(Baothanhhoa.vn) - Với mục tiêu đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, những năm gần đây, xã Quảng Lộc (Quảng Xương) đã khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Hiệu quả mô hình trồng nấm linh chi ở xã Quảng Lộc

Với mục tiêu đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, những năm gần đây, xã Quảng Lộc (Quảng Xương) đã khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Hiệu quả mô hình trồng nấm linh chi ở xã Quảng Lộc

Mô hình sản xuất nấm linh chi của anh Đào Văn Hoàng, xã Quảng Lộc (Quảng Xương).

Anh Đào Văn Hoàng, thôn Lê Hương là một trong những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế của xã Quảng Lộc với mô hình trồng nấm linh chi ứng dụng công nghệ cao. Dáng người nhỏ nhắn, nước da ngăm đen rắn rỏi, ngay sau khi nhận bằng tốt nghiệp đại học, với đam mê và quyết tâm gắn bó với nông nghiệp sạch, anh Hoàng đã dành thời gian đi tham quan các trang trại trồng nấm linh chi trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm, tìm tòi kiến thức qua sách báo, internet. Năm 2014, với số vốn ít ỏi, anh Hoàng đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua bịch phôi, sử dụng lò hấp thủ công và trồng thêm một số loại như nấm sò, mộc nhĩ... Chia sẻ về sự lựa chọn mô hình trồng nấm linh chi để phát triển kinh tế, anh Hoàng cho biết: Đây là mô hình khá mới, đòi hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc nghiêm ngặt, nhưng qua tìm hiểu, anh nhận thấy nấm linh chi được xem là một loại dược liệu quý, hỗ trợ điều trị bệnh và bồi bổ sức khỏe nên nhu cầu sử dụng ngày càng cao, thị trường tiêu thụ lại rộng lớn. Sau thời gian trồng thử nghiệm có hiệu quả, anh Hoàng đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng 7 nhà xưởng nuôi dưỡng nấm đáp ứng các điều kiện về nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm để trồng nấm linh chi và các loại nấm sò, mộc nhĩ theo đơn đặt hàng. Bên cạnh đó, anh còn mua sắm máy móc, sản xuất đồng bộ, khép kín, với dây chuyền máy hấp, sấy tiệt trùng, máy thái lát, hút chân không.

Theo anh Hoàng, để trồng thành công nấm linh chi thì cần bảo đảm quy trình trồng, chăm sóc nghiêm ngặt và tuân thủ các điều kiện môi trường, trong đó khâu tưới nấm rất quan trọng. Theo đó, môi trường trồng nấm phải được phun sương thường xuyên để duy trì độ ẩm từ 75 đến 90%, điều kiện ánh sáng vừa đủ để nấm linh chi có thể phát triển đồng đều; thời gian hấp thanh trùng có thể quyết định đến chất lượng của sản phẩm, từ 30 đến 37 tiếng. Tuy nhiên, nguyên liệu sản xuất dễ tìm, chủ yếu là cây cao su, cây keo, được cắt thành từng đoạn dài 20cm, sau đó bọc ni lông, đem xử lý nấm mốc, tránh mối mọt bằng cách hấp, sấy và được cấy mô, nuôi dưỡng trong phòng lạnh, sau đó cho ra môi trường tự nhiên. Nấm linh chi có đặc tính mọc theo hướng ngang, các giá thể nấm sau khi cấy phôi phải được đặt trên kệ giá, liên tục theo dõi, chăm sóc để nấm phát triển mạnh, to và đều.

Nâng niu bịch nấm linh chi sắp cho thu hoạch, anh Hoàng cho biết: Mỗi lứa nấm trồng cho thu hoạch sau từ 4 - 7 tháng tùy vào thời tiết và mỗi bịch giá thể cho thu hoạch 1 - 2 lần vào 2 thời điểm trong năm. Giá thể nấm sau khi thu hoạch được tận dụng làm chất đốt hoặc ủ làm phân bón cho cây trồng. Mỗi năm, gia đình anh Hoàng nuôi cấy khoảng 30 nghìn bịch nấm linh chi, sản lượng đạt hơn 700kg nấm linh chi khô/năm và khoảng 70 nghìn bịch nấm sò. Mỗi năm, thu lãi khoảng hơn 500 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 7 lao động, thu nhập từ 4,5 – 6 triệu đồng/người/tháng.

Vừa qua, sản phẩm nấm linh chi của anh Hoàng đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Chia sẻ niềm vui với chúng tôi, anh Hoàng cho biết: Để được chứng nhận sản phẩm OCOP, anh đã đầu tư hoàn thiện hệ thống nhà sấy, nhà hấp thanh trùng đạt tiêu chuẩn, hệ thống xử lý nấm sau thu hoạch, sản xuất đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, sản phẩm nấm sò cũng đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đi đôi với đó, anh Hoàng còn cung cấp phôi giống và sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm linh chi cho những hộ dân có nhu cầu.

Ông Bùi Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lộc, cho biết: Đây là mô hình sản xuất có triển vọng nhân rộng trên địa bàn xã; phù hợp với sản xuất nông hộ, áp dụng khoa học - kỹ thuật; từ đó, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.

Bài và ảnh: Lê Ngọc


Bài và ảnh: Lê Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]