(Baothanhhoa.vn) - Để phát triển du lịch thông minh phải đổi mới cả tư duy và hành động, bên cạnh việc tăng cường năng lực công nghệ. Đó là yêu cầu đặt ra đối với ngành du lịch và các địa phương. Theo đó, Quyết định 1685/QĐ-TTg ngày 5-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”, đã nhấn mạnh, việc ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ thông tin (CNTT) trong phát triển du lịch thông minh là nhiệm vụ trọng tâm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển du lịch thông minh: Cơ hội cho du lịch Thanh Hóa

Để phát triển du lịch thông minh phải đổi mới cả tư duy và hành động, bên cạnh việc tăng cường năng lực công nghệ. Đó là yêu cầu đặt ra đối với ngành du lịch và các địa phương. Theo đó, Quyết định 1685/QĐ-TTg ngày 5-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”, đã nhấn mạnh, việc ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ thông tin (CNTT) trong phát triển du lịch thông minh là nhiệm vụ trọng tâm.

Phát triển du lịch thông minh: Cơ hội cho du lịch Thanh Hóa

Pù Luông Retreat được các đại lý du lịch trực tuyến nước ngoài như agoda.com, booking.com, traveloka.com... giới thiệu, quảng bá. Ảnh: Lê Dung

Du lịch tạo ra sự kết nối và tương tác, hay du lịch tạo ra sự cộng hưởng và lan tỏa, vừa là mục tiêu du lịch hướng tới, cần đạt được, vừa là giá trị du lịch mang lại. Kết nối và tương tác tốt giữa người làm du lịch (cơ quan quản lý, đơn vị thực thi, doanh nghiệp, cộng đồng...) với du khách, sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực về kinh tế và xã hội, từ đó tạo ra sự lan tỏa đến nhiều đối tượng, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Để đạt đến mục tiêu kể trên, một trong những giải pháp trọng tâm được đặt ra ở nhiều cấp và nhiều địa phương hiện nay là tranh thủ tối đa thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch thông minh.

Những tiếp cận bước đầu

Cả thế giới ngày nay được gói gọn trong 1 chiếc smartphone. Điều này không hề quá khi công nghệ đang chứng tỏ “sức mạnh vạn năng” của nó trong việc kết nối vạn vật. Nắm bắt được sức mạnh công nghệ được “tích hợp” trong chiếc điện thoại thông minh, TP Đà Nẵng đã đi trước một bước khi trở thành một trong hai thành phố đầu tiên tại Đông Nam Á ứng dụng công nghệ chatbox phục vụ khách du lịch và người dân (năm 2016). Du khách muốn tra cứu thông tin trước khi đến Đà Nẵng và tự lên kế hoạch du lịch, chỉ cần sử dụng ứng dụng “Danang Fantasticity” là có thể tìm được hầu hết các thông tin liên quan về điểm tham quan, cơ sở lưu trú, phương tiện đi lại, ẩm thực, sự kiện... Đặc biệt, chatbox này có nhiều cách sử dụng, tạo thuận lợi cho du khách trong quá trình tìm kiếm thông tin hay thực hiện các tiện ích từ ứng dụng thông minh 24/7.

Cùng với Đà Nẵng, du lịch Hà Nội cũng đang cho thấy khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ trong quản lý và phát triển du lịch. Hồi đầu năm 2018, Văn Miếu Quốc Tử Giám đưa vào khai thác hệ thống thuyết minh tự động. Khách du lịch khi đến di tích, chỉ cần một thiết bị cầm tay có cài sẵn các nội dung thuyết minh, là có thể được “hướng dẫn viên ảo” đưa đi thăm mọi điểm trong Văn Miếu. Đặc biệt, các bài thuyết minh được biên soạn bằng tám thứ tiếng là Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, nhằm hướng tới phục vụ nhiều đối tượng du khách. Cùng với khu Văn Miếu, mới đây, Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội cũng đưa phần mềm hướng dẫn tham quan Hoàng thành Thăng Long vào hoạt động. Du khách chỉ cần tải phần mềm về điện thoại thông minh, là có thể tự khám phá di sản. Sự thay đổi mới mẻ đang mang lại nhiều lợi ích tích cực trong công tác quản lý, phát huy giá trị di sản, cũng như tạo ra sức hút đối với du khách.

Theo một con số thống kê được đưa ra tại Diễn đàn du lịch trực tuyến (một sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2018), thì có tới 71% du khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2017 đã tìm hiểu thông tin điểm đến trên internet và 64% đặt chỗ, mua dịch vụ trực tuyến. Một con số khác cho thấy, tốc độ tăng trưởng của du lịch trực tuyến cao gấp hai lần tốc độ tăng trưởng chung của thương mại điện tử Việt Nam. Đây là những chỉ số minh chứng cho sự chuyển hướng trong thói quen tiêu dùng của khách du lịch; cũng là cơ sở để các nhà quản lý, các doanh nghiệp du lịch nắm bắt được nhu cầu của du khách, từ đó cung cấp những sản phẩm phù hợp.

Đối với Thanh Hóa, việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong phát triển du lịch, cũng bước đầu được chú trọng. Một ví dụ dễ thấy là các website của tỉnh, của ngành, các địa phương giàu tiềm năng và các khu, điểm du lịch, đều chú trọng quảng bá, tuyên truyền về tiềm năng, lợi thế và thành quả phát triển du lịch địa phương, đơn vị. Qua đó, tạo ra một kênh tham khảo, giúp đưa hình ảnh du lịch Thanh Hóa đi xa hơn và đến gần hơn với du khách. Bên cạnh đó, đề án truyền thông du lịch Thanh Hóa đến năm 2020 cũng được nhấn mạnh như một giải pháp cơ bản góp phần thúc đẩy du lịch phát triển, trong đó, ứng dụng công nghệ thông tin (marketing điện tử) sẽ được đặc biệt chú trọng, nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp du lịch cũng đang tham gia “sân chơi” này một cách khá chủ động. Theo đó, bên cạnh các đơn vị lữ hành, thì nhiều khách sạn, nhất là những khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao, đã tham gia vào hệ thống online của các đại lý du lịch trực tuyến nước ngoài như agoda.com, booking.com, traveloka.com... Đây là những kênh có tỷ lệ giao dịch thành công cao, nhờ vào hình thức và nội dung phong phú, cũng như việc thanh toán trực tuyến được thực hiện tương đối thuận lợi.

Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các hoạt động quản lý, khai thác, kinh doanh dịch vụ du lịch không còn là câu chuyện ở “thì tương lai”. Khi mà nhiều con số thống kê có giá trị tham khảo cao liên quan đến thương mại điện tử; nhiều tỉnh, thành trọng điểm du lịch đang cho thấy sức hút mạnh mẽ nhờ vào việc mạnh dạn đổi mới cách thức quảng bá; nhiều đơn vị đã đạt được kết quả kinh doanh hết sức khả quan nhờ áp dụng các hình thức e-marketing... thì áp dụng CNTT để phát triển du lịch đang trở thành câu chuyện của hiện tại. Đó không còn là xu thế nữa, mà đã là yêu cầu tất yếu hay một giải pháp cơ bản, có khả năng thúc đẩy sự phát triển toàn ngành du lịch. Trong “cuộc chơi” này, Thanh Hóa đang có nhiều cơ hội để tiếp cận và do đó, du lịch càng không thể đứng ngoài cuộc, nếu không muốn nói là phải tham gia tích cực hơn, mạnh mẽ hơn, bằng nhiều hình thức đa dạng gắn với nội dung phong phú, hấp dẫn hơn.

Thách thức và cơ hội

Cách làm của Đà Nẵng và Hà Nội như đã đề cập, có giá trị tham khảo rất lớn đối với Thanh Hóa. Ví như, công nghệ thuyết minh ảo, thực tế ảo hoàn toàn có thể áp dụng tại Lam Kinh và Thành Nhà Hồ. Trong thực tế, so với các khu, điểm du lịch khác của tỉnh, thì 2 trọng điểm du lịch này cũng đã có sự “bắt nhịp” khá tốt trong việc ứng dụng công nghệ trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Tuy nhiên, để có thể tạo ra sức hút mạnh mẽ đối với khách du lịch, thiết nghĩ, sẽ còn cần nhiều hơn, với các tiện ích mới, hữu dụng và thuận tiện hơn. Trong việc quảng bá du lịch thông qua các website, kể cả những trang chuyên về quảng bá du lịch như thanhhoatourism.gov.vn, svhttdl.thanhhoa.gov.vn, một trong những bất cập, hạn chế dễ thấy nhất là các trang web mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin.

Đó là chưa kể, lượng thông tin cũng chưa thật sự phong phú, hình thức chưa bắt mắt và hoàn toàn thiếu đi sự tương tác với du khách. Mặt khác, hầu hết các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có các điểm phát wifi miễn phí, do đó, chưa tạo thuận lợi giúp du khách truy cập thông tin hoặc sử dụng mạng xã hội như một công cụ quảng bá điểm đến. Ngoài ra, mức độ hiểu biết và khả năng tham gia của các doanh nghiệp du lịch vào “sân chơi” cũng chưa cao và chưa đồng đều. Nếu nhận thức rằng, ứng dụng CNTT chỉ là xây dựng một trang web quảng bá du lịch là chưa đủ. Với doanh nghiệp, việc ứng dụng này phải đi sâu và làm thay đổi căn bản cách thức quản lý, vận hành doanh nghiệp, nhằm mang lại lợi ích tối ưu.

Vì ngành kinh tế tổng hợp, có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều ngành (văn hóa, an ninh, vận tải, y tế, thương mại...); đồng thời, sản phẩm du lịch được tạo thành từ nhiều loại hình dịch vụ đơn lẻ như điểm tham quan, giải trí, mua sắm, khách sạn, nhà hàng... Cho nên, để thực hiện số hóa dữ liệu du lịch là không hề đơn giản. Như nhiều ý kiến của các chuyên gia công nghệ và du lịch đã chỉ rõ, thì để có thể số hóa dữ liệu phục vụ du lịch cần một nền tảng công nghệ mạnh và thống nhất, cũng như đòi hỏi cao về nhân lực, vật lực. Ngoài ra, việc số hóa dữ liệu du lịch không chỉ là tổng hợp và chuyển đổi các thông tin lên môi trường số; mà còn cần đổi mới mạnh mẽ trong cách thức quản lý, nhằm sử dụng hệ thống thông tin số một cách hiệu quả và hướng tới khách hàng mục tiêu.

Để phát triển du lịch thông minh phải đổi mới cả tư duy và hành động, bên cạnh việc tăng cường năng lực công nghệ. Đó là yêu cầu đặt ra đối với ngành du lịch và các địa phương. Theo đó, Quyết định 1685/QĐ-TTg ngày 5-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”, đã nhấn mạnh, việc ứng dụng công nghệ, nhất là CNTT trong phát triển du lịch thông minh là nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể là sử dụng hiệu quả nguồn lực khoa học công nghệ thông qua việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý Nhà nước về du lịch, quản lý điểm đến, quản lý doanh nghiệp, cung cấp thông tin và giá trị trải nghiệm phục vụ khách du lịch. Cùng với các chính sách “mở cửa bầu trời”, nhất là Đề án “Định hướng phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia, địa bàn trọng điểm, nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2119/QĐ-TTg ngày 28-12-2017; thì các chính sách liên quan đến quy trình, thủ tục cấp thị thực, thị thực điện tử, nhằm tạo thuận lợi về thủ tục nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế cũng được chú trọng.

Bên cạnh đó, phát triển hệ thống hạ tầng CNTT trong ngành du lịch hướng tới trình độ của khu vực và quốc tế; xây dựng hệ thống dữ liệu toàn diện và hiện đại của ngành du lịch, ứng dụng công nghệ hỗ trợ công tác dự báo, xúc tiến quảng bá du lịch; xây dựng hệ thống hạ tầng viễn thông, mạng internet không dây miễn phí tại các khu, điểm du lịch và các khách sạn, nhà hàng, trung tâm dịch vụ du lịch; hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại trong kinh doanh du lịch và phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ hỗ trợ du khách tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ du lịch dựa trên công nghệ số... cũng là những giải pháp trọng tâm, nhằm cơ cấu lại ngành du lịch. Ngoài ra, Đề án “Tổng thể ứng dụng CNTT trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030” của Tổng cục Du lịch, nhằm xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đầy đủ, khoa học về điểm đến, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch, doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên, chính sách thị thực... Đề án sau khi hoàn thiện và đưa vào thực hiện sẽ tạo ra bước tiến mới cho du lịch Việt Nam.

Đối với Thanh Hóa, để bắt nhịp xu hướng phát triển tất yếu trên, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1505/QĐ-UBND ngày 26-4-2018, phê duyệt Đề án “Phát triển một số sản phẩm CNTT mũi nhọn của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, nêu rõ mục tiêu đến năm 2020, xây dựng từ 3 đến 5 sản phẩm phần mềm thương mại điện tử, kết nối cung cầu để giới thiệu sản phẩm truyền thống, sản phẩm du lịch, tham gia lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp Thanh Hóa. Riêng với lĩnh vực du lịch, danh mục sản phẩm được triển khai trong giai đoạn 2018-2020 có tên là “Phần mềm ứng dụng CNTT phục vụ du lịch Thanh Hóa và giao cho các doanh nghiệp thực hiện. Hy vọng, với sự định hướng và mục tiêu cụ thể này, du lịch thông minh sẽ có được bước chuyển đáng kể trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên


Bài Và Ảnh: Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]