(Baothanhhoa.vn) - Mạng xã hội, internet là mảnh đất màu mỡ giúp trẻ em học tập và giải trí. Song, nó cũng chứa rất nhiều nội dung “bẩn”, đặc biệt là những nội dung bạo lực. Điều này luôn tiềm ẩn nguy cơ tác động tiêu cực đến nhận thức, hành vi và nhân cách của trẻ.

Tiềm ẩn nhiều nguy hại từ các video bạo lực cho trẻ em

Mạng xã hội, internet là mảnh đất màu mỡ giúp trẻ em học tập và giải trí. Song, nó cũng chứa rất nhiều nội dung “bẩn”, đặc biệt là những nội dung bạo lực. Điều này luôn tiềm ẩn nguy cơ tác động tiêu cực đến nhận thức, hành vi và nhân cách của trẻ.

Tiềm ẩn nhiều nguy hại từ các video bạo lực cho trẻ emCha mẹ cần tạo môi trường cho trẻ vui chơi, hạn chế tiếp xúc các nội dung bạo lực, vô bổ trên không gian mạng.

Những năm gần đây, tình trạng trẻ em tiếp xúc với các video có nội dung không phù hợp với lứa tuổi trên mạng xã hội, internet ngày càng tăng. Lướt qua các trang mạng như facebook, tiktok hay youtube, chúng ta không khó bắt gặp những hình ảnh bạo lực, những nội dung thiếu tính giáo dục dành cho trẻ em. Điều đáng nói là những trang mạng này hầu như chưa có cảnh báo, giới hạn nội dung cho trẻ em. Chị Phạm Thị Thanh (TP Thanh Hóa) thường lấy điện thoại để cho con xem trong lúc ăn. Lâu dần thành quen, lúc nào cháu cũng đòi xem điện thoại. Mới hơn 2 - 3 tuổi đã lướt youtube một cách thành thạo. Chị Phạm Thị Thanh tâm sự: "Mỗi lần không cho xem là cháu lại tìm cách ăn vạ. Cho xem thì tôi rất lo lắng vì khi thấy con có xu hướng bạo lực với mọi người, tôi để ý và phát hiện cháu thường xem những đoạn video những con búp bê những con gấu bông đánh nhau, bạo lực và nói năng thiếu văn hóa".

Tương tự hoàn cảnh của chị Thanh, chị Trần Thị Ngọc (TP Thanh Hóa) chia sẻ: "Tôi rất bất ngờ khi thấy con trai không chịu đi vào nhà vệ sinh và cứ đòi đánh nhà vệ sinh. Nghi ngờ con đã xem phải video “bẩn” trên mạng, tôi đã lên mạng tìm kiếm và phát hiện con đã xem những video Skibidi Toilet có các nhân vật quái dị, bạo lực, máu me... với những hành động phản cảm, không phù hợp với trẻ". Chị Ngọc chia sẻ thêm: "Trước đây, cháu nhà tôi thích siêu nhân, tôi thường để cháu xem video về siêu nhân. Nhưng thấy con đòi đánh nhau thường xuyên, thậm chí nhảy, bay từ trên cao xuống như siêu nhân, lúc đó tôi đã rất lo lắng. Bởi khi kiểm tra thì mới biết những video các nhân vật đóng siêu nhân ấy thường dạy, khuyến khích trẻ hành động bạo lực, làm những điều kỳ dị. Tôi đã rất vất vả để quản lý và kiểm soát việc xem youtube của con".

Những nội dung bạo lực, nguy hiểm trên thế giới mạng hiện là vấn đề đáng báo động. Song, việc ngăn chặn triệt để những nội dung chưa phù hợp cho trẻ em là rất khó. Trong khi đó, những video không phù hợp với trẻ em lại lan truyền nhanh và dễ trở thành xu hướng thu hút trẻ em. Mặc dù điều này đã được các cơ quan chức năng và truyền thông lên tiếng cảnh báo thường xuyên, song dường như việc quản lý, kiểm soát nội dung trên mạng của trẻ em vẫn đang là sự chạy theo sau tốc độ, sự tinh quái của những kẻ xấu.

Thực tế hiện nay, để “qua mắt” các phụ huynh, những kẻ xấu thường chèn một vài hình ảnh, đoạn video bạo lực, thô tục, nhảm nhí cho trẻ xem trong những câu chuyện mở đầu, những lời giới thiệu đội lốt giáo dục, hoặc những câu chuyện, nhân vật thiếu nhi yêu thích. Chị Hoàng Thanh Phương (TP Thanh Hóa) chia sẻ: "Kiểm soát nội dung cho trẻ em trên mạng xã hội không phải việc dễ dàng. Những hình ảnh, nội dung xấu, bạo lực, thiếu tính giáo dục được xen lẫn trong những câu chuyện gắn với các nhân vật quen thuộc như gấu bông, búp bê, siêu nhân,... để tiếp cận với các em nhỏ. Những nội dung này không chỉ xuất hiện trong những tài khoản trong nước mà các tài khoản nước ngoài cho việc tìm kiếm của trẻ dễ dàng hơn. Điều đáng nói là thoạt nhìn rất nhiều người sẽ nghĩ nó an toàn cho trẻ em vì gắn với những nhân vật hoạt hình, nhân vật dành cho thiếu nhi, mà không hay biết nó truyền tải toàn những nội dung nhảm nhí, độc hại, nguy hiểm. Điều này khiến cho các bậc làm cha làm mẹ phải cảnh giác và tìm cách bảo vệ con mình trên không gian mạng".

Trẻ em là đối tượng dễ bắt chước, dễ học theo những nhân cách, nhận thức, tâm lý chưa được phát triển hoàn thiện. Thế nên, những video có nội dung nguy hại, bạo lực này sẽ từ từ đi sâu vào tiềm thức của trẻ. Lâu dần nó sẽ trở thành nhân tố cấu tạo hành vi, tâm lý, nhân cách của trẻ. Thực tế hiện nay không ít các vụ việc trẻ học theo video độc hại, dẫn tới những tai nạn đáng tiếc đã xảy ra. Điều này đã và đang gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với xã hội, nhất là gia đình trẻ trong việc quản lý, kiểm soát và đồng hành cùng trẻ trên không gian mạng.

Bác sĩ CKI Lương Mỹ Linh, Phó trưởng Khoa Tâm lý lâm sàng Nhi, Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa, cho biết: "Nếu trẻ xem quá nhiều video có yếu tố bạo lực, kích động thì sẽ tác động không nhỏ đến nhận thức, cảm xúc, hành vi. Đặc biệt trẻ em đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện nhân cách, các em thường có tâm lý thích học và bắt chước theo những gì được nghe, được xem, nhất là khi có sự xuất hiện những người mà các em coi là “thần tượng”. Trẻ em tiếp xúc nhiều với video, phim ảnh, trò chơi điện tử bạo lực sẽ có tâm lý chống đối xã hội nhiều hơn; thường rất dễ bị kích động, tính cách có phần nổi loạn và hay bày tỏ thái độ phản kháng, hung hãn, tức giận khi không vừa ý. Thậm chí nếu dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, internet, trẻ dễ mắc các chứng bệnh về tâm thần ở trẻ em, như tình trạng trầm cảm, lo âu, rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi...".

Trẻ em ngày nay chỉ cần một cái chạm tay là bước vào một thế giới ảo rộng mở. Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng đủ thông minh để sớm nhận thức được thế giới trong phim ảnh là thế giới ảo khác với thế giới đời thực. Các bé thường dễ tin vào những điều nhìn thấy khi xem phim ảnh và dần dần hình thành tâm lý, cảm xúc như đang sống trong chính thế giới đó. Do đó, cha mẹ phải thực sự dành thời gian, trí tuệ vào việc quản lý, kiểm soát nội dung trên không gian mạng của con. Muốn làm được điều này, trước hết mỗi người lớn cần nghiêm khắc với bản thân mình, không xem những video vô bổ, nhảm nhí; hãy đặt điện thoại xuống để trò chuyện, vui chơi cùng con. Bởi, trong các hoạt động thực tế hàng ngày có tính giáo dục cao và giúp gắn kết tình cảm giữa các thành viên. Đặc biệt nó góp phần giúp trẻ nhận thức được sự khác biệt giữa thế giới thực và thế giới ảo, từ đó có nhận thức, hành vi, cách ứng xử phù hợp. Đồng thời, các bậc phụ huynh cần dành thời gian tìm hiểu, cập nhật những cách quản lý các nội dung trên mạng; chọn lọc, tải về các video thật sự “sạch”, phù hợp cho trẻ để định hướng và xây dựng “hàng rào” bảo vệ con trẻ trước những video có xu hướng bạo lực, phản cảm.

Bài và ảnh: Thùy Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]