(Baothanhhoa.vn) - Trong những năm 1960-1990, cam Vân Du là một trong những giống cam chủ lực của các nông trường quốc doanh được trồng và xuất khẩu cho Liên Xô (cũ). Từ sau năm 1990, hầu hết diện tích trồng cam ở Thạch Thành bị dịch bệnh vàng lá greening và tristeza tàn phá, huyện phải chuyển đổi sang cây trồng khác. Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ chuyển đổi, huyện Thạch Thành nhận thấy các cây trồng chuyển đổi kém hiệu quả kinh tế so với cây cam, nên đã quyết định phục hồi, phát triển cây có múi nói chung và cây cam Vân Du nói riêng. Trong đó, coi việc phục hồi, phát triển cây cam Vân Du là một định hướng quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Huyện Thạch Thành phục hồi, phát triển cam Vân Du

Trong những năm 1960-1990, cam Vân Du là một trong những giống cam chủ lực của các nông trường quốc doanh được trồng và xuất khẩu cho Liên Xô (cũ). Từ sau năm 1990, hầu hết diện tích trồng cam ở Thạch Thành bị dịch bệnh vàng lá greening và tristeza tàn phá, huyện phải chuyển đổi sang cây trồng khác. Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ chuyển đổi, huyện Thạch Thành nhận thấy các cây trồng chuyển đổi kém hiệu quả kinh tế so với cây cam, nên đã quyết định phục hồi, phát triển cây có múi nói chung và cây cam Vân Du nói riêng. Trong đó, coi việc phục hồi, phát triển cây cam Vân Du là một định hướng quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Huyện Thạch Thành phục hồi, phát triển cam Vân DuNông dân thị trấn Vân Du chăm sóc cam Vân Du.

Năm 2016, Thạch Thành đã triển khai thực hiện dự án quy hoạch, phát triển vùng cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa và liên kết với Học Viện Nông nghiệp Việt Nam xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển cây ăn quả trên địa bàn huyện đến năm 2030. Theo khảo sát, quy hoạch, diện tích phát triển cây ăn quả của huyện Thạch Thành có thể lên tới 6.506 ha, trong đó diện tích thích hợp cho phát triển cây có múi 6.135 ha. Đi đôi với đó, huyện đã làm việc với Viện Nghiên cứu rau quả để hỗ trợ việc điều tra, đánh giá hiện trạng giống và có các giải pháp khoa học chọn lọc, bảo tồn, phát triển giống cam Vân Du trên địa bàn theo quy hoạch.

Qua điều tra cho thấy, cam Vân Du là giống được chọn lọc từ những cây gieo hạt của giống cam mang nhãn hiệu thương mại Sunkist và có nhiều dòng khác nhau, song có đặc tính chung là cây cao trung bình, tán gọn, có gai trên cành, thích nghi rộng. Năng suất cao, trọng lượng quả trung bình 180 - 200g/quả, thơm ngon, vỏ mỏng, trơn bóng, túi tinh dầu nhỏ và phân bố đều trên vỏ... Thời gian thu hoạch vào tháng 11, cây 7 - 10 năm tuổi năng suất có thể đạt 200 - 300kg quả/cây. Tuy nhiên, do nguồn gốc giống không rõ ràng, cộng với việc canh tác quảng canh, đầu tư chăm sóc không đúng theo quy trình kỹ thuật, nên giống cam Vân Du dần bị thoái hóa, lẫn tạp, năng suất thấp. Với thực trạng trên, việc khôi phục và phát triển giống cam Vân Du trên cơ sở tuyển chọn các cây giống tốt đưa vào bảo tồn và áp dụng các tiến bộ về khoa học - kỹ thuật để nhân giống, trồng và nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển bền vững giống cam Vân Du trên địa bàn là hết sức cần thiết. Vì vậy, huyện Thạch Thành đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn khôi phục và phát triển bền vững nguồn gen bản địa cam Vân Du. Mục tiêu là bảo tồn và lưu giữ nguồn gen cam Vân Du lâu dài trên cơ sở điều tra tuyển chọn được các cây đầu dòng và áp dụng công nghệ làm sạch bệnh. Đề xuất quy trình nhân giống sạch bệnh và quy trình kỹ thuật thâm canh tổng hợp cho giống cam Vân Du. Đồng thời, xây dựng các mô hình trình diễn cam Vân Du, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh tổng hợp kết hợp với công nghệ cao. Điều tra đánh giá hiện trạng sản xuất cam Vân Du tại huyện Thạch Thành, một số vùng lân cận và thực hiện phục tráng, bảo tồn giống cam Vân Du. Xây dựng vườn cây mẹ cung cấp mắt ghép cho nhân giống, khu nhân giống cung cấp cây giống sạch bệnh cho sản xuất. Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật đồng bộ, xây dựng quy trình kỹ thuật thâm canh cam Vân Du và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây có múi cho người dân.

Đồng chí Đỗ Thị Phiến, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thạch Thành, cho biết: UBND tỉnh đã giao cho huyện thực hiện Dự án “Xác lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cam Vân Du cho sản phẩm cam của Thạch Thành”... Sau thời gian thực hiện, đến nay, huyện đã hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu dự án, kết quả: Đã thiết lập được cơ chế quản lý, bảo hộ đối với nhãn hiệu “Cam Vân Du - Thạch Thành” cho sản phẩm cam Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa; từ đó nâng cao thương hiệu, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, bảo đảm đời sống cho người sản xuất, kinh doanh cam. Đi đôi với đó, huyện cũng đã xây dựng thành công 2 mô hình sản xuất “Cam Vân Du - Thạch Thành”, diện tích 2 ha/mô hình, tại thị trấn Vân Du và xã Thành Công. Hiện tại mô hình đang vận hành sản xuất ổn định. Huyện Thạch Thành cũng đã thiết lập cơ chế quản lý và khai thác có hiệu quả sản phẩm cam Vân Du. Sản phẩm “Cam Vân Du - Thạch Thành” đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm.

Thực tế cho thấy, việc khôi phục và phát triển giống cam Vân Du đã và đang góp phần mở rộng diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Thạch Thành và mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho người lao động. Đồng thời, việc thực hiện các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong sản xuất cam Vân Du sẽ giảm đáng kể những tác động xấu đến môi trường.

Bài và ảnh: Xuân Hùng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]