(Baothanhhoa.vn) - Trong lịch sử thể thao Thanh Hóa đã chứng kiến không ít những câu chuyện về “chảy máu nhân tài” khi các vận động viên (VĐV) tài năng, có nhiều đóng góp cho thể thao tỉnh nhà vẫn “dứt áo” ra đi khi không tìm được tiếng nói chung, nguyên nhân một phần là chưa nhận được sự đãi ngộ xứng đáng.

Giải bài toán giữ chân tài năng thể thao: Bài 1 - Những câu chuyện về “chảy máu nhân tài” của thể thao Thanh Hóa

Trong lịch sử thể thao Thanh Hóa đã chứng kiến không ít những câu chuyện về “chảy máu nhân tài” khi các vận động viên (VĐV) tài năng, có nhiều đóng góp cho thể thao tỉnh nhà vẫn “dứt áo” ra đi khi không tìm được tiếng nói chung, nguyên nhân một phần là chưa nhận được sự đãi ngộ xứng đáng.

Giải bài toán giữ chân tài năng thể thao: Bài 1 - Những câu chuyện về “chảy máu nhân tài” của thể thao Thanh Hóa

VĐV Nguyễn Duy Tuyến của Thanh Hóa đã đầu quân cho Bắc Ninh từ năm 2019.

Tại SEA Games 31 vừa qua, hình ảnh võ sĩ Nguyễn Duy Tuyến giành HCV ở hạng cân 80 - 85 kg đối kháng môn pencak silat sau khi giành chiến thắng thuyết phục trước đối thủ người Indonesia đã đem lại khá nhiều nuối tiếc cho người hâm mộ thể thao Thanh Hóa. Bởi lẽ, tấm HCV mà võ sĩ sinh năm 1994 này giành được, tính cho đoàn Bắc Ninh, trong khi đó, bộ môn pencak silat của Thanh Hóa đã trắng tay tại SEA Games 31 - kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á được tổ chức trên sân nhà.

Giai đoạn 2019 trở về trước, Nguyễn Duy Tuyến được xem là một trong những VĐV tài năng, có nhiều đóng góp về thành tích cho bộ môn pencak silat nói riêng và thể thao Thanh Hóa nói chung. Nam võ sĩ quê thị xã Nghi Sơn này sở hữu bảng thành tích đáng nể khi 5 lần vô địch thế giới (trong đó có 3 lần liên tiếp), 3 lần vô địch SEA Games, nhiều lần vô địch châu Á. Ở đấu trường quốc gia, Nguyễn Duy Tuyến gần như không có đối thủ ở hạng cân của mình. Thành tích nói trên đã khẳng định vị trí rất quan trọng của Duy Tuyến trong bộ môn pencak silat Thanh Hóa. Tuy vậy, năm 2019, VĐV này đã không còn gắn bó với Thanh Hóa và chuyển tới thi đấu cho Bắc Ninh.

Nguyên nhân chính là do giữa VĐV này và đơn vị chủ quản là Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh không tìm được tiếng nói chung về chế độ đãi ngộ và những vấn đề khác. Là VĐV được phát hiện, đào tạo, trưởng thành và gắn bó, chắc hẳn Nguyễn Duy Tuyến không muốn ra đi khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Dù vậy, VĐV này cuối cùng cũng đã quyết định đầu quân cho Bắc Ninh. Kể từ khi về đầu quân cho đơn vị mới từ năm 2019 đến nay, Nguyễn Duy Tuyến vẫn giữ được phong độ thi đấu tốt, duy trì được thành tích tại các giải quốc tế mà điển hình nhất là tấm HCV SEA Games 31 vừa qua.

Lật lại lịch sử của thể thao Thanh Hóa, nhiều năm trước kia, bộ môn cầu mây từng chứng kiến nhiều VĐV trẻ triển vọng đã đầu quân cho Công an Nhân dân, Hà Nội. Nguyên nhân chính đó là các đơn vị nói trên có chế độ đãi ngộ tốt hơn, điều kiện tập luyện, ăn ở, sinh hoạt chất lượng hơn hẳn. Không chỉ vậy, VĐV môn cầu mây Lưu Thị Thanh dù đã nhận được đãi ngộ tốt của tỉnh Thanh Hóa như cấp đất, có biên chế, tạo điều kiện tham gia công tác huấn luyện, nhưng nữ VĐV này vẫn “dứt áo ra đi” để lại khoảng trống lớn cho bộ môn cầu mây. Bộ môn này đã từng có thời gian vắng bóng về thành tích ở đấu trường trong nước và phải xây dựng lại từ đầu.

Trong thể thao, bóng đá là một trong những môn mà nạn “chảy máu tài năng” xảy ra thường xuyên. Những vụ chuyển nhượng tốn nhiều giấy mực của báo chí liên quan đến bóng đá Thanh Hóa đã từng xảy ra khá nhiều. Điển hình nhất đó là trường hợp của Mai Tiến Thành. Cầu thủ được xem là sản phẩm tài năng của lò đào tạo bóng đá xứ Thanh này đã từng dứt áo ra đi để chơi cho Becamex Bình Dương cho dù hợp đồng đào tạo trẻ với Câu lạc bộ Halida Thanh Hóa ở thời điểm đó chưa hết. Sau Mai Tiến Thành, bóng đá Thanh Hóa cũng đã chứng kiến sự ra đi của Hoàng Đình Tùng (tới Hải Phòng), Lê Văn Thắng (tới Cần Thơ, sau đó là Hải Phòng), Lê Thanh Bình (tới Bình Định), Lê Quốc Phương (tới Sài Gòn FC)... Đây đều là những vụ “ly hương” đã để lại nhiều nuối tiếc cho người hâm mộ bóng đá tỉnh nhà, bởi các cầu thủ này đều là những “sản phẩm” có chất lượng của lò đào tạo bóng đá Thanh Hóa và quan trọng hơn là họ đều chơi tốt sau khi chuyển tới đội bóng mới. Tuy vậy, với tính chất đặc thù, việc ra đi của một cầu thủ bóng đá có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả việc cầu thủ muốn ra đi vì khoản “lót tay” tiền tỷ, mức lương cao, hấp dẫn, cũng như nguyên nhân từ việc CLB chủ quản không mặn mà giữ chân, không muốn tăng lương, thưởng cho cầu thủ...

Trong dòng chảy sôi động của thể thao chuyên nghiệp hiện nay, việc giữ chân các VĐV tài năng được xem là yếu tố sống còn đối với bất cứ bộ môn nào. Ngay từ tuyến năng khiếu, khi phát hiện ra các VĐV có tài năng, triển vọng, việc thực hiện các chế độ đãi ngộ đặc biệt, có chính sách đầu tư trọng điểm sẽ là chìa khóa để giữ chân các VĐV. Hiện nay, các trung tâm thể thao mạnh, các tỉnh, thành, đơn vị cũng liên tục tuyển sinh các VĐV năng khiếu, thậm chí không ngần ngại “chèo kéo” các VĐV đã thành danh, có đẳng cấp từ các đơn vị khác. Nếu không có những “ràng buộc” bằng những chế độ đãi ngộ tốt, chính sách giữ chân, các VĐV tài năng, xuất sắc hoàn toàn có thể “giũ áo” ra đi. Qua trao đổi từ trưởng các bộ môn thể thao thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh đều có quan điểm chung đó là, trong quá trình huấn luyện, đào tạo, bộ môn đều có đề xuất chế độ đãi ngộ đặc biệt đối với các VĐV tài năng, triển vọng, tạo điều kiện bảo đảm về đời sống, sinh hoạt, tập luyện sẽ giúp các em yên tâm gắn bó, cống hiến, gia đình các em không còn phải băn khoăn, lo lắng về tương lai cho con em mình.

Bài 2: Giữ chân các tài năng thể thao, đãi ngộ xứng đáng là nền tảng để thể thao tỉnh nhà phát triển.

Bài và ảnh: Mạnh Cường


Bài và ảnh: Mạnh Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]