(Baothanhhoa.vn) - Theo ước tính của Sở Công Thương Thanh Hóa, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa 9 tháng ước đạt 4,5 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ và bằng 79,5% kế hoạch năm 2022.

Xuất khẩu tỉnh Thanh Hóa năm 2022: Tăng trưởng ấn tượng nhờ tập trung nguồn lực, tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới

Theo ước tính của Sở Công Thương Thanh Hóa, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa 9 tháng ước đạt 4,5 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ và bằng 79,5% kế hoạch năm 2022.

Xuất khẩu tỉnh Thanh Hóa năm 2022: Tăng trưởng ấn tượng nhờ tập trung nguồn lực, tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mớiCông nhân Nhà máy may Ny Hoa Việt (tại xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc) trong ca sản xuất. Ảnh: Thu Hòa

Trong bối cảnh dịch COVID-19, thực hiện mục tiêu xuất khẩu năm 2022 của cả nước gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê từ Bộ Công Thương, xuất khẩu hàng hóa đã có dấu hiệu phục hồi với kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đạt gần 560 tỷ USD, nếu giữ được đà tăng như hiện nay, khả năng kim ngạch xuất nhập khẩu của năm 2022 có thể đạt trên 750 tỷ USD.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, từ nay đến cuối năm xuất nhập khẩu hàng hóa sẽ tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức: lạm phát gia tăng ở nhiều khu vực thị trường, nguy cơ suy thoái kinh tế có nhiều bất định, nhất là tại EU, Mỹ và Trung Quốc là những thị trường xuất khẩu lớn, quan trọng với Việt Nam. Xung đột giữa Nga – Ukraine ngày càng leo thang và khó đoán định dẫn đến khủng hoảng năng lượng, lương thực kéo dài, đe dọa đến tính bền vững của thu nhập khả dụng của người tiêu dùng ở các nước phát triển, tạo áp lực và nguy cơ mức tiêu dùng hàng nhập khẩu từ Việt Nam khó duy trì như những tháng đầu năm. Thực tế có nhiều dự báo không mấy lạc quan về đơn hàng xuất khẩu những tháng cuối năm sẽ có nhiều khả năng sụt giảm do các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản,... thắt chặt chi tiêu trước áp lực lạm phát.

Tỉnh Thanh Hóa bước vào thực hiện nhiệm vụ xuất khẩu năm 2022 trong điều kiện chịu nhiều tác động do dịch bệnh COVID-19, bất ổn chính trị - thương mại quốc tế và xu hướng bất lợi của giá cả nguyên, nhiên liệu “đầu vào”. Tuy nhiên, nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt các văn bản chỉ đạo, điều hành và các giải pháp của Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Thanh Hóa về phát triển kinh tế - xã hội, phát triển lĩnh vực công thương linh hoạt theo từng thời điểm, đặc biệt là nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp nên trong 9 tháng năm 2022, ngành công thương Thanh Hóa vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng liên tục, đạt kế hoạch đề ra.

Cùng với đó, việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 21-3-2022 của UBND tỉnh về kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa; Nghị quyết 248/2022/NQ-HĐND ngày 13-7-2022 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đã “tiếp sức” cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa 9 tháng ước đạt 4,5 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ và bằng 79,5% kế hoạch năm. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực, linh hoạt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh, xung đột chính trị và khủng hoảng năng lượng, lạm phát đã xảy ra ở nhiều cường quốc lớn... Dự kiến xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2022 ước đạt 6,1 tỷ USD, tăng 7% so với kế hoạch đặt ra và tăng 10,9% so với thực hiện năm 2021. Nhóm hàng công nghiệp chế biến và chế tạo vẫn là điểm sáng trong xuất khẩu của tỉnh. Đây cũng là nhóm hàng chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh. Riêng lĩnh vực dệt may, giày dép kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 60% trong tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh, hiện có đến trên 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực này có sản lượng xuất khẩu tăng từ 20% đến 25%, đây là tín hiệu tốt cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa những tháng cuối năm.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, Việt Nam đã và đang thực hiện 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các khu vực, đối tác trên thế giới. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp trong nước nói chung và doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa mở rộng thị trường, khai thác các ưu đãi, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trong hoạt động xuất, nhập khẩu. Đặc biệt trong thời gian 3 năm trở lại đây, Việt Nam đã tham gia vào nhiều FTA thế hệ mới với quy mô lớn trên thế giới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... giúp mở ra cánh cửa vào các thị trường rộng lớn chưa từng có cho hàng hóa của Việt Nam, tạo cơ hội quý giá cho xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh khó khăn.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã và đang tận dụng có hiệu quả các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để khai thác, mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu. 9 tháng năm 2022, Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Thanh Hóa thừa ủy quyền của Bộ Công Thương đã cấp được gần 37.000 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để nhận ưu đãi thuế cho hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường thuộc các hiệp định thương mại tự do, đứng đầu là các nước thuộc Hiệp định EVFTA 12.021 bộ, tiếp đến là các nước thuộc Hiệp định CPTPP 4.148 bộ, các nước thuộc khối ASEAN 4.110 bộ, thị trường Trung Quốc 3.152 bộ,...

Số lượng doanh nghiệp xuất khẩu sang các nước Việt Nam có ký FTA có những bước tăng trưởng mạnh, nhất là các nước thành viên CPTPP, EVFTA, UKVFTA. Hiện nay, toàn tỉnh có 61 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường CPTPP, 52 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EVFTA, 5 doanh nghiệp xuất khẩu sang các nước thành viên UKVFTA. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường thành viên CPTPP là 1,91 tỷ USD, sang thị trường thành viên EVFTA là 1,64 tỷ USD, sang thị trường thành viên UKVFTA là 0,33 tỷ USD.

Tuy nhiên, Việt Nam thực hiện các FTA trong vị thế là thành viên có trình độ phát triển thấp hơn so với đa số các nước thành viên khác, vì vậy, các địa phương trong cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng chịu sức ép mở cửa thị trường trong các lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về các hàng rào kỹ thuật thương mại, như: quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn; yêu cầu về an toàn, chất lượng; yêu cầu về ghi nhãn, thông tin tiêu dùng; các thủ tục đăng ký nhập khẩu; các thủ tục kiểm tra, chứng nhận phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn... nhất là đối với lĩnh vực dệt may và nông sản, thủy sản.

Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khá lớn, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Tính chủ động của các doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế chưa cao. Chất lượng nông sản, thủy sản chưa bảo đảm nên năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế thấp. Công tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp chưa được triển khai trên diện rộng. Đặc biệt, các nhóm ngành thế mạnh như dệt may, da giày dự kiến có thể đạt mục tiêu xuất khẩu sớm hơn dự kiến và từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp trong ngành này có thể lấy lại được tốc độ tăng trưởng như trước khi có dịch.

Các chuyên gia cũng khẳng định, nhu cầu tăng cao vào dịp mua sắm cuối năm là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu một số mặt hàng tỉnh ta có thế mạnh như: dệt may, da giày, hoa quả đóng hộp, chế biến thủy, hải sản... Do đó, các doanh nghiệp trong tỉnh cần tận dụng cơ hội của thị trường trong vài tháng cuối năm để bù đắp hao hụt về xuất khẩu trong khoảng thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch. Khai thác triệt để cơ hội xuất khẩu vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động đàm phán để xúc tiến thương mại đến các thị trường còn dư địa phát triển.

Phạm Bá Oai

Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]