(Baothanhhoa.vn) - Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đòi hỏi nguồn lực lớn trong khi điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa còn có những khó khăn. Hiện thực hóa kỳ vọng xây dựng Thanh Hóa nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu của cả nước, ngay trong giai đoạn “nước rút” này, từ tỉnh đến các ngành và từng địa phương cần nắm bắt cơ hội, vận dụng hiệu quả, linh hoạt những thuận lợi và cơ chế, chính sách của Trung ương dành cho Thanh Hóa để tạo bước đột phá trong phát triển hạ tầng giai đoạn 2021-2025.

Hoàn thiện hệ thống hạ tầng, tạo bước đột phá tăng trưởng (Bài cuối): Nắm bắt thời cơ để đột phá

Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đòi hỏi nguồn lực lớn trong khi điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa còn có những khó khăn. Hiện thực hóa kỳ vọng xây dựng Thanh Hóa nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu của cả nước, ngay trong giai đoạn “nước rút” này, từ tỉnh đến các ngành và từng địa phương cần nắm bắt cơ hội, vận dụng hiệu quả, linh hoạt những thuận lợi và cơ chế, chính sách của Trung ương dành cho Thanh Hóa để tạo bước đột phá trong phát triển hạ tầng giai đoạn 2021-2025.

Hoàn thiện hệ thống hạ tầng, tạo bước đột phá tăng trưởng (Bài cuối): Nắm bắt thời cơ để đột pháDiện mạo đô thị TP Sầm Sơn đang đổi mới từng ngày. Ảnh: Trần Thanh

Ngày 5-8-2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở Nghị quyết số 58-NQ/TW, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13-11-2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa. Đó là sự thể chế hóa cao nhất Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, tạo hành lang pháp lý, khơi thông nguồn lực cho sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa.

Từ việc kế thừa đầy đủ, sáng tạo các quan điểm, định hướng phát triển theo Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 27-2-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 153/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Như đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định: “Đây là quy hoạch tích hợp đầu tiên được ban hành theo phương pháp tiếp cận mới, với những nội dung hết sức quan trọng, bao gồm quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu chủ yếu, định hướng phát triển các ngành kinh tế quan trọng, định hướng phát triển không gian lãnh thổ, định hướng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến định hướng sử dụng đất, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Tầm quan trọng nhất của quy hoạch là đã tạo ra khung pháp lý cao nhất, khái quát nhất, là “xương sống” để các ngành, các lĩnh vực của tỉnh phát triển”.

Cụ thể hóa “bộ khung” chiến lược và những cơ chế, chính sách đặc thù mà Trung ương dành cho Thanh Hóa, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách trên các lĩnh vực để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Trong đó có các giải pháp về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đặc biệt là việc khắc phục những tồn tại, bất cập được xem là “điểm nghẽn” trong đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KKTNS&CKCN), cụm công nghiệp (CCN), hạ tầng đô thị và dịch vụ - thương mại... Trước hết, tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp liên quan khẩn trương hoàn chỉnh và phê duyệt các quy hoạch phân khu chức năng trong KKTNS, quy hoạch mở rộng thị xã Bỉm Sơn, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại các khu vực phát triển nhanh và dọc các tuyến đường giao thông lớn. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch; đảm bảo tính hiệu quả và khả thi của các quy hoạch đô thị.

Để tạo bước đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về tư duy, đa dạng hóa các hình thức đầu tư. Nhằm huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội, tỉnh tập trung rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng theo hình thức hợp đồng PPP, tập trung vào lĩnh vực giao thông, đô thị, khu kinh tế, KCN. Bên cạnh việc tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đảm bảo thông thoáng, hấp dẫn các nhà đầu tư, Thanh Hóa sẽ đổi mới phương thức và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư, hợp tác quốc tế. Chủ động xúc tiến đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, gắn với tiêu chí hợp tác đầu tư mới; duy trì các đối tác truyền thống, đồng thời mở rộng đối tác mới có tiềm năng.

...tỉnh Thanh Hóa tập trung nguồn vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ, đường tỉnh với tổng chiều dài hơn 121km; đầu tư mới khoảng 146km đường giao thông, phấn đấu đến năm 2025, 100% hệ thống đường huyện và 85% đường giao thông xã được cứng hóa...

Khắc phục những tồn tại, hạn chế về phát triển hạ tầng giao thông, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải hoàn thành xây dựng phương án phát triển mạng lưới giao thông đường tỉnh để tích hợp vào nội dung quy hoạch tỉnh Thanh Hóa theo quy định. Đồng thời, ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông theo quy hoạch, nhất là việc triển khai thực hiện Quyết định số 1454/QĐ-TTg, ngày 1-9-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050". Trong đó, tỉnh Thanh Hóa tập trung nguồn vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ, đường tỉnh với tổng chiều dài hơn 121km; đầu tư mới khoảng 146km đường giao thông, phấn đấu đến năm 2025, 100% hệ thống đường huyện và 85% đường giao thông xã được cứng hóa.

Thực hiện Đề án “Thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công tư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025”, Sở Giao thông - Vận tải đã và đang phối hợp với các ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất danh mục các dự án có khả năng thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo phương châm “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”. Vận dụng mô hình “đầu tư tư - sử dụng công”, Sở Giao thông - Vận tải đã tham mưu cho tỉnh tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án công trình đầu mối, có tính chất kết nối liên vùng, liên tỉnh. Cụ thể là dự án đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, trang thiết bị Cảng Hàng không Thọ Xuân thành cảng hàng không quốc tế trước năm 2025; tuyến đường sắt từ khu vực Cảng Hàng không Thọ Xuân đi KKTNS; đầu tư, nâng cấp, mở rộng Cảng Lạch Sung; đường vành đai 3 nhánh phía Đông đoạn từ huyện Hoằng Hóa đến huyện Quảng Xương; Đại lộ Bắc sông Mã; các dự án đầu tư bến cảng tổng hợp, cảng chuyên dùng, cảng container tại khu vực Cảng biển Nghi Sơn; đầu tư xây dựng các trung tâm logistics, cảng cạn. Đồng thời, Sở Giao thông - Vận tải đang tổ chức lựa chọn nhà đầu tư dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và Quảng Xương - thị xã Nghi Sơn; tuyến đường Hải Hòa - Bình Minh, thuộc thị xã Nghi Sơn để sớm được triển khai và phát huy hiệu quả đầu tư.

Trao đổi về hướng phát triển kết nối hạ tầng giao thông ở Thanh Hóa, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa khóa XI và khóa XII, cho biết: “Từ vai trò của hạ tầng giao thông trong liên kết vùng và liên vùng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cần xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để tiếp tục thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hệ thống trục ngang kết nối với đường cao tốc Bắc - Nam; các trục đường chính theo quy hoạch để hình thành hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ và an toàn trên địa bàn tỉnh. Nếu thực hiện tốt các quy hoạch và Đề án “Thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công tư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025”, thì Thanh Hóa sẽ có mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt liên kết vùng tương đối hoàn chỉnh, từng bước trở thành cầu nối giao thương với các vùng của cả nước. Là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững".

Trọng tâm là thay đổi phương thức đầu tư hạ tầng kỹ thuật các KCN, CCN từ chủ yếu sử dụng ngân sách Nhà nước sang khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hạ tầng KCN, CCN theo hình thức đối tác công tư. Trong đó, ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng các KCN Lam Sơn - Sao Vàng, Thạch Quảng, Ngọc Lặc, Bãi Trành và KCN trong KKTNS.

Song song phát triển mạng lưới giao thông có tính kết nối cao, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thu hút đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng khu kinh tế, KCN, CCN. Trọng tâm là thay đổi phương thức đầu tư hạ tầng kỹ thuật các KCN, CCN từ chủ yếu sử dụng ngân sách Nhà nước sang khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hạ tầng KCN, CCN theo hình thức đối tác công tư. Trong đó, ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng các KCN Lam Sơn - Sao Vàng, Thạch Quảng, Ngọc Lặc, Bãi Trành và KCN trong KKTNS. Từ đó, từng bước hình thành một số cụm liên kết các ngành chủ lực của tỉnh như lọc hóa dầu, hóa chất, chế biến nông - lâm sản, điện tử, viễn thông. Đi liền với huy động, lồng ghép các nguồn vốn để đẩy mạnh XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở các huyện, thị xã, thành phố, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa ở các khu vực TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn và những nơi có điều kiện như các huyện Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương, nhằm từng bước hoàn chỉnh hệ thống đô thị theo hướng hiện đại, văn minh có bản sắc riêng.

Từ năm 2021 đến nay, thành phố đã đầu tư và hoàn thành 163 dự án, 76 dự án đang triển khai đầu tư...

...Đến nay, toàn thành phố đã vận động Nhân dân hiến 18.250m2 đất ở, 10.300m2 đất nông nghiệp với giá trị hơn 92 tỷ đồng. Nhân dân ở nhiều phường, xã còn tự tháo dỡ công trình trên đất với trị giá khoảng 11 tỷ đồng, tự nguyện đóng góp 8,6 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công để làm đường giao thông, các công trình phúc lợi, kênh mương nội đồng, nhà văn hóa...

TP Thanh Hóa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của xứ Thanh. Xác định đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, TP Thanh Hóa đã tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng đô thị. Trong đó, trọng tâm là giải quyết các nút thắt, “điểm nghẽn” về giao thông, hạ tầng đô thị, khớp nối hạ tầng giữa các khu đô thị. Từ năm 2021 đến nay, thành phố đã đầu tư và hoàn thành 163 dự án, 76 dự án đang triển khai đầu tư. Để thực hiện đồng bộ, hiệu quả chương trình trọng tâm “Xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện”, trọng tâm là cuộc vận động “Người dân TP Thanh Hóa nói lời hay, làm việc tốt, hành động thân thiện” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Thanh Hóa nhiệm kỳ 2020-2025, UBND thành phố đã xây dựng và trình HĐND thông qua Nghị quyết số 83/NQ-HĐND ngày 28-4-2022 về “Tập trung triển khai thực hiện Đề án huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư, nâng cấp đường giao thông, rãnh thoát nước, vỉa hè trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025”. Đến nay, toàn thành phố đã vận động Nhân dân hiến 18.250m2 đất ở, 10.300m2 đất nông nghiệp với giá trị hơn 92 tỷ đồng. Nhân dân ở nhiều phường, xã còn tự tháo dỡ công trình trên đất với trị giá khoảng 11 tỷ đồng, tự nguyện đóng góp 8,6 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công để làm đường giao thông, các công trình phúc lợi, kênh mương nội đồng, nhà văn hóa... Trong những năm tới, TP Thanh Hóa tiếp tục mở rộng địa giới hành chính, đồng thời, đẩy nhanh việc thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu đô thị hóa. Do đó, thành phố đang ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các dự án hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa rộng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nhằm từng bước thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố đến năm 2025 trong nhóm đô thị loại I trực thuộc tỉnh hàng đầu cả nước.

Nửa nhiệm kỳ thực hiện khâu đột phá về phát triển hạ tầng giai đoạn 2021-2025, đang tạo ra sự thay đổi về diện mạo ở các đô thị, mỗi vùng quê và rộng hơn là liên kết vùng, liên kết các trung tâm kinh tế động lực tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

Trần Thanh

Tin liên quan:
  • Hoàn thiện hệ thống hạ tầng, tạo bước đột phá tăng trưởng (Bài cuối): Nắm bắt thời cơ để đột phá
    Hoàn thiện hệ thống hạ tầng, tạo bước đột phá tăng trưởng (Bài 2): Nhận diện ...

    Sau 2 năm triển khai kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá về phát triển hạ tầng giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được kết quả đáng ghi nhận trong việc cải thiện, nâng tầm kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nhìn tổng thể hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và kỳ vọng. Thực trạng này đang đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cần nhận diện rõ những thách thức trong hành trình kiến tạo “bộ khung” cho sự phát triển.

  • Hoàn thiện hệ thống hạ tầng, tạo bước đột phá tăng trưởng (Bài cuối): Nắm bắt thời cơ để đột phá
    Hoàn thiện hệ thống hạ tầng, tạo bước đột phá tăng trưởng (Bài 1): Kiến tạo “bộ ...

    Kết cấu hạ tầng là nền tảng vật chất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và mỗi địa phương. Nhận thức được điều đó, tỉnh Thanh Hóa đã và đang tập trung huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để kiến tạo “bộ khung” hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhằm tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]