-UBND, ngày 23-2-2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Quy hoạch vùng thâm canh luồng tập trung tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2011-2020.

Bá Thước thâm canh, phục tráng và khai thác hiệu quả rừng luồng

Đến tháng 5-2023, huyện Bá Thước có 54.781,16 ha rừng, trong đó có 11.097 ha rừng luồng. Ngoài gỗ, cây thế mạnh của địa phương là luồng. Bá Thước là 1 trong 7 huyện nằm trong quy hoạch vùng luồng thâm canh của tỉnh theo Quyết định 502/QĐ-UBND, ngày 23-2-2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Quy hoạch vùng thâm canh luồng tập trung tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2011-2020.

Bá Thước thâm canh, phục tráng và khai thác hiệu quả rừng luồngRừng luồng tại xã Thiết Ống (Bá Thước) được bảo vệ và chăm sóc, khai thác đúng kỹ thuật.

Từ năm 2016 đến tháng 12-2021, UBND huyện đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm xuống thôn, bản phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ phát triển vùng luồng thâm canh; tập huấn kỹ thuật chăm sóc rừng luồng. Các hộ đã được hỗ trợ kinh phí mua phân bón cho năm thứ nhất và năm thứ 2 thực hiện thâm canh phục tráng rừng luồng (2 triệu đồng/ha/năm) và hỗ trợ 230 triệu đồng/1 km đường lâm nghiệp nâng cấp hoặc làm mới (200 ha rừng luồng tập trung được hỗ trợ 1 km đường). Kết quả, diện tích luồng thực hiện thâm canh phục tráng của huyện Bá Thước giai đoạn 2016-2021 được hơn 2.470 ha. Riêng năm 2022, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước đã phối hợp với UBND các xã trên địa bàn tập huấn kỹ thuật chăm sóc, bón phân... phục tráng được 1.200 ha rừng luồng. Toàn huyện đến nay đã làm mới được 14 km đường ô tô lâm nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con thâm canh phục tráng, chăm sóc, khai thác, vận chuyển các sản phẩm lâm sản đi tiêu thụ, giảm chi phí nhân công.

Hơn 4 tháng đầu năm 2023, huyện đã triển khai kế hoạch thâm canh, phục tráng 390 ha rừng luồng thâm canh năm thứ nhất và 1.200 ha rừng luồng thâm canh năm thứ 2. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch triển khai thực hiện năm 2023 và chủ động phổ biến, tuyên truyền hiệu quả phát triển vùng luồng thâm canh; tập huấn kỹ thuật chăm sóc, bón phân phục tráng rừng luồng cho các hộ đăng ký tham gia phục tráng rừng luồng, triển khai xây dựng phương án quản lý rừng luồng bền vững để cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững nhằm nâng cao giá trị cây luồng.

Hiệu quả của chính sách phát triển vùng luồng thâm canh đã từng bước nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và người dân địa phương trong việc quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác bền vững rừng luồng. Thay đổi từ tập quán canh tác quảng canh, không bón phân chăm sóc cho rừng luồng sang canh tác thâm canh, bón phân và chăm sóc rừng luồng. Phục tráng rừng luồng kém chất lượng đã giúp năng suất, chất lượng rừng luồng nâng lên rõ rệt. Cụ thể như hệ số sinh măng tăng gấp 1,5 lần, măng to hơn và gióng dài hơn. Một số tuyến đường lâm nghiệp kết hợp với dân sinh tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của Nhân dân. Từ đó, cây luồng đã góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều hộ trồng luồng và doanh nghiệp chế biến luồng. Công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng cũng đã được các hộ, nhóm hộ và đại diện cộng đồng thôn, bản tích cực tham gia. Trên địa bàn huyện có 5 công ty, HTX và các cơ sở chế biến lâm sản thu mua và chế biến các mặt hàng sơ chế, chủ yếu là đũa, giấy...

Tuy nhiên, nguồn vốn phân bổ để thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển vùng luồng thâm canh của tỉnh còn hạn chế. Trong khi đó, diện tích rừng luồng thâm canh phục tráng nằm trên địa bàn huyện có địa hình phức tạp, đất đai khô cằn, việc cuốc lật đất, đào hố bón phân gặp nhiều khó khăn. Diện tích rừng luồng được chăm sóc, bón phân chỉ dừng lại ở những diện tích được Nhà nước hỗ trợ, đời sống người dân còn khó khăn, chưa chủ động đầu tư kinh phí mua phân bón để thâm canh luồng, nên diện tích rừng luồng kém chất lượng vẫn còn nhiều...

Để mở rộng diện tích vùng luồng thâm canh, cùng với chính sách hỗ trợ phát triển vùng luồng thâm canh của tỉnh, huyện Bá Thước cần bố trí một phần ngân sách của địa phương để hỗ trợ thâm canh phục tráng và khai thác bền vững rừng luồng trên địa bàn. Tăng cường quản lý Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng nói chung, rừng luồng nói riêng. Tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng các cơ sở chế biến luồng trên địa bàn, để có giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ luồng; cam kết không thu mua, tiêu thụ luồng non. Xây dựng các mô hình HTX sản xuất, kinh doanh luồng, tạo vùng nguyên liệu tập trung đủ lớn và là cầu nối để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vốn, khoa học - kỹ thuật thâm canh rừng luồng, góp phần xây dựng phương án quản lý rừng luồng bền vững để cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho rừng luồng.

Bài và ảnh: Thu Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]