(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, một số doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đã chú trọng áp dụng các quy trình sản xuất, nuôi trồng nhằm tạo ra những nông sản chất lượng, an toàn. Trong đó, nhiều chủ thể sản xuất đã sử dụng tem truy xuất nguồn gốc QR Code như giải pháp hữu hiệu để chứng thực chất lượng sản phẩm và tiếp cận với thị trường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giải pháp chứng thực chất lượng sản phẩm nông sản

Những năm gần đây, một số doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đã chú trọng áp dụng các quy trình sản xuất, nuôi trồng nhằm tạo ra những nông sản chất lượng, an toàn. Trong đó, nhiều chủ thể sản xuất đã sử dụng tem truy xuất nguồn gốc QR Code như giải pháp hữu hiệu để chứng thực chất lượng sản phẩm và tiếp cận với thị trường.

Giải pháp chứng thực chất lượng sản phẩm nông sản

Nông dân xã Nga Thanh (Nga Sơn) chăm sóc dưa Kim Hoàng hậu.

Theo báo cáo của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và Thủy sản Thanh Hóa, hiện toàn tỉnh duy trì 17 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp và 120 sản phẩm OCOP của tỉnh được dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trung bình mỗi năm chi cục hỗ trợ hơn 100.000 tem tích hợp QR Code phục vụ truy xuất nguồn gốc và quảng bá sản phẩm được xác nhận cho các cơ sở. Từ việc dán tem truy xuất nguồn gốc đã giúp việc tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh trên thị trường thuận lợi hơn. Đồng thời, tem truy xuất và QR Code như tấm vé thông hành cần thiết để sản phẩm xuất hiện ở các chuỗi tiêu thụ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích, quầy thực phẩm sạch...

HTX dịch vụ tổng hợp Thọ Thanh (Thường Xuân) có 15.000m2 nhà lưới để sản xuất các loại rau, củ, quả. Với quy trình sản xuất an toàn, như: Không sử dụng thuốc trừ cỏ, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình cách ly, phòng trừ sâu bệnh với các loại thuốc sinh học, phân bón vi sinh... các sản phẩm của HTX được đánh giá có chất lượng, bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên, khi đưa sản phẩm ra thị trường, giữa “một rừng” các loại nông sản cùng loại, HTX dịch vụ tổng hợp Thọ Thanh vẫn loay hoay tìm cách khẳng định thương hiệu; nên chưa đặt chân vào những chuỗi liên kết ổn định, đầu mối tiêu thụ chủ yếu vẫn là hệ thống thương lái, các chợ truyền thống... hiệu quả kinh tế không được như kỳ vọng.

Ông Lê Văn Thượng, Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Thọ Thanh, cho biết: Hiện tại trên thị trường rất nhiều sản phẩm “tự” gắn mác nông sản sạch nên việc tiêu thụ của những sản phẩm thực sự sạch, sản xuất theo quy chuẩn ngày càng khó. Vì vậy, từ năm 2020, HTX đã đấu mối, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh để triển khai gắn mã QR cho các sản phẩm của mình. Bước đầu, phản hồi của người tiêu dùng rất tích cực. Hình ảnh, giá cả, nơi sản xuất, thông tin về các giai đoạn xuống giống, chăm bón, thời điểm cung ứng sản phẩm ra thị trường... đều được hiển thị khi check mã QR. Nhờ đó, người tiêu dùng tin tưởng, sức tiêu thụ của sản phẩm mạnh hơn, một số sản phẩm của HTX đã “chen chân” được vào các siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng thực phẩm sạch trong, ngoài huyện.

Hay như đối với cây Sâm Báo và các sản phẩm từ cây sâm báo khi chưa được cấp mã QR Code và tem truy xuất nguồn gốc vẫn thường bị lẫn lộn với nhiều sản phẩm tương tự như Sâm Bố Chính, Sâm Ngọc Linh... dẫn đến sản phẩm rượu Sâm Báo nổi tiếng của huyện Vĩnh Lộc cũng loay hoay cạnh tranh trên thị trường. Ông Đỗ Quang Dũng, chủ cơ sở rượu An Tâm, thị trấn Vĩnh Lộc, cho biết: Trước đây sản xuất nhỏ lẻ thì việc cấp mã QR không thật cần thiết nhưng khi quy mô sản xuất lên tới hàng chục nghìn lít rượu Sâm Báo mỗi năm thì việc dán tem truy xuất nguồn gốc trở thành yêu cầu bức thiết. Việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc tương tự như việc khai lý lịch cho sản phẩm. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng internet, người tiêu dùng có thể nhận diện sản phẩm cụ thể từ nơi sản xuất, đơn vị sản xuất, quy trình, thậm chí là ngày thu hoạch, hạn sử dụng và các chứng chỉ kèm theo. Hoạt động này giúp người tiêu dùng nhận biết được hàng thật, hàng giả; đồng thời, tiếp cận được với những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, từ đó tạo tâm lý yên tâm trong việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm. Ngoài ra, truy xuất nguồn gốc còn giúp cho các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp bảo vệ được thương hiệu của mình, tránh tình trạng sao chép thương hiệu, gian lận thương mại và làm tiền đề chuẩn hóa các sản phẩm khi tham gia vào các chuỗi cửa hàng siêu thị.

Có thể thấy, việc áp dụng QR Code đã giúp cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông, lâm, thủy sản kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn, bảo đảm nguồn gốc... cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, so với gần 200 sản phẩm nông nghiệp của tỉnh thì số lượng sản phẩm được cấp QR Code, tem truy xuất nguồn gốc còn hạn chế. Đồng thời, hiện nay các sản phẩm nông sản, thực phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh chủ yếu tiêu thụ ở cửa hàng tiện ích, siêu thị và rất ít bày bán ở các chợ truyền thống. Nguyên nhân được các cơ quan chuyên môn đưa ra chính là do quy mô sản xuất của các HTX, hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhỏ lẻ nên việc áp dụng quy trình kỹ thuật có liên quan đến công nghệ, kỹ thuật cao, quản lý nguồn gốc xuất xứ nông sản là rất khó. Trình độ công nghệ thông tin của nông dân hiện còn hạn chế, chi phí đầu tư thiết bị, phần mềm để nhập và liên kết các dữ liệu với nhau ban đầu cao. Cùng với đó là thói quen sử dụng, kiểm tra QR Code để tìm hiểu về sản phẩm của người dân chưa cao, chưa thường xuyên...

Bà Lê Thị Huyền Thu, Phó Chi cục Quản lý Chất lượng nông, lâm và Thủy sản Thanh Hóa, cho biết: Để đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm, cần khuyến khích các hộ sản xuất nhỏ lẻ thành lập các tổ hợp tác hay HTX; liên kết sản xuất tập thể nhiều hơn nữa nhằm dễ dàng áp dụng cách trồng trọt khoa học, an toàn... đáp ứng được yêu cầu nguyên liệu của doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói; quy định cụ thể về thông tin cần truy xuất và mức độ truy xuất để tạo tính đồng nhất của thông tin. Xây dựng website hỗ trợ cho một số đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản nhằm quảng bá thương hiệu, kết nối cung cầu hàng hóa. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân và xã hội về hoạt động truy xuất nguồn gốc, kinh doanh nông sản trên các sàn giao dịch điện tử... có như vậy hiệu quả của QR Code, tem truy xuất mới phát huy được giá trị, trở thành cầu nối giữa nhà sản xuất - người tiêu dùng và là giải pháp hữu hiệu giúp các cơ quan chức năng đấu tranh chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Bài và ảnh: Thanh Hòa


Bài và ảnh: Thanh Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]