(Baothanhhoa.vn) - Thấm thoắt đã tròn 10 năm (2011-2021), di tích lịch sử văn hóa quốc gia Thành Nhà Hồ được Ủy ban Di sản thế giới (WHC), thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới (DSVHTG). Đối với tôi – người được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao trọng trách trực tiếp chỉ đạo xây dựng hồ sơ khoa học Di sản Thành Nhà Hồ và thực hiện kế hoạch vận động đề cử Ủy ban Di sản thế giới thuộc UNESCO xem xét công nhận Thành Nhà Hồ là DSVHTG, cho đến nay những cảm nhận về hành trình đến với DSVHTG của Thành Nhà Hồ hầu như vẫn còn nguyên vẹn và đầy sống động.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hành trình đến với “ngôi đền” di sản thế giới

Thấm thoắt đã tròn 10 năm (2011-2021), di tích lịch sử văn hóa quốc gia Thành Nhà Hồ được Ủy ban Di sản thế giới (WHC), thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới (DSVHTG). Đối với tôi – người được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao trọng trách trực tiếp chỉ đạo xây dựng hồ sơ khoa học Di sản Thành Nhà Hồ và thực hiện kế hoạch vận động đề cử Ủy ban Di sản thế giới thuộc UNESCO xem xét công nhận Thành Nhà Hồ là DSVHTG, cho đến nay những cảm nhận về hành trình đến với DSVHTG của Thành Nhà Hồ hầu như vẫn còn nguyên vẹn và đầy sống động.

Hành trình đến với “ngôi đền” di sản thế giới

Đoàn ngoại giao của 21 quốc gia thường trực Ủy ban Di sản thế giới đến thăm Giếng Vua thuộc Đàn tế Nam Giao (nằm trong quần thể Di sản Thành Nhà Hồ). (Ảnh tư liệu của Lê Dung)

Thành là kinh đô của nước Việt từ năm 1398–1400 (thời Trần) và từ năm 1400–1407 (thời Hồ). Trong quá trình nghiên cứu về Thành Nhà Hồ, các chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế đã đánh giá Thành Nhà Hồ là một hiện tượng “chưa từng có”, “Vô tiền khoáng hậu” trong lĩnh vực xây thành quách ở Đông Á và Đông Nam Á. Đồng thời, đây có thể coi là một kỳ tích của người dân Đại Việt thời kỳ đó. Nhận thấy được những giá trị nổi bật toàn cầu của di sản; ý thức sâu sắc được việc cần thiết phải bảo tồn, vinh danh và giới thiệu di sản quý giá này như một niềm kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam và quê hương Thanh Hóa “Địa linh, nhân kiệt”, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa - Thông tin có công văn về việc triển khai kế hoạch lập hồ sơ Khu di tích Thành Nhà Hồ, trình Thủ tướng Chính phủ đệ trình UNESCO ghi vào danh mục DSVHTG. Đồng thời ngày 3-10-2006, Chủ tịch UBND tỉnh có Quyết định số 2815/QĐ–UBND thành lập ban chỉ đạo và bộ phận chuyên môn (Trung tâm Bảo tồn Thành Nhà Hồ) xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa Thành Nhà Hồ và di sản khảo cổ hang Con Moong.

Theo đó, ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ đã tích cực chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh, một mặt tích cực đấu mối với Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa – Thông tin nay là Văn hóa – Thể thao và Du lịch) tiến hành mời các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế am hiểu lĩnh vực di sản tham gia xây dựng dự thảo đề cương hồ sơ khoa học đề cử UNESCO; phối hợp với xí nghiệp chụp ảnh hàng không Bộ Quốc phòng chụp ảnh Thành Nhà Hồ; phối hợp với VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam làm phim khoa học đề cử UNESCO; phối hợp với Công ty Tư vấn đầu tư và Thiết kế các công trình văn hóa (Bộ Văn hóa – Thông tin) đo vẽ, đạc họa di tích Thành Nhà Hồ và các di tích phụ cận có liên quan; phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam chụp ảnh khảo tả di tích Thành Nhà Hồ và tiến hành các cuộc khai quật khảo cổ học khu vực vùng lõi, vùng đệm, các di tích, danh thắng trên địa bàn của khu vực di sản. Trong quá trình xây dựng hồ sơ khoa học Di sản Thành Nhà Hồ, ban chỉ đạo thường xuyên tổ chức các hội nghị xin ý kiến góp ý, chỉnh sửa, bổ sung của Hội đồng Di sản quốc gia để hoàn thiện và nâng cao chất lượng hồ sơ di sản, cũng như tiếp cận được với các yêu cầu kỹ thuật về trình bày và nội dung hồ sơ theo quy định của UNESCO.

Sau gần 3 năm xây dựng hồ sơ khoa học Di sản Thành Nhà Hồ, ngày 24-9-2009 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, đại diện cho quốc gia thành viên ký hồ sơ khoa học di sản văn hóa Thành Nhà Hồ và ngày 25-9-2009, Ủy ban UNESCO Việt Nam đã cấp công hàm đề cử hồ sơ di sản văn hóa Thành Nhà Hồ với Trung tâm UNESCO tại Thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp). Ngày 2-10-2009, Trung tâm di sản thế giới thuộc UNESCO thông báo đã nhận được đầy đủ hồ sơ Di sản Thành Nhà Hồ theo đúng quy định. Trung tâm sẽ xem xét, nghiên cứu toàn bộ nội dung hồ sơ và có các khuyến nghị về việc bổ sung hồ sơ. Phải nói rằng, việc bước đầu hoàn thành hồ sơ khoa học Di sản Thành Nhà Hồ theo đúng quy định và kịp thời gửi tới UNESCO là một dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng hồ sơ và được UNESCO chấp nhận đưa vào quy định xem xét chính thức theo quy định của Công ước về di sản thế giới năm 1972.

Trong khoảng thời gian từ tháng 10-2009 đến khi trực tiếp tham dự kỳ họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản Thế giới (WHC) diễn ra từ ngày 19-6 – 29-6-2011 tại Thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp), ban chỉ đạo đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ và nhận được sự giúp đỡ đầy tâm huyết và trí tuệ của các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia, các nhà khoa học chuyên ngành di sản thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao. Đặc biệt, chúng tôi đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi và tiếp nhận được nhiều ý kiến có giá trị của các chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực di sản nhằm gợi mở, định hướng cho việc bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ di sản. Đồng thời, nhiều lần trực tiếp gặp gỡ, trao đổi và vận động các vị đại sứ và phái đoàn của các nước thành viên Ủy ban Di sản thế giới ủng hộ hồ sơ Di sản Thành Nhà Hồ. Nhờ vậy, hàng loạt các công việc có liên quan đến bổ sung, hoàn thiện hồ sơ di sản và vận động đề cử đã được xúc tiến khá suôn sẻ, đạt kết quả tốt đẹp và có hiệu ứng tích cực.

Sau 6 năm (2006–2011), vượt qua bao khó khăn, thách thức trong xây dựng và vận động đề cử hồ sơ Di sản Thành Nhà Hồ, chúng tôi đã được chứng kiến thời khắc lịch sử: Vào hồi 13 giờ (giờ Paris) tức 18 giờ (giờ Hà Nội) ngày 27-6-2011, chủ tọa kỳ họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản thế giới đã “gõ búa” thông qua nghị quyết “Tuyên bố giá trị nổi bật toàn cầu” và “ghi Thành Nhà Hồ, Việt Nam vào Danh sách di sản thế giới theo các tiêu chí văn hóa II và IV”. Thành Nhà Hồ được ghi vào Danh sách di sản thế giới là kết quả của một quá trình lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, toàn diện, cụ thể, sâu sắc, kiên trì, bền bỉ và quyết liệt của Đảng và Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt là sự nỗ lực cố gắng, quyết tâm và tâm huyết hết mình của tập thể các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các nhà ngoại giao trong nước và quốc tế; sự nỗ lực cố gắng vào cuộc đầy trách nhiệm của các sở, ban, ngành trong tỉnh; cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Vĩnh Lộc...

Thành Nhà Hồ được ghi vào Danh sách di sản thế giới, tiếp tục khẳng định tài năng và trí tuệ của con người Việt Nam, rằng cha ông ta đã tạo dựng được những công trình (Thành Nhà Hồ) kỳ vĩ, tiêu biểu, “độc nhất vô nhị”, có giá trị nổi bật toàn cầu. Ngày nay, lớp cháu con là các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các nhà ngoại giao, các nhà lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương đã nỗ lực hết mình xây dựng, vận động đề cử và bảo vệ thành công hồ sơ Di sản Thành Nhà Hồ trở thành di sản thế giới. Sự kiện này thể hiện sinh động cho thành công “kép” cả về chuyên môn khoa học lịch sử, di sản văn hóa và về chính sách đối ngoại rộng mở của Việt Nam, đặc biệt là sự thành công của ngoại giao văn hóa. Thành Nhà Hồ được công nhận là DSVHTG là niềm tự hào, là vinh dự lớn lao của Nhân dân cả nước, trong đó có người dân xứ Thanh; qua đó, thêm một lần nữa khẳng định vị thế và uy tín ngày một nâng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.

Vương Văn Việt

Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng hồ sơ Di sản Thành Nhà Hồ


Vương Văn Việt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]