(Baothanhhoa.vn) - Có nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, thay vì để các khu du lịch, quần thể di tích lịch sử văn hóa xuống cấp, thì việc xã hội hóa, tạo cơ chế hợp tác cùng doanh nghiệp đầu tư nhằm đưa ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh phát triển bền vững là một giải pháp có tính khả thi cao. Tuy nhiên, điều quan trọng là khai thác thế nào để vừa bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa, nhưng phải phát huy được giá trị di tích trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch: Thực trạng và tiềm năng du lịch xứ Thanh

Có nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, thay vì để các khu du lịch, quần thể di tích lịch sử văn hóa xuống cấp, thì việc xã hội hóa, tạo cơ chế hợp tác cùng doanh nghiệp đầu tư nhằm đưa ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh phát triển bền vững là một giải pháp có tính khả thi cao. Tuy nhiên, điều quan trọng là khai thác thế nào để vừa bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa, nhưng phải phát huy được giá trị di tích trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch: Thực trạng và tiềm năng du lịch xứ Thanh

Vẻ đẹp hoang sơ tại Pù Luông (Bá Thước) thu hút nhiều khách du lịch.

Vấn đề khai thác tiềm năng

Thanh Hóa là tỉnh có tiềm năng lớn về du lịch, với 1.535 di tích gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa phong phú cùng các danh lam thắng cảnh kỳ thú, các làng nghề, lễ hội truyền thống... Nổi bật như Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Đền Bà Triệu, Suối cá Cẩm Lương, Vườn Quốc gia Bến En, Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông. Bên cạnh đó, còn có các “gói” sản phẩm du lịch biển, du lịch tâm linh, hành hương lễ hội... Mỗi năm Thanh Hóa có khoảng 60 lễ hội truyền thống mà nổi tiếng là lễ hội Lam Kinh, lễ hội đền Bà Triệu, lễ hội đền Nưa – Am Tiên, lễ hội Phủ Na, lễ hội cầu ngư, lễ hội Pồn Pôông... Ngoài ra, việc phát triển chuỗi du lịch sinh thái, cộng đồng tại các khu BTTN, như: Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên, rừng sến Tam Quy vẫn mới chỉ được khai thác ở một chừng mực nhất định. Để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh du lịch ở tỉnh ta dường như vẫn đang trong bước chuẩn bị, nhiều tiềm năng du lịch còn bỏ ngỏ, chưa tương xứng với lợi thế sẵn có ở mỗi địa phương, thậm chí còn có một số dự án du lịch “treo”, gây lãng phí và khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước về đầu tư...

Khu di tích lịch sử, văn hóa Hàm Rồng được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 842/QĐ-UBND ngày 19-4-2000, trên diện tích 568,7ha. Đây là một trong những dự án du lịch trọng điểm của tỉnh có nhiều hạng mục công trình với nhiều di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng và công trình văn hóa tâm linh, như: Cầu Hàm Rồng, động Tiên Sơn, động Long Quang, núi Ngọc, núi Cánh Tiên, Đền thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ tỉnh Thanh Hóa, làng cổ Đông Sơn... Thế nhưng, sau 18 năm triển khai, đến nay sự phát triển của khu du lịch này vẫn “ì ạch”. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch, nhất là việc đầu tư để trùng tu, tôn tạo, bảo vệ di tích, danh thắng còn thiếu và yếu nên chưa tạo ra được khu du lịch hoàn chỉnh. Không có điểm vui chơi giải trí, chưa xây dựng được điểm du lịch đặc thù và chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút du khách...

Ông Nguyễn Thanh Liên, Giám đốc Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, TP Thanh Hóa cho biết: Để đầu tư hoàn chỉnh theo đề án phát triển Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng thì cần đến một nguồn vốn rất lớn, trong khi nguồn ngân sách của Trung ương, của tỉnh đang rất hạn chế. Mặc dù vậy, nhiều năm qua Hàm Rồng vẫn luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và thành phố rất quan tâm mời gọi các tập đoàn kinh tế lớn nghiên cứu để đầu tư, tuy nhiên vẫn chưa có đơn vị nào mặn mà. Đầu năm 2017, ban quản lý di tích đã chủ động mời Tập đoàn T&T vào nghiên cứu đầu tư và được tỉnh Thanh Hóa đồng ý về chủ trương cho nghiên cứu đồ án Hàm Rồng – Núi Đọ và Vành đai xanh Tây Bắc thành phố, nếu không có gì thay đổi sẽ được phê duyệt trong năm 2019.

Huyện Thường Xuân được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan tươi đẹp, có nhiều danh lam, thắng cảnh còn hoang sơ, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển thành một khu du lịch sinh thái rừng quy mô lớn. Trong đó, nguồn tài nguyên có lợi thế như: Khu BTTN Xuân Liên, Khu danh thắng hồ Thủy lợi - Thủy điện Cửa Đạt, quần thể di sản cây sa mu, pơ mu ở xã Bát Mọt. Ngoài ra, Thường Xuân còn có nhiều hang động, thác nước đẹp, nhiều di tích lịch sử nổi tiếng, như: Hang Mường, hang Tình, hang Vua, thác Mù, thác trai gái, Hội thề Lũng Nhai, hòn Mài Mực, Di tích lịch sử văn hóa và danh thắng Đền thờ Cầm Bá Thước và Bà chúa Thượng ngàn (lễ hội Cửa Đặt) mỗi năm thu hút hàng chục ngàn lượt du khách đến dâng hương, tham quan và nhiều lễ hội văn hóa dân gian được phục dựng như lễ hội Nàng Han, lễ hội dâng trâu tế trời (Xớ Pha), lễ hội rước Thành Hoàng làng (xã Thọ Thanh), nhiều trò chơi, trò diễn dân gian được khôi phục... Tuy nhiên, du lịch ở Thường Xuân vẫn còn dừng ở hai chữ “tiềm năng” và chưa thực sự là điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Theo thống kê, năm 2018, có gần 90.000 lượt khách đến với Thường Xuân, nhưng chủ yếu là khách đi lễ hội đầu năm và tham quan di tích, danh thắng, trong đó chỉ có khoảng 6-7% số lượt khách lưu trú...

Ông Cầm Bá Huyến, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thường Xuân, cho biết: Để du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, năm 2016 huyện đã xây dựng và thực hiện Đề án “Phát triển du lịch huyện Thường Xuân giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”. Phấn đấu đến năm 2020 đón trên 134.000 lượt khách; năm 2025 đón 175.000 lượt khách, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 20 đến 25 tỷ đồng. Để làm được điều này, hiện nay huyện đang tập trung xây dựng quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết về phát triển du lịch để xây dựng kế hoạch đầu tư cho các dự án theo từng thời kỳ. Bên cạnh đó, có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các khu, điểm du lịch của huyện. Trước mắt, huyện tập trung quy hoạch các khu du lịch trọng điểm ở Khu BTTN Xuân Liên, lòng hồ Cửa Đạt; Khu di tích lịch sử văn hóa Hội thề Lũng Nhai; làng du lịch cộng đồng Thanh Xuân (xã Xuân Cẩm), bản Vịn (xã Bát Mọt). Quy hoạch hệ thống các di tích lịch sử văn hóa; xây dựng các tour tuyến; liên kết các khu, điểm du lịch, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, làng nghề truyền thống; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng tạo sức hút cho du khách; đào tạo nguồn nhân lực...

Trên đây chỉ là hai trong số nhiều điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh mà chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có. Theo bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, nguyên nhân chính vẫn là việc đầu tư phát triển du lịch chưa tương xứng, hạ tầng còn nhiều bất cập, cơ sở vật chất còn thiếu, chất lượng phục vụ thấp, chưa tạo được những sản phẩm du lịch có chất lượng cao. Công tác xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư trong lĩnh vực du lịch để tạo ra những điểm vui chơi, giải trí, khu du lịch sinh thái cao cấp, với những sản phẩm du lịch hấp dẫn, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch chưa được thực hiện một cách bài bản... Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu bản sắc vùng miền xứ Thanh, sức cạnh tranh còn hạn chế nên chưa thu hút khách du lịch quay trở lại nhiều lần cũng như lưu trú nhiều ngày... Đến nay, tỉnh ta chưa có chính sách ưu đãi riêng đối với du lịch nhưng trong khuôn khổ chính sách chung sẽ áp dụng linh hoạt cho từng dự án. Đặc biệt, tỉnh đã nỗ lực đổi mới các thủ tục hành chính, tạo cơ chế thông thoáng để các nhà đầu tư thấy được sự cầu thị của tỉnh đối với sự phát triển du lịch của tỉnh nhà. Một vấn đề quan trọng nữa để thu hút các nhà đầu tư đó là tỉnh sẽ cam kết thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào du lịch, nhất là các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa có tiềm năng du lịch, sản phẩm du lịch đặc thù và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch; đồng thời tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp...

Nhìn ra tỉnh bạn

Để tạo nền tảng, động lực “chắp cánh” cho du lịch phát triển, thực tiễn cho thấy, nhiều tỉnh, thành nói chung, một số địa phương trong tỉnh nói riêng đã tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật ngành du lịch; tạo cơ chế thông thoáng khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực thật sự đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại những địa bàn trọng điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng...

Điển hình như tỉnh Ninh Bình đã thu hút Công ty TNHH Xuân Trường đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào Khu Du lịch Tràng An, chùa Bái Đính. Từ một ngôi chùa cổ có giá trị về lịch sử, tâm linh, địa phương đã giao cho một đơn vị tư nhân tôn tạo và khai thác. Giờ đây, chùa Bái Đính trở thành một công trình nổi tiếng, thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm, công trình này cũng được đánh giá cao về mặt kiến trúc, tâm linh, nổi tiếng cả khu vực Đông Nam Á.

Còn tại tỉnh Bạc Liêu, UBND tỉnh này đã phê duyệt dự án đầu tư với tổng vốn 162 tỉ đồng, đồng thời ký kết hợp tác với một đơn vị tư nhân là Công ty CP đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng thực hiện khai thác khu di tích nhà Công tử Bạc Liêu. Theo dự án, sẽ kết hợp cả việc giữ gìn, tôn tạo các kiến trúc, di tích cổ trong khu Công tử Bạc Liêu, đồng thời khai thác thêm các khu vực khác của di tích nhằm vừa bảo đảm không phá vỡ nét cổ kính, vừa có thêm nhiều hạng mục mới có sức hấp dẫn du khách, như: Khu biểu diễn văn hóa nghệ thuật, thư viện cộng đồng và đặc biệt là khu trưng bày tượng sáp, tái hiện cuộc đời, nếp sống sinh hoạt của gia đình công tử Bạc Liêu..., tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 600 tỷ đồng. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn tại tỉnh Bạc Liêu, đây là một dự án bảo tồn, khai thác di tích có tính khả thi cao. Nếu được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả, sẽ giúp cho di tích trở nên đẹp hơn, sinh động hơn và thu hút khách du lịch nhiều hơn.

Từ những cách làm trên, sẽ là một kinh nghiệm quý, cách làm linh hoạt, sáng tạo mà nhiều địa phương trong tỉnh cần tham khảo trong việc bảo tồn khai thác di tích và du lịch.

Bài và ảnh: Xuân Minh

Bài 2: Bài học thực tiễn trong phát triển du lịch tại Thanh Hóa.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]