(Baothanhhoa.vn) - Dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời chậm triển khai suốt nhiều năm đã gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý cũng như hiệu quả sản xuất nông nghiệp và việc “an cư” của bà con Nhân dân xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc).

Hệ lụy từ một dự án “treo”

Dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời chậm triển khai suốt nhiều năm đã gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý cũng như hiệu quả sản xuất nông nghiệp và việc “an cư” của bà con Nhân dân xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc).

Hệ lụy từ một dự án treoNgười dân xã Kiên Thọ bức xúc vì dự án chậm triển khai làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của Nhân dân trong vùng quy hoạch.

Mòn mỏi chờ dự án

Tìm về thôn Thọ Liên, xã Kiên Thọ - nơi thực hiện dự án điện năng lượng mặt trời. Trước mắt chúng tôi là những quả đồi rậm rạp, nơi thì trồng sắn, trồng mía, chỗ trồng keo, luồng, mà không có bất kỳ dấu hiệu nào của một dự án điện năng lượng mặt trời quy mô sẽ triển khai!?

Gặp ông Phạm Công Hắc, người dân thôn Thọ Liên hỏi về dự án, ông nói: "Bà con đã từng kỳ vọng rất nhiều từ dự án, mong rằng khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho người dân, làm thay đổi diện mạo quê hương. Nhưng đến nay dự án không thấy triển khai thực hiện, nhiều năm qua, bà con sản xuất nông nghiệp theo tâm lý vừa làm, vừa chờ dự án nên hiệu quả cây trồng bấp bênh, thiếu ổn định...".

Nhà ông Hắc có hơn 1ha đất nông nghiệp, trước khi có dự án, gia đình ông trồng mía, có nhà máy tiêu thụ sản phẩm, cho thu nhập ổn định. Sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi vụ mía gia đình thu nhập từ 50 đến 60 triệu đồng. Ông Hắc bức xúc: “Khi có thông tin về dự án, các đoàn về tiến hành đo đạc, kiểm kê, áp giá bồi thường..., gia đình tôi cũng như hơn 100 hộ dân của thôn đã dừng việc sản xuất, sẵn sàng nhượng lại đất cho dự án. Tuy nhiên, chờ mãi cũng không thấy triển khai, đất nông nghiệp thì bỏ không, gây lãng phí”.

Cách nhà ông Hắc không xa, gia đình ông Phạm Công Nhung, thôn Thọ Liên có 0,5ha đất là diện tích trồng mía nằm trong khu vực thuộc diện thu hồi khi triển khai Dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời. Suốt 2 năm qua, không thấy dự án triển khai, để tránh tình trạng đất tiếp tục bỏ không, ông Nhung chuyển sang trồng keo, luồng.

Theo ông Nhung, để trồng lại cây mía là rất khó. Vì đặc tính của cây mía chỉ 1 năm bỏ thì việc canh tác, cải tạo lại đất để trồng là vô cùng khó khăn, tốn kém. Trong khi chưa biết bao giờ dự án lại tiếp tục triển khai, thu hồi đất. Điều này khiến cho việc canh tác, lựa chọn cây trồng của bà con trở nên khó khăn. Có hộ đã chuyển sang trồng keo, trồng luồng, sắn... Vừa trồng vừa ngóng dự án, việc đầu tư giống, phân bón cũng hạn chế, hiệu quả cây trồng mang lại không cao.

Trách nhiệm thuộc về ai?!

Ông Bùi Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Kiên Thọ, cho biết: Đất thu hồi cho dự án gồm ba loại: đất rừng sản xuất, đất trồng cây hàng năm và đất ở. Sau khi có dự án, UBND xã vận động, tuyên truyền bà con tạo điều kiện di dời để dự án triển khai thực hiện. Và, bà con đã đồng thuận, ký giấy tờ từ giữa năm 2018, thế nhưng đến nay dự án vẫn “treo”. Trong những lần tiếp xúc cử tri, bà con Nhân dân đều có ý kiến phản ánh về sự chậm trễ của dự án, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của Nhân dân, trách nhiệm thuộc về ai?... cần sớm có câu trả lời cho người dân được biết.

Theo ông Hải, trong phần lớn diện tích dự kiến ảnh hưởng phải thu hồi phục vụ dự án (150ha), ngoài phần đất nông nghiệp, còn một số hộ thuộc diện di dời cả nhà ở. Đây là những hộ điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn. Có những trường hợp nhà cửa xuống cấp muốn xây dựng lại nhưng không được vì nằm trong quy hoạch, buộc phải chờ. Có trường hợp muốn chuyển nhượng để đi nơi khác ở cũng không đủ điều kiện sang nhượng. Nhiều năm sống trong căn nhà xuống cấp khiến hộ dân không khỏi thiệt thòi, bức xúc.

Được biết, trước tình trạng dự án không được triển khai theo đúng kế hoạch, UBND huyện Ngọc Lặc đã nhiều lần có văn bản gửi các cơ quan chức năng của tỉnh đề nghị có biện pháp yêu cầu Công ty CP Đầu tư, thương mại và Du lịch Hoàng Sơn - đơn vị chủ đầu tư dự án, sớm triển khai theo cam kết. Thậm chí, khi dự án “treo” nhiều năm, huyện Ngọc Lặc đã kiên quyết đề nghị việc xem xét và đánh giá lại tính khả thi của dự án và năng lực của chủ đầu tư để tránh gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời tại xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc) được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 1/2017. Dự kiến giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào cuối năm 2019. Trước tình trạng dự án chậm triển khai, cũng như gia hạn, điều chỉnh nhiều lần, tháng 11/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản thống nhất với đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, không xem xét việc tiếp tục đề nghị gia hạn thời gian hoàn thành hồ sơ, thủ tục thực hiện Dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời tại xã Kiên Thọ của Công ty CP Đầu tư, thương mại và Du lịch Hoàng Sơn.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]