(Baothanhhoa.vn) - Người ta vẫn nói “Nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ”. Nhận định ấy đúng nhưng chưa hoàn toàn đủ, bởi, điểm tựa của những nạn nhân da cam (NNDC) lại là những người vợ, người mẹ... vẫn âm thầm, lặng lẽ gánh vác những nỗi đau cả về vật chất lẫn tinh thần. Với họ sự cảm thông, sẻ chia của gia đình, cộng đồng là động lực để giúp họ vững tin hơn trên chặng đường phía trước.

Nhân ngày vì nạn nhân chất độc da cam (10-8): Nạn nhân da cam - cần nhiều hơn nữa những điểm tựa vững chắc

Người ta vẫn nói “Nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ”. Nhận định ấy đúng nhưng chưa hoàn toàn đủ, bởi, điểm tựa của những nạn nhân da cam (NNDC) lại là những người vợ, người mẹ... vẫn âm thầm, lặng lẽ gánh vác những nỗi đau cả về vật chất lẫn tinh thần. Với họ sự cảm thông, sẻ chia của gia đình, cộng đồng là động lực để giúp họ vững tin hơn trên chặng đường phía trước.

Nhân ngày vì nạn nhân chất độc da cam (10-8): Nạn nhân da cam - cần nhiều hơn nữa những điểm tựa vững chắcĐại diện lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao quà cho các thương binh, bệnh binh và nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Hoằng Hóa.

Những vết thương “không chảy máu”

Thật khó đong đếm hết nỗi đau của những người cha, người mẹ khi phải chứng kiến con cái của mình sinh ra với hình hài, trí óc không trọn vẹn. Tuy vậy, vượt lên nỗi đau đó, những người thân của nhiều NNDC đã không quản ngại khó khăn, vất vả, trở thành điểm tựa cho các nạn nhân. Bao nhiêu năm được làm mẹ là bấy nhiêu năm bà Mai Thị Trí, xã Phú Nhuận (Như Thanh) phải độc thoại một mình. Bởi, con trai độc nhất của bà là anh Trần Văn Cường bị di chứng chất độc da cam (CĐDC) câm, điếc, ngồi im như một khúc gỗ hơn 40 năm khiến viên gạch nơi anh ngồi đã trở nên nhẵn bóng. Nỗi đau của bà Trí không chỉ dừng lại nơi anh Cường mà bà còn phải chăm sóc cho cô em gái ngây ngô không tìm được hạnh phúc nên phải về ở cùng. Chồng của bà Trí sau khi thấy con bị dị tật thì bỏ đi biệt tăm, chưa một lần quay lại xem vợ con sống, chết ra sao... Hơn 40 năm mòn mỏi trong căn nhà hưu quạnh, bà Trí vừa làm cha, làm mẹ, làm y tá, làm trụ cột gia đình. Trong tâm niệm, bà Trí cũng chỉ cầu mong mình có sức khỏe để mãi bên cạnh chăm sóc đứa con trai thiệt thòi và đứa em gái tội nghiệp.

Từng là thanh niên xung phong có mặt ở những cung đường ác liệt nhất của tỉnh Quảng Bình - Đường 20 Quyết Thắng và may mắn lành lặn trở về quê hương, bà Hoàng Thị Gấm, phường Đông Hương (TP Thanh Hóa) đã nên duyên vợ chồng với ông Nguyễn Đình Xanh, cũng từng là người lính tham gia chiến đấu ở miền Đông Nam bộ (các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương) - nơi Mỹ rải chất độc hóa học mật độ dày đặc. Ông bà bị nhiễm CĐDC từ năm nào không rõ, 4 người con kháu khỉnh, bụ bẫm lần lượt ra đời trong niềm vui sướng của cả gia đình. Niềm vui và hạnh phúc của ông bà không được bao lâu, khi các con lên 5, 6 tuổi thì bắt đầu phát bệnh, trong đó có 2 người bị liệt toàn thân, nằm bất động tại chỗ, 1 người thiểu năng trí tuệ và một người đã mất do di chứng chất độc hóa học. Thương các con, hai vợ chồng ông phải lao động cật lực để kiếm tiền trang trải cuộc sống hàng ngày và chữa bệnh cho những “núm ruột” của mình. Các thứ có giá trị trong nhà lần lượt phải bán để đưa các con đi chữa bệnh ở nhiều nơi nhưng tiền, của ngày càng cạn, còn bệnh tật của các con không thuyên giảm. Vì quá thương các con, luôn sống trong nỗi đau về thể xác, dày vò về tinh thần mà ông Nguyễn Đình Xanh sinh bệnh rồi mất, để lại người vợ với nỗi đau chồng chất. Vượt lên bi kịch cuộc đời, bà Gấm đã tự động viên mình phải sống, làm việc để nuôi các con. Bởi với bà, một ngày được nhìn thấy con trên đời là hạnh phúc. Cứ thế hơn 45 năm qua là những chuỗi ngày, đêm dài đằng đẵng để nâng đỡ, vệ sinh, bón từng thìa cháo cho 2 con bị liệt.

Còn tình duyên đến với cặp đôi chiến sĩ Đỗ Khánh Hòa - Bùi Thị Nhuần ở tiểu khu 5, thị trấn Hà Trung, huyện Hà Trung đều là chiến sĩ quân giải phóng từng tham gia ở chiến trường Quảng Trị và miền Đông Nam bộ. Gia đình ông bà sinh được 3 người con đều bị nhiễm CĐDC. Hơn 30 năm qua, ông bà vừa phải chống chọi với bệnh tật, vừa phải nâng đỡ, vệ sinh, bón cháo, bón cơm cho 3 người con tật nguyền. Khổ là vậy nhưng ông bà luôn động viên nhau, vượt lên bi kịch của gia đình, vừa kinh doanh lấy tiền mua thuốc cho các con, vừa tham gia công tác xã hội. Tuy khổ cả thể xác và tinh thần nhưng ông bà không tuyệt vọng, không đầu hàng số phận. Mỗi ngày qua đi, chỉ mong các con được sống trên đời dù là thêm một ngày, một tháng, một năm cũng là niềm an ủi.

Trên đây chỉ là một vài thân phận trong hàng nghìn cảnh đời bất hạnh vẫn đang hàng ngày sống và giành giật sự sống cho những đứa con không lành lặn do CĐDC. Cuộc chiến ấy có thể kéo dài 10, 20, 30 năm... thậm chí là cả đời người. Nhưng, họ cũng là minh chứng sống động cho một chân lý rằng, tình yêu của cha mẹ dành cho con cái không thể nào đong đếm. Và sự quan tâm, sẻ chia từ cộng đồng sẽ tiếp thêm động lực, niềm tin để họ tiếp tục vượt qua nỗi đau da cam.

Trách nhiệm không của riêng ai

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng những vết thương “không chảy máu” vẫn dai dẳng, âm ỉ dưới cái tên “nỗi đau da cam”. Chỉ có đất nước nào trải qua chiến tranh mới thấu hiểu sự mất mát và cũng chỉ có gia đình nào có vợ chồng, con cháu, người thân bị ảnh hưởng của CĐDC mới thấm thía được nỗi đau khổ và sự thiệt thòi to lớn đó. Bằng tình cảm, trách nhiệm và lòng biết ơn sâu sắc, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị cùng nhiều tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Hiện nay, đã có trên 200 nhà tình nghĩa được xây dựng cho nạn nhân; trên 100 hộ NNDC được vay vốn không phải trả lãi, để phát triển kinh tế hộ. Trên 500 con, cháu NNDC được khuyến học, khuyến tài; trên 200 NNDC được đi điều dưỡng ở làng Hữu Nghị của Hội Cựu chiến binh Việt Nam; trên 400 NNDC được cấp xe lăn, xe lắc, xe bại não; 10.000 lượt NNDC được thăm, tặng quà từ nguồn vận động quỹ hội; trên 2.000 NNDC được Bệnh viện 103 khám và cấp thuốc miễn phí; Hội Chữ thập đỏ tỉnh với phong trào “Tết vì người nghèo, vì NNDC” đã xây dựng hàng trăm căn nhà tình thương cho NNDC; tặng 900 con bò sinh sản; tặng quà cho trên 41.550 lượt NNDC...

Với những việc làm thiết thực, ý nghĩa, trong những năm qua, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh làm tốt vai trò là cầu nối, mang yêu thương, tình nhân ái của cộng đồng đến với những NNDC. Từ đầu năm đến nay, Thanh Hóa đã đón nhận được 23.740 suất quà và trên 7,5 tỷ đồng. Trong đó, quà của Chủ tịch nước là 8.380 suất cho 100% NNDC là đối tượng trực tiếp (mỗi suất 300.000 đồng); UBND tỉnh tặng 8.380 suất quà cho 100% nạn nhân là đối tượng trực tiếp (mỗi suất 300.000 đồng); các cấp huyện, thị xã, thành phố 1.661 suất quà; cấp xã, phường, thị trấn 3.941 suất quà; các nhà tài trợ 820 triệu đồng...

Bên cạnh đó, hằng năm Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh, các NNDC cũng nhận được sự giúp đỡ thiết thực, hiệu quả của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Báo Nhân dân và các nhà tài trợ phía Nam, Trung ương Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam, Tạp chí Da cam, Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Cựu chiến binh, Viễn thông Thanh Hóa, Công ty Xây lắp Điện lực Thanh Hóa, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển tại Thanh Hóa, Hội Khuyến học, Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa, Công ty CP Bia Thanh Hóa, Công ty Xi măng Bỉm Sơn, Tổ chức FAAOD Cộng hòa Pháp, Công ty Vật tư y tế Thanh Hóa, Hội Doanh nhân Thanh Hóa và các tổ chức kinh tế, các nhà hảo tâm đã ủng hộ NNDC làm nhà tình nghĩa, tặng quà, tặng xe lăn, xe lắc, mổ mắt cho NNDC... Với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự chung tay của cả cộng đồng xã hội, đời sống của các NNDC trên địa bàn tỉnh đang từng bước được cải thiện. Đến nay, 100% hộ NNDC thuộc đối tượng người có công đều có nhà ở kiên cố, không còn nhà ở tranh tre dột nát. Toàn tỉnh có hơn 750 hộ NNDC đã vượt lên nỗi đau bệnh tật, tập trung phát triển kinh tế hộ gia đình, có nguồn thu nhập ổn định. Trong đó, nhiều NNDC là điển hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Năm tháng sẽ qua đi, thời gian có thể xóa nhòa vết tích chiến tranh, nhưng các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mãi về sau sẽ không bao giờ quên được những năm tháng hào hùng chống Mỹ cứu nước. Cũng không thể nào quên về sự hy sinh của hàng triệu đồng bào, đồng chí và trong đời sống thường nhật, sau 45 năm đất nước được thống nhất, vẫn còn hàng vạn người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị CĐDC do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đang hàng ngày, hàng giờ phải chịu nỗi đau da cam xuyên thế hệ, rất cần sự đồng cảm và chia sẻ... Nỗi đau CĐDC không phải của riêng ai. Đó là nỗi đau của cả dân tộc. Bởi vậy, công tác chăm sóc NNDC và gia đình nạn nhân là trách nhiệm, lương tâm của mỗi người và của cả cộng đồng. Để qua đó, những NNDC có được điểm tựa vững chắc tiếp tục cố gắng, vươn lên trong cuộc sống.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]