(Baothanhhoa.vn) - Di tích lịch sử cách mạng là “bằng chứng sống”, gắn liền với những năm tháng đấu tranh dựng nước, giữ nước oanh liệt, hào hùng của các thế hệ cha ông qua nhiều giai đoạn lịch sử. Bởi vậy, trách nhiệm đặt ra cho thế hệ hôm nay là phải trân trọng, gìn giữ, phát huy giá trị các di tích cho muôn đời sau.

Giữ gìn, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng

Di tích lịch sử cách mạng là “bằng chứng sống”, gắn liền với những năm tháng đấu tranh dựng nước, giữ nước oanh liệt, hào hùng của các thế hệ cha ông qua nhiều giai đoạn lịch sử. Bởi vậy, trách nhiệm đặt ra cho thế hệ hôm nay là phải trân trọng, gìn giữ, phát huy giá trị các di tích cho muôn đời sau.

Giữ gìn, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạngDi tích lịch sử Hầm làm việc và chỉ huy của Thường trực Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (giai đoạn 1964-1972) tại xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa).

Những ngày đầu thu, chúng tôi ghé thăm di tích lịch sử Hầm làm việc và chỉ huy của Thường trực Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (giai đoạn 1964-1972), tại thôn 4, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa). Khu vực Hầm làm việc và chỉ huy được xây dựng ở vị trí cao, thoáng, trước mặt là cánh đồng để có thể quan sát từ xa. Phía sau lưng là làng mạc trù phú bao bọc cũng như lòng dân bao bọc bảo vệ cơ sở Đảng, chính quyền tỉnh Thanh Hóa thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, giải phóng dân tộc.

Theo các tài liệu lịch sử, hầm làm việc và chỉ huy được xây dựng nhằm bảo đảm an toàn cho bộ máy lãnh đạo cao nhất của tỉnh để kịp thời chỉ huy cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1964-1972). Hầm có kết cấu theo hình chữ Y, nửa nổi nửa chìm, có một lối vào phía trước (cửa hướng Nam), hai lối ra ở hướng Bắc. Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ xâm lược, từ căn hầm làm việc này, Thường trực Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp làm việc và chỉ huy phong trào sản xuất chiến đấu tại Thanh Hóa một cách hiệu quả. Không thể kể hết được các sự kiện đã từng diễn ra tại đây, nhưng chắc chắn rằng bộ máy chỉ huy của Thường trực Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước tại tỉnh nhà.

Dẫu thời gian đủ sức ăn mòn ký ức nhưng ngay trên chính mảnh đất này, lớp lớp thế hệ cháu con hôm nay vẫn còn khắc ghi mãi trong lòng những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Đó là các chiến thắng Hàm Rồng - Nam Ngạn, phà Ghép, đảo Mê, Pa Ú Hò, dốc Bò Lăn, đến việc chi viện, tuyển quân, giao thông thông suốt và thực hiện các mục tiêu sản xuất... đều có sự đóng góp không nhỏ từ hầm làm việc và chỉ huy này.

Với ý nghĩa đó, năm 2007, Hầm làm việc và chỉ huy của Thường trực Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của người dân huyện Thiệu Hóa nói riêng, Nhân dân tỉnh Thanh Hóa nói chung, mà còn đặt ra trách nhiệm cần phải gìn giữ, phát huy giá trị của di tích. Bởi vậy, trong những năm qua các cấp, ngành trong huyện Thiệu Hóa và tỉnh Thanh Hóa đã đặc biệt quan tâm đến việc trùng tu, tôn tạo di tích khang trang hơn. Cùng với đó, là chú trọng phát huy giá trị trong việc giáo dục lịch sử đối với thế hệ trẻ, đưa di tích trở thành một trong những điểm du lịch kết nối với các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Quang Hòa, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thiệu Hóa, cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 12 di tích lịch sử cách mạng. Các di tích lịch sử cách mạng là nơi chứa đựng những giá trị văn hóa gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của địa phương. Bởi vậy, thời gian qua công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích được huyện đặc biệt quan tâm. Từ nguồn vốn của Nhà nước và xã hội hóa, huyện đã tiến hành trùng tu, tôn tạo nhiều di tích như: Di tích quốc gia đền thờ Trà Đông, Di tích lịch sử cách mạng nhà đồng chí Lê Huy Toán, Khu Di tích lịch sử cách mạng Trụ sở làm việc Tỉnh ủy Thanh Hóa giai đoạn 1967-1973...

Ngoài ra, để phát huy giá trị các di tích, huyện đã đẩy mạnh phối hợp với các đoàn thể, ngành giáo dục và đào tạo huyện tổ chức cho đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia chỉnh trang, trồng hoa, cây xanh, kết nạp đội viên, đoàn viên tại các di tích lịch sử cách mạng; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan về nguồn. Qua đó, vừa thể hiện sự trân trọng đối với những giá trị lịch sử của cha ông, vừa giúp lớp trẻ ý thức được trách nhiệm của bản thân để phấn đấu trong học tập và rèn luyện, trưởng thành.

Thanh Hóa là vùng đất có truyền thống lịch sử, cách mạng lâu đời, gắn với nhiều giai đoạn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Nơi đây, có hệ thống di tích lịch sử cách mạng đa dạng và phong phú về số lượng cũng như thể loại. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có 143 di tích và địa điểm lịch sử cách mạng, với các loại hình, bao gồm: nhà dân, đình, chùa, đền, nghè, cầu, phà, bến, bãi, sân bay, chợ, hầm hào, công sự, trận địa...

Để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 82-KL/TU, ngày 30-5-2017 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017-2025. Từ chủ trương, chính sách của tỉnh, các địa phương, ban quản lý các di tích đã thực hiện nhiều giải pháp như: quan tâm tôn tạo, tu bổ, khoanh vùng bảo vệ; kiểm kê, lập hồ sơ, xếp hạng di tích; tích cực đẩy mạnh các hoạt động giáo dục về nguồn; chú trọng phát triển du lịch tại các di tích... Từ đó, nhiều di tích lịch sử cách mạng đã được quan tâm bảo tồn và phát huy khá tốt, như: di tích cách mạng thôn Yên Trường, xã Thọ Lập (Thọ Xuân), di tích Lò cao kháng chiến Hải Vân (Như Thanh), di tích Chiến khu Ngọc Trạo (Thạch Thành), di tích địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông, thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn)...

Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế thì việc khai thác, phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá khiêm tốn. Vấn đề đặt ra là, các cấp, ngành trong tỉnh cần chú trọng hơn nữa đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích; xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị di tích một cách khoa học; tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ di tích, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng. Thực hiện số hóa một số điểm di tích để quảng bá trên các nền tảng số; kết nối với nhiều công ty du lịch, lữ hành để thu hút du khách tham quan, trải nghiệm...

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]