(Baothanhhoa.vn) - Miền núi phía Tây Thanh Hóa là địa bàn cư trú và sinh sống lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số: Mường, Thái, Dao, Mông, Thổ, Khơ Mú. Dân ca là điệu tâm hồn, diễn tả mọi cung bậc tình cảm gắn bó giữa con người với con người, con người với tự nhiên trong cuộc sống, được đồng bào sáng tạo, sử dụng và trao truyền từ đời này đến đời khác. Lễ ca là một trong những loại hình dân ca, biểu đạt với hình thức hát, mang tính nghi lễ, phản ánh tình cảm, quan niệm về lẽ sống của mỗi cá nhân và cả cộng đồng.

Giá trị nhân văn trong dân ca nghi lễ của đồng bào miền núi Thanh Hóa

Miền núi phía Tây Thanh Hóa là địa bàn cư trú và sinh sống lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số: Mường, Thái, Dao, Mông, Thổ, Khơ Mú. Dân ca là điệu tâm hồn, diễn tả mọi cung bậc tình cảm gắn bó giữa con người với con người, con người với tự nhiên trong cuộc sống, được đồng bào sáng tạo, sử dụng và trao truyền từ đời này đến đời khác. Lễ ca là một trong những loại hình dân ca, biểu đạt với hình thức hát, mang tính nghi lễ, phản ánh tình cảm, quan niệm về lẽ sống của mỗi cá nhân và cả cộng đồng.

Giá trị nhân văn trong dân ca nghi lễ của đồng bào miền núi Thanh HóaDiễn xướng lễ ca trong lễ hội Nàng Han, mường Trịnh Vạn, huyện Thường Xuân.

Dân ca nghi lễ là các lời hát và thực hiện các hành vi nghi lễ trong đám cưới, đám tang, đám cầu cúng, chúc tụng - những lời hát này đã trở thành một bộ phận hữu cơ của các nghi lễ đó. Lễ ca của đồng bào các dân tộc là những bài hát lễ nghi phong tục trong đám cưới, đám tang, lễ cầu cúng, cấp sắc, xên bản, xên mường, làm vía kéo si...

Với quan niệm “vạn vật hữu linh”, mọi vật đều có linh hồn. Xuất phát từ quan niệm đó mà đã nảy sinh các nghi lễ thờ cúng và cũng chính là khởi nguồn của các làn điệu, khúc hát dân ca nghi lễ của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa. Dân ca nghi lễ là một loại hình diễn xướng dân gian dễ đi vào lòng người với ca từ và âm nhạc hấp dẫn. Lễ ca không phải chỉ là diễn xướng dân gian thuần túy, mà còn mang dấu ấn và phong cách của người chủ lễ. Lễ ca được thực hành với đầy đủ nghi lễ và tổ chức ở nơi trang trọng nhất trong gia đình và cộng đồng, diễn xướng theo từng chương, từng khúc theo một trình tự và bài bản nhất định. Thời gian diễn ra lễ ca dài hay ngắn tùy theo mục đích, yêu cầu của gia chủ và của cộng đồng.

Dân ca nghi lễ như sử thi Đẻ đất đẻ nước - một áng mo đồ sộ với trên 2 vạn câu đã phản ánh quan niệm của Mường - Việt cổ về tự nhiên, xã hội, con người với những quan niệm và triết lý biện chứng về vũ trụ, con người, vòng đời, lễ tục, tín ngưỡng, phương thức sản xuất của những người tối cổ buổi hồng hoang lịch sử. Người Mường sử dụng mo Đẻ đất đẻ nước trong lễ thức đưa linh hồn người chết về với mường trời và thế giới của những người khuất mặt.

Dân ca nghi lễ kết hợp giữa nghệ thuật diễn xướng dân gian mang đậm dấu ấn của người chủ lễ, là loại hình sinh hoạt văn hóa tâm linh của đồng bào miền núi tỉnh Thanh đã đạt đến đỉnh cao. Lễ ca phản ánh nhận thức của con người về thiên nhiên và ước mơ của con người về thời tiết thuận hòa, mùa màng bội thu, cuộc đời ấm êm, hạnh phúc. Dân ca nghi lễ là tiếng ca trữ tình, nồng nàn về tình yêu thiên nhiên, đất nước, bản mường, về hạnh phúc con người.

Dân ca nghi lễ với hình thức hát nói, hát ngâm, hát kể và hát chúc. Hát chúc phản ánh ước muốn mưa thuận gió hòa, nhân khang, vật thịnh, mừng xuân, vui hội. Hát nói, hát kể mang đậm chất kể, những lời giáo lý hay khuyên bảo con người trong cuộc sống. Hát ngâm mang đậm chất trữ tình, thể hiện tinh tế và lời ca có sức truyền cảm, thấm đượm chất trữ tình, dễ đi vào lòng người. Thể thơ trong dân ca nghi lễ phần lớn sử dụng câu thơ ngắn, từ ba đến bốn chữ, những câu lục bát, có khi câu ca dài đến bảy chữ hoặc dài hơn. Thể thơ trong dân ca nghi lễ là thể thơ phổ biến trong dân gian, được người diễn xướng nhớ thuộc hoặc ứng tác phù hợp với từng hoàn cảnh. Trong diễn xướng sử dụng đạo cụ như quạt giấy, kiếm, túi khót, các đạo cụ khác và âm nhạc phụ họa.

Dân ca nghi lễ phản ánh nhiều chiều cạnh của cuộc sống, gắn với lao động, sản xuất ra của cải vật chất; gắn với nghi lễ vòng đời người; lễ ca trong lễ tiết, hội hè. Nội dung lễ ca gắn với lao động sản xuất: cầu mưa, trỉa lúa, cơm mới...; cầu cho cuộc sống tốt lành: làm vía, cúng bản, cúng mường, mừng năm mới...; trong hôn nhân: lễ cúng cáo tổ tiên, bài hát xin dâu, hát đi đường, lễ vắt khăn, lễ trải chăn đệm...; lễ ca trong tang lễ: mo lên trời, mo nhắn...

Về lễ ca gắn với lao động, sản xuất ra của cải vật chất, tiêu biểu như nghi lễ cầu mưa của đồng bào Khơ Mú, cầu cho“trời mưa cho nước đầy ống, trời mưa cho đá núi kia cũng mát mẻ, cây lúa trên nương xanh tốt, hạt mẩy bụng sai...”, mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh. Mỗi khi trời hạn, để có nước làm mùa, đồng bào Thái, tổ chức lễ cầu mưa: Xin nước m­ường trời xuống làm ăn/ Làm ruộng, làm chân mạ/ Làm chân mạ Nà hon/ Làm chân đồng Nà cạn...

Với quan niệm đất đai, ruộng rẫy đều có thần linh cai quản, do vậy trong sản xuất, canh tác và thu hoạch đều gắn với lễ nghi liên quan tới các vị thần linh, cầu xin các vị thần phù hộ cho gia đình khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, gia súc đầy đàn. Trong khi cúng, chủ lễ người Thái khấn: “Thổ công ơi! Chủ ruộng tôi xin đ­ược làm đất với ông để lấy nghiệp làm ăn, nay đ­ược ông chia cho đất. Tr­ước khi cấy lúa, tôi làm mâm lễ này mời ông ăn, ăn rồi mong ông phù hộ cho chúng tôi ăn hạt gạo to bằng hạt d­a, cấy một cây đ­ược một bó lúa, cấy một sải ruộng đ­ược một gánh đầy”. Đồng bào Mường trước khi làm đất gieo mạ hay trỉa ngô, vừa cắm nêu, người chủ vừa khấn, cầu cho những cây ngô mọc lên tươi tốt: “Ta gieo xuống đất những hạt giống này/ Ta bảo chúng bay một lời/ Đêm ngủ ngày không ngơi/ Đua nhau mọc lên bời bời/ Cây to bằng cán dao/ Bẹ to bằng bẹ cau nang/ Bắp dài ba gang chín thước”...

Lễ ca gắn với nghi lễ vòng đời người diễn ra khá phổ biến. Người Mường có tục làm vía, với các hình thức: làm vía cho các cụ già, cháu nhỏ và đặc biệt là lễ ca trong tang ma. Mo tang lễ gồm có Mo lên trời và Đẻ đất đẻ nước. Tang lễ là một trong những môi trường nuôi dưỡng lễ ca và từ lễ ca toát ra những giá trị văn hóa, nghệ thuật. Lễ ca thuật lại lịch sử cộng đồng, niềm xót thương đối với người mất, mối ân tình cao như núi, dài như sông, rộng như bể của người sống đối với người đã khuất và cũng chính là những lời khuyên nhủ ân tình của người mất đối với mọi người trên nhân thế.

Trong lễ tiết, hội hè lễ ca cũng chiếm một vị trí quan trọng. Cộng đồng người Thái cư trú trên địa bàn miền núi phía Tây Thanh Hóa từ bao đời nay quan niệm vạn vật đều có linh hồn. Hàng năm sau khi thu hoạch xong, đồng bào tổ chức “Xển Ban” - cúng bản. Lễ cúng bản tổ chức vào dịp tháng 7 hoặc tháng 8 âm lịch. Mục đích của “Xển Ban” khẩn cầu cho dân bản bình an, nhân khang, vật thịnh

Người Thái Mường Trịnh Vạn hàng năm vào ngày mùng 5 tết, mở hội tri ân công đức người thiếu nữ xinh đẹp, có công đuổi giặc, giữ cho bản làng, đất nước bình yên và cầu mong Nàng Han phù hộ cho họ có cuộc sống yên vui, hạnh phúc. Cuối tháng chạp, đồng bào Thái Mường Xia thuộc xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn tổ chức lễ hội tưởng nhớ công ơn Tư Mã Hai Đào - danh tướng tài giỏi bảo vệ vùng biên viễn của quốc gia Đại Việt và có công khai sơn, phá thạch, dựng bản, lập mường.

Mặc dù còn có những hạn chế nhất định về mặt nội dung và nghệ thuật, dân ca nghi lễ vẫn là một viên ngọc quý trong di sản văn hóa dân tộc, đó là: lễ ca là tri thức tổng hợp, phản ánh nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh về thế giới tự nhiên, xã hội và con người qua quá trình hình thành và phát triển của lịch sử dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm được đúc kết và truyền lại cho các thế hệ mai sau. Lễ ca thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của đồng bào các dân tộc thiểu số hàm chứa giá trị nhân văn sâu sắc, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, thắt chặt sự cộng cư, cộng mệnh và cộng cảm, chứa chan tình yêu con người và cuộc sống.

Dân ca nghi lễ là hình thức lễ nghi linh thiêng tác động vào lòng người mạnh mẽ và sâu sắc. Lễ ca là nhu cầu tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc thiểu số, là sợi dây gắn kết cộng đồng trong quá trình lao động sản xuất và cộng cư, cộng mệnh và cộng cảm của đồng bào. Lễ ca là di sản văn hóa quý giá, có tác dụng giáo dục sâu sắc, thấm đẫm tư tưởng nhân văn, quý trọng con người và thiết tha với tình yêu cuộc sống. Di sản văn hóa đó cần được bảo tồn, chọn lọc và phát huy giá trị để phục vụ cuộc sống không chỉ trong quá khứ mà còn có tác dụng tốt cho cả ngày hôm nay và mai sau. Đây là công việc vừa cấp bách, vừa có ý nghĩa lâu dài, nhiều khó khăn, đòi hỏi các cấp, các ngành và mỗi người cần quyết tâm, tâm huyết, khẩn trương thực hiện. Có như vậy mới giữ gìn và phát huy được giá trị của dân ca nghi lễ tỉnh Thanh, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của đồng bào, phát triển du lịch và góp phần tỏa hương sắc trong vườn hoa dân ca của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Bài và ảnh: Hoàng Minh Tường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]