(Baothanhhoa.vn) - Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển cả về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ. Từ ý nghĩa đó, nhiều năm qua, cùng với các trường khu vực đồng bằng, ven biển, các trường mầm non khu vực miền núi luôn phấn đấu, nỗ lực xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non khu vực miền núi

Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển cả về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ. Từ ý nghĩa đó, nhiều năm qua, cùng với các trường khu vực đồng bằng, ven biển, các trường mầm non khu vực miền núi luôn phấn đấu, nỗ lực xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non khu vực miền núiGiờ ăn của các cháu học sinh Trường Mầm non Thọ Thanh (Thường Xuân).

“Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” là khẩu hiệu và cũng là mục tiêu mà Trường Mầm non Thúy Sơn (Ngọc Lặc) hướng tới trong quá trình dạy và học. Cô giáo Doãn Thị Linh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thúy Sơn cho biết: Để nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã quán triệt, triển khai đầy đủ các văn bản về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện đến toàn thể cán bộ, giáo viên và nhân viên. Kiểm tra, rà soát, sửa chữa kịp thời cơ sở vật chất bị hư hỏng, loại bỏ các yếu tố gây mất an toàn cho trẻ. Trong các lớp học xây dựng các góc hoạt động như: góc phân vai, góc xây dựng, góc sách truyện... Qua các góc học tập này, trẻ có thể lựa chọn học một mình hoặc theo nhóm, kích thích sự sáng tạo của cả cô và trò, từ đó trẻ hứng thú đến lớp và chủ động, tích cực hơn trong học tập. Đặc biệt, trong các hoạt động giáo dục, ban giám hiệu luôn nhắc nhở đội ngũ giáo viên phải ân cần, gần gũi, yêu thương trẻ, chăm sóc trẻ tận tình chu đáo, thân thiện để trẻ tự tin, yêu trường, yêu lớp. Từ cách làm trên, nhiều năm qua, 100% trẻ học tập tại trường được bảo đảm an toàn tuyệt đối cả về thể chất và tinh thần. Mặc dù là địa phương có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, số học sinh là người dân tộc thiểu số chiếm trên 91%, thế nhưng tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến trường luôn đạt 100%; tỷ lệ trẻ nhà trẻ đến trường đạt trên 30%...

Cũng như Trường Mầm non Thúy Sơn, ghi nhận tại Trường Mầm non Thọ Thanh (Thường Xuân) cho thấy, cơ sở vật chất phòng lớp học, phòng chức năng của nhà trường được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang, khuôn viên trường học xanh - sạch - đẹp, có các khu vui chơi vận động, nhà vệ sinh bảo đảm tiêu chuẩn; môi trường trong lớp học được sắp xếp gần gũi, quen thuộc, thiết kế an toàn, trang trí đẹp mắt... Đây là một trong những tiền đề quan trọng để nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Cô giáo Lê Thị Bình, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thọ Thanh chia sẻ: Ngoài thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non theo yêu cầu đặt ra của ngành, để nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường đặc biệt chú trọng đến công tác bán trú. Đây cũng là hoạt động nhận được sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Phương châm của nhà trường trong hoạt động bán trú là “thực phẩm sạch, đồ dùng sạch, khẩu phần ăn bảo đảm dinh dưỡng”.

Hiện nay, 11 huyện miền núi của tỉnh có 619 trường học các cấp, trong đó, khối mầm non có gần 200 trường với trên 58.000 học sinh. Để nâng cao chất lượng giáo dục ở bậc học này, nhiều năm qua, ngành giáo dục, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm đầu tư về mọi mặt đáp ứng yêu cầu giáo dục, chăm sóc trẻ. Hiện 100% cán bộ, giáo viên mầm non các trường khu vực miền núi đều đạt chuẩn. Việc đầu tư cơ sở vật chất cũng được quan tâm đúng mức. Đến nay, 11 huyện miền núi đã có 147/198 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 74,2%. Một số đơn vị có tỷ lệ trường đạt chuẩn cao như các huyện Thường Xuân, Cẩm Thủy, Thạch Thành... Tuy nhiên, ghi nhận từ thực tiễn cũng cho thấy, việc phát triển giáo dục mầm non khu vực miền núi vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức liên quan đến nguồn nhân lực, phòng, lớp học, chế độ chính sách... Theo chia sẻ của thầy giáo Nguyễn Tài Toàn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngọc Lặc, thực hiện chủ trương dồn điểm trường, xóa điểm lẻ, tỷ lệ học sinh mầm non ở các khu trung tâm tăng lên qua từng năm học. Tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa với việc thiếu phòng học ở các khu trung tâm. Mặc dù mỗi năm huyện dành hàng chục tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, phòng, lớp học ở các trường mầm non, song đến nay toàn huyện vẫn thiếu 69 phòng học ở bậc học này. Ngoài ra ở nhiều trường vẫn thiếu nhà hiệu bộ, phòng chức năng...

Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non khu vực miền núiCô trò Trường Mầm non Thúy Sơn (Ngọc Lặc) trong một giờ học. Ảnh: Phong Sắc

Nhiều cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên cho rằng, bên cạnh khó khăn về cơ sở vật chất, chính sách tiền lương hỗ trợ cho giáo viên còn thấp so với đặc thù công việc cũng là một khó khăn, áp lực đối với đội ngũ giáo viên mầm non công tác tại khu vực miền núi, vùng khó khăn, dân tộc thiểu số. Trong khi đó, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua nhiều xã thuộc khu vực miền núi của tỉnh ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn đã tác động mạnh mẽ đến việc thực hiện các chế độ chính sách cho người dạy và người học. Học sinh không được hưởng chính sách dẫn đến việc huy động học sinh ra lớp gặp khó khăn, tăng nguy cơ học sinh bỏ học và giảm tỷ lệ chuyên cần trên lớp, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, công tác phổ cập giáo dục...

Trước thực trạng trên, mới đây UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2023-2030” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với mục tiêu hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa. Tăng cơ hội của trẻ em được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng, trên cơ sở phấn đấu bảo đảm các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường, lớp học. Bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền... Kế hoạch cũng đề ra những nhiệm vụ trọng tâm và giao cho các ngành, địa phương có liên quan phối hợp thực hiện trên tinh thần vì sự phát triển chung của tỉnh.

Từ mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong kế hoạch cùng sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn từ phía cán bộ, giáo viên mỗi nhà trường, tin rằng giáo dục mầm non khu vực miền núi xứ Thanh sẽ không ngừng phát triển, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Bài và ảnh: Lê Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]