(Baothanhhoa.vn) - Với mục tiêu nhằm tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân ở địa phương còn khó khăn, từ năm 2013, Bộ Y tế triển khai Dự án Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (sau đây gọi tắt là Dự án 585). Từ năm 2017 đến nay, dự án đã bàn giao 20 bác sĩ về công tác tại các huyện khó khăn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Hiệu quả từ Dự án 585 tại Thanh Hóa

Với mục tiêu nhằm tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân ở địa phương còn khó khăn, từ năm 2013, Bộ Y tế triển khai Dự án Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (sau đây gọi tắt là Dự án 585). Từ năm 2017 đến nay, dự án đã bàn giao 20 bác sĩ về công tác tại các huyện khó khăn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Hiệu quả từ Dự án 585 tại Thanh HóaBác sĩ Trương Thị Trang, Bệnh viện Đa khoa huyện Bá Thước thăm khám cho người dân. Ảnh: Tô Hà

Đưa kỹ thuật cao đến với người nghèo

BSCKI Trương Thị Trang, sinh năm 1990, người dân tộc Mường, hiện đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bá Thước, sau khi tốt nghiệp đa khoa ở Đại học Y dược Thái Bình, bác sĩ Trang đã được tham gia Dự án 585 học chuyên khoa I chuyên ngành truyền nhiễm. Từ tháng 12-2020 đến nay đã triển khai được 25 kỹ thuật, trong đó có 6 kỹ thuật chuyển giao cho đơn vị, 19 kỹ thuật theo chương trình đào tạo...

Bác sĩ Trang chia sẻ: “Thấu hiểu những khó khăn của người dân, tôi chỉ mong muốn làm thế nào để giúp được càng nhiều người càng tốt, làm được điều gì có ích dù nhỏ cũng vô cùng quý giá. Bệnh viện là môi trường tốt để tôi có cơ hội cống hiến, dù còn nhiều khó khăn nhưng đây là động lực để người trẻ như chúng tôi trưởng thành cả về tư tưởng, suy nghĩ cũng như nghề nghiệp chuyên môn”.

Còn với BSCKI Viên Đình Hải (bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức) được đào tạo theo Dự án 585 tình nguyện về công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Như Xuân từ tháng 6-2021. Được phân công làm việc tại khoa ngoại, công việc chính là khám, tư vấn, điều trị và làm các phẫu thuật - thủ thuật bệnh nhân ngoại khoa, hội chẩn chuyên môn cùng các chuyên khoa: cấp cứu, sản, nội, liên chuyên khoa về các vấn đề liên quan đến ngoại khoa. Trong 6 tháng, bác sĩ Hải đã tham gia hơn 200 ca phẫu thuật – thủ thuật ngoại khoa và sản khoa, triển khai được 39 kỹ thuật ngoại khoa, trong đó chuyển giao được 9 kỹ thuật mới cho đơn vị, như: phẫu thuật điều trị khớp giả xương chày, phẫu thuật trật khớp cùng đòn, phẫu thuật mở dạ dày lấy dị vật, phẫu thuật nội soi khâu lỗ thủng dạ dày, phẫu thuật cắt trĩ phương pháp Milligan – Morgan, phẫu thuật điều trị abces/rõ hậu môn phức tạp, phẫu thuật thoát vị bẹn phương pháp Lichtenstien, phẫu thuật điều trị áp xe tồn dư, dẫn lưu ổ bụng. Ngoài ra, bác sĩ Hải đã thực hiện soạn thảo 2 bộ tài liệu cho Bệnh viện Đa khoa huyện Như Xuân, đó là: Phác đồ điều trị 10 bệnh lý ngoại khoa thường gặp và Quy trình kỹ thuật mới tại Bệnh viện Đa khoa huyện Như Xuân.

Chia sẻ về kỷ niệm khi tham gia dự án về Bệnh viện Đa khoa huyện Như Xuân, bác sĩ Hải cho biết: “Ngày 8-7-2021, tại bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân nuốt dao lam vào bụng. Bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh, không có biểu hiện bất thường về tâm lý. Thời điểm nhập viện, tình trạng bệnh nhân tỉnh táo, huyết động ổn định, đau vùng hầu họng, đau bụng thượng vị, khạc ra máu đỏ tươi lẫn các cục máu đông. Lúc này, tôi nghĩ tổn thương của bệnh nhân có thể rất lớn nên sau khi hội chẩn, ban lãnh đạo bệnh viện và các bác sĩ kíp trực cũng nhận định, đây là một ca bệnh rất phức tạp, những trường hợp này sẽ phải chuyển người bệnh lên tuyến trên để xử lý. Tuy nhiên, sau khi trực tiếp thăm khám, đánh giá, nhận thấy mặc dù dị vật bệnh nhân nuốt vào là con dao lam, nguy cơ gây các thương tổn nặng trên đường di chuyển của nó rất cao, nhưng toàn trạng và các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân không quá nặng nề, tôi đã đề nghị cho bệnh nhân nội soi thực quản, dạ dày cấp cứu. Bằng kiến thức đã được đào tạo trong chương trình chuyên khoa I của Dự án 585, tôi nhận thấy, trường hợp này cần phải phẫu thuật lấy dị vật ra khỏi cơ thể bệnh nhân càng sớm càng tốt để hạn chế tối đa các tổn thương nguy hiểm có thể gây ra khi dị vật còn nằm trong dạ dày và tiếp tục di chuyển trong đường tiêu hóa. Thêm vào đó, điều kiện nhân lực cũng như trang thiết bị của Bệnh viện Đa khoa huyện Như Xuân hoàn toàn có thể thực hiện một cuộc phẫu thuật mở dạ dày lấy dị vật mà không cần chuyển bệnh nhân lên tuyến trên nên tôi đã đề xuất và nhận được sự tin tưởng của ban giám đốc bệnh viện quyết định không chuyển bệnh nhân lên tuyến trên và giao cho tôi trực tiếp phẫu thuật ca bệnh này. Sau hơn một giờ phẫu thuật, tôi cùng các đồng nghiệp đã lấy thành công dị vật. Ngày thứ 8 sau mổ, bệnh nhân được xuất viện. Sau mổ 2 tháng, sức khỏe bệnh nhân đã hoàn toàn hồi phục”.

Bác sĩ Trịnh Ngọc Hân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Như Xuân chia sẻ, ngay từ khi nhận được thông tin có bác sĩ trẻ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tình nguyện về công tác, bệnh viện có kỳ vọng rất lớn. Khi tiếp nhận bác sĩ về công tác, bệnh viện đã tạo điều kiện hết sức để bác sĩ Hải thực hiện chuyên môn, đặc biệt là chuyên khoa ngoại. Chỉ sau 6 tháng công tác, với hàng trăm ca phẫu thuật cấp cứu thành công, nhiều người dân của huyện Như Xuân đã rất thân thuộc với bác sĩ Hải. Người dân huyện Như Xuân mong muốn được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao. Một ca bệnh không phải chuyển viện thì một con trâu của người dân không bị mất đi, do người bệnh không phải bán trâu, bán bò để lấy kinh phí chữa bệnh khi chuyển viện. Vì vậy, bệnh viện rất mong có nhiều bác sĩ trẻ như BSCKI Viên Đình Hải về công tác để phục vụ người dân.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở

Trong các huyện được thụ hưởng dự án, huyện Thường Xuân có số lượng tham gia đông nhất với 4 bác sĩ thuộc chuyên ngành Truyền nhiễm, Nội, Nhi khoa và Chẩn đoán hình ảnh. Là một huyện nghèo, còn gặp khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân do đội ngũ bác sĩ còn thiếu, trang thiết bị y tế hạn chế, 4 bác sĩ của dự án đã giúp cho người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở bệnh viện tuyến trên và lãng phí cho người dân khi phải chuyển lên tuyến trên điều trị.

Ông Cầm Bá Thiện, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân chia sẻ: “Giai đoạn 2018-2020, bệnh viện có 4 bác sĩ được đào tạo theo Dự án 585. Sau khi các bác sĩ tốt nghiệp đều hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, trình độ chuyên môn được nâng cao, có sự sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và vận dụng kiến thức vào thực tiễn khá tốt, năng nổ, nhiệt tình. Điển hình là bác sĩ trẻ Nguyễn Thành Quân, sinh năm 1990. Sau khi được đào tạo theo Dự án bác sĩ trẻ, tốt nghiệp năm 2020, hằng ngày, bác sĩ Quân tham gia đọc kết quả Xquang, siêu âm, cắt lớp vi tính, trung bình thực hiện thủ thuật cho 40 bệnh nhân/ngày. Đến nay bác sĩ Quân đã thực hiện được 65 kỹ thuật, trong đó có 52 kỹ thuật theo phân tuyến, 13 kỹ thuật theo chương trình đào tạo. Thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực có hiệu quả, phục vụ khám chữa bệnh cho người dân ngày một tốt hơn”.

Trong số 20 bác sĩ tham gia Dự án 585, có 3 bác sĩ trẻ tình nguyện từ tuyến Trung ương và 12 bác sĩ đang làm việc tại các bệnh viện đa khoa huyện: Thường Xuân, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Mường Lát với các chuyên khoa: Gây mê hồi sức, Hồi sức cấp cứu, Ngoại, Truyền nhiễm, Nội, Nhi khoa, Chẩn đoán hình ảnh, Y học cổ truyền, Sản phụ khoa. Chương trình đào tạo được thiết kế riêng cho dự án với tổng thời gian 24 tháng liên tục, trong đó có ít nhất 70% kỹ năng thực hành tay nghề. Đặc biệt, hình thức đào tạo là “cầm tay chỉ việc” với 1 thầy kèm 1 bác sĩ trẻ. Đội ngũ này đã và đang góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở tại các huyện vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh – Tiến sĩ Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế cho biết.

Hiện nay, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của ngành y tế Thanh Hóa là rất lớn. Trong giai đoạn 2022-2025, dự kiến sẽ có khoảng 20 bác sĩ trẻ tình nguyện và 60 bác sĩ chuyên khoa I được hỗ trợ đào tạo theo Dự án 585. Tham gia dự án các bác sĩ trẻ được đào tạo theo hình thức cầm tay chỉ việc, 1 thầy 1 trò với nhiều kỹ thuật, khó, chuyên sâu, do đó sau khi về đơn vị công tác sẽ đóng góp to lớn cho địa phương trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân trên địa bàn. Dự án là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân ở địa phương còn khó khăn. Qua đó, tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội. Trong giai đoạn tới, dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ Thanh Hóa đào tạo nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ nhằm tăng cường bác sĩ có chuyên môn cao về chăm sóc sức khỏe Nhân dân tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế có chất lượng cao ngay tại cơ sở góp phần bảo đảm sự công bằng, hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]