(Baothanhhoa.vn) - Từ tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhiều hội viên hội nông dân, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) tỉnh Thanh Hóa đã và đang tận dụng tiềm năng, thế mạnh ở địa phương để vươn lên làm giàu cho gia đình, đồng thời đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương.

Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Phát huy vai trò của hội nông dân, đoàn thanh niên trong khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp khu vực miền núi

Từ tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhiều hội viên hội nông dân, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) tỉnh Thanh Hóa đã và đang tận dụng tiềm năng, thế mạnh ở địa phương để vươn lên làm giàu cho gia đình, đồng thời đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương.

Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Phát huy vai trò của hội nông dân, đoàn thanh niên trong khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp khu vực miền núiLãnh đạo Hội Nông dân tỉnh và huyện Lang Chánh thăm mô hình chăn nuôi dê thương phẩm của gia đình anh Lê Văn Trưởng, thôn Chiềng Khạt, xã Đồng Lương. Ảnh: N.H

Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giảm nghèo bền vững

Theo chân cán bộ Hội Nông dân tỉnh và huyện Lang Chánh, chúng tôi đến thăm gia đình anh Lê Văn Trưởng, dân tộc Mường ở thôn Chiềng Khạt, xã Đồng Lương. Gia đình anh Lê Văn Trưởng là hộ tiêu biểu trong phát triển chăn nuôi dê thương phẩm, dê giống. Hiện nay, đàn dê của gia đình anh Trưởng có gần 150 con. Khu chuồng trại chăn nuôi dê được quy hoạch hợp lý. Nguồn thức ăn cho dê được gia đình tận dụng từ phụ phẩm như cây ngô, lá xoan, cỏ voi... Nhờ sự chăm sóc cẩn thận, đúng kỹ thuật và nguồn thức ăn dồi dào, đàn dê của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt, đem lại thu nhập cao cho gia đình. Mỗi năm gia đình anh cung cấp từ 5 - 6 tấn dê thương phẩm cho thị trường trong và ngoài huyện, với giá từ 130 - 150.000 đồng/kg.

Nếu như gia đình anh Trưởng là hộ tiêu biểu trong chăn nuôi thì gia đình anh Phạm Văn Hùng, thôn Cốc Mốc, xã Đồng Lương là hộ đi đầu trong phát triển cây ăn quả ở địa phương. Hiện nay, gia đình anh Hùng trồng hơn 4 ha cây ăn quả gồm các loại cam, bưởi, riêng cam mỗi năm cho thu hoạch hơn 2 tấn. Không chỉ đem lại nguồn thu nhập cho gia đình mà trang trại của gia đình anh Hùng còn tạo việc làm thường xuyên và lao động thời vụ cho bà con địa phương.

Ông Lê Hồng Chuyên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lang Chánh cho biết: Hiện nay hội viên Hội Nông dân toàn huyện có 8.320 người, chiếm 88,32% số hộ làm nông nghiệp, nông thôn. Trên địa bàn huyện đã có nhiều tấm gương nông dân vượt qua khó khăn phát huy lợi thế của địa phương, khai thác mọi tiềm năng đất đai, lao động, tiền vốn để phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả, trở thành những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Lang Chánh đã tác động tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh thâm canh, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương; từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa đặc trưng theo tiêu chuẩn VietGAP. Điển hình trong phong trào là các đơn vị như thị trấn Lang Chánh, xã Trí Nang, Yên Thắng và Đồng Lương. Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào địa phương mình như: hộ gia đình ông Hà Văn Dũng ở xã Giao An trồng cau; mô hình vườn cây ăn quả, chanh leo của hộ ông Vi Hồng Nghị, hộ bà Lương Thị Thuận ở xã Tân Phúc; chăn nuôi bò và trồng rừng của hộ gia đình ông Hà Văn Cảnh ở xã Trí Nang; trồng cây ăn quả của hộ ông Lê Văn Tuấn ở thị trấn Lang Chánh; chăn nuôi trâu, bò của hộ ông Hà Văn Chuẩn ở xã Lâm Phú; chăn nuôi dê thương phẩm, dê giống của hộ ông Lê Văn Trưởng ở xã Đồng Lương...

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”, trong những năm qua, các phong trào thi đua yêu nước, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đơn vị tổ chức phong trào giỏi đã được các cấp hội nông dân trong tỉnh tập trung triển khai chỉ đạo. Nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi tiêu biểu đã được hội viên nông dân vùng đồng bào DTTS&MN triển khai đã và đang mang lại hiệu quả như: Mô hình “Nuôi gà trên đệm lót sinh học” tại xã Lộc Thịnh, huyện Ngọc Lặc; các mô hình “Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản trong nông hộ” tại Thạch Thành, Như Thanh; “Tổ hợp tác chăn nuôi dê sinh sản bán chăn thả” tại Bá Thước, Ngọc Lặc, Lang Chánh... Từ phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, những tấm gương xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của giai cấp nông dân.

Cùng với thực hiện các phong trào thi đua, các cấp hội nông dân đã và đang triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), trong đó có Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình 1719). Giai đoạn 2021-2025, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tuyên truyền, vận động nông dân các dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, chính sách dân tộc nói riêng; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân các dân tộc thiểu số xây dựng mô hình phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thời gian qua, các cấp hội thực hiện tín chấp và nhận ủy thác với các ngân hàng cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh và triển khai thực hiện hiệu quả các dự án theo Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình 120), Quỹ hỗ trợ nông dân. Các cấp hội nông dân quan tâm chỉ đạo xây dựng các mô hình phát triển kinh tế gắn với việc phát triển các tổ liên kết, hợp tác với nhau trong sản xuất theo hình thức nhóm hộ. Hỗ trợ hội viên, nông dân quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức dạy nghề cho nông dân và hoạt động an sinh xã hội; cung ứng vật tư, phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận khoa học - kỹ thuật, đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... góp phần quan trọng cùng với Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra.

Thanh niên tiên phong khởi nghiệp

Khởi nghiệp đã không còn xa lạ đối với nhiều người, đặc biệt đối với đoàn viên, thanh niên. Khởi nghiệp vốn dĩ là con đường đầy khó khăn và càng khó khăn hơn với những bạn chọn khởi nghiệp ở miền núi.

Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Phát huy vai trò của hội nông dân, đoàn thanh niên trong khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp khu vực miền núiChung kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa” năm 2023. Ảnh: Anh Tuân

Ở quê hương Bá Thước, nhiều người biết đến cây quýt hoi (quýt hôi), nổi tiếng nhất là xã Ban Công, Thành Sơn. Quýt hoi có đặc điểm quả nhỏ, vỏ hơi sần sùi, ăn chua hơn các loại quýt khác, nhưng có hương vị thơm đặc trưng. Người vùng cao thường dùng vỏ quýt hoi làm trà uống để chữa bệnh ho hen. Tuy nhiên không phải vùng nào quýt hoi cũng phát triển được, mà chỉ có khu vực Pù Luông quýt ngon và trồng nhiều hơn cả. Là những người con dân tộc thiểu số, sinh ra và lớn lên ở nơi núi cao của quê hương Bá Thước, tuổi thơ của Hà Hồng Nhung và Hà Thanh Nhàn gắn liền với hình ảnh những mùa quýt hoi chín vàng. Sau khi nghiên cứu thành công sản phẩm trà quýt hoi, năm 2020, Công ty TNHH PuLuong Cuisine được thành lập bắt nguồn từ tâm huyết của những thanh niên trẻ là Nhung và Nhàn với mong muốn góp phần giữ gìn, phát huy nét đặc sắc trong văn hóa, ẩm thực của quê hương Bá Thước, gắn với du lịch để quảng bá hình ảnh quê hương với bạn bè trong và ngoài nước. Trà quýt hoi - sản phẩm từ sườn núi Pù Luông của nhóm tác giả Hà Thanh Nhàn, Hà Hồng Nhung (Bá Thước) tham dự cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa, lần thứ X năm 2022 và đoạt giải nhất. Hiện nay, sản phẩm trà Quýt hoi - Tinh hoa ẩm thực Pù Luông đã nhận được sự tin dùng của khách hàng và trở thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Đồng chí Lê Văn Châu, Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Tỉnh Thanh Hóa hiện nay có hơn 1 triệu thanh niên, chiếm gần 50% lao động toàn tỉnh. Thời gian qua, để thúc đẩy phong trào thanh niên khởi nghiệp tại các địa phương, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp xây dựng, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp trong vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh các hoạt động truyền cảm hứng, cổ vũ, động viên thanh niên mạnh dạn, tự tin khởi nghiệp; phát hiện, hỗ trợ và nhân rộng các mô hình thanh niên khởi nghiệp hiệu quả. Từ năm 2017, Tỉnh đoàn đã phát động cuộc thi “Dự án khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa” (trước đó có tên gọi là “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa”). Từ cuộc thi, các ý tưởng cũng có cơ hội thu hút vốn đầu tư từ các doanh nhân, doanh nghiệp. Nhiều mô hình, nhiều ý tưởng sáng tạo được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, giúp đa dạng con đường lập thân, lập nghiệp. Bên cạnh đó, chương trình đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp đã được các cấp bộ đoàn trong tỉnh quan tâm triển khai sâu rộng và mang lại hiệu quả thiết thực. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cũng tham mưu đề xuất, được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch hỗ trợ thanh niên tỉnh khởi nghiệp giai đoạn 2023-2030. Năm 2023, Tỉnh đoàn chủ trì phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đề xuất UBND tỉnh sửa đổi đề án quy chế quỹ tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cho thanh niên nhằm mở rộng đối tượng, tháo gỡ, giảm thiểu các thủ tục hồ sơ, vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh cho thanh niên.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai thực hiện Kế hoạch số 182/KH-UBND, ngày 4/7/2023 của UBND tỉnh về triển khai nội dung số 03 thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 3: Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN thuộc Chương trình 1719. Nhằm triển khai có hiệu quả các hoạt động giai đoạn 2023-2025, Ban Dân tộc tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai nội dung số 03, trong đó sẽ phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức diễn đàn “Thanh niên giao lưu, kết nối, chia sẻ kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp tại vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”; đồng thời tổ chức cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên vùng đồng bào DTTS&MN; tổ chức hội nghị biểu dương thanh niên, sinh viên, người có uy tín tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công trong năm 2024.

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]