Năm 2023 được đánh dấu bằng cái nóng gay gắt, không ngừng trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Nhật Bản, nơi kỷ lục nhiệt độ mọi thời đại dường như xuất hiện hàng tuần trong suốt mùa Hè và sang mùa Thu.

Nhật Bản có nguy cơ đối mặt với năm nóng nhất từ trước đến nay

Nhật Bản có nguy cơ đối mặt với năm nóng nhất từ trước đến nayHoa anh đào nở sớm tại Kawazu. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)

Năm 2023 được đánh dấu bằng cái nóng gay gắt, không ngừng trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Nhật Bản, nơi kỷ lục nhiệt độ mọi thời đại dường như xuất hiện hàng tuần trong suốt mùa Hè và sang mùa Thu.

Nhiệt độ cao nhất trong năm là 38 độ C ở tỉnh Yamanashi vào tháng 7 và nhiệt độ thấp hàng ngày trong tháng 8 là 31,4 độ C ở Itoigawa, tỉnh Niigata phía Bắc. Thậm chí, vào tháng 11 mát mẻ, thủ đô Tokyo có một ngày nhiệt độ lên tới 27 độ.

Thế nhưng năm 2024 có thể sẽ còn tồi tệ hơn. Đó dự đoán của các chuyên gia về nguy cơ Nhật Bản sẽ có một năm nóng nhất từ trước tới nay.

Điềm báo trước của một năm nóng kỷ lục

Nhiệt độ kỷ lục trong tháng 2/2024 - bao gồm mức cao nhất từ 18 đến 20 độ C trong tuần qua trên hầu hết Nhật Bản, bao gồm cả các khu vực phía Bắc - là một điềm báo trước diễn biến trong một năm mà các chuyên gia cho rằng có thể sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử Nhật Bản.

Trong khi các nhà khoa học không thể xác định chính xác nhiệt độ phá kỷ lục có thể là do các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo khác nhau, thì sự nóng lên toàn cầu và hiện tượng khí hậu El Nino vẫn là những yếu tố chính.

Cơ quan giám sát khí hậu Châu Âu báo cáo rằng các kỷ lục nhiệt độ toàn cầu mới được thiết lập hàng tháng từ tháng 6/2023 đến tháng 1/2024. Theo cơ quan này, ại Nhật Bản, mùa xuân, mùa hè và mùa thu đều mang lại sự bất thường về nhiệt độ trên mức trung bình là 1,6, 1,8 và 1,4 C trên toàn quốc.

Các dự đoán khoa học cho thấy hiện tượng tự nhiên El Nino sẽ kết hợp với nhiệt độ trung bình cao hơn do biến đổi khí hậu vào mùa Xuân này, gây ra hàng loạt hiện tượng từ tuyết dày, ẩm ướt có thể làm hỏng cơ sở hạ tầng cho đến thời gian nở của hoa anh đào không thể dự đoán.

Ngoài ra, hiện tượng này có thể khiến mùa màng thất thu và ngân sách thành phố căng thẳng khi các thành phố ở vùng mát chạy đua lắp đặt máy điều hòa không khí trong các tòa nhà công cộng.

El Nino, một kiểu khí hậu nơi xích đạo Thái Bình Dương trở nên ấm áp bất thường, xảy ra từ hai đến bảy năm một lần. Nó thường mang lại nhiệt độ nước và bề mặt cao hơn với Nhật Bản và thường gây ảnh hưởng lớn nhất đến khí hậu của đất nước sau khi nó kết thúc. Đó là vì năng lượng còn lại của El Nino tiêu tan ở Ấn Độ Dương, mang gió mùa đến Nhật Bản trong mùa mưa.

Takeshi Doi, nhà nghiên cứu khí hậu cấp cao tại Cơ quan Khoa học và Công nghệ Biển-Trái Đất Nhật Bản (JAMSTEC), cho biết: “Hệ thống dự đoán của chúng tôi cho chúng tôi biết rằng El Nino sẽ giảm bớt bắt đầu từ mùa Xân này và biến mất vào cuối mùa hè. Nhưng năng lượng còn lại của El Nino vẫn cần phải tiêu tan - tất cả sức nóng đã tích tụ trong quá trình El Nino vẫn còn đó.”

“Ấn Độ Dương sẽ nóng hơn vào mùa xuân và mùa hè này, điều này sẽ làm tăng mùa mưa,” Doi giải thích. “Chúng ta cần phải hết sức cẩn thận trước một mùa mưa mạnh bất thường và một mùa xuân ấm áp, vì hiệu ứng nhiệt không khí sẽ lên đến đỉnh điểm vào mùa Xuân này.”

El Nino là một hiện tượng tự nhiên. Mặc dù nó có thể gây ra một số mùa Hè nóng hoặc mưa bất thường nhưng sẽ không có gì đáng lo ngại nếu nó không đi đôi với biến đổi khí hậu, chuyên gia Doi nói.

Ông cho biết: “Với sự nóng lên toàn cầu và El Nino, các mô hình ngẫu nhiên hoặc sự cố có thể dẫn đến thiệt hại lớn. Khi nhiệt độ cơ sở cao hơn gần 2 độ C - giống như nhiệt độ trung bình ở nhiều địa phương của Nhật Bản vào năm 2023 so với mức trung bình lịch sử - một ngày nóng hoặc mưa bất thường sẽ trở thành ngày nóng hoặc mưa lịch sử.”

Hokkaido cũng không thoát

Những hiện tượng thời tiết này diễn ra từ mùa xuân đến mùa Đông trong năm qua, đưa ra những cảnh báo quan trọng về tình hình có thể xảy ra trong đợt nắng nóng có khả năng phá kỷ lục vào năm 2024.

Ngay cả Hokkaido cũng không thể thoát khỏi cái nóng vào năm 2023. Chỉ trong một tuần mùa Hè thiêu đốt, báo Yomiuri Shimbun đưa tin rằng 935 người phải nhập viện vì say nắng tại địa phương này và hơn 125 trường học đã đóng cửa vào ngày 24/8.

Nhiệt độ cao khắp tỉnh đã khiến Thị trưởng Sapporo Katsuhiro Akimoto phải thông báo lắp đặt máy điều hòa không khí tại hàng trăm trường học vào cuối mùa hè năm ngoái. Với tỷ lệ lắp đặt chỉ 16,5% tính đến năm nay, thành phố đang cố gắng hành động nhanh chóng để ngăn ngừa bệnh tật và tử vong do say nắng - nhưng được cho là sẽ phải đến năm 2027 để hoàn thành tất cả việc lắp đặt.

Tuy nhiên, chi phí năng lượng ngày càng tăng và tình trạng kinh tế khó khăn dai dẳng ở người già và các hộ gia đình có thu nhập thấp ở Nhật Bản đồng nghĩa với việc việc lắp đặt điều hòa không khí không đảm bảo rằng mọi người sẽ thực sự được bảo vệ khỏi nhiệt độ cao nguy hiểm.

Takanori Fujita tại Hotto Plus, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động với những nhóm dân cư dễ bị tổn thương về kinh tế, cho biết tư vấn thường xuyên nhất mà họ nhận được từ khách hàng vào năm ngoái là về việc không thể sử dụng máy điều hòa không khí.

Ông Fujita nói: “Họ không thể sử dụng máy điều hòa vì chi phí và họ không thể đến bệnh viện để điều trị cũng vì chi phí. Hai mươi năm trước, khi tôi bắt đầu công việc này, chúng tôi chưa bao giờ nhận được những lời tư vấn này. Và trong khi chính phủ cung cấp các khoản trợ cấp năng lượng và viện trợ để sửa chữa và lắp đặt máy điều hòa không khí cho những người cần nó, thì những người cần những khoản trợ cấp này nhất lại không nhận được chúng."

Ông Fujita giải thích rằng công khai kém và sự kỳ thị kéo dài đối với những người nhận sự hỗ trợ của chính phủ là những nguyên nhân chính.

Ông nói: “Chúng tôi thậm chí còn nhận được tư vấn từ các bệnh viện về việc phải làm gì đối với những người bị ngã vì say nắng và phải nhập viện mà không có cách nào để trả tiền viện.”

Ở những vùng có tuyết, thời tiết ấm hơn có thể gây ra những nguy hiểm riêng. Chuyên gia Kazuki Nakamura tại Trung tâm nghiên cứu phòng chống thiên tai băng tuyết của chính phủ giải thích rằng họ đã quan sát thấy sự gia tăng phân bố tuyết dày và ẩm trong thập kỷ qua - loại tuyết chính xác có khả năng gây ra thảm họa thiên nhiên và cơ sở hạ tầng.

Chuyên gia Nakamura cho biết: “Thảm họa do tuyết rơi dày và ẩm ướt đã gia tăng trong những năm gần đây, dẫn đến nhiều người bị mắc kẹt trên đường, mất điện do cây đổ và bị thương khi dọn dẹp mái nhà phủ đầy tuyết.”

Nhiệt độ ấm lên không ảnh hưởng như nhau đến lượng tuyết rơi. Trong khi tuyết dày hơn tiếp tục rơi dày ở vùng núi, nhiều điểm du lịch tuyết ở phía nam và ở khu vực có độ cao thấp đang phải gánh chịu hậu quả của sự nóng lên.

Nakamura báo cáo: “Chúng tôi đã nghe từ những người tuần tra khu nghỉ dưỡng rằng các khu trượt tuyết ở Honshu đang gặp khó khăn khi mở cửa do thiếu tuyết vào đầu mùa giải.”

Nguồn thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ

Nhiệt độ nóng hơn cũng gây ra những rủi ro kỳ lạ và khó lường đối với động vật hoang dã và nông nghiệp.

Các địa phương ven biển trên khắp Nhật Bản đã xác nhận những động vật lần đầu tiên đến vùng biển của họ: cá heo mũi chai nhiệt đới. Cùng với nhiệt độ nước ấm hơn, những con cá heo này đã di cư xa hơn về phía bắc. Sau khi một số cá heo chết vào năm ngoái vì bị thương do va vào chân vịt của tàu, rõ ràng là điều này đòi hỏi ngư dân phải thận trọng hơn.

Một đại diện từ phòng thí nghiệm của Trung tâm Công nghệ Thủy sản tại Viện Nghiên cứu Môi trường Tỉnh Osaka cho biết họ đã xác nhận loài cá heo và cá nhà táng mới đang hoạt động ở Vịnh Osaka, cùng với các loài cá khác ở phía nam như tenjikutachi (cá hồng y). Sau hai năm liên tiếp cá voi chết và dạt vào bờ biển địa phương, các nhà hoạt động và nhà nghiên cứu đang tìm kiếm câu trả lời cho tình trạng gia tăng này.

Sự hiện diện của các loài mới ở vùng biển địa phương cũng đang đặt ra câu hỏi với ngành đánh bắt cá.

Người đại diện cho biết: “Khi các loài đánh bắt ở Vịnh Osaka thay đổi đáng kể trong tương lai, điều đó có thể dẫn đến việc tiêu thụ các loại hải sản khác nhau quanh Osaka và cuối cùng là mất đi văn hóa ẩm thực truyền thống.”

Mặc dù phòng thí nghiệm chưa quan sát thấy bất kỳ tác động trực tiếp nào của El Nino nhưng họ đã xác nhận nhiệt độ cao hơn trong vịnh và lo ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của các sinh vật phù du độc hại từ các vùng nước phía nam.

Đồng thời, nông dân địa phương và các hợp tác xã nông nghiệp đang gấp rút chuẩn bị cây trồng cho một mùa hè với nhiệt độ khắc nghiệt. Tại Otsu, tỉnh Shiga, hơn một tháng có nhiệt độ từ 35 độ C trở lên đã ảnh hưởng lâu dài đến mùa màng của thành phố. Nhiệt độ ban đêm cao khiến số lượng các hạt trắng đục không tích lũy đủ tinh bột tăng lên.

Takayuki Tsukamoto từ Phòng Xúc tiến Nông nghiệp Mirai của tỉnh cho biết: “Khối lượng thu hoạch giảm từ 10% đến 20% ở những nông dân không thực hiện các biện pháp chống nóng”. Ngoài ra, tỷ lệ gạo chất lượng cao (trong số các loại gạo không chịu nhiệt) đã giảm từ 54,3% xuống 43,5%.”

Tsukamoto cho biết thêm rằng cây đậu tương cũng bị ảnh hưởng tiêu cực.

Sản lượng thu hoạch giảm cũng đe dọa đến các đặc sản địa phương, chẳng hạn như món “Zunda mochi” ở Kakuda, tỉnh Miyagi, được làm từ nhiều loại đậu xanh đặc biệt. Hợp tác xã nông nghiệp Green Five Edano báo cáo nắng nóng đã làm mất hơn một nửa số quả này trước khi họ có thể thu hoạch trong năm qua.

Giải pháp khoa học

Thế nhưng, những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi nắng nóng sẽ không chịu nằm yên.

Ông Nakamura cho biết bộ phận của ông đang làm việc tại khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Niseko để tiến hành nghiên cứu nhằm ngăn chặn tuyết lở và xác định chất lượng bột tuyết để giúp các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết thích nghi.

Ở vùng ven biển, vì tình trạng thiếu rong biển nghiêm trọng do nhiệt độ nước cao hơn, Trung tâm Công nghệ Thủy sản đang nghiên cứu các chủng rong biển có khả năng chịu nhiệt tốt hơn. Họ cũng đang nghiên cứu các phương pháp để phát hiện nhiều loài sinh vật phù du biển độc hại hơn ở phía Nam.

Trong khi đó, tỉnh Shiga đang quảng bá mạnh mẽ giống gạo trắng kiramizuki mới của họ, là giống gạo hữu cơ, chịu nhiệt, ít bị ảnh hưởng bởi gió bão và mưa, mang lại gần 90% giống lúa thượng hạng. Tsukamoto cho biết: “Ban đầu có một số phản ứng đối với giống mới, nhưng vì nó tốt cho môi trường nên một số nông dân đã chấp nhận nó”.

“Cú sốc kép”

Dự báo thời tiết năm nay trong bối cảnh Trái Đất nóng lên và El Nino đang tỏ ra là một nhiệm vụ khó khăn. Dữ liệu từ Berkeley Earth cho thấy các yếu tố như sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra, chu kỳ El Nino, chu kỳ Mặt Trời và vụ phun trào Hunga Tonga vào năm 2022... đều góp phần làm tăng nhiệt độ trong thập kỷ qua ở nhiều cấp độ khác nhau.

Zeke Hausfather viết cho The Climate Brink: “Ngay cả El Nino - nghi phạm thường thấy đằng sau những năm ấm áp kỷ lục - cũng không giải thích rõ ràng về nhiệt độ năm 2023” và "Năm 2023 đặc biệt ấm áp đến mức cho thấy El Nino lần này có thể đang diễn biến khác đi."

Tuy nhiên, liên minh các mô hình khí hậu lớn đều dự báo năm 2024 có nhiều khả năng sẽ ấm hơn năm 2023. Hausfather và những người khác nhấn mạnh rằng từng năm không quan trọng bằng xu hướng tăng nhiệt độ dài hạn do phát thải khí nhà kính.

“Chừng nào lượng khí thải CO2 không dừng lại, chúng ta có thể cho rằng sức nóng mùa hè sẽ tiếp tục tăng,” chuyên gia Doi nói. “Năm nay, những căng thẳng khác nhau của biến đổi khí hậu sẽ tạo ra cú sốc kép cùng với El Nino và khi sự thay đổi tự nhiên tạo ra nhiệt độ tăng cao, nó có thể mang lại cảm giác khá khắc nghiệt”./.

Theo TTXVN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]