(Baothanhhoa.vn) - Là con nuôi chủ lực của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, đàn gà lông màu ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh việc phát triển mô hình gắn với phòng, chống dịch bệnh, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, người chăn nuôi còn chú trọng thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị để hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Hiệu quả mô hình chăn nuôi gà lông màu

Là con nuôi chủ lực của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, đàn gà lông màu ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh việc phát triển mô hình gắn với phòng, chống dịch bệnh, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, người chăn nuôi còn chú trọng thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị để hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Hiệu quả mô hình chăn nuôi gà lông màuTrang trại chăn nuôi gà lông màu tại xã Trường Xuân (Thọ Xuân) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Gà lông màu được nuôi khá phổ biến tại các tỉnh, thành trên cả nước bởi ít dịch bệnh, chịu nhiệt và độ ẩm cao, thích ứng nhanh với môi trường sống, có thể nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, thả vườn và tận dụng được các loại phụ phẩm của nông nghiệp để chăn thả, chất lượng thịt thơm, ngon, nhất là mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với những giống gà khác.

Thọ Xuân là địa phương có số lượng đàn gà lông màu lớn với hơn 700 nghìn con, tập trung chủ yếu ở các xã Xuân Hồng, Trường Xuân... Những năm qua, để nâng cao chất lượng con nuôi, huyện đã khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân chăn nuôi theo hướng tập trung, đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố, khép kín, tiêm phòng vắc-xin theo đúng quy định, nhất là đối với những trang trại quy mô lớn. Đồng thời, chú trọng mở các lớp tập huấn hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chú trọng bổ sung thức ăn, khoáng chất cũng như cho ăn đúng giờ để đảm bảo gà lông màu phát triển khỏe mạnh, đẹp lông, đẹp mã. Do gà lông màu thường mắc bệnh về đường hô hấp khi thời tiết chuyển mùa nên huyện thường xuyên khuyến cáo chủ đàn vật nuôi giữ nhiệt độ phù hợp trong trại gà; vệ sinh chuồng trại, đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ, thực hiện chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học để bảo vệ môi trường. Theo đó, mô hình chăn nuôi gà lông màu ngày càng phát triển, người dân đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và các loại máy móc hiện đại vào chăn nuôi.

Ông Trịnh Tô Xuân, chủ trang trại nuôi gà lông màu có quy mô hơn 5.000 con/lứa tại xã Trường Xuân cho biết: Với hình thức nuôi thả vườn, ông đã cải tạo bãi chăn thả có độ dốc vừa phải để tránh đọng nước, trồng cây ăn quả để có bóng mát, thông thoáng, chia thành nhiều khu để chăn thả luân phiên khi đến lịch vệ sinh chuồng trại.

Đối với chuồng nuôi, ông thường xuyên thực hiện phun sát trùng, phát quang cây cối quanh khu vực chuồng nuôi để tránh những con vật mang mầm bệnh vào cho gà, đảm bảo thông thoáng, nhưng tránh gió lùa. Hằng ngày, cấp thức ăn từ 2 đến 3 lần để tăng khả năng bới nhặt và vận động; máng nước uống thường xuyên được vệ sinh, sát trùng, bố trí ở những nơi gà dễ tiếp cận không bị che khuất.

Do tận dụng được thức ăn từ tự nhiên hoặc phụ phẩm nông nghiệp như ngô cám, rau xanh nên đàn gà sinh trưởng phát triển tốt, khỏe mạnh, màu lông đẹp, ít xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ nuôi sống đạt 97%, khối lượng bình quân đạt 1,9kg/gà mái, 2,7kg/gà trống. Mỗi năm, doanh thu của trang trại đạt hàng trăm triệu đồng.

Để phát triển đàn gà lông màu an toàn, theo ông Lương Ngọc Lai ở xã Luận Thành (Thường Xuân), công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải là quan trọng nhất. Theo đó, ông đã dùng đệm lót sinh học để xử lý phân, kết hợp dùng các chế phẩm vi sinh phun xử lý mùi hôi. Nguyên liệu làm đệm lót chủ yếu là trấu và mùn cưa, sử dụng men vi sinh Balasa N01 phối trộn cùng cám gạo và bột bắp; chi phí làm đệm lót có giá thành thấp và dễ dàng tìm mua trên thị trường... Chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học giúp đàn gà lông màu khỏe mạnh và đồng đều, tiết kiệm tới 70% lượng trấu sử dụng so với phương pháp chăn nuôi gà truyền thống.

Hiện nay, mô hình chăn nuôi gà lông màu khá phổ biến tại các địa phương có điều kiện phát triển chăn nuôi như Yên Định, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Thường Xuân, Như Xuân... Tuy quy mô chăn nuôi ở nhiều địa phương còn nhỏ lẻ, nhưng hầu hết các hộ nuôi đều có ý thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, tiêm phòng vắc-xin. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cũng đã chú trọng đầu tư xây dựng chuồng trại, chuẩn bị thiết bị và dụng cụ chăn nuôi, biết cách chọn giống và kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng gà các giai đoạn tuổi... Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đã phối hợp với địa phương tổ chức triển khai các mô hình, dự án chăn nuôi gà lông màu, hỗ trợ chi phí thức ăn, con giống, kỹ thuật... Từ đó, làm tiền đề để người dân mạnh dạn đầu tư nhân rộng mô hình.

Bài và ảnh: Lê Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]