(Baothanhhoa.vn) - Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện còn 353 hộ dân đang sinh sống trên sông (thuộc các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy và TP Thanh Hóa). Tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu trong 2 năm 2022 và 2023 sẽ hoàn thành việc cấp đất ở và hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ này, để không có ai bị bỏ lại phía sau.

Khát vọng... “lên bờ”! (Bài cuối): Không để ai bị bỏ lại phía sau

Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện còn 353 hộ dân đang sinh sống trên sông (thuộc các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy và TP Thanh Hóa). Tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu trong 2 năm 2022 và 2023 sẽ hoàn thành việc cấp đất ở và hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ này, để không có ai bị bỏ lại phía sau.

Khát vọng... “lên bờ”! (Bài cuối): Không để ai bị bỏ lại phía sau

Khu tái định cư thôn Duệ Thôn, xã Định Tiến (Yên Định) đã hiện hữu những ngôi nhà kiên cố giúp đồng bào sinh sống trên sông lên bờ ổn định cuộc sống. Ảnh: Đỗ Đức

Trong hành trình vượt định kiến, phá rào cản để tiến về phía trước, đồng bào sinh sống trên sông sẽ không đơn độc. Phát biểu tại hội nghị triển khai công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào sinh sống trên sông, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đã khẳng định: “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” không phải lời hô hào khẩu hiệu, mà đang và phải được thực hiện bằng tinh thần sẻ chia, đồng cảm, thương yêu và hơn hết là bằng “mệnh lệnh từ trong trái tim mỗi người”. Thanh Hóa đang sẵn sàng thế và lực để bước lên “chuyến tàu tốc hành 58”, với ga đích là trở thành một “cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc”. Trên hành trình không ngơi nghỉ ấy, từ bộ phận cấu thành đơn giản nhất là chiếc ốc vít cũng phải chuyển động nhịp nhàng cùng cỗ máy. Chính vì vậy, quan tâm chăm lo cho nhóm dễ bị tổn thương là cộng đồng dân cư sinh sống trên sông, không chỉ là nhiệm vụ xuất phát từ lương tri, mà còn là một mục tiêu của sự phát triển hài hòa, bền vững.

Hạnh phúc dưới mái nhà “ý Đảng - tình người”

Chừng hơn 2 tháng trở về trước, nơi trú ngụ của vợ chồng Lê Văn Đáp (27 tuổi) và Nguyễn Thị Phương (21 tuổi) vẫn là con thuyền nhỏ quá “đát” ọp ẹp. Là dân chài “gốc” nên dù đang độ tuổi thanh niên, vợ chồng Đáp cũng chẳng gom góp được của nả gì. Cưới nhau năm 2020 đúng đợt dịch dã, rồi vợ sinh con gái đầu lòng khiến cuộc sống đã thiếu thốn càng thêm túng quẫn. Thành thử, dù đã được địa phương cấp đất (đầu năm 2020, theo Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 10-10-2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XV về đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo chưa có nhà ở, đang ở nhà tạm bợ, dột nát và ổn định đồng bào sinh sống trên sông”), nhưng Đáp không thể cất nổi gian nhà tránh gió che mưa. Nhưng rồi, niềm vui quá lớn đã đến với đôi vợ chồng trẻ. Sau khi địa phương triển khai thực hiện Thông báo số 129-TB/VPTU ngày 18-4-2022 về kết luận của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị triển khai công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo sinh sống trên sông, gia đình Đáp đã được Ủy ban MTTQ tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng, cộng thêm kinh phí hỗ trợ từ giáo phận và vay mượn họ hàng, tháng 7-2022, Đáp đã khởi công xây nhà.

Ngôi nhà kiên cố được cất trên khu đất 125m2, tại thôn Duệ Thôn, xã Định Tiến, huyện Yên Định. Dẫu đồ đạc sinh hoạt chẳng có mấy thứ đáng tiền, nhưng với vợ chồng Đáp đây đã là “ngôi nhà trong mơ” nếu so với con thuyền chật hẹp, cũ kỹ trước kia. Hồi tưởng lại cảnh sống thường xuyên giật mình thon thót mùa mưa bão và bản thân luôn ám ảnh vì có người anh trai đã vùi thân dưới nước dữ, Phương lại hoảng hốt khi nghĩ đến con gái mới hơn 1 tuổi, đang chập chững tập đi. Để rồi, nhìn vào ngôi nhà mới cất còn nồng mùi vôi vữa, Phương cảm thấy thỏa mãn và hạnh phúc khôn tả. Niềm hạnh phúc ấy đã cho vợ chồng Phương điểm tựa để lên kế hoạch cho cuộc sống mới, với hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.

Nằm cách nhà Phương không xa là nhà của đôi vợ chồng già, ông Nguyễn Thanh Sơn và bà Nguyễn Thị Lan. Đi gần hết đời người nay mới được “thân ấm chân yên” trong ngôi nhà mới, ông Sơn mừng rơi nước mắt. Cái xóm chài Định Tiến hơn 70 hộ dân, nếu chia bình quân ra thì mỗi đầu hộ có 1 đứa trẻ đã bỏ mình cho hà bá. Dù trẻ con xóm chài lớn lên cùng đoạn dây thừng buộc chặt quanh thân, nhưng khi sa sẩy thì chẳng dây thừng nào cứu nổi sinh mạng người. Thậm chí, nhiều cái chết tức tưởi mà nghe tưởng như đùa. Đó là những đứa đêm ngủ mơ cựa mình rồi rơi xuống sông. Sáng dậy bố mẹ thấy thiếu một đứa, vậy là xác định mất con... Những câu chuyện cũng là phần hồi ức đã vùi sâu được ông Sơn kể lại như để nhắc nhở bản thân về những tháng ngày khốn khó chưa xa, cũng là để khép lại quá khứ và mở ra cuộc đời mới. Đó cũng là cánh cửa tương lai cho những đứa trẻ khu tái định cư, đang hồn nhiên nô đùa trên con đường láng phẳng dẫn lối chúng đến trường.

“Truyền lửa” từ người đứng đầu

Ngôi nhà của vợ chồng ông Sơn, anh Đáp là 2 trong 5 ngôi nhà được khởi công xây dựng, ngay sau chuyến khảo sát thực địa của Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng và Giám mục Giáo phận Thanh Hóa Nguyễn Đức Cường, tại khu tái định cư Duệ Thôn hồi giữa tháng 4-2022. Với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt được “truyền lửa” từ người đứng đầu Đảng bộ tỉnh đến từng cấp ủy, chính quyền các cấp; đồng thời, huy động sự cộng đồng trách nhiệm của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và sự chung tay của các chức sắc, chức việc trong toàn Giáo phận, đến ngày 31-8-2022, 7/7 địa phương gồm Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy và TP Thanh Hóa, đã rà soát, bố trí quỹ đất và lập phương án đầu tư khu tái định cư cho 232 hộ, với 242 lô đất. Đến đầu tháng 10-2022, các mặt bằng tái định cư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và các địa phương đang tích cực đốc thúc khởi công. Đồng thời, đã có hàng chục ngôi nhà mới được xây dựng, gắn với các phương án rà soát thực trạng lao động, kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm của chính quyền cơ sở, nhằm tạo sinh kế ổn định cho bà con sau khi “lên bờ”. Vậy là, sau bao đời vất vả trong kiếp sống lênh đênh, tới đây hàng trăm hộ dân sẽ được an cư lạc nghiệp dưới những mái nhà “ý Đảng - tình người”. Với họ, đó là một hồng ân lớn lao, là niềm hạnh phúc được kết từ trái tim giàu yêu thương, sẵn sàng sẻ chia và đồng cảm của cả cộng đồng - dân tộc.

Có thể khẳng định, thành tựu giảm nghèo nói chung, trong đó có sự tích hợp các chính sách đặc thù dành cho nhóm dễ bị tổn thương - mà cụ thể ở đây là đồng bào sinh sống trên sông - đã góp phần khẳng định tính ưu việt của chế độ ta. Đồng thời, việc nỗ lực “đi trước một bước” nhằm đưa toàn bộ các hộ dân sinh sống trên sông lên bờ ổn định cuộc sống, từng bước thoát nghèo, đã phản ánh một bước tiến dài của tỉnh Thanh Hóa trong nỗ lực quan tâm, chăm lo, nâng cao đời sống cho người dân. Đáng nói hơn, trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách ổn định đời sống cư dân vạn chài, nhóm đối tượng này luôn được đặt ở trung tâm, với việc bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đồng thời, từng bước đưa họ từ vị trí “khách thể bị động” trở thành chủ thể chính trong quá trình gây dựng một cuộc sống mới cho bản thân và gia đình họ.

Xin mượn lời thơ “Đẹp vậy thay, tiếng hát trên dòng sông” để “kết” lại những câu chuyện đời người gắn với một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã được biết bao cán bộ, đảng viên và người dân kiên trì, quyết tâm thực hiện trong suốt những năm qua để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho đồng bào mình. Để tiếng hát ngợi ca tình yêu thương, ngợi ca cuộc sống và ngợi ca những con người hồn hậu mà nghĩa tình, rồi đây sẽ cất lên và vang vọng khắp những dòng sông yên bình.

Trong nỗ lực “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”, Thanh Hóa đã và đang nổi lên như một “điểm sáng”. Từ một tỉnh nghèo phải thường xuyên nhận cứu trợ của Trung ương, với tổng thu ngân sách mới ở ngưỡng trên dưới 1 nghìn tỷ đồng (đầu những năm 2000), thì tính riêng 9 tháng đầu năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 39.325 tỷ đồng, bằng 133% dự toán, tăng 56% so với cùng kỳ và đạt cao nhất từ trước đến nay. Đồng thời, kết quả rà soát theo Thông tư số 02/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30-3-2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 8-2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chiếm 6,77% (67.684 hộ), tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 8,7% (86.912 hộ).

Nhóm PV Chính trị - Xã hội


Nhóm PV Chính trị - Xã hội

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]