(Baothanhhoa.vn) - Trong bối cảnh lao động, việc làm đang diễn biến hết sức khó khăn, rất cần những giải pháp đồng bộ, lộ trình phù hợp, cụ thể để tháo gỡ “nút thắt” này, tạo việc làm cho người lao động.

Gỡ khó về việc làm cho người lao động

Trong bối cảnh lao động, việc làm đang diễn biến hết sức khó khăn, rất cần những giải pháp đồng bộ, lộ trình phù hợp, cụ thể để tháo gỡ “nút thắt” này, tạo việc làm cho người lao động.

Gỡ khó về việc làm cho người lao độngSinh viên học nghề tại Trường Cao đẳng công nghiệp Thanh Hóa). Ảnh: Mai Phương

Bức tranh "xám màu"

Thanh Hóa hiện có 3.722.100 người, trong đó có 2.470.100 người trong độ tuổi lao động. Số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế là 2.386.300 người (có 390.500 người đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh).

Do doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ (chiếm 97%/tổng số doanh nghiệp), sức cạnh tranh yếu, hoạt động thiếu hiệu quả nên khả năng thu hút lao động không cao. Nhiều lao động có việc làm nhưng tính ổn định, bền vững của việc làm còn thấp, chủ yếu là việc làm giản đơn, theo thời vụ. Nhiều lao động có việc làm nhưng chưa đúng với ngành nghề đào tạo; tiền lương, tiền công của người lao động thấp. Ngoài ra, mỗi năm toàn tỉnh còn khoảng 60.000 lao động có nhu cầu được giải quyết việc làm. Cái khó nữa trong vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động là do chất lượng nguồn lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước; trình độ tay nghề, ngoại ngữ lẫn thể lực, ý thức chấp hành kỷ luật, tác phong công nghiệp còn nhiều hạn chế; năng lực cạnh tranh của lao động thấp, còn thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và tay nghề giỏi...

Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay tình hình xung đột giữa Nga và Ucraina đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới. Các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống như EU, Bắc Mỹ bị thu hẹp, suy yếu dẫn đến giảm mạnh các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp. Trong khi giá các nguyên, nhiên liệu tăng cao; việc tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn... kéo theo tình hình cắt giảm lao động, mất việc làm gia tăng, tác động bất lợi đến thị trường lao động. Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo phát triển doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm 2023 toàn tỉnh có 752 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, 125 doanh nghiệp thông báo chờ thủ tục giải thể, 87 doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động.

Gồng mình xoay xở

Đối mặt với khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang phải gồng mình xoay xở để không phải rời bỏ thị trường hoặc thu hẹp quy mô sản xuất chờ thị trường hồi phục. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các nhóm ngành sử dụng nhiều lao động như may mặc, giày dép, chế biến gỗ... phải cắt giảm lao động, cắt giảm giờ làm, dẫn đến số lao động trong các doanh nghiệp, HTX bị ảnh hưởng tới việc làm (bao gồm thôi việc, mất việc làm, giảm giờ làm, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động...) tăng cao. Tính đến ngày 30-4-2023 là 12.728 người, trong đó số lao động ở Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp là 7.751 người.

Gỡ khó về việc làm cho người lao độngCông nhân Công ty TNHH May mặc Hoàng Tùng (Nông Cống) trong giờ sản xuất.

Trước thực trạng đơn hàng bị sụt giảm nghiêm trọng từ 40 đến 50% so với cùng kỳ, nhiều tháng qua Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hoàng Sơn (xã Hoàng Sơn, Nông Cống) đã phải sử dụng đến nguồn kinh phí dự phòng cuối cùng để trang trải. Giám đốc công ty Lê Văn Lâm cho biết: Nhằm giữ chân người lao động, chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất năm 2024, công ty phải xoay xở tìm kiếm khách hàng mới bằng việc kết hợp với một số hãng thời trang trong nước để sản xuất; tìm kiếm các đối tác từ EU, Nhật Bản... và chấp nhận những đơn hàng ngắn, giảm giá để duy trì nguồn thu cho doanh nghiệp và người lao động có thu nhập. Dù đã nỗ lực cố gắng, song công ty vẫn phải cắt giảm gần 400 lao động.

Còn tại Công ty TNHH Giày Rollsport Việt Nam (Khu Công nghiệp Hoàng Long, TP Thanh Hóa) tuy đơn hàng sụt giảm mạnh nhưng lãnh đạo công ty vẫn tìm mọi cách để giữ chân người lao động, nhất là lực lượng lao động vững tay nghề. Chủ tịch công đoàn công ty Nguyễn Văn Tý cho biết: Dù giảm bớt thời gian làm việc nhưng công ty vẫn trả lương đầy đủ cho người lao động. Đồng thời, tiến hành khai thác, tìm kiếm thêm đơn hàng mới; ký kết, nhận gia công thêm các nhãn hàng của công ty đối tác khác không đủ nhân lực làm; nhận cả đơn hàng mà trước đây công ty không làm... nhằm duy trì sản xuất.

Giải pháp đồng bộ

Vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động không chỉ là yêu cầu cấp bách hiện nay, mà còn là vấn đề mang tính chiến lược lâu dài, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các địa phương, doanh nghiệp cần đẩy mạnh thay đổi cơ cấu thị trường lao động, ưu tiên thu hút lao động có tay nghề và qua đào tạo, hướng đến thị trường lao động chất lượng. Trước mắt, các doanh nghiệp cần tổ chức sản xuất luân phiên, có chính sách hỗ trợ đối với công nhân có tay nghề để giữ chân người lao động. Đối với cơ quan quản lý Nhà nước cần xem rõ những ngành nghề nào đang bị tác động, ngành nào có nhu cầu tuyển dụng để điều phối thị trường. Tập trung phát triển các ngành kinh tế có thế mạnh, tạo ra nhiều việc làm mới và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ ngành nông - lâm - ngư nghiệp sang các ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp để tạo việc làm mới; xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp có biện pháp thiết thực chăm lo cải thiện đời sống, vật chất, tinh thần và khuyến khích người lao động đổi mới sáng tạo, cùng nhau khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức.

Đối với trung tâm dịch vụ việc làm, cần nắm bắt tình hình tại các doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm, cho thôi việc nhiều người lao động để tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề mới cho người lao động, đưa người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động. Cùng với đó hướng dẫn người lao động tiến hành làm các thủ tục, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định. Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, ưu tiên hỗ trợ người lao động bị mất việc làm trong doanh nghiệp được vay vốn tự tạo việc làm thông qua hoạt động cho vay vốn giải quyết việc làm tại ngân hàng chính sách xã hội. Đẩy mạnh đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đưa lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp tỉnh ngoài. Hỗ trợ phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh công tác dự báo và thông tin thị trường lao động; tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giải quyết việc làm; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện... Có như vậy mới góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp, ổn định xã hội và phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

Bài và ảnh: Mai Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]