(Baothanhhoa.vn) - Trong đời sống hằng ngày cũng như đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Mông, bếp lửa như một dạng quyền năng thần bí. Ở đó, những đứa trẻ lớn lên trong mùi khói. Dưới ánh lửa bập bùng, con trai học bố rèn dao, đan gùi; con gái xem mẹ dệt áo, thêu hoa. Bếp lửa cũng vì thế mà chứng kiến những hỷ nộ ái ố của đời người, có những hân hoan trong ngất ngây men rượu, cũng có cả những ưu tư giấu riêng cho mỗi phận người. Dưới lớp tro tàn, lửa có lúc bùng lên, có lúc âm ỉ nhưng không bao giờ tắt... như mỗi gia đình dù trải qua bao thử thách, khó khăn vẫn chuyên tâm ủ ấm.

“Lửa đỏ” nơi bản Mông

Trong đời sống hằng ngày cũng như đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Mông, bếp lửa như một dạng quyền năng thần bí. Ở đó, những đứa trẻ lớn lên trong mùi khói. Dưới ánh lửa bập bùng, con trai học bố rèn dao, đan gùi; con gái xem mẹ dệt áo, thêu hoa. Bếp lửa cũng vì thế mà chứng kiến những hỷ nộ ái ố của đời người, có những hân hoan trong ngất ngây men rượu, cũng có cả những ưu tư giấu riêng cho mỗi phận người. Dưới lớp tro tàn, lửa có lúc bùng lên, có lúc âm ỉ nhưng không bao giờ tắt... như mỗi gia đình dù trải qua bao thử thách, khó khăn vẫn chuyên tâm ủ ấm.

“Lửa đỏ” nơi bản MôngBên bếp lửa - nơi những thế hệ người Mông lớn lên.

Chuyện xưa bên bếp lửa

Những ngày thành phố chuyển mùa, ngọn gió se lạnh lướt qua vai, êm ái đẩy tôi ngược ngàn - nơi có cổng trời, lều nương và những con suối chảy từ trong bụng núi. Tôi nhớ rừng, nhớ núi, nhớ ánh lửa bập bùng trong căn nhà tường trình. Ánh lửa tỏa sáng, sưởi ấm, mang hơi thở về sự tồn sinh của con người nơi đây. Mùa đông ở vùng cao khắc nghiệt, nhiệt độ ban ngày có hôm chỉ 2-3 độ, cóng buốt tay chân. Đêm xuống, mưa phùn rả rích, cái rét càng đậm. Vào một ngày như thế, chúng tôi và gia đình anh Lâu Văn Phía, Bí thư Huyện đoàn Mường Lát đã ngồi bên nhau. Tôi biết anh Phía đã lâu, lần nào lên Mường Lát anh em cũng gặp gỡ, chuyện trò, nhưng tuyệt nhiên chưa lần nào anh nhắc đến nơi ăn, chốn ở của mình. Lần này quý lắm anh mới mời chúng tôi về nhà. Bố anh - ông Lâu Văn Chá đón chúng tôi bằng nụ cười thân thiện và một hai mời rằng đã về bản thì ở lại một đêm, dùng cơm với gia đình một bữa...

Tôi khẽ chột dạ, bởi trong hiểu biết hạn hẹp của mình, những năm trước nhiều người Mông xuống chợ là “không say không về”. Cũng vì say rượu mà nhiều người đàn ông khật khưỡng đi về, gà gật, thậm chí nằm vật bên lề đường ngủ mê mệt. Cực nhất là các bà vợ phải ngồi đó, lấy ô che để chồng không bị cảm. Mình là khách chả nhẽ lại không say. Nhưng không, hôm ấy chẳng ai say cả. Ông Chá bảo, dân bản giờ không uống rượu nhiều như xưa nữa rồi, xuống chợ gặp nhau người ta không lấy lượng rượu “đổ” vào dạ dày làm “thước đo” tình cảm. Bên đường lên vai núi không còn cảnh chàng trai Mông nằm bên đường trong tình trạng say xỉn, quần áo bê bết bùn đất, hoặc chân đi chữ chi “húc” đầu vào núi. Mình gặp nhau uống chút ít cho má thêm hồng, cho buổi chuyện trò thêm nồng ấm, chứ còn giữ sức, còn dành thời gian lo việc trên nương, việc ở nhà. Xới bát cơm gạo mới mang đủ đầy hương vị đồng đất, gắp miếng thịt gà, nhấp chén rượu ủ men lá giữ lễ để thưởng thức phong vị ẩm thực của người bản mà ấm lòng.

“Lửa đỏ” nơi bản MôngÔng Lâu Văn Chá trò chuyện cùng các con, cháu bên bếp lửa.

Ngoài 70 tuổi, nhưng da dẻ ông Chá hồng hào, giọng nói hào sảng, vang như thác lũ. Mặc cho cơn gió mang theo hơi lạnh từ con suối trong rừng sâu về. Mặc cho những hạt sương đêm rơi xuống từng giọt, từng giọt trên mái nhà..., bên bếp lửa hồng tỏa hơi ấm khắp không gian, cả chủ lẫn khách lúc rầm rì, lúc hào hứng với chuyện nhà, chuyện bản, chuyện xưa, chuyện nay. Ông kể về phận mồ côi của mình, về nỗi thống khổ thời trai trẻ, về niềm tự hào khi là anh bộ đội chiến đấu bảo vệ quê hương, bản quán và niềm hạnh phúc vỡ òa khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Và cả hành trình đấu tranh với các cụ trên nóc nhà Pha Đén để “hạ sơn” thành lập bản Pù Toong cùng những thanh niên tiên tiến lúc bấy giờ.

Năm 1970, khi ấy 18 tuổi, ông Lâu Văn Chá lên đường nhập ngũ, người nhỏ thó, cân nặng cả quần áo chỉ 39 kg. Cả bản Pha Đén vui lắm bởi bao năm bản Mông này chưa có ai đi bộ đội. 3 năm phục vụ trong quân đội, năm 1973, ông xuất ngũ. Trở về quê hương, ông làm Bản Đội trưởng, Phó Bí thư rồi làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Pù Nhi. Đầu những năm 2000, nhân chuyến tham quan ở Mộc Châu (Sơn La), thấy có cây mận quả giòn, ngọt, ông quan sát khí hậu thổ nhưỡng vùng này xem ra khá tương đồng với bản mình. Thế là ông mua ít giống về trồng, rồi nhân giống cho cả bản. Nay Pù Toong có cả ngàn gốc mận, đến vụ thương lái lại tấp nập vào mua mang về thành phố bán lẻ.

Và cũng từ những nương ngô, gốc mận ấy, ông Chá đã nuôi 8 người con ăn học. Có thời điểm cùng lúc 3, 4 người con cùng học đại học, không lo đủ tiền cho các con ăn học ông phải vay mượn, bán trâu bò... Có nhiều người nói rằng cố cho con cái học cao để làm gì, nhưng ông vẫn quyết tâm chắt chiu làm thêm kiếm từng đồng. Bữa cơm đạm bạc hàng ngày chỉ có bát rau rừng, nhưng vợ chồng ông vẫn cảm thấy vui và hạnh phúc. Mỗi khi nhớ các con, vợ chồng ông lại ngồi bên bếp lửa nói về các con, về những khó khăn đã và đang phải trải qua, rồi ngắm nhìn những thành tích, những kỷ vật của các con treo lên tường...

Thắp sáng tương lai từ con chữ

Với các con ông - ngày hôm nay, khi họ đã là Phó trưởng Phòng Dân tộc UBND huyện, sĩ quan Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Bí thư Huyện đoàn, cán bộ BQL Dự án Đầu tư, xây dựng của huyện Mường Lát, thì họ vẫn ngưỡng mộ và đầy tự hào khi nói về bố - người đã dạy cho họ những bài học giá trị nhất về cuộc đời, mà bài học đầu tiên đó là không bao giờ được từ bỏ việc học. “Người đẻ chứ đất không đẻ, ruộng nương rồi cũng dần thu hẹp nhưng cái chữ thì không bao giờ thừa. Các con phải cố gắng kiếm cái chữ, học để dạy mình, dạy con”, ông luôn nói với các con mình như thế.

“Lửa đỏ” nơi bản MôngAnh Lâu Văn Phía đang từng ngày thực hiện ước mơ xây dựng cuộc sống mới trên quê hương mình.

“Từ khi còn là một đứa trẻ, mình đã hiểu rằng nếu không đi học, thì sẽ giống như những người Mông khác, ngày ngày đi rừng, làm ruộng, mà dù chăm chỉ cần mẫn thế nào cũng khó mà ngẩng đầu lên. Chẳng có tương lai nào ở đó cả", anh Phía lúc này mới chậm rãi kể câu chuyện vì sao với anh đi học là lựa chọn không thể khác. Hành trình đến với con chữ của anh em Phía giống như câu chuyện cổ tích.

Là người con trai thứ, mỗi khi về thăm nhà, anh Phía luôn được người cha dặn dò và luôn nhắc nhở phải cố gắng phấn đấu làm tốt công tác, giữ đoàn kết với đồng nghiệp, học tập các anh chị làm người có ích cho xã hội... Không phụ sự kỳ vọng của bố mẹ, anh chị em, anh Phía say sưa với những dự án vì cộng đồng. Được biết, Dự án “Cùng nhau nuôi em Mường Lát” đã được anh và những bạn trẻ thực hiện rất hiệu quả, giúp hơn 800 trẻ em vùng cao có bữa ăn bán trú đầy đủ dinh dưỡng, con đường đến trường của các em cũng vì thế mà ngắn hơn, bớt cực nhọc hơn.

Anh Phía nói: “Mình sẽ cố gắng bắt đầu từ những bữa cơm bán trú, chiếc áo ấm khi mùa đông về. Có học vấn, trí tuệ, các em sẽ tự sắp xếp cho tương lai của bản thân. Và chúng sẽ tìm cách thay đổi gia đình chúng, thay đổi những hủ tục, thay đổi cuộc sống của người Mông. Bạn bè mình cũng có nhiều người mang trong mình giấc mơ đó. Nên mình hy vọng rồi một ngày, sẽ khác”.

Anh Phía đang có ý định thành lập một dự án kết nối nông sản vùng cao, nơi các bà mẹ người Mông có thể bán những sản phẩm do chính họ làm ra với người miền xuôi. Ngoài giá trị kinh tế, những người phụ nữ sẽ được mở mang đầu óc, giao lưu với thế giới bên ngoài sau cả một đời chỉ loanh quanh với đồng lúa và góc nhà.

Bên bếp lửa ấm vẫn không đủ xua tan cái giá lạnh ở vùng cao, nhưng câu chuyện của bố con ông Lâu Văn Chá cứ dài mãi, không dứt. Nhìn quanh một vòng, tôi thấy trên vách nhà hình con chim đang vỗ cánh bay lên cổng trời thênh thang, chợt nghĩ ở đâu có yêu thương, có đùm bọc, thì ở đó có sức mạnh vươn lên bền bỉ. Ở đâu có niềm tin, có ý chí, thì ở đó đất sẽ nở hoa.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]