(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân ứng dụng khoa học - công nghệ, thiết bị hiện đại trong bảo quản và chế biến nông sản góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị nông sản.

Giảm tổn thất sau thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp

Thời gian qua, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân ứng dụng khoa học - công nghệ, thiết bị hiện đại trong bảo quản và chế biến nông sản góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị nông sản.

Giảm tổn thất sau thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp

Nông dân xã Thiệu Tiến (Thiệu Hóa) sử dụng máy gặt đập liên hoàn thu hoạch lúa mùa.

Hằng năm, HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Minh (Thọ Xuân) liên kết bao tiêu sản phẩm, với diện tích 380 ha lúa với các xã viên. Để giảm bớt tổn thất sau khi thu hoạch, HTX đã đầu tư thiết bị chế biến từ khâu thu hoạch, bảo quản, áp dụng công nghệ sấy để nâng cao giá trị nông sản. Năm 2018, từ nguồn kinh phí hỗ trợ mua máy sấy nông sản của huyện Thọ Xuân và nguồn vốn huy động, HTX đã đầu tư mua 2 máy sấy nông sản, với công suất 80 tấn/ngày/máy. Sau khi áp dụng công nghệ sấy công nghiệp vào bảo quản, sơ chế các loại nông sản, các xã viên không còn phải lo lắng mỗi khi thu hoạch nông sản đúng với thời điểm mưa gió. Bà Đỗ Thị Hoa, Giám đốc điều hành HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Minh, cho biết: Hàng năm thu hoạch lúa vụ thu mùa thường có mưa bão nên người dân gặp nhiều khó khăn trong khâu phơi lúa dẫn đến bị mốc, mọc mầm... gạo bị biến màu, giảm chất dinh dưỡng. Từ khi HTX đầu tư 2 máy sấy lúa đã khắc phục hoàn toàn các yếu tố bất lợi do thời tiết, đảm bảo chất lượng lúa sau thu hoạch. Thông qua liên kết, đến vụ thu hoạch, HTX chủ động thu mua lúa tươi ngay tại ruộng, giảm bớt chi phí vận chuyển cho người dân. Nhờ chủ động được khâu chế biến, lúa thương phẩm của HTX luôn đảm bảo chất lượng, thị trường tiêu thụ tốt, hiệu quả kinh tế cao. Từ thành công của việc đầu tư máy sấy lúa, HTX đang tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời liên kết với các hộ nông dân phát triển dịch vụ sản xuất, tiêu thụ lúa thương phẩm hàng hóa. Hiện HTX đang đầu tư xây dựng nhà máy xay xát lúa, với công suất 10 tấn/ngày. Đồng thời, liên kết với các xã viên tổ chức sản xuất giống lúa Hoa Minh để xây dựng thành sản phẩm OCOP trong thời gian tới.

Nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng nông sản, thời gian qua ngành nông nghiệp và các ngành có liên quan của tỉnh, địa phương đã triển khai thực hiện Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ của tỉnh, như hỗ trợ 100% kinh phí để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng sạch cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chế biến nông, lâm sản; hỗ trợ cho HTX, doanh nghiệp làm đầu mối sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch, với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha canh tác/năm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 450 máy kéo cỡ lớn, 2.483 máy kéo cỡ trung, 11.295 máy kéo cỡ nhỏ, 600 máy gặt đập liên hợp, 4.215 máy xay xát lúa gạo, 5.220 máy nghiền thức ăn gia súc, 440 máy sấy nông sản... Ngoài hỗ trợ, khuyến khích đầu tư công nghệ hiện đại phục vụ nhu cầu sản xuất, ngành nông nghiệp còn đẩy mạnh xây dựng các mô hình áp dụng các chương trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến VietGAP, GMP, HACCP, ISO 22000... góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn ở mức cao. Cụ thể tỷ lệ tổn thất sản lượng trong và sau thu hoạch của lúa là 11 - 13%, ngô 13 - 15%, tập trung ở các khâu thu hoạch, phơi sấy, bảo quản, xay xát, chế biến; rau, củ, quả 20 - 50%, thủy sản 30%... Ngoài sự tổn thất về sản lượng, nông sản còn bị giảm chất lượng do không được làm khô, bảo quản đúng cách. Trong sản xuất cây lương thực có hạt (chủ yếu là lúa, ngô), thường bị tổn thất do rơi vãi trong quá trình phơi khô hoặc phơi không đúng kỹ thuật dễ nứt, gãy, vỡ hạt. Nông dân tuy đã đầu tư cho sản xuất song mới chỉ tập trung vào các khâu làm đất, vận chuyển, tưới tiêu, phòng trừ sâu bệnh... Khâu thu hoạch và sau thu hoạch chưa ứng dụng nhiều cơ giới hóa. Ngoài ra, việc sử dụng các dụng cụ để chứa, đựng nông sản chưa đúng tiêu chuẩn kỹ thuật làm cho tỷ lệ dập, nát của nông sản cao, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, tăng tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng bảo quản nông sản, giảm tổn thất sau thu hoạch, ngành nông nghiệp cùng với các địa phương đang tích cực tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX đầu tư ứng dụng công nghệ vào khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản nông sản. Khuyến khích hình thành các chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp để tăng tính chuyên sâu trong từng công đoạn sản xuất đối với từng loại nông sản. Nhằm hạn chế và kiểm soát được tình trạng thất thu trong sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân tuân thủ đúng khung lịch thời vụ, chủ động các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, kết hợp với việc sử dụng các loại chế phẩm sinh học. Đồng thời, thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người nông dân đầu tư, đưa cơ giới hóa vào các khâu trong quá trình sản xuất và bảo quản nông sản.

Bài và ảnh: Hải Đăng


Bài và ảnh: Hải Đăng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]