(Baothanhhoa.vn) - Giảm nghèo không phải công việc trong một sớm một chiều, bởi việc phát sinh đối tượng nghèo mới, hay nguy cơ tái nghèo vốn dĩ là tất yếu trong guồng quay phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề đặt ra là cần nhận diện rõ các thách thức, rào cản để công cuộc giảm nghèo được triển khai một cách hiệu quả và thực sự bền vững.

Giảm nghèo bền vững khu vực miền núi - Vượt rào cản nhận thức, khơi năng lực hành động! (Bài 2): Nhận diện thách thức

Giảm nghèo không phải công việc trong một sớm một chiều, bởi việc phát sinh đối tượng nghèo mới, hay nguy cơ tái nghèo vốn dĩ là tất yếu trong guồng quay phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề đặt ra là cần nhận diện rõ các thách thức, rào cản để công cuộc giảm nghèo được triển khai một cách hiệu quả và thực sự bền vững.

Giảm nghèo bền vững khu vực miền núi - Vượt rào cản nhận thức, khơi năng lực hành động! (Bài 2): Nhận diện thách thức

Hộ ông Hà Văn Son, xã Ái Thượng (Bá Thước) được hỗ trợ trên 1.200 cây bưởi da xanh từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ảnh: P.V

“Điệp khúc” thoát nghèo - tái nghèo

Vừa thoát được cái “vòng kim cô” đói nghèo chưa được 3 năm, thì một cơn bạo bệnh bất ngờ ập đến, khiến số của nả mà gia đình chị Phạm Thị Liên (xã Quang Chiểu, Mường Lát) tích lũy được chẳng đáng là bao cũng nhanh chóng “đội nón ra đi”. Chị bị ung thư thực quản giai đoạn 2, chi phí phẫu thuật rồi điều trị hóa xạ trị tại Bệnh viện K (Hà Nội) đã ngốn số tiền quá lớn, vượt quá khả năng chi trả của gia đình. Bao năm lao động, giờ nghèo lại hoàn nghèo. Túng quẫn triền miên, cộng thêm bệnh tật giày vò cả sức khỏe lẫn tinh thần, khiến chị Liên càng bế tắc, thậm chí có lúc trở nên tuyệt vọng.

Gia cảnh nghèo túng khiến vợ chồng anh con cả bỏ đi biệt xứ nhiều năm và không có dấu hiệu hồi hương, bỏ lại cho bà Hà Thị Dung (xã Ái Thượng, huyện Bá Thước) gánh nặng vừa chăm đứa con thiểu năng, vừa nuôi 2 cháu trẻ dại bị cha mẹ bỏ lại. Trong khi bản thân 2 ông bà già cũng thường xuyên đau ốm, công việc cầm chừng ai thuê gì làm nấy. Năm 2021, gia đình được các cấp, các ngành hỗ trợ 50 triệu đồng cất lại ngôi nhà xiêu vẹo và hỗ trợ 1 con trâu để chăn nuôi. Cuối năm rà soát, hộ bà Dung được thoát nghèo và rơi vào cận nghèo. Tuy nhiên, đến tháng 10-2022 rà soát lại, ngoài ngôi nhà vừa xây chưa được bao lâu còn phải “cõng” thêm khoản nợ ngân hàng 50 triệu đồng, còn thì không có thêm vật dụng nào đáng tiền. Vậy là hộ bà Dung lại tái nghèo như một lẽ đương nhiên.

Bản Pù Ngùa, xã Pù Nhi (Mường Lát) trước khi “bão COVID-19” tràn qua, vốn đã có tới 126 hộ nghèo (năm 2020). Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhiều người đã bỏ hẳn việc đi làm ăn xa, chỉ quẩn quanh ở bản. Thiếu việc làm, không có thu nhập ổn định, nhiều hộ còn sinh thêm con khiến cuộc sống vốn khó khăn càng thêm túng thiếu. Bởi vậy, dù có triển khai các chính sách giảm nghèo thì tính đến năm 2021, số hộ nghèo của bản vẫn tăng lên 185 hộ (tăng 59 hộ), chiếm tỷ lệ lên đến 82,59%.

Qua vài ví dụ nêu trên, có thể nói chính sự thiếu bền vững của các “trụ đỡ chính” như việc làm, thu nhập, tư liệu sản xuất... là những nguyên nhân cơ bản dễ dẫn đến tình trạng tái nghèo, hoặc thoát nghèo một cách đầy... chông chênh của không ít hộ nghèo, bản nghèo khu vực miền núi. Trong khi đó, đây là những “lõi nghèo”, nằm ở vùng núi cao, biên giới, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, kết cấu hạ tầng kém, xuất phát điểm rất thấp. Ngoài ra, biến đổi khí hậu, sự cố môi trường, thiên tai như sạt lở đất, lũ ống, lũ quét... diễn biến ngày càng nghiêm trọng, khó lường, trong khi khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản và khả năng phòng, chống rủi ro thiên tai của người dân còn thấp. Đó cũng chính là những căn nguyên khách quan dẫn đến tình trạng trồi – sụt tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo ở khu vực này. Do vậy, giảm nghèo phải “bền vững” là vấn đề cần được đặt ra một cách nghiêm túc và trách nhiệm đối với từng các cấp, từng ngành, từng địa phương trong quá trình thiết kế và triển khai các chính sách giảm nghèo giai đoạn hiện nay.

Bắt đúng bệnh để kê đúng thuốc

Kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020, cho thấy khu vực 11 huyện miền núi đã giảm 44.491 hộ nghèo (từ 57.684 hộ xuống còn 13.193 hộ), tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 20,09% (từ 25,79% xuống 5,7%). Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa tiến hành rà soát lại theo Thông tư số 02/2022/TT-BLĐTBXH, ngày 30-3-2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Kết quả khu vực 11 huyện miền núi, số hộ nghèo là 46.470 hộ, chiếm tỷ lệ 20%; số hộ cận nghèo 47.446, chiếm tỷ lệ 20,42%.

Sự gia tăng đáng kể tỷ lệ hộ nghèo (từ 5,7% năm 2020, lên 20% năm 2022) được lý giải là do chuẩn nghèo mới. Theo Nghị định số 07/2021/QĐ/TTg của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều được nâng cao hơn. Cụ thể, đối với tiêu chí thu nhập, khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/người/tháng (chuẩn cũ là 700 nghìn đồng/người/tháng). Ngoài 5 tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản như chuẩn nghèo giai đoạn trước, bổ sung thêm 1 dịch vụ là “việc làm” và 2 chỉ số đo lường gồm “việc làm” và “người phụ thuộc trong hộ gia đình” (6 dịch vụ xã hội cơ bản, với 12 chỉ số đo lường; trong khi giai đoạn 2016-2020 có 5 dịch vụ xã hội cơ bản, với 10 chỉ số đo lường).

Giảm nghèo bền vững khu vực miền núi - Vượt rào cản nhận thức, khơi năng lực hành động! (Bài 2): Nhận diện thách thức

Mô hình hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò cho hộ nghèo ở xã Phú Xuân (Quan Hóa). Ảnh: P.V

Có thể khẳng định, việc nâng chuẩn và nới rộng mức độ thiếu hụt dịch vụ, chỉ số đo lường được đánh giá là một bước tiến mới trong thiết kế chính sách, phù hợp với yêu cầu của công tác giảm nghèo giai đoạn hiện nay, cũng như tiệm cận dần các chuẩn nghèo của thế giới. Đồng thời, vì chính sách bao trùm nên số hộ thoát nghèo, cận nghèo nhưng không bền vững sẽ tiếp tục được thụ hưởng chính sách. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng của Đảng ta, đó là “tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo” (Chỉ thị 05-CT/TW ngày 23-6-2021 của Ban Bí thư về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030).

Để đánh giá chính xác mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, cần có các tiêu chí cụ thể. Do đó, bộ công cụ đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 được xem là một giải pháp nhằm tránh việc bình xét cảm tính, dẫn đến các sai sót gây tranh cãi trước đây. Tuy nhiên, vấn đề là bộ công cụ này vẫn đang cho thấy những bất cập, khiến cho việc chấm điểm có thể thiếu chính xác và kết quả chấm điểm chưa phản ánh đầy đủ, chân thực tình trạng nghèo của từng hộ được rà soát và của địa phương. Chẳng hạn như tiêu chí chăn nuôi: hộ có từ 2 con trâu/bò/ngựa được chấm 10 điểm; hộ có từ 3 con trâu/bò/ngựa trở lên được 20 điểm. Giả sử, hộ có từ 3 con đến đàn hàng chục con, thì số điểm được tính như thế nào? Chưa hết, nếu so sánh số điểm của các loại tài sản mới thật “thú vị”. Chẳng hạn, diện tích đất cây lâu năm từ 5.000 m2 trở lên được chấm 5 điểm; trong khi 1 lò vi sóng/lò nướng cũng tương đương 5 điểm. Hoặc, hộ có diện tích đất rừng từ 5.000 m2 đến dưới 10.000 m2 được tính 0 điểm; nhưng hộ có 1 ti vi màu sẽ lại chấm 5 điểm...?! Đó là chưa kể, chính điểm số cũng trở thành một cơ sở để nhiều hộ dân “xoay sở” sao cho điểm càng thấp càng tốt để được yên vị trong danh sách hộ nghèo. Và cách mà nhiều hộ dùng để “xoay sở” đã được cán bộ thôn, bản “bắt bài” là cất giấu tài sản, cho “mượn tạm”, bán bớt; hoặc có điều kiện nhưng không mua sắm tài sản, không xây nhà kiên cố...

Có một sự mâu thuẫn trong quá trình triển khai công tác giảm nghèo, đó là giao chỉ tiêu giảm nghèo. Thực tế, việc giao chỉ tiêu là cần thiết bởi đây vừa là căn cứ vừa mục tiêu để các địa phương triển khai công tác giảm nghèo. Đồng thời, nó cũng là một tiêu chuẩn để đánh giá vai trò, trách nhiệm, cũng như sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong triển khai thực hiện và hiệu quả mang lại từ các chính sách giảm nghèo trên địa bàn. Thế nhưng, ở chiều ngược lại việc giao chỉ tiêu, có lúc có nơi, vô hình trung đang tạo “áp lực” cho chính quyền cơ sở, tạo nên một cuộc chạy đua thành tích, dẫn đến kết quả giảm nghèo không thực chất. Chẳng hạn ở 1 xã miền núi cao, dù thời gian rà soát hộ nghèo chỉ cách nhau 1 năm, nhưng kết quả cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm tới gần 50%. Trong khi các cơ sở, nguồn lực được địa phương đưa ra để lý giải cho kết quả giảm nghèo chưa có tính thuyết phục.

Cũng theo phản ánh của một số cán bộ thôn, bản, thì dù được giao chỉ tiêu nhưng địa phương phải căn cứ vào tình hình thực tế, nhất là thu nhập và đời sống của người dân, để đánh giá mức độ, khả năng giảm nghèo. Chẳng hạn như thôn Tôm, xã Ái Thượng (Bá Thước) là thôn 135. Năm 2021, thôn có 50 hộ nghèo, 83 hộ cận nghèo. Năm 2022, xã giao chỉ tiêu cho thôn phải giảm còn 28 đến 30 hộ nghèo. Đến tháng 10-2022, sau rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, kết quả giảm nghèo không đạt chỉ tiêu giao (còn 39 hộ nghèo và 49 hộ cận nghèo). Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Tôm, cho biết: “Sau khi có kết quả rà soát của thôn, UBND xã đã thành lập ban bệ 7 người xuống từng hộ chấm đi chấm lại, nâng lên đặt xuống, nhưng thật ra nâng cái gì cũng không xong, bởi không có gì có giá trị để mà nâng. Cuối cùng vẫn phải công nhận 39 hộ nghèo”.

Quá trình triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm 2020”, tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành rà soát các chính sách của Trung ương và của tỉnh về hỗ trợ cho người nghèo ở vùng dân tộc và miền núi. Kết quả rà soát (năm 2018), cho thấy có 39 chính sách của Trung ương đã và đang được triển khai, liên quan đến các lĩnh vực. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng 9 chính sách đặc thù (được ban hành bằng các đề án). Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 41 văn bản đề cập đến chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 15 đề án, chính sách trực tiếp.

Quả thật, không quá khi nói khu vực miền núi nói chung là “rốn chính sách”. Nhìn vào những con số ấy có thể thấy, với việc thiết kế chính sách mang tính bao trùm, đa dạng, hướng đến các lĩnh vực và đa dạng đối tượng, thì người nghèo và các đối tượng yếu thế khác đã được đặt vào trung tâm thụ hưởng chính sách. Nhờ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá. Song, ngược lại, cũng có không ít người nghèo lại nảy sinh tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, lười lao động, sức ỳ lớn. Đây đang là “căn bệnh nan y” được nói nhiều, bàn nhiều, nhưng vẫn chưa có giải pháp giải quyết thật sự triệt để và hiệu quả. Đó là chưa kể, khi được hỏi về việc triển khai chính sách giảm nghèo, có không ít cán bộ cơ sở kêu khó, mà một phần cũng bởi chính sách quá nhiều. Riêng cái công đi rà soát, rồi lập biểu mẫu, báo cáo các loại cũng đủ “sứt đầu mẻ trán”. Trong khi các xã đa phần chỉ có 1 cán bộ chính sách, nhưng phải gánh trên vai số lượng đầu việc không kém một phòng/ban. Đó là chưa kể, có nhiều đầu mối xây dựng, quản lý, theo dõi chính sách; rồi thì nguồn lực phân tán, dàn trải, có khi còn chồng chéo, chưa phân định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành... cũng vừa gây khó cho cơ sở trong triển khai và khó cả cho các cấp quản lý.

Rõ ràng là, so với 10, 20 năm trước, quan điểm và tiêu chí giảm nghèo ngày càng thay đổi theo hướng nâng cao hơn để tiệm cận các chuẩn mực mới và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, chuẩn nghèo được tiếp cận đa chiều là chủ trương hết sức đúng đắn và nhân văn. Vấn đề là quá trình triển khai ra sao và giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh như thế nào cho hợp lý, để chính sách này thực sự trở thành điểm tựa cho người nghèo và các đối tượng yếu thế vươn lên. Đồng thời, trở thành một động lực trong chiến lược phát triển nhanh - bền vững kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng an ninh khu vực miền núi nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Bài cuối: Bền vững và bao trùm!

Nhóm Phóng viên Chính trị-Xã hội


Nhóm Phóng viên Chính trị-Xã hội

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]