(Baothanhhoa.vn) - Với mục tiêu đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp chế biến, chế tạo, làm nền tảng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH, “Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã định hướng lộ trình phát triển và phát triển mới các khu kinh tế, khu công nghiệp (KCN) nhằm thu hút đầu tư. Tuy nhiên, một trong những khó khăn nan giải hiện nay là quỹ đất “sạch” dành cho công nghiệp đang hết sức thiếu thốn. Trong khi đó, hạn mức chuyển đổi đất trồng lúa của tỉnh còn lại khá eo hẹp.

Gỡ khó chỉ tiêu quỹ đất phát triển công nghiệp

Với mục tiêu đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp chế biến, chế tạo, làm nền tảng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH, “Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã định hướng lộ trình phát triển và phát triển mới các khu kinh tế, khu công nghiệp (KCN) nhằm thu hút đầu tư. Tuy nhiên, một trong những khó khăn nan giải hiện nay là quỹ đất “sạch” dành cho công nghiệp đang hết sức thiếu thốn. Trong khi đó, hạn mức chuyển đổi đất trồng lúa của tỉnh còn lại khá eo hẹp.

Gỡ khó chỉ tiêu quỹ đất phát triển công nghiệpThi công hạ tầng kỹ thuật Dự án di dân, sắp xếp dân cư, tái định cư một số hộ dân thôn Lâm Quảng, xã Tân Trường (phục vụ GPMB để chuẩn bị khởi công Nhà máy hóa chất Đức Giang và KCN Đồng Vàng).

Theo Quyết định số 326/QĐ-TTg, ngày 9-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa đã được Thủ tướng Chính phủ xét duyệt, phân bổ chỉ tiêu sử dụng các loại đất thời kỳ 2021-2030 so với hiện trạng sử dụng đất năm 2020, cụ thể như sau: Nhóm đất nông nghiệp giảm 22.142 ha, trong đó đất trồng lúa giảm 17.498 ha (đất chuyên trồng lúa nước giảm 4.875 ha); nhóm đất phi nông nghiệp tăng 31.645 ha, trong đó đất KCN tăng thêm 5.005 ha lên 6.046 ha so với hiện trạng sử dụng đất năm 2020.

Thực hiện Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ; UBND tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và chỉ đạo, phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đã và đang bộc lộ một số khó khăn mà một trong những nguyên nhân quan trọng xuất phát từ chỉ tiêu sử dụng của các loại đất thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế, đặc biệt là trong định hướng, lộ trình phát triển của tỉnh theo Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đối với chỉ tiêu đất công nghiệp, tính đến hết tháng 4-2023, tổng diện tích đất đã được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp nhận nhà đầu tư với diện tích là 4.406 ha/6.046 ha, đạt tỷ lệ 72,8%. Theo quy mô, diện tích các công trình, dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và thực tế tiến độ triển khai các dự án KCN, cụm công nghiệp, các dự án hạ tầng giao thông thì đến hết năm 2024, tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện hết chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa được Thủ tướng Chính phủ phân bổ (chưa kể chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa hiện nay đang thiếu cục bộ tại một số địa phương như: thị xã Nghi Sơn, TP Thanh Hóa, huyện Đông Sơn, huyện Hoằng Hóa mà UBND tỉnh Thanh Hóa chưa có giải pháp căn cơ để giải quyết).

Tại thị xã Nghi Sơn, chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa hiện nay đang trở thành nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chậm trễ, vướng mắc trong tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) các KCN cũng như tiến độ xây dựng các khu tái định cư phục vụ di dân. Điển hình như KCN số 20 được lập dự án trên diện tích 602,51 ha. Tổng nguồn vốn thực hiện dự án dự kiến là 2.634 tỷ đồng, được phân kỳ thực hiện từ năm 2023-2026. Công tác GPMB dự án này liên quan đến 3 xã: Các Sơn, Anh Sơn, Ngọc Lĩnh với tổng diện tích đất chuyên trồng lúa khoảng 382 ha, chiếm 63% tổng diện tích cần GPMB dự án. Tuy nhiên, theo phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất của địa phương này thì đến năm 2030, diện tích đất chuyên trồng lúa được phép chuyển mục đích sử dụng thị xã Nghi Sơn được giao chỉ có 108 ha và diện tích này cũng đã thực hiện hết chỉ tiêu từ năm 2022. Do đó, việc thu hồi đất chuyên trồng lúa để chuyển mục đích sử dụng tại KCN số 20 hiện vẫn chưa thực hiện được. UBND thị xã Nghi Sơn hiện đang báo cáo UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị xem xét bổ sung hạn mức được phép chuyển đổi mục đích đất chuyên trồng lúa.

Liên quan đến Dự án di dân, sắp xếp dân cư, tái định cư một số hộ dân thôn Lâm Quảng, xã Tân Trường (phục vụ GPMB để chuẩn bị khởi công Nhà máy hóa chất Đức Giang và KCN Đồng Vàng), mặc dù các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Thanh Hóa và chủ đầu tư đã hết sức nỗ lực để khởi công các dự án sớm nhất có thể nhưng hiện công tác GPMB vẫn chưa hoàn thiện. Trong toàn bộ diện tích cần GPMB, có 24,2 ha đất chuyên trồng lúa hiện vẫn chưa có cơ sở thu hồi cũng liên quan đến việc phân bổ chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa của thị xã Nghi Sơn.

Theo đại diện Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) và các KCN, thực trạng GPMB, đầu tư xây dựng hạ tầng rất chậm tại các KCN trong KKTNS là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thu hút vốn đầu tư có dấu hiệu chững lại tại Thanh Hóa trong thời gian gần đây. Với kỳ vọng “dọn đường” cho những dự án lớn, đặc biệt là các dự án đầu tư nước ngoài sau làn sóng dịch chuyển, tái đầu tư sau COVID-19, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Đề án GPMB, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và GPMB các KCN trong KKTNS với kinh phí hơn 11.300 tỷ đồng. 3 KCN được “điểm mặt chỉ vàng” là KCN số 20, KCN số 21 và KCN số 6. Tuy nhiên, nếu hạn mức chuyển đổi đất chuyên trồng lúa không được cải thiện thì các khâu liên quan đến thu hút đầu tư cũng sẽ bị “tắc”.

Hiện nay, ngoài 25 phân khu KCN tại KKTNS với tổng diện tích gần 9.058 ha, trên địa bàn tỉnh còn có 8 KCN theo quy hoạch đã được duyệt với tổng diện tích 1.424,2 ha, gồm: KCN Lễ Môn; KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga; KCN Bỉm Sơn; KCN - đô thị Hoàng Long; KCN Lam Sơn - Sao Vàng; KCN Thạch Quảng; KCN Ngọc Lặc và KCN Bãi Trành. Ngoài ra, theo định hướng phát triển và quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ phát triển mới thêm 11 KCN với tổng diện tích 3.153,5 ha, gồm: KCN phía Tây TP Thanh Hóa; KCN Phú Quý, huyện Hoằng Hóa; KCN Bắc Hoằng Hóa, huyện Hoằng Hóa; KCN Hà Long, huyện Hà Trung; KCN Lưu Bình, huyện Quảng Xương; KCN Tượng Lĩnh, huyện Nông Cống; KCN Giang Quang Thịnh, huyện Thiệu Hóa; KCN Nga Tân, huyện Nga Sơn; KCN Đa Lộc, huyện Hậu Lộc; KCN Phong Ninh, huyện Yên Định; KCN Hà Lĩnh, huyện Hà Trung. Ngoài ra, giai đoạn sau năm 2030 cũng sẽ phát triển Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo thành Khu Kinh tế cửa khẩu Na Mèo.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phục vụ mục tiêu phát triển các dự án lớn, trọng điểm, các KCN, cụm công nghiệp trong định hướng quy hoạch, mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 6886/UBND-NN báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9-3-2022. Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa đề xuất đến năm 2030, diện tích đất nông nghiệp giảm thêm 31.494 ha (trong đó đất chuyên trồng lúa nước giảm thêm 19.870 ha); diện tích đất phi nông nghiệp tăng thêm 32.364 ha (trong đó đất KCN tăng thêm 6.173 ha lên con số 12.218 ha); diện tích đất chưa sử dụng giảm thêm 870 ha. Về kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025, diện tích đất nông nghiệp giảm 27.498 ha (trong đó đất chuyên trồng lúa nước giảm thêm 9.706 ha); diện tích đất phi nông nghiệp tăng 27.498 ha (trong đó đất KCN tăng thêm 4.728 ha). Nếu những đề xuất này được tháo gỡ kịp thời, tỉnh Thanh Hóa sẽ có cơ hội giải quyết những khó khăn trong cân đối, giao chỉ tiêu sử dụng đất cho các địa phương, từ đó đẩy nhanh tiến độ các dự án có tính chất đột phá phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các dự án công nghiệp theo lĩnh vực quy hoạch tại KKTNS và các KCN.

Bài và ảnh: Minh Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]